Quyết tâm hoàn thành xuất sắc sứ mệnh dẫn dắt ASOSAI phát triển 

Năm 2019 là năm đầu tiên KTNN thực hiện trọng trách Chủ tịch Tổ chức Các cơ quan Kiểm toán tối cao châu Á (ASOSAI) nhiệm kỳ 2018-2021. Với vai trò là Chủ tịch ASOSAI, KTNN sẽ phải đi đầu trong việc đẩy mạnh hợp tác giữa các cơ quan kiểm toán tối cao (SAI) thành viên để có thể thực hiện những cam kết trong Tuyên bố Hà Nội cũng như các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc.

Chủ tịch ASOSAI - Nhiệm vụ nhiều, trọng trách lớn

Phát biểu tại Hội nghị Phổ biến Chương trình thực hiện vai trò Chủ tịch ASOSAI cho đội ngũ cán bộ chủ chốt của KTNN, ông Seywo Lee - Chuyên gia tư vấn của Ngân hàng Thế giới - cho biết: Chủ tịch ASOSAI có nhiệm vụ chủ trì các phiên họp của Đại hội và cuộc họp Ban Điều hành (BĐH) ASOSAI; đề xuất việc xây dựng cơ sở dữ liệu ASOSAI nhằm thiết lập hệ thống tri thức bền vững và quản lý, lưu trữ thông tin, tài liệu về các hoạt động ASOSAI một cách có hệ thống, giúp khai thác, chia sẻ thông tin, kiến thức, kinh nghiệm trong cộng đồng ASOSAI một cách hiệu quả; đóng góp cho Tạp chí ASOSAI và Tạp chí INTOSAI (Tổ chức quốc tế Các cơ quan Kiểm toán tối cao); chia sẻ kinh nghiệm trong việc tổ chức Đại hội cho chủ nhà đăng cai tổ chức Đại hội tiếp theo; tham gia các nhóm công tác chuyên môn của ASOSAI, INTOSAI và chủ động đăng cai tổ chức các sự kiện quốc tế, trong đó ưu tiên các sự kiện thuộc khuôn khổ ASOSAI, đồng thời thực hiện đóng góp tự nguyện cho tài chính của Tổ chức.

Chủ tịch ASOSAI có nhiệm vụ đề xuất với Tổng Thư ký ASOSAI để đưa ra cơ chế phối hợp hiệu quả, trên cả phương diện đối thoại cấp cao và làm việc thường xuyên. Đặc biệt, trường hợp có bất kỳ xung đột nào xảy ra, Chủ tịch hoặc Tổng Thư ký ASOSAI phải đóng vai trò nòng cốt là người hòa giải, loại bỏ các nguyên nhân dẫn đến xung đột hoặc bất đồng.
Với vai trò dẫn dắt ASOSAI, ông Seywo Lee khuyến nghị: Đội ngũ cán bộ, kiểm toán viên của KTNN phải làm thế nào để tăng cường năng lực của mình và có thể giúp đỡ các SAI khác cùng phát triển. Muốn vậy, KTNN cần xác định rõ các thách thức cũng như cơ hội khi đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASOSAI. Tuy nhiên, “KTNN không nên quá lo lắng về những thách thức đặt ra trong giai đoạn tới mà cần nhận diện rõ thách thức và nắm bắt cơ hội để chủ động triển khai kế hoạch hành động thực hiện vai trò dẫn dắt Tổ chức, góp phần xây dựng và phát triển bền vững cộng đồng ASOSAI” - ông Seywo Lee nhấn mạnh.
 
Bước đầu triển khai thực hiện vai trò Chủ tịch ASOSAI

Để đảm nhiệm tốt vai trò Chủ tịch ASOSAI nhiệm kỳ 2018-2021, ngay từ cuối năm 2018, lãnh đạo KTNN đã cử các đoàn công tác sang học hỏi kinh nghiệm, trao đổi với các SAI đã và đang đảm đương các trọng trách quan trọng trong ASOSAI như: Ủy ban Kiểm toán và Thanh tra Hàn Quốc, Ủy ban Kiểm toán Nhật Bản. Đặc biệt, vừa qua, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc đã ký, ban hành Chương trình khung thực hiện vai trò Chủ tịch ASOSAI nhiệm kỳ 2018-2021 của KTNN (Chương trình).

