Phiên họp thứ 26 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Giám sát về quản lý, sử dụng vốn vay nước ngoài

Ngày 9/8/2018, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục Phiên họp thứ 26, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về việc bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 và năm 2018 vốn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Ireland cho Chương trình 135; tiến hành giám sát chuyên đề Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý và sử dụng vốn vay nước ngoài giai đoạn 2011-2016. Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển điều khiển Phiên họp.

Dự họp có Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh, đại diện lãnh đạo một số Bộ, ngành: Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch& Đầu tư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn… Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Nguyễn Tuấn Anh dự họp.

Cho phép Chính phủ tiếp nhận, phân bổ, giao vốn và chỉ đạo giải ngân theo tiến độ dự án

Báo cáo thẩm tra việc bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 và năm 2018 vốn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Ireland cho Chương trình 135 do Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách (TCNS) Nguyễn Đức Hải trình bày cho biết: Khoản viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Ireland cho các tỉnh Hà Giang, Hòa Bình, Quảng Trị, Kon Tum và Trà Vinh để hỗ trợ cho các xã đặc biệt khó khăn thuộc Chương trình 135 trong giai đoạn 2017 - 2020. Tuy nhiên, trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 theo Nghị quyết số 26/2016/QH14 của QH và dự toán năm 2018 được QH thông qua chưa bao gồm khoản viện trợ này.

Ủy ban TCNS cho rằng, theo quy định của Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách Nhà nước và Nghị quyết 26/2016/QH14 của QH thì thẩm quyền xem xét quyết định bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 và bổ sung dự toán ngân sách nhà nước năm 2018 thuộc thẩm quyền của QH. Tuy nhiên, do đây là khoản viện trợ ODA không hoàn lại, có tính cấp bách hỗ trợ cho các xã đặc biệt khó khăn thuộc Chương trình 135; nhà tài trợ đã chuyển tiền vào ngân sách nhà nước theo đúng cam kết. Việc bổ sung nguồn vốn này không gây ảnh hưởng đến nợ công và bội chi ngân sách nhà nước đã được QH quyết định. Ủy ban TCNS cho rằng cần có giải pháp giải quyết kịp thời vấn đề này, tránh ảnh hưởng đến tiến độ dự án đã được cam kết và uy tín của Việt Nam với nhà tài trợ. Do vậy, Ủy ban kiến nghị UBTVQH nhất trí về mặt nguyên tắc, cho phép Chính phủ tiếp nhận, phân bổ, giao vốn và chỉ đạo giải ngân theo tiến độ dự án và đề nghị Chính phủ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6 việc bổ sung danh mục kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020, bổ sung dự toán NSNN  năm 2018 là 79.854 triệu đồng từ nguồn vốn viện trợ của Chính phủ Ailen cho 5 tỉnh Hà Giang, Hòa Bình, Quảng Trị, Kon Tum và Trà Vinh theo đúng quy định của Luật NSNN và Luật Đầu tư công.
Cho ý kiến về nội dung này, các đồng chí Ủy viên UBTVQH thống nhất với quan điểm của Ủy ban Tài chính - Ngân sách và nhất trí về nguyên tắc, cho phép Chính phủ tiếp nhận, phân bổ, giao vốn và chỉ đạo giải ngân theo tiến độ dự án.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách phát biểu tại Phiên họp


319 hiệp định được ký kết

Theo Báo cáo tóm tắt kết quả giám sát Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng nguồn vốn vay nước ngoài giai đoạn 2011 - 2016 do Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải trình bày, trong giai đoạn 2011-2016, QH, Chính phủ, các cấp, các ngành đã nỗ lực trong xây dựng, ban hành văn bản pháp luật để điều chỉnh việc quản lý và sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài. Các Nghị định hướng dẫn liên quan đến nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ từ khâu lựa chọn và xây dựng dự án, tổ chức thực hiện và quản lý, đến khâu kiểm tra, giám sát, đánh giá dự án.
Thống kê, giai đoạn 2011-2016, đã có 319 hiệp định được ký kết với tổng giá trị đạt khoảng đạt 33,643 tỷ USD. Trong đó, ODA vốn vay và vốn vay ưu đãi đạt 32,296 tỷ USD, chiếm khoảng 96% và ODA viện trợ không hoàn lại đạt 1,346 tỷ USD chiếm khoảng 4% so với tổng vốn ODA và vốn vay ưu đãi đã ký kết cho thời kỳ này. Về dư nợ, đến 31.12.2016, nợ nước ngoài của quốc gia là 44,3% GDP, trong giới hạn cho phép (không quá 50% GDP theo Nghị quyết của QH).

Về tình hình bố trí vốn đối ứng, giai đoạn 2011-2016, việc bố trí vốn kế hoạch đầu tư trong từng ngành, lĩnh vực của Bộ, ngành trung ương và địa phương đã được quan tâm, theo đó đã ưu tiên bố trí vốn đối ứng cho dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài. Trong đó, nguồn lực đối ứng chủ yếu dành cho các công trình giao thông (31.146 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng lớn trong tổng vốn đối ứng); đối với các địa phương, vốn đối ứng từ nguồn NSTW hỗ trợ có mục tiêu cho các dự án ODA của địa phương đã tập trung ưu tiên khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Miền núi phía Bắc, Tây Nguyên.
 
Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Nguyễn Tuấn Anh phát biểu tại Phiên họp

Bên cạnh đó, công tác thanh tra, kiểm toán các chương trình, dự án nhìn chung đã được thực hiện đầy đủ theo các hình thức như: thanh tra, kiểm toán định kỳ, kiểm toán độc lập, kiểm toán hoàn thành dự án theo đúng các quy định hiện hành của Việt Nam và nhà tài trợ. Các Bộ, ngành liên quan đã phối hợp để thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán việc quản lý, sử dụng vốn vay nước ngoài các chương trình, dự án. Sau khi kiểm toán, các Bộ đã tích cực thực hiện các kiến nghị của Kiểm toán nhà nước .

