Xây dựng Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán Nhà nước năm 2015 đảm bảo chất lượng, tiến độ   

Tại Nghị quyết số 613/2018/UBTVQH14 ngày 13/12/2018 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc điều chỉnh Chương trình Xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định bổ sung việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN vào Chương trình Xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019. Thực hiện Nghị quyết này, trong năm 2019, một trong những nhiệm vụ trọng tâm đặt ra cho KTNN là dồn lực khẩn trương triển khai xây dựng Dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN năm 2015 theo đúng quy trình, đảm bảo chất lượng, tiến độ trình Dự án Luật.

 Rà soát, đề xuất sửa đổi các quy định phù hợp với thực tiễn

Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN năm 2015 xuất phát từ yêu cầu đặt ra tại Nghị quyết số 18-NQ/TW về “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”. Triển khai Nghị quyết này, tại Kế hoạch số 07-KH/TW ngày 27/11/2017, Ban Chấp hành T.Ư giao Đảng đoàn Quốc hội lãnh đạo xem xét, sửa đổi, bổ sung các luật có liên quan để thực hiện đổi mới, sắp xếp, kiện toàn bộ máy tổ chức, trong đó có Luật KTNN.

Ngày 18/01/2018, Đảng đoàn Quốc hội ban hành Kế hoạch số 735-KH/ĐĐQH14 triển khai thực hiện nhiệm vụ được xác định trong Nghị quyết số 18-NQ/TW và Nghị quyết số 19-NQ/TW của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành T.Ư Đảng khóa XII. Căn cứ Kế hoạch của Đảng đoàn Quốc hội, trong năm 2018, KTNN đã phối hợp với các cơ quan của Quốc hội, các Bộ, ngành, địa phương tiến hành tổng kết, đánh giá việc thi hành Luật KTNN năm 2015 và nghiên cứu, rà soát các quy định của Luật để kiến nghị sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với các quy định về KTNN trong Hiến pháp, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật và phù hợp với thực tiễn hoạt động của KTNN, phù hợp với đường lối chủ trương của Đảng và Nhà nước.

KTNN cũng đã tổ chức điều tra, khảo sát tình hình thực hiện Luật KTNN tại một số UBND cấp tỉnh; tổ chức Tọa đàm về Luật KTNN và 4 hội thảo trên phạm vi toàn quốc (tại Hà Nội, Nghệ An, Đà Nẵng và TP. HCM) với sự tham dự của đại diện các đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND, UBND, các Bộ, ngành T.Ư, sở tài chính các tỉnh, thành phố, các trường đại học, viện nghiên cứu, các chuyên gia, nhà khoa học và các cán bộ chủ chốt của KTNN. Về cơ bản, các Bộ, ngành, địa phương đều nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN năm 2015 và cơ bản nhất trí với nội dung KTNN đã đề xuất.

KTNN xác định, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN năm 2015 nhằm góp phần hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ của KTNN, của Tổng Kiểm toán Nhà nước; làm rõ và đầy đủ phạm vi, đơn vị được kiểm toán phù hợp với đối tượng kiểm toán theo quy định của Hiến pháp, đồng thời đảm bảo sự đồng bộ với các luật khác có liên quan.

Ngoài ra, KTNN tiếp tục nghiên cứu các vấn đề khác như: kiểm toán lĩnh vực an ninh quốc phòng; nghiên cứu bổ sung việc thực hiện đối chiếu, xác minh theo quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; bổ nhiệm ngạch kiểm toán viên nhà nước trong trường hợp chuyển ngạch...

Trên cơ sở đề xuất của KTNN, tại Phiên họp thứ 29 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành về sự cần thiết đưa Dự án Luật này vào Chương trình Xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội và xem xét, thông qua tại 2 kỳ họp (Kỳ họp thứ 7 và Kỳ họp thứ 8 năm 2019).
 
Quyết liệt triển khai xây dựng Dự án Luật theo đúng quy trình

Cụ thể hóa tinh thần Nghị quyết số 613/2018/UBTVQH14, để triển khai kịp thời việc xây dựng Dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN năm 2015 bảo đảm đúng tiến độ yêu cầu, ngay đầu tháng 01/2019, Tổng Kiểm toán Nhà nước đã ban hành các quyết định thành lập Ban Soạn thảo, Tổ Biên tập Dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN năm 2015; ban hành Kế hoạch xây dựng Dự án Luật, trong đó xác định cụ thể những nội dung công việc cần triển khai đảm bảo đúng quy trình xây dựng văn bản pháp luật theo quy định.

