Kiểm toán trong môi trường dữ liệu lớn - Kinh nghiệm từ các SAI: Ứng dụng dữ liệu lớn: Xu thế tất yếu của các SAI trong kỷ nguyên số

Các nước trên thế giới nói chung và châu Á nói riêng rất coi trọng vai trò của dữ liệu lớn (DLL) đối với sự phát triển kinh tế - xã hội. Trong bối cảnh đó, việc chuẩn bị những hành trang cần thiết để ứng dụng DLL vào công tác chuyên môn giúp các cơ quan kiểm toán tối cao (SAI) mở rộng phạm vi kiểm toán, cải thiện năng lực hoạt động.

Những chiến lược phát triển dữ liệu lớn tại châu Á

Theo Tổ chức Các cơ quan Kiểm toán tối cao châu Á (ASOSAI), dữ liệu có thể so sánh như mỏ kim cương trong thế kỷ XXI. Nhận thức rõ vai trò quan trọng của DLL trong phát triển kinh tế - xã hội, các nước châu Á đã ban hành các luật, quy định liên quan, xác định DLL là một loại tài nguyên chiến lược cơ bản, thúc đẩy sự chuyển đổi công nghiệp nhiên liệu, nâng cấp công nghiệp và đổi mới quản lý xã hội.

Năm 2015, Trung Quốc đã ban hành Đề cương Xúc tiến hành động cho việc phát triển DLL. Năm 2016, quốc gia này đã đưa Chiến lược “Triển khai DLL quốc gia” vào Đề cương của Kế hoạch 5 năm lần thứ 30 về phát triển kinh tế - xã hội. Việc thực hiện chiến lược DLL quốc gia tạo động lực mới cho tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc và hỗ trợ cho công tác quản trị chính phủ.

Nhật Bản cũng xây dựng kế hoạch cơ bản cho việc sử dụng dữ liệu khu vực công và tư nhân, cải thiện việc sử dụng dữ liệu hiệu quả, toàn diện. Cùng với đó, Nhật Bản xây dựng các nguyên tắc cơ bản về dữ liệu mở, xây dựng Chiến lược “Chính phủ kỹ thuật số” và nhiều kế hoạch/hướng dẫn liên quan đến chiến lược công nghệ thông tin. Cổng thông tin điện tử Chính phủ Nhật Bản điều hành có thể cung cấp 599 loại dữ liệu thống kê do nhiều Bộ, ngành và tổ chức khác nhau tổng hợp, bao gồm các lĩnh vực khác nhau như: Dân số, gia đình, lao động, tiền lương, nông nghiệp, thương mại, kinh tế...

Một quốc gia khác là Thái Lan cũng xây dựng chiến lược phát triển DLL quốc gia trong quy hoạch kinh tế số tổng thể, dự kiến hoàn thành kế hoạch chiến lược trong 3-5 năm tới. Kế hoạch này bao gồm nhiệm vụ của các cơ quan chính phủ, các chương trình và dự án quan trọng cần triển khai, khung tổ chức, cơ chế đánh giá. Đến nay, Thái Lan đã thu thập và tích hợp dữ liệu thông tin cơ bản (dân số, địa lý, không gian); dữ liệu hoạt động của các cơ quan chính phủ (môi trường, tài nguyên, công nghiệp và giao thông vận tải); dữ liệu thị trường (cung cấp điện, sử dụng nước và giảm phát thải).

Tại Việt Nam, chiến lược phát triển DLL quốc gia là một phần của quy hoạch đặc biệt do Chính phủ xây dựng. Kế hoạch này bao gồm các mục tiêu, tiêu chí, nhiệm vụ, biện pháp, trách nhiệm của các cơ quan chính phủ, các chương trình và dự án quan trọng cần thực hiện, bố trí ngân sách, khung tổ chức, cơ chế đánh giá, hỗ trợ nguồn nhân lực… Đến nay, Việt Nam đã thu thập và tích hợp dữ liệu về tài chính, thuế và ngân sách; dữ liệu cơ bản về dân số, doanh nghiệp, địa lý, không gian.
 
