Hội thảo nâng cao vai trò của KTNN trong việc hỗ trợ Quốc hội, Hội đồng nhân dân quyết định dự toán NSNN hàng năm

Sáng 4/10, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) tổ chức Hội thảo “Vai trò Kiểm toán Nhà nước (KTNN) trong việc hỗ trợ Quốc hội, HĐND quyết định dự toán ngân sách nhà nước hàng năm”. Hội thảo thu hút hơn 200 đại biểu đến từ Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội (UBTCNS), Bộ Tài chính, Bộ Y tế, các Trường Đại học, Viện nghiên cứu kinh tế và Ủy ban TCNS các tỉnh Hải Dương, Quảng Ninh… Ông Lê Hoàng Quân, Phó Tổng KTNN và ông Bùi Đặng Dũng, Phó chủ nhiệm UBTCNS của Quốc hội đồng chủ trì Hội thảo.

Theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước (NSNN), Quốc hội quyết định về dự toán, phân bổ và quyết toán NSNN. Với chức năng là cơ quan tham mưu của Quốc hội, Ủy ban TCNS đã thực hiện chức năng thẩm tra các báo cáo về lĩnh vực tài chính, NSNN, thể hiện chính kiến, cung cấp nhiều thông tin, số liệu về quản lý, điều hành NSNN được dư luận đồng tình, đánh giá cao. Tuy nhiên, do đội ngũ giúp việc còn mỏng và hạn chế nên việc thẩm định các báo cáo vẫn là khó khăn với Ủy ban. Theo đó, ông Bùi Đặng Dũng, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính và Ngân sách của Quốc hội đề nghị, cần tăng cường hơn nữa quan hệ phối hợp giữa cơ quan lập dự toán (các bộ, ngành, địa phương), cơ quan thẩm định dự toán (Bộ Tài chính, Bộ KH-ĐT) và các cơ quan quốc hội mà chủ yếu là UBTCNS; hai là tăng cường vai trò KTNN trong việc hỗ trợ Quốc hội quyết định dự toán NSNN và phân bổ NSTW hàng năm.

Theo ông Bùi Đặng Dũng, đoàn giám sát của UBTCNS đi bất cứ địa phương nào tiếp xúc cử tri cũng đều được phản ánh tình trạng các công trình, dự án lãng phí, không hiệu quả. Vấn đề này đặt ra yêu cầu cần phải sớm nghiên cứu sửa đổi Luật NSNN, đổi mới các quy định về phân định nguồn thu, chi giữa các cấp ngân sách, từng bước xóa bỏ tình trạng lồng ghép của hệ thống NSNN…

Đồng thuận quan điểm trên, ông Hoàng Văn Bảo, Chủ nhiệm UBTCNS Hội đồng Nhân dân (HĐND) tỉnh Hải Dương cho biết, ở địa phương, chuyển nguồn hàng năm rất lớn. Một số địa phương vẫn tồn tại tình trạng vẽ dự án để xin tiền nhưng sau không triển khai được, lại xếp vào chuyển nguồn. Ông Bảo cũng đề nghị, khi KTNN về địa phương nên dành thời gian thỏa đáng cho việc kiểm toán NS địa phương về thu - chi. Đối với địa phương, gốc để thu chi là do các văn bản Nhà nước quy định nên KTNN cần rà soát lại hệ thống định mức đó chuẩn chưa? Gốc mà chưa chuẩn thì thực tế không chuẩn được!

Theo GS.TS Nguyễn Văn Quynh, Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội, KTNN cần đổi mới phương thức kiểm toán NSNN, chuyển từ kiểm toán quyết toán, kiểm toán tuân thủ sang kiểm toán hoạt động. Dư luận sẽ hoan nghênh hơn nếu KTNN kiểm toán đẩy mạnh loại hình kiểm toán hoạt động: từ vay nợ trong nước, vay nợ nước ngoài đến các loại chi tiêu NS cụ thể… hoặc công tác thu-chi có thành tích gì thì việc kiểm toán hoạt động của KTNN đều chỉ ra được. Nếu làm được như vậy thì vai trò của KTNN đối với QH, HĐND các cấp rất lớn. “Tiền kiểm quan trọng hơn hậu kiểm bởi tiền kiểm góp phần giảm thiểu lãng phí ngay từ khâu lập dự toán chi ngân sách từ cấp Trung ương đến địa phương”, GS Quynh đặt vấn đề.

Theo Phó Tổng KTNN Lê Hoàng Quân, ý kiến các chuyên gia tại hội thảo vừa mang tính lý luận, vừa thực tiễn xung quanh các vấn đề tài chính-ngân sách từ TW đến địa phương. Các tham luận đều đưa ra các giải pháp tập trung giải quyết các bất cập trong vấn đề TC-NS hiện nay.



Trước hết, các ý kiến cho rằng, dự toán NSNN là một khâu quan trọng trong chu trình ngân sách, do vậy việc tổ chức kiểm toán dự toán NSNN hàng năm cũng cần được KTNN tiến hành như đã thực hiện kiểm toán chấp hành và quyết toán NSNN; thứ hai, cần phải đổi mới phương thức quản lý và phân bổ NSNN theo “đầu vào” sang phương thức quản lý theo “đầu ra” để đảm bảo tính hiệu quả và hợp lý trong việc phân bổ và sử dụng NSNN minh bạch ngay từ khâu lập dự toán; thứ ba, cần sớm triển khai thực hiện việc xây dựng dự toán trung hạn, từ 3 - 5 năm để các bộ và địa phương chủ động, cân đối và bố trí ngân sách; thứ tư là kết luận của KTNN là một trong những căn cứ pháp lý hỗ trợ Quốc hội, HĐND quyết định lập dự toán NSNN hàng năm; thứ năm, để hỗ trợ đắc lực Quốc hội, HĐND trong việc quyết định NSNN, đòi hỏi phải bổ sung và hoàn thiện địa vị pháp lý, chức năng, nhiệm vụ của KTNN trong hệ thống pháp luật của nước ta, đảm bảo sự tương thích và đồng bộ giữa Hiến pháp, Luật và các văn bản dưới luật. Đặc biệt, trong Luật NSNN, phải quy định rõ vai trò và sự tham gia của KTNN ngay từ đầu quá trình xây dựng cho đến khi Quốc hội, HĐND quyết định dự toán NSNN hàng năm.

Theo Phó Tổng KTNN, để hoàn thành chức năng nhiệm vụ của mình, KTNN cần phải chuẩn bị nguồn lực có chất lượng, trong đó đặc biệt là đội ngũ kiểm toán viên có đủ trình độ, nghiệp vụ, có đạo đức và bản lĩnh nghề nghiệp, am hiểu sâu về các lĩnh vực tài chính, ngân hàng và kinh tế vĩ mô để tiến tới kiểm toán hoạt động NSNN và kiểm toán trước - kiểm toán dự toán NSNN. Trong thời gian tới, cần thiết phải xây dựng và tiến tới luật hóa cơ chế phối hợp giữa các ủy ban của Quốc hội, Bộ Tài chính, Bộ KH-ĐT, Văn phòng Chính phủ, HĐND với KTNN trong hoạt động kiểm toán của KTNN cũng như hoạt động giám sát, kiểm tra của các cơ quan Quốc hội, HĐND./.
 
Thu Hương