Với những nội dung đề xuất sửa đổi, trong nghiên cứu, xây dựng Dự án Luật, Ban Soạn thảo xác định rõ và bám sát quan điểm: Việc sửa đổi, bổ sung Luật KTNN phải thể chế hóa đầy đủ quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng về phát triển KTNN; đảm bảo tính độc lập cao đối với hoạt động KTNN, tương xứng với vị trí, vai trò của KTNN với tư cách là cơ quan kiểm tra tài chính, tài sản công cao nhất của Nhà nước, do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật. Đồng thời, Luật phải hướng đến phân định rõ vị trí, chức năng của KTNN với các cơ quan thanh tra, kiểm tra, giám sát khác của Nhà nước; kế thừa và phát huy những mặt tích cực của Luật KTNN hiện hành; bổ sung những nội dung chưa được điều chỉnh hay chưa rõ hoặc thiếu thống nhất, bãi bỏ những quy định không còn phù hợp với thực tế hoạt động của KTNN; đảm bảo sự thống nhất và tương thích giữa Luật KTNN với các luật khác có liên quan. Đặc biệt, việc sửa đổi Luật phải nhằm làm rõ phạm vi, đối tượng kiểm toán; quy định đầy đủ đơn vị được kiểm toán, bảo đảm mọi nguồn lực tài chính công, tài sản công theo quy định của Hiến pháp đều được KTNN thực hiện kiểm toán; tiếp thu có chọn lọc những kinh nghiệm quốc tế về tổ chức, hoạt động của KTNN và phù hợp với thực tiễn Việt Nam.

Với quan điểm đó, trong quá trình triển khai xây dựng Dự án Luật, KTNN sẽ tổ chức khảo sát nước ngoài; dịch và nghiên cứu Luật KTNN của một số nước để tham khảo, áp dụng phù hợp với thực tiễn Việt Nam. Đặc biệt, KTNN sẽ tổ chức các hội thảo lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức về Dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN nhằm phát huy trí tuệ tập thể, tranh thủ ý kiến của các đại biểu Quốc hội, các nhà khoa học, nhà quản lý, các cá nhân, tổ chức có liên quan về Dự thảo Luật. Dự án Luật cũng sẽ được gửi xin ý kiến Chính phủ và đăng trên Cổng thông tin điện tử của KTNN để lấy ý kiến rộng rãi của các Bộ, ngành, cơ quan, DN… Những ý kiến đóng góp cùng với những đúc rút từ thực tế hoạt động kiểm toán sẽ là cơ sở vững chắc để KTNN xây dựng, hoàn thiện Dự thảo Luật trình các cơ quan có thẩm quyền.
 
Nội dung sửa đổi, bổ sung Luật tập trung vào 10 vấn đề lớn gồm: đối tượng kiểm toán và đơn vị được kiểm toán; quyền khiếu nại báo cáo kiểm toán; bổ sung quy định thực hiện nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng; thực hiện giám định tư pháp về việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công; quy định về thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Tổng Kiểm toán Nhà nước; quy định về thời hạn của cuộc kiểm toán; thời gian lập và gửi báo cáo kiểm toán của cuộc kiểm toán; quy định về kiểm soát chất lượng kiểm toán; việc cung cấp thông tin, tài liệu dưới dạng dữ liệu điện tử để thực hiện kiểm toán theo yêu cầu của KTNN, Kiểm toán viên nhà nước; bổ sung quy định về trách nhiệm phối hợp trong công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán để hạn chế tình trạng trùng lắp, chồng chéo giữa hoạt động thanh tra, kiểm tra với hoạt động KTNN; bổ sung quy định chế tài đối với các hành vi vi phạm Luật KTNN của đơn vị được kiểm toán và của tổ chức, cá nhân có liên quan.
  
“Việc sửa đổi, bổ sung Luật KTNN năm 2015 là hoạt động có ý nghĩa quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và phát triển của KTNN. Vì vậy, các thành viên trong Ban Soạn thảo, Tổ Biên tập, các đơn vị, cá nhân liên quan cần quán triệt và thực hiện tốt các nội dung công việc được phân công, đảm bảo đúng mục đích, yêu cầu, nội dung, góp phần đảm bảo chất lượng, tiến độ” - Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc - Trưởng Ban Chỉ đạo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN năm 2015 - nhấn mạnh.

 (Báo Kiểm toán số Tết Xuân Kỷ Hợi)