Đánh giá hiệu quả của các dự án, công trình đầu tư từ nguồn vốn ODA, vay ưu đãi nước ngoài giai đoạn 2011-2016, Báo cáo cho rằng,  các dự án, công trình đầu tư từ nguồn vốn ODA, vay ưu đãi nước ngoài giai đoạn 2011-2016 cơ bản phù hợp với nhu cầu, định hướng phát triển kinh tế - xã hội và chủ trương của Đảng, Quốc hội, Chính phủ. Trong giai đoạn này, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức song Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu phát triển kinh tế, xã hội quan trọng: tăng trưởng kinh tế được duy trì ở mức hợp lý, quy mô và tiềm lực của nền kinh tế tiếp tục tăng, các mặt của đời sống xã hội, kinh tế nông nghiệp nông thôn có những bước khởi sắc.

Nhiều công trình, dự án trọng điểm quốc gia sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi trong các lĩnh vực: giao thông , thủy lợi, năng lượng , môi trường ... đã hoàn thành, được đưa vào khai thác, góp phần hoàn chỉnh, hiện đại hóa hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội. Một phần quan trọng nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi, nhất là vốn viện trợ không hoàn lại đã được sử dụng để hỗ trợ giảm nghèo bền vững thông qua Chương trình 135 giai đoạn II, dự án phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn quy mô nhỏ ở các tỉnh miền núi phía Bắc và một số tỉnh Tây Nguyên; một số dự án tạo lập sinh kế cho người nghèo nông thôn và đồng bào dân tộc thiểu số ở một số địa phương như dự án phát triển nông nghiệp miền Tây Nghệ An; các dự án trong lĩnh vực y tế, giáo dục, khoa học công nghệ...

Nguồn vốn ODA đã góp phần quan trọng để thúc tăng trưởng kinh tế, cải thiện đời sống người dân, đóng góp đáng kể vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế trong bối cảnh hội nhập kinh tế; đẩy mạnh đào tạo, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, góp phần phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thúc đẩy quá trình chuyển giao công nghệ, tiếp thu khoa học kỹ thuật, kinh nghiệm quản lý tiên tiến của các nước phát triển.

Chất lượng dự án không cao, kéo dài, lãng phí

Bên cạnh những kết quả, thành công của nhiều dự án sử dụng vốn ODA và vay ưu đãi nước ngoài, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải chỉ rõ những tồn tại, hạn chế trong quản lý, sử dụng nguồn vốn này. Cụ thể, việc đàm phán, ký kết các hiệp định vay nợ chưa thống nhất đầu mối theo quy định của Luật Quản lý nợ công năm 2009 dẫn đến trong triển khai thực hiện chưa thống nhất, gắn kết giữa đàm phán, ký kết với phân bổ, sử dụng vốn và cân đối nguồn lực trả nợ. Việc huy động nguồn lực ODA chưa có chiến lược mang tính căn cơ, hiệu quả, chặt chẽ, còn thể hiện tính dàn trải, thiếu tập trung, chưa có trọng tâm, trọng điểm, manh mún, chưa dành sự quan thâm thích đáng đến việc xem xét hiệu quả sử dụng vốn vay.

Qua giám sát tại nhiều địa phương cho thấy, nhiều dự án có quy mô nhỏ lẻ, không mang tính đồng bộ, chưa gắn kết với quy hoạch tổng thể. Tính đồng bộ, kết nối của một số dự án chưa được chú trọng đúng mức, dẫn đến dự án chưa phát huy được hiệu quả bền vững, chưa có sức lan tỏa và kết nối vùng, miền làm giảm hiệu quả đầu tư. Công tác xây dựng kế hoạch, phân bổ vốn trong nhiều trường hợp chưa sát với nhu cầu thực tế. Chất lượng chuẩn bị một số dự án chưa đáp ứng yêu cầu, gây lãng phí, hiệu quả thấp. Một số dự án trả nợ chậm tiến độ, có những dự án không có khả năng trả nợ, đứng trước nguy cơ mất vốn, gây hậu quả nghiêm trọng cho ngân sách nhà nước…

Cùng nhận định này, Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải bổ sung: Rất nhiều các công trình nước sạch được đầu tư bằng nguồn vốn ODA nhưng sử dụng được một thời gian nước lại không về nữa? Hay, việc đầu tư xây dựng hạ tầng nông thôn mới nhanh chóng xuống cấp. Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ Phan Thanh Bình khẳng định, rõ ràng chất lượng các dự án sử dụng vốn ODA chưa cao, kéo dài, lãng phí. Ngay trong dữ liệu Báo cáo giám sát đã thừa nhận, có 10% số dự án sử dụng vốn ODA từ Ngân hàng thế giới, 20% số dự án sử dụng vốn ODA từ Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) không hiệu quả.

Bên cạnh đó, đa số ý kiến của các đồng chí Ủy viên UBTVQH đề nghị Báo cáo giám sát cần trả lời được các câu hỏi, việc sử dụng vốn vay ODA có thất thoát, lãng phí không? Những bộ, ngành, địa phương nào làm tốt, và không tốt? Bao nhiêu tập thể, cá nhân đang bị xem xét, xử lý trách nhiệm? Nhiều  ý kiến cũng đề nghị,  các cơ quan của QH cần giám sát chuyên sâu hơn nữa việc quản lý, sử dụng vốn vay ODA và vay ưu đãi nước ngoài. Chính phủ cần xác định rõ ai chịu trách nhiệm chính theo dõi các dự án ODA….

Thanh Hà