Quốc hội đã hoàn thành phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV

(sav.gov.vn) - Sau 2,5 ngày làm việc từ chiều 4 – 6/6/2019, Quốc hội đã hoàn thành phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV. Theo chương trình nghị sự, các đại biểu Quốc hội chất vấn và các Bộ trưởng Bộ: Công An, Xây dựng, Giao thông vận tải, Văn hóa Thể thao và Du lịch về 4 nhóm vấn đề tiến hành chất vấn, đó là: An ninh, trật tự, an toàn xã hội; Xây dựng; Giao thông - vận tải; Văn hóa, thể thao và du lịch, do Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội chọn xuất phát từ những vấn đề bức xúc trong đời sống để hướng tới có các giải pháp giải quyết một cách thiết thực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu của cử tri và nhân dân.

Tham gia Đoàn Chủ tịch có: Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân (điều hành phiên họp); Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng; Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu; Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển; Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ.

Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, kết quả phiên chất vấn tại Kỳ họp này cho thấy, các nội dung chất vấn đúng và trúng những vấn đề mà Nhân dân, cử tri cả nước và các vị đại biểu Quốc hội quan tâm, bao quát các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội.

Tại phiên chất vấn, đã có 230 lượt đại biểu tham gia chất vấn và tranh luận. Phiên chất vấn diễn ra trong không khí sôi nổi, dân chủ, thẳng thắn và xây dựng.
 
Làm rõ trách nhiệm quản lý Nhà nước của Bộ Công an, trách nhiệm chung của các Bộ, ngành trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội

Trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm vào sáng ngày 4/6/2019, đã có 47 lượt đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi chất vấn và 11 lượt đại biểu Quốc hội tranh luận, tập trung vào các vấn đề, như: Công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm về sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép chất ma tuý; Công tác đấu tranh phòng chống, tội phạm liên quan tới hoạt động tín dụng “đen”, băng nhóm hoạt động theo kiểu “xã hội đen”; Hoạt động của các tổ chức đường dây mang thai hộ xuyên quốc gia; Tình trạng xâm hại tình dục phụ nữ, trẻ em; Công tác đấu tranh, phòng chống vi phạm pháp luật và tội phạm xâm phạm an toàn giao thông, nhất là đối tượng tham gia giao thông sử dụng rượu bia vượt quá mức quy định, sử dụng ma tuý hoặc chất kích thích gây hậu quả nghiêm trọng; Việc xử lý gian lận điểm thi tại một số địa phương… Trong quá trình chất vấn và trả lời chất vấn, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình,Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí và Bộ trưởng Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đã cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình, làm rõ những vấn đề liên quan.

Kết luận phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, các đại biểu Quốc hội đã đặt nhiều câu hỏi  rõ ràng, ngắn gọn, đi thẳng vào những nội dung thuộc lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội, làm rõ trách nhiệm quản lý Nhà nước của Bộ Công an, trách nhiệm chung của các Bộ, ngành. Bộ trưởng Bộ Công an trả lời chất vấn với tinh thần trách nhiệm cao; thẳng thắn nhận trách nhiệm đối với những mặt còn hạn chế, đưa ra nhiều giải pháp thiết thực trong thời gian tới. Bên cạnh những thành quả Bộ Công an đã đạt được, cũng còn không ít tồn tại, hạn chế: Xã hội vẫn chưa thật sự yên bình, người dân vẫn chưa thực sự yên tâm trước diễn biến ngày càng phức tạp của tình hình an ninh trật tự, sự gia tăng hoạt động tội phạm; vẫn xảy ra rất nhiều vụ án lớn, thương tâm mà Quốc hội, nhân dân và xã hội cực lực lên án.Vì vậy, Chủ tịch Quốc hội đề nghị trong thời gian tới, đề nghị Chính phủ, Bộ Công an và các Bộ, ngành có liên quan tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, chỉ đạo quyết liệt thực hiện các giải pháp nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế, tập trung vào một số vấn đề: Tổng kết, rà soát một cách tổng thể và đề xuất sửa đổi các quy định pháp luật về phòng, chống ma túy; quy định về tội phạm liên quan đến cho vay nặng lãi, “tín dụng đen”, “xã hội đen”, đánh bạc qua mạng, tội phạm liên quan đến buôn bán người, xâm hại phụ nữ, trẻ em, mang thai hộ, bảo đảm trật tự giao thông; Phối hợp các ngành, các cấp làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, đẩy mạnh phong trào toàn dân tham gia phòng, chống tội phạm; Triển khai hiệu quả các chương trình, đề án, như: Đề án xây dựng xã, phường, thị trấn  không có tội phạm, hạn chế người nghiện ma túy; Chương trình Quốc gia về phòng, chống ma túy đến năm 2020; Chương trình Quốc gia về phòng, chống tội phạm; Chương trình Quốc gia phòng, chống mua bán người; Tổ chức trấn áp, xử lý nghiêm tội phạm liên quan đến tín dụng đen, xã hội đen, hoạt động bảo kê và phối hợp với ngân hàng để đa dạng các hình thức cho vay nhằm hạn chế tín dụng đen; chủ động ngăn chặn hoạt động của các băng nhóm xã hội đen, đặc biệt là băng nhóm xã hội đen hoạt động có tổ chức, thủ đoạn tinh vi, sử dụng mạng xã hội, công nghệ cao, can thiệp vào hoạt động của cơ quan công quyền. Kiên quyết  xử lý nghiêm, loại trừ ra khỏi lực lượng công an những cán bộ bị suy thoái, tiếp tay, bảo kê cho tội phạm; Triển khai đồng bộ các giải pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và xử lý dứt điểm những vụ việc liên quan đến: các vụ án gian lận trong thi cử, vụ phân bón Thuận Phong, vụ xâm hại trẻ em ở Thủ Đức và đề nghị Ủy ban Tư pháp cùng làm việc với Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an để giám sát việc thực hiện các nội dung chất vấn.
 
