Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến lần 2 về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công

Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến lần 2 về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công

Trình bày Báo cáo một số vấn đề còn ý kiến khác nhau về Dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và Ngân sách (TCNS) Nguyễn Đức Hải cho biết, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban TCNS đã báo cáo và tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) và Hội nghị đại biểu chuyên trách về Dự án Luật Đầu tư công, Ủy ban TCNS dự kiến tiếp thu và giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội về các nội dung: Áp dụng luật Đầu tư công; Giải thích từ ngữ; Đối tượng và phân loại dự án đầu tư công; Trường hợp không phải quyết định chủ trương đầu tư; Về quy trình xây dựng, phê duyệt và giao Kế hoạch đầu tư công trung hạn; Về thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn Về việc trích dự phòng; Về thời gian chuyển nguồn và thời hạn giải ngân vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn 05 năm và hằng năm; Về tập trung quản lý vốn đầu tư công về một đầu mối cùng với ngân sách Nhà nước (NSNN); Về quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Thường trực Hội đồng nhân dân; Về căn cứ thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn…

Về phạm vi sửa đổi Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Đức Hải cho biết, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, UBTVQH đã chỉ đạo Ủy ban TCNS và Chính phủ rà soát các nội dung sửa đổi, tập trung vào những vấn đề tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn quản lý, giải ngân vốn đầu tư công và thúc đẩy, nâng cao hiệu quả hoạt động đầu tư công, hạn chế tối đa việc sửa các quy định chưa thực sự cần thiết theo hướng đơn giản hóa, phù hợp với từng loại nguồn vốn, phù hợp với Luật NSNN; đẩy mạnh phân cấp trong thẩm định nguồn vốn; lập, thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư, điều chỉnh dự án; lập, thẩm định, phê duyệt và giao Kế hoạch, điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm... Căn cứ phạm vi và số lượng các điều, khoản cần sửa đổi, bổ sung nhằm tháo gỡ các vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi trong triển khai thực hiện và đồng bộ của Dự thảo Luật, UBTVQH xin được đổi tên Dự án Luật “Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công” thành Dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi).
 


Đối với nội dung về đối tượng và phân loại dự án đầu tư công, Chủ nhiệm Ủy ban TCNS giải trình rõ, đối với cấp bù lãi suất tín dụng ưu đãi, phí quản lý; cấp vốn điều lệ cho các ngân hàng chính sách: Thực tế thời gian qua, NSNN vẫn cấp vốn điều lệ và cấp bù chênh lệch lãi suất tín dụng ưu đãi, phí quản lý cho Ngân hàng Chính sách xã hội và Ngân hàng Phát triển Việt Nam. Đây là trách nhiệm của Nhà nước khi giao trách nhiệm cho các ngân hàng cho vay để đầu tư phát triển kinh tế - xã hội với lãi suất ưu đãi, phù hợp với định hướng từng thời kỳ. Do đó, giữ quy định các khoản chi trên là chi đầu tư phát triển như Dự thảo Luật đã trình Quốc hội. Tuy nhiên, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, đề nghị Chính phủ tăng cường quản lý, nghiên cứu quy định cụ thể để kiểm soát chặt chẽ, làm rõ trách nhiệm đối với việc quản lý, sử dụng hiệu quả khoản chi này. Đối với việc cấp vốn điều lệ cho các quỹ: Theo quy định tại Khoản 11 Điều 8 của Luật NSNN, NSNN không hỗ trợ kinh phí hoạt động cho các quỹ tài chính ngoài ngân sách. Trường hợp được NSNN hỗ trợ vốn điều lệ theo quy định của pháp luật thì phải đảm bảo phù hợp với khả năng của NSNN. Do vậy, để quản lý chặt chẽ nguồn vốn này, giữ quy định nội dung cấp vốn điều lệ tại Dự thảo Luật đã trình Quốc hội và thể hiện cụ thể tại Khoản 7 Điều 5 của Dự thảo Luật mới.

Thảo luận tại Phiên họp, các thành viên UBTVQH đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát kỹ các vấn đề liên quan đến giải thích từ ngữ, tính thống nhất, cụ thể trong quy định của Luật; làm rõ một số vấn đề còn ý kiến cách nhau; các vấn đề liên quan đến kỹ thuật văn bản.

Phát biểu tại Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, Luật sửa đổi lần này phải giải quyết được vấn đề thực tế, nhất là những tồn tại về đầu tư công, cần cố gắng trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 7 này. Do đó, phải xem lại phạm vi sửa đổi Luật theo hướng sửa đổi một số những quy định còn hạn chế, bất cập để khắc phục những tồn tại trong quá trình tổ chức thực hiện Luật Đầu tư công.

Cho ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị xem lại khái niệm đầu tư công trong mối tương quan với khái niệm tại các luật khác có liên quan; thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư cần xem xét cho thống nhất với Luật Tổ chức chính quyền địa phương để tránh những xung đột, vướng mắc.

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu rõ, đề nghị cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra tiếp thu tối đa ý kiến góp ý của Ủy ban Pháp luật, các thành viên UBTVQH tại phiên họp để tiếp tục hoàn thiện báo cáo giải trình tiếp thu; thời gian để thông qua Dự án luật là theo quy trình 2 kỳ họp, do đó, trong Kỳ họp Quốc hội thứ 7 này sẽ khẳng định quyết tâm thông qua Dự luật./.

Thanh Trang