Tiến độ cổ phần hóa DNNN chậm, không đạt được số lượng cổ phần hóa 85 doanh nghiệp theo kế hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt

(sav.gov.vn) - Thông tin từ Bộ Tài chính, trong 9 tháng đầu năm 2018, có 11 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa, trong đó cổ phần hóa 10 doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) và 01 đơn vị sự nghiệp. Được biết, tổng giá trị doanh nghiệp là 29.634 tỷ đồng, trong đó giá trị vốn Nhà nước là 15.329 tỷ đồng. Bộ Tài chính nhận định rằng tiến độ cổ phần hóa bị chậm, có khả năng không đạt được số lượng cổ phần hóa 85 doanh nghiệp (gồm 21 doanh nghiệp thuộc danh mục năm 2017 và 64 doanh nghiệp thuộc danh mục năm 2018) theo kế hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Công văn số 991/TTg-ĐMDN.

Ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính cho biết, tiến độ cổ phần hóa bị chậm do: Tính kỷ luật chấp hành chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chưa được thực hiện nghiêm; chưa thực hiện quyết liệt; người đứng đầu doanh nghiệp có tư tưởng e dè do ngại thay đổi do phải lãnh đạo đơn vụ với một quy trình mới, chặt chẽ, công khai minh bạch, rõ ràng hơn và phải có nhiều bước đi hơn gắn với trách nhiệm người đứng đầu.

Được biết, giai đoạn 2017-2020, Chính phủ đã phê duyệt cổ phần hóa 127 doanh nghiệp: Năm 2017 cổ phần hóa 44 doanh nghiệp; năm 2018 cổ phần hóa 64 doanh nghiệp; năm 2019 cổ phần hóa 18 doanh nghiệp; Năm 2020 cổ phần hóa 01 doanh nghiệp.

Năm 2019 sẽ có hàng loạt đơn vị phải triển khai cổ phần hóa nhiều doanh nghiệp với giá trị lớn. Trong đó, tại Bộ Công Thương cổ phần hoá 2 Tập đoàn kinh tế gồm: Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam); Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cổ phần hóa Tổng công ty: Lương thực Miền Bắc, Cà phê Việt Nam; Bộ Thông tin và Truyền thông cổ phần hóa Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cổ phần hóa Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Tỉnh Đồng Nai cổ phần hóa Tổng công ty Công nghiệp thực phẩm Đồng Nai...

Cũng theo Bộ Tài chính, theo quyết định 1232/QĐ-Ttg ngày 17/8/2017 của Thủ tướng Chính phủ thì danh mục doanh nghiệp chuyển giao về SCIC giai đoạn 2017-2020 là 62 doanh nghiệp với tổng giá trị khoảng 11.000 tỷ đồng, trong đó có nhiều Tập đoàn và Tổng công ty có số vốn lớn, điển hình như: Tập đoàn Dệt may Việt Nam với giá trị vốn nhà nước khoảng 2.600 tỷ đồng; 6 Tổng công ty gồm Tổng công ty Thép Việt Nam (Vnsteel) với giá trị khoảng 6.300 tỷ đồng; Tổng công ty Xây dựng đường thuỷ, Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 5, Tổng công ty Xây dựng Công trình giao thông 8, Tổng công ty LICOGI, Tổng công ty Thiết bị y tế Việt Nam.

Bộ Tài chính cho biết, hiện các Bộ, ngành, UBND các tỉnh mới hoàn thành chuyển giao 25/62 doanh nghiệp với tổng vốn Nhà nước 953,28 tỷ đồng trên tổng vốn điều lệ 2.365 tỷ đồng. Trong đó, năm 2017 đã chuyển giao 21 doanh nghiệp về SCIC với số vốn nhà nước là 821,28 tỷ đồng; từ đầu năm 2018 đến nay đã chuyển giao 4 doanh nghiệp với số vốn 132 tỷ đồng. Số doanh nghiệp chưa chuyển giao gồm 37 doanh nghiệp với tổng số vốn Nhà nước là 10.113 tỷ đồng trên tổng số vốn điều lệ 14.721 tỷ đồng tại 5 Bộ và 8 UBND tỉnh, thành phố. Đối với 37 doanh nghiệp thuộc danh mục bàn giao theo Quyết định số 1232, cơ quan đại diện chủ sở hữu có trách nhiệm điều chỉnh lại tiến độ bàn giao để hoàn thành bàn giao về SCIC đến cuối năm 2018.

Để đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa Bộ Tài chính đề nghị các Bộ, ngành, địa phương, Tập đoàn, Tổng công ty nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về báo cáo các nội dung theo yêu cầu gửi  Bộ Tài chính để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Các doanh nghiệp thuộc danh sách cổ phần hóa, thoái vốn trong năm 2018, cơ quan đại diện chủ sở hữu khẩn trương thực hiện việc cổ phần hóa, thoái vốn, phấn đấu hoàn thành kế hoạch năm 2018. Các doanh nghiệp có khả năng không hoàn thành kế hoạch cần kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ các khó khăn, vướng mắc để xem xét, giải quyết.

Các doanh nghiệp cổ phần hóa năm 2018 cần khẩn trương rà soát toàn bộ quỹ đất đang quản lý, sử dụng để lập phương án sử dụng đất đai theo quy định của pháp luật đất đai trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt trước khi quyết định cổ phần hóa doanh nghiệp theo đúng quy định tại Nghị định số 167/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 và Nghị định số 126/2017/NĐ-CP ngày 16/11/2017.

Chỉ đạo người đại diện phần vốn nhà nước tại công ty cổ phần do mình quản lý yêu cầu doanh nghiệp khẩn trương thực hiện đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán. Nghiêm túc triển khai việc bàn giao các doanh nghiệp thuộc diện phải bàn giao về SCIC theo đúng quy định hiện hành.
Mặt khác, Bộ Tài chính cũng đề nghị tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát, kiểm toán, không để xảy ra thất thoát vốn, tài sản nhà nước trong quá trình sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn.

Kiên quyết xử lý các doanh nghiệp thua lỗ, các dự án đầu tư không hiệu quả, hiệu quả thấp theo cơ chế thị trường; Có cơ chế kiểm soát phù hợp nguồn vốn mua, bán, sáp nhập doanh nghiệp; Thực hiện công khai, minh bạch, đúng pháp luật trong đầu tư, quản lý tài chính, mua sắm, phân phối thu nhập, công tác cán bộ, cổ phần hóa, thoái vốn.

Chỉ đạo thực hiện tốt chính sách đối với người lao động và lao động dôi dư trong doanh nghiệp nhà nước thực hiện sắp xếp, đổi mới, trong đó có người quản lý, điều hành doanh nghiệp. Áp dụng các nguyên tắc quản trị doanh nghiệp theo thông lệ quốc tế./.

Chí Kiên