Còn nhiều bất cập, tồn tại trong lĩnh vực xây dựng

Trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà Chiều vào chiều ngày 4/6/2019 và sáng 5/6/2019, đã có 49 đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi và có 09 đại biểu Quốc hội tranh luận tập trung vào các vấn đề, như: Công tác lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý thực hiện các dự án đầu tư xây dựng công trình; Quản lý thị trường bất động sản, xử lý bất cập trong quản lý nhà chung cư, căn hộ du lịch (condotel), văn phòng kết hợp lưu trú (officetel), biệt thự du lịch (resort villa); Công tác quy hoạch và quản lý trật tự xây dựng đô thị, việc di dời trụ sở bộ, ngành khỏi nội đô thành phố Hà Nội. Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng cùng tham gia giải trình, làm rõ một số nội dung đại biểu nêu.

Theo kết luận của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà đã trả lời hầu hết các vấn đề được đại biểu Quốc hội nêu, thẳng thắn nhận trách nhiệm với những tồn tại, hạn chế của Ngành. Lĩnh vực xây dựng liên quan mật thiết đến đời sống người dân và công tác quản lý, điều hành, phối hợp của nhiều Bộ, ngành, địa phương; hiện tồn tại không ít hạn chế. Có nội dung xuất phát từ khách quan sự phát triển của nền kinh tế nhưng không ít vấn đề xuất phát từ chủ quan của chính công tác quản lý, điều hành.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị thời gian tới Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Xây dựng và các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu tiếp thu đầy đủ ý kiến của đại biểu Quốc hội, triển khai hiệu quả các giải pháp trước mắt và lâu dài, tập trung vào một số vấn đề: Rà soát, hoàn thiện hệ thống quy định của pháp luật về xây dựng, nhà ở, quản lý đô thị, kinh doanh bất động sản, các quy định liên quan đến kinh doanh, quản lý nhà chung cư, bảo đảm đồng bộ, thống nhất và phù hợp với thực tiễn; Tăng cường hiệu lực, hiệu quả thanh tra, giám sát công tác quy hoạch, quản lý để ngăn chặn và xử lý kịp thời các vi phạm pháp luật trong quản lý thị trường bất động sản, quản lý trật tự đô thị; Rà soát, sửa đổi, bổ sung để đến năm 2021, ban hành và thực hiện hệ thống định mức tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, đơn giá xây dựng bảo đảm minh bạch, đồng bộ; có các giải pháp phù hợp đối với hệ thống quy định về tiêu chuẩn, quản lý nhà chung cư, các loại hình nhà ở, công trình căn hộ du lịch (condotel), biệt thự du lịch (resort villa), văn phòng kết hợp lưu trú ngắn hạn (officetel); Tăng cường công tác quản lý Nhà nước về xây dựng và xử lý triệt để các hành vi vi phạm về xây dựng; tăng cường công tác quản lý phát triển đô thị đảm bảo chặt chẽ, đồng bộ, thống nhất với quy hoạch, kế hoạch và phù hợp với từng địa phương; Có các giải pháp thực hiện tái cơ cấu thị trường bất động sản gắn với thực hiện Chiến lược nhà ở quốc gia, đặc biệt là nhà ở xã hội, bảo đảm thị trường bất động sản phát triển ổn định, bền vững; vi) Đẩy nhanh công tác phối hợp thực hiện lộ trình, bố trí đủ nguồn lực để thực hiện di dời trụ sở các Bộ, ngành, cơ sở giáo dục đào tạo, y tế, cơ sở sản xuất, công nghiệp ra ngoài trung tâm Thủ đô Hà Nội theo Đồ án được phê duyệt.
 