Mục tiêu của Chương trình là nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ Chủ tịch ASOSAI nhiệm kỳ 2018-2021, đặc biệt là thể hiện rõ vai trò lãnh đạo, dẫn dắt Tổ chức ASOSAI phát triển; thúc đẩy và phát huy thế mạnh của các SAI thành viên ASOSAI và huy động các nguồn lực để tăng cường năng lực kiểm toán công trong khu vực, hiện thực hóa các mục tiêu, cam kết trong Tuyên bố Hà Nội; tiếp tục nâng cao vai trò, vị thế và hiệu quả hoạt động của KTNN trong ASOSAI trên các diễn đàn khu vực và thế giới; nâng cao năng lực chuyên môn và thể chế của KTNN theo thông lệ quốc tế; góp phần thực hiện chủ trương, đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước về chủ động, tích cực hội nhập quốc tế.

Để thực hiện các mục tiêu trên, Chương trình đã chú trọng tới việc tăng cường năng lực cho cán bộ thực hiện vai trò Chủ tịch ASOSAI nhiệm kỳ 2018-2021. Cho đến nay, KTNN đã thành lập Tổ thư ký giúp việc làm nhiệm vụ triển khai, theo dõi, đôn đốc việc thực hiện Chương trình hành động thực hiện vai trò Chủ tịch ASOSAI. Đặc biệt, để tăng cường năng lực cho đội ngũ cán bộ này, vào tháng 11/2018, KTNN đã cử công chức tham gia Nhóm Đề án nghiên cứu lần thứ 12 của ASOSAI về “Kiểm toán việc thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững”, Nhóm Đề án nghiên cứu của ASOSAI về chủ đề “Ứng dụng dữ liệu lớn trong kiểm toán môi trường”, tham gia Nhóm công tác về kiểm toán môi trường của INTOSAI (INTOSAI WGEA). 

Đáng lưu ý, theo Chương trình, trọng trách đặt ra với KTNN là thực hiện tốt các nhiệm vụ của Chủ tịch ASOSAI nhiệm kỳ 2018-2021. Theo đó, trong thời gian tới, KTNN sẽ phải chủ trì điều hành Cuộc họp BĐH ASOSAI: lần thứ 54 năm 2019 tại Kuwait, lần thứ 55 năm 2020 tại Bangladesh, lần thứ 56 năm 2021 tại Thái Lan và Phiên họp toàn thể lần thứ nhất Đại hội ASOSAI lần thứ 15 năm 2021 tại Thái Lan. KTNN còn đại diện cho ASOSAI tham dự các sự kiện trong khuôn khổ INTOSAI, ASOSAI-EUROSAI (Tổ chức Các cơ quan Kiểm toán tối cao châu Âu), ASOSAI-AFROSAI (Tổ chức Các cơ quan Kiểm toán tối cao châu Phi); tham gia các nhóm làm việc khu vực của INTOSAI và các nhóm công tác chuyên môn của ASOSAI.
 
Đồng thời, KTNN làm nhiệm vụ dẫn dắt, lãnh đạo ASOSAI trong việc hiện thực hóa các mục tiêu, cam kết tại Tuyên bố Hà Nội và nâng cao vai trò của KTNN trên diễn đàn khu vực và thế giới. Cụ thể, KTNN sẽ triển khai các nội dung của Chương trình nghị sự phát triển của Liên Hợp Quốc đến năm 2030 về vấn đề phát triển bền vững, trong đó chú trọng quản trị tốt và tăng cường chống tham nhũng thông qua các phương pháp tiếp cận các mục tiêu phát triển bền vững; tăng cường chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm, phổ biến các chuẩn mực tài liệu hướng dẫn về lĩnh vực kiểm toán môi trường; khởi xướng việc thực hiện các cuộc kiểm toán hợp tác của ASOSAI và giữa các SAI thành viên về những lĩnh vực kiểm toán được cộng đồng ASOSAI quan tâm và KTNN có thế mạnh; xây dựng, ban hành các tài liệu hướng dẫn, cẩm nang về kiểm toán môi trường, kiểm toán các mục tiêu phát triển bền vững; tăng cường hợp tác với Nhóm công tác về kiểm toán môi trường của INTOSAI, Chương trình môi trường của Liên Hợp Quốc, Uỷ ban của Liên Hợp Quốc về phát triển bền vững; ứng cử thành viên BĐH INTOSAI nhiệm kỳ 2019-2024.