Dữ liệu lớn tác động toàn diện đến hoạt động của các SAI

Với sự ra đời của kỷ nguyên DLL, thao tác kiểm toán được nhập trực tiếp vào dữ liệu hoạt động từ các đơn vị được kiểm toán. Việc sử dụng công nghệ DLL để thực hiện kiểm toán là một cách tiếp cận không thể thiếu trong thời đại phát triển hiện nay. Phần lớn các nước châu Á đã thực hiện tự động hóa quy trình văn phòng, một số nước như: Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan có thể sử dụng đầy đủ các công cụ cơ sở dữ liệu trong công tác kiểm toán.

Văn phòng Kiểm toán quốc gia Trung Quốc (CNAO) đã thành lập Cục Kiểm toán dữ liệu điện tử và Trung tâm dữ liệu kiểm toán quốc gia vào năm 2014. Tháng 5/2016, CNAO đã ban hành Kế hoạch phát triển công tác kiểm toán quốc gia giai đoạn 5 năm lần thứ 13, với mục tiêu: Đẩy nhanh tiến độ xây dựng thông tin hóa kiểm toán nhằm nâng cao năng lực và hiệu quả kiểm toán; hình thành hệ thống thông tin kiểm toán quốc gia thống nhất; tăng cường phân tích dữ liệu; mở rộng sử dụng công nghệ DLL và tăng cường khả năng sử dụng công nghệ thông tin để phát hiện vấn đề, đánh giá, phán đoán và phân tích vĩ mô và tạo nên “Đám mây kiểm toán quốc gia”. Hiện nay, công nghệ DLL đã được sử dụng rộng rãi trong kiểm toán thực thi ngân sách tài chính, kiểm toán trách nhiệm kinh tế cán bộ lãnh đạo và kiểm toán tài nguyên. Công nghệ dữ liệu lớn thực sự là một nguồn cung cấp quan trọng giúp phạm vi kiểm toán được thực hiện đầy đủ.

Tương tự với CNAO, Phòng Kiểm toán và tài khoản Ấn Độ đã triển khai chính sách quản lý DLL (năm 2015) và thành lập Trung tâm phân tích và quản lý dữ liệu chuyên dụng (CDMA). Đây là một sáng kiến lớn của SAI Ấn Độ trong việc áp dụng phân tích dữ liệu và thể chế hóa các hoạt động liên quan, dựa trên hướng dẫn hiện hành về kiểm toán hiệu suất, kiểm toán tuân thủ, kiểm toán tài chính, kiểm toán tiêu chuẩn và các hướng dẫn, sổ tay khác.

Ủy ban Kiểm toán và Thanh tra Hàn Quốc cũng đã thành lập một bộ phận kiểm toán dữ liệu độc lập với hơn 20 nhân viên chuyên về kiểm toán dữ liệu; xây dựng chiến lược kiểm toán dữ liệu độc lập và thu thập dữ liệu quản lý từ cơ quan tài chính, cơ quan thuế và các cơ quan có thẩm quyền khác.

Còn với Ủy ban Kiểm toán Nhật Bản, cơ quan này có một bộ phận phát triển và triển khai hệ thống thông tin kiểm toán, hỗ trợ công nghệ máy tính cho kiểm toán viên trong các dự án kiểm toán. Nhật Bản đã phát triển một hệ thống thông tin kiểm toán có độ an toàn cao, được thiết kế để xác minh tài khoản tài chính quốc gia, thực hiện quản lý và kiểm toán các loại dữ liệu khác nhau. Trong khi đó, các SAI: Saudi Arabia, Banladesh cũng đã phát triển các kế hoạch kiểm toán dữ liệu có liên quan và thu thập dữ liệu điện tử về tài chính, thuế./.
 
Một số SAI ở châu Á đã tận dụng tính minh bạch, sẵn có và độ tin cậy của dữ liệu từ chính phủ, đồng thời thành lập các nhóm phân tích DLL gồm các chuyên gia của SAI từ nhiều lĩnh vực. Thông qua kỹ thuật phân tích kiểm toán, các SAI xác định và đánh giá rủi ro kiểm toán một cách khoa học, thu thập bằng chứng nhanh chóng, tích hợp các nguồn lực và cải thiện đáng kể hiệu quả kiểm toán.


NGUYỄN LY
(Báo Kiểm toán số 43/2022)