Họp Hội đồng thẩm định Chương trình đào tạo kiểm toán công nghệ thông tin

(kiemtoannn.gov.vn) - Ngày 24/11/2017, tại Hà Nội, Hội đồng thẩm định Chương trình và Chương trình chi tiết Chương trình đào tạo kiểm toán công nghệ thông tin (CNTT) của Kiểm toán nhà nước (KTNN), do TS. Lê Đình Thăng làm Chủ tịch đã tổ chức họp thẩm định. Dự họp có các thành viên Hội đồng thẩm định và Ban biên soạn tài liệ

 
Theo Ban biên soạn tài liệu đào tạo bồi dưỡng Chương trình kiểm toán CNTT, mục tiêu của Chương trình nhằm trang bị cho học viên các kiến thức, kỹ năng về kiểm toán CNTT, đáp ứng yêu cầu phát triển lĩnh vực kiểm toán CNTT của KTNN. Vì vậy, đối tượng chính mà tài liệu hướng tới là Kiểm toán viên được phân công hoặc dự kiến phân công thực hiện nhiệm vụ kiểm toán CNTT và những đối tượng khác có nhu cầu bồi dưỡng kiến thức chuyên môn về kiểm toán CNTT.
 
Chương trình đào tạo được thiết kế với thời lượng 128 tiết  và chia thành 2 cấp độ, trong đó cấp độ 1 có 3 chuyên đề, 48 tiết học và 16 tiết ôn tập, kiểm tra. Cấp độ 2 có 4 chuyên đề, 48 tiết học và 16 tiết ôn tập, kiểm tra. 
 
Chương trình đào tạo cũng dành khoảng 60% thời gian để người học trao đổi kinh nghiệm, giải quyết tình huống và thảo luận nhóm. Cấp độ 1 cung cấp cho người học về nền tảng của kiểm toán CNTT cùng hệ thống kiểm soát CNTT; những ứng dụng CNTT trong hoạt động kiểm toán (CAATs). Cấp độ 2 là bước nâng cao về các dự án CNTT; các chuyên đề chuyên sâu về kiểm toán CNTT.
 
Ở chương trình đào tạo Kiểm toán CNTT - Cấp độ 1, người học sẽ tập trung nghiên cứu về: Tổng quan về kiểm toán CNTT; Kiểm toán Hệ thống CNTT; Tiếp cận, chuẩn hóa, phân tích và truy vấn dữ liệu kiểm toán trong môi trường CNTT...
 
Chương trình đào tạo Kiểm toán CNTT - Cấp độ 2, học viên được cung cấp các kiến thức, kỹ năng chuyên sâu như: Kiểm toán việc vận hành và kiểm soát ứng dụng CNTT; Kiểm toán Dự án Công nghệ thông tin; Kiểm toán việc bảo đảm hệ thống CNTT vận hành liên tục và Kiểm toán An toàn thông tin...
 
Nhận xét về giá trị ứng dụng của tài liệu, các thành viên Hội đồng thẩm định đều thống nhất cho rằng: KTNN đang trong giai đoạn đầu hình thành và triển khai lĩnh vực kiểm toán CNTT. 
 
Vì vậy, việc xây dựng chương trình đào tạo là hết sức cần thiết và có tính ứng dụng tốt.  Nội dung tài liệu giúp Kiểm toán viên nhận thức được vai trò, ảnh hưởng của CNTT đến công tác kiểm toán, cũng như có khả năng thực hiện đầy đủ trình tự, nội dung của một cuộc kiểm toán CNTT; giúp KTNN dần dần xây dựng đội ngũ Kiểm toán viên CNTT.   
 
Chương trình đào tạo được kết cấu thành 02 cấp độ là phù hợp với yêu cầu của tài liệu. Đối với mỗi chuyên đề đã xác định được đối tượng, mục tiêu, thời lượng và chương trình đào tạo cụ thể. Chương trình đã đưa ra được những kiến thức cơ bản cũng như chuyên sâu một số lĩnh vực về kiểm toán CNTT. Ngoài việc giúp Kiểm toán viên có cái nhìn tổng quan về vai trò cũng như nội dung của kiểm toán CNTT trong các cuộc kiểm toán, chương trình đi sâu vào một số nội dung quan trọng như: Kiểm toán hệ thống CNTT, kiểm toán an toàn thông tin, kiểm toán dự án CNTT.   
 
Hội đồng thẩm định đánh giá cao sự đầu tư công phu và nghiêm túc trong việc biên soạn tài liệu, thể hiện được tính tiên phong và làm việc nghiêm túc của Ban biên soạn đối với một lĩnh vực kiểm toán mới.  Tài liệu cơ bản đã bám sát các Chuẩn mực kiểm toán có liên quan và hướng dẫn quy trình kiểm toán CNTT của KTNN. 
 
Để hoàn thiện tài liệu, các thành viên trong Hội đồng thẩm định đã đưa ra những ý kiến, đề xuất cụ thể về bố cục, nội dung của tài liệu; thời lượng và phương pháp đào tạo.
 
Phát biểu kết luận buổi thẩm định, TS. Lê Đình Thăng, Chủ tịch Hội đồng cho rằng, việc xây dựng Chương trình kiểm toán CNTT là vô cùng cấp thiết và quan trọng trong giai đoạn hiện nay, nhằm nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động của cơ quan KTNN. 
 
Trên cơ sở các ý kiến của Hội đồng thẩm định, TS. Lê Đình Thăng đề nghị chủ trì biên soạn tài liệu nghiên cứu tiếp thu các ý kiến đóng góp của thành viên Hội đồng, trong đó tập trung vào nội dung: Bổ sung các điều kiện tiên quyết và các yêu cầu đầu ra của mỗi cấp độ đào tạo; cân đối lại thời lượng đào tạo; đổi mới phương pháp đào tạo theo hình thức tương tác, làm việc theo nhóm, khuyến khích các ví dụ minh họa các vấn đề phát sinh từ thực tế kiểm toán. 
 
Ghi nhận sự nỗ lực cố gắng của tác giả biên soạn chuyên đề, Hội đồng thẩm định thống nhất: Tài liệu đào tạo, bồi dưỡng Chương trình kiểm toán CNTT đạt yêu cầu nhưng phải chỉnh sửa hoàn thiện. Thời gian chỉnh sửa hoàn thiện tài liệu là 20 ngày tính từ ngày Hội đồng thẩm định cho ý kiến./.
 
D. Thúy