Chương trình cũng đề ra nhiệm vụ cốt yếu của KTNN trong việc phối hợp với Ban Thư ký, các ủy ban và các nhóm công tác của ASOSAI để thực hiện thành công các mục tiêu của Kế hoạch chiến lược ASOSAI 2016-2021 và các cam kết trong Tuyên bố Hà Nội. Dự kiến, trong tháng 01/2019, KTNN sẽ thống nhất với Ban Thư ký ASOSAI về một số sáng kiến phát triển ASOSAI giai đoạn 2018-2021 nhằm thực hiện các mục tiêu chiến lược của ASOSAI. Trước đó, KTNN cũng đã làm việc với KTNN Nhật Bản về các sáng kiến phát triển ASOSAI để nâng cao hiệu quả Chương trình đào tạo năng lực của Tổ chức giai đoạn 2018-2021. Ngoài ra, KTNN sẽ thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền, vận động các nguồn lực trong khu vực và thế giới để thực hiện thành công Kế hoạch chiến lược của ASOSAI, nhằm nâng cao vị thế của một tổ chức kiểu mẫu trong khu vực và trên diễn đàn thế giới.

Để đảm bảo các nội dung được thực hiện đúng tiến độ, đạt chất lượng, hiệu quả cao, KTNN đã tổ chức phổ biến Chương trình cho đội ngũ công chức nòng cốt của KTNN. Đồng thời, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị, bộ phận có liên quan chủ trì tham mưu giúp Tổng Kiểm toán Nhà nước trong công tác tổ chức thực hiện, điều phối, đôn đốc và giám sát việc thực hiện Chương trình và Kế hoạch hoạt động hằng năm; bố trí các điều kiện cần thiết và nguồn nhân lực tham gia thực hiện Chương trình; phối hợp thực hiện các hoạt động và nhiệm vụ trong Chương trình đảm bảo tiến độ, chất lượng, hiệu quả cao…
 
Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc: “Với vai trò là Chủ tịch ASOSAI nhiệm kỳ 2018-2021, KTNN ý thức rõ trọng trách của mình trong việc cùng với các SAI thành viên phát huy những thành quả đạt được, đẩy mạnh hợp tác giữa các thành viên nhằm tăng cường năng lực, tạo nên sức mạnh đoàn kết trong cộng đồng ASOSAI. KTNN sẽ làm hết sức mình vì một ASOSAI phát triển, lớn mạnh, bền vững, đóng góp nhiều giá trị cho nền kinh tế châu Á và thế giới.” Ông Seywo Lee: “Tuyên bố Hà Nội là đứa con tinh thần của Đại hội ASOSAI 14 và nó được sinh ra bởi KTNN Việt Nam. Việc dẫn dắt, lãnh đạo Tổ chức hiện thực hóa các mục tiêu và cam kết trong bản Tuyên bố này là trách nhiệm chung của tất cả cán bộ, công chức, kiểm toán viên của KTNN Việt Nam. Tuy nhiên, thực hiện hiệu quả Tuyên bố Hà Nội là quá trình lâu dài và phức tạp. Do đó, KTNN Việt Nam nên thảo luận nội bộ về vấn đề này và sớm đưa ra một kế hoạch ban đầu để trao đổi với Tổng Thư ký ASOSAI (SAI Trung Quốc) và Nhóm công tác về kiểm toán môi trường của ASOSAI…”
 
(Báo Kiểm toán số Xuân Kỷ hợi 2019)