Kế hoạch chi tiết cho nền kinh tế xanh của Ấn độ

Mới đây, Báo Ấn Độ đăng bài viết của Tổng Kiểm toán & kiểm soát Ấn Độ (CAG) về Kế hoạch chi tiết cho nền kinh tế xanh.

Với vai trò Chủ tịch SAI20, CAG Ấn Độ đặt mục tiêu chung tay thiết lập một khuôn khổ cho các quốc gia G20 (Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới) để đảm bảo sự công bằng giữa các thế hệ và giảm thiểu biến đổi khí hậu trong quá trình phát triển tài nguyên đại dương. Dưới nhiệm kỳ Chủ tịch của Ấn Độ, các nhà lãnh đạo G20 sẽ giải quyết các nhu cầu cấp bách về chính sách để đạt được sự tiến bộ chung, công bằng và tăng trưởng toàn diện. Với chủ đề hội nghị thượng đỉnh là “Một Trái đất, Một gia đình, Một Tương lai”, Ấn Độ đã thiết lập tinh thần và quan điểm về cam kết đối với xu hướng phát triển xanh, nền kinh tế tuần hoàn và thay đổi hành vi lối sống như một kế hoạch khả thi nhằm đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững năm 2030. Một loạt các sự kiện cũng sẽ được tổ chức trên toàn quốc để tập trung vào các giải pháp cho nhiều vấn đề từ tài chính khí hậu và chia sẻ công nghệ đến tài chính toàn diện và cơ sở hạ tầng kỹ thuật số. 

Tổng CAG sẽ chủ trì SAI20, Nhóm tham gia của các Cơ quan kiểm toán tối cao (SAls) thuộc các quốc gia G20 tại Goa vào tháng 6. Hai lĩnh vực ưu tiên đã được chọn cho các cuộc thảo luận SAI20 là nền kinh tế xanh và trí tuệ nhân tạo có trách nhiệm. Sự tham gia của các SAI trong việc tham vấn cho các nhà lãnh đạo, điều hành là rất quan trọng đối với việc cân bằng các mối quan tâm chính về phát triển, đồng thời đảm bảo phát triển bền vững. Vai trò của SAI trong việc thúc đẩy công bằng giữa các thế hệ và giải quyết các mối lo ngại về biến đổi khí hậu nêu bật tầm quan trọng của họ trong việc đảm bảo rằng lợi ích của tăng trưởng kinh tế được chia sẻ công bằng giữa các thế hệ. Đối với SAI20, CAG phải xây dựng các công cụ dựa trên công nghệ để đánh giá các giải đất ven biển và theo dõi chất lượng nước biển. Các quốc gia thành viên SAI20 đang tham gia vào một hoạt động hợp tác để xây dựng các bộ công cụ kiểm toán liên quan trên toàn cầu cùng với bản tóm tắt về các nghiên cứu điển hình và những thách thức trong khuôn khổ kiểm toán không gian ven biển rộng lớn hơn, bao gồm khung pháp lý và thể chế, tuân thủ quy định ven biển, bảo tồn đa dạng sinh học, tăng cường năng lực và tuân thủ các SDG.

Nền kinh tế xanh là chủ đề ngày càng được quan tâm  trong những năm gần đây. Năm 2018, Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) lần đầu tiên đưa ra Nguyên tắc tài chính cho nền kinh tế xanh bền vững. Đây là một khuôn khổ mà các nhà đầu tư có thể sử dụng để hỗ trợ tài chính cho các ngành công nghiệp dựa vào đại dương. Các nhà tài chính có thể sử dụng nguyên tắc này như một điểm tham chiếu để hiểu đầu tư vào biển có thể tác động như thế nào đến sinh kế và xóa đói giảm nghèo. Bốn mục đích và 23 mục tiêu đặt ra trong khuôn khổ đa dạng sinh học toàn cầu của COP15 nhằm bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học của hành tinh. Các mục tiêu này tập trung vào các chủ đề như giảm tốc độ suy thoái đa dạng sinh học, đảm bảo chia sẻ công bằng và hợp lý lợi ích phát sinh từ việc sử dụng các nguồn gen và phục hồi các hệ sinh thái bị suy thoái. Khuôn khổ này nhằm tăng cường sự phối hợp và hợp tác giữa các quốc gia và các bên liên quan để bảo tồn hiệu quả đa dạng sinh học, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững. Khuôn khổ đa dạng sinh học của COP15 đóng vai trò là kế hoạch chi tiết để các quốc gia hợp tác cùng nhau và đạt được tiến bộ trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng đa dạng sinh học toàn cầu.

Tổng CAG khẳng định, với vai trò là cơ quan kiểm toán công, CAG luôn coi trọng tính độc lập, trách nhiệm giải trình và tính minh bạch. CAG kiên định với cam kết tăng cường kiểm toán hoạt động và tuân thủ liên quan đến tài chính nhà nước, quản trị địa phương và kiểm toán môi trường. Thiết lập các tiêu chuẩn về tính tuân thủ và khuôn khổ kế toán quốc gia đối với nền kinh tế xanh là ưu tiên dài hạn của CAG.

Ấn Độ đã đánh dấu nền kinh tế xanh là một trong 10 lĩnh vực cốt lõi góp phần vào sự tăng trưởng quốc gia và Chính sách kinh tế xanh quốc gia nhằm khai thác tài nguyên biển và bảo tồn đa dạng sinh học biển phong phú của quốc gia đã được Bộ Khoa học Trái đất xây dựng. Vào tháng 8 năm ngoái, CAG đã đệ trình Báo cáo Bảo tồn Hệ sinh thái Ven biển lên Quốc hội. Báo cáo xem xét tính hiệu quả của các động lực phát triển như giải phóng mặt bằng dự án, hoạt động xây dựng, năng lực thể chế để hạn chế vi phạm đất đai và rừng, cơ chế hỗ trợ sinh kế cộng đồng, cũng như các kế hoạch quản lý để bảo tồn đa dạng sinh học. Cuộc kiểm toán đã đưa ra các khuyến nghị tập trung để giúp cải thiện hệ sinh thái CRZ.

Các bộ công cụ do SAI20 xây dựng dưới sự lãnh đạo của CAG Ấn Độ sẽ được trình bày tại cuộc họp của Nhóm tham gia SAI20. Đây sẽ là cơ hội duy nhất cho việc đối thoại và thỏa thuận mang tính xây dựng nhằm cải thiện việc kiểm toán hiệu quả hoạt động trong các lĩnh vực cụ thể của các hoạt động dựa vào đại dương. Nỗ lực hợp tác này sẽ không chỉ tăng cường năng lực cho kiểm toán viên các quốc gia thành viên SAI20 mà còn giúp các cộng đồng kiểm toán khu vực như ASOSAI và AFROSAI bằng cách cung cấp một công cụ kiểm toán chung và có thể nhân rộng. Công cụ kiểm toán này sẽ giúp đánh giá việc các mục tiêu chính sách được lập kế hoạch và được thực hiện như thế nào, cũng như mức độ hiệu quả nguồn lực được duy trì như thế nào trong khi tận dụng các cơ hội kinh tế hướng tới mô hình phát triển toàn cầu dựa trên nền kinh tế xanh thực sự bền vững./.

(Bản tin quốc tế số 148 của Vụ HTQT)