Công trình giao thông trọng điểm đội vốn lớn, chậm tiến độ, kém chất lượng

Trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể về nhóm vấn đề thứ ba thuộc lĩnh vực giao thông vận tải vào ngày 5/6/2019, đã có 44 đại  biểu Quốc hội đặt câu hỏi chất vấn và 06 đại biểu Quốc hội tranh luận về những vấn đề: Giải pháp xử lý vướng mắc về kết cấu hạ tầng giao thông, nhất là các công trình giao thông trọng điểm, đội vốn lớn, chậm tiến độ, kém chất lượng; Quản lý hoạt động vận tải, chất lượng phương tiện, quản lý xe hợp đồng điện tử, xe quá khổ quá tải, xe taxi truyền thống và taxi công nghệ; Công tác đào tạo, sát hạch, cấp, thu hồi giấy phép lái xe cơ giới, quản lý lái xe; Việc thực hiện, quản lý, giám sát thu phí tự động không dừng tại các trạm thu phí hoàn vốn dự án đầu tư trên Quốc lộ và đường bộ cao tốc; Công tác giám sát thu phí và tính minh bạch của các dự án BOT; Công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và giải pháp kết nối giao thông ở các khu vực... Trong quá trình chất vấn và trả lời chất vấn, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.

Chủ tịch Quốc hội cho rằng Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải đã thẳng thắn nhận trách nhiệm về những tồn tại, hạn chế của Ngành trong thời gian qua và có những giải thích, lý giải về các nguyên nhân khách quan, chủ quan cho những tồn tại, bất cập, đưa ra những cam kết, giải pháp và lộ trình cụ thể để thực hiện. Những nội dung được Quốc hội chất vấn hôm nay có nhiều vấn đề không mới, có những vấn đề đã diễn ra nhiều năm, có những nội dung đã được Quốc hội giám sát nhưng sự chuyển biến vẫn còn chậm gây bức xúc trong dư luận, như: Chậm tiến độ, thất thoát lãng phí, đặt trạm BOT...

Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải và các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu tiếp thu đầy đủ ý kiến của đại biểu Quốc hội, triển khai hiệu quả các giải pháp trước mắt và lâu dài liên quan đến nhiệm vụ, lĩnh vực đã được chất vấn, tập trung vào một số vấn đề: Rà soát, bổ sung, hoàn thiện các quy định pháp luật về giao thông vận tải cho phù hợp với yêu cầu của thực tiễn, khắc phục những tồn tại, hạn chế trong thời gian qua; Làm tốt công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm trong lĩnh vực giao thông vận tải; Xử lý, làm rõ trách nhiệm các tổ chức, cá nhân liên quan đến việc chậm tiến độ, tăng tổng mức đầu tư các dự án giao thông trọng điểm. Phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm; Tập trung huy động mọi nguồn lực để đầu tư giải quyết cơ bản những tắc nghẽn, quá tải, ùn tắc giao thông, trong phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông; tạo điều kiện để các thành phần kinh tế tham gia kinh doanh vận tải cạnh tranh bình đẳng theo quy định của pháp luật; Thực hiện đúng tiến độ các dự án trọng điểm, các dự án đã được Quốc hội quyết định và có phương án để giải quyết dứt điểm các dự án còn dở dang, sắp hoàn thành; Nâng cao chất lượng công tác khảo sát, thiết kế, thẩm định và xây dựng.

Đẩy mạnh tái cơ cấu vận tải, tăng cường kết nối các phương thức vận tải; làm tốt công tác đăng ký, đăng kiểm phương tiện; siết chặt công tác quản lý, áp dụng công nghệ thông tin nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe; tiếp tục cải cách hành chính trong lĩnh vực vận tải, cắt giảm thực chất các điều kiện kinh doanh theo lộ trình; tăng cường phối hợp lực lượng để xử lý nghiêm xe quá khổ, quá tải; Hoàn thành Đề án ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành giao thông vận tải, tập trung đối với lĩnh vực đường bộ  trong năm 2019;

Rà soát toàn bộ hệ thống các trạm thu phí đường bộ để xử lý những tồn tại, vướng mắc trong thực tế. Khẩn trương quyết toán các dự án BOT để bảo đảm công khai, minh bạch; triển khai giám sát chặt chẽ việc thu phí bằng hệ thống công nghệ phù hợp. Cuối năm 2019 tất cả các trạm BOT đều có hệ thống thu phí không dừng.

Tiếp tục thực hiện tốt các biện pháp, giải pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông, giảm thiểu số lượng tai nạn giao thông. Nghiên cứu hoàn thiện quy định về phạt nguội thông qua các thiết bị công nghệ; có các giải pháp nhằm nâng cao trách nhiệm của chủ phương tiện, tăng chế tài xử phạt đối với lái xe sử dụng bia, rượu, bia ma túy điều hành phương tiện giao thông
 
Mặt trái nền kinh tế gây ra không ít bức xúc về đời sống văn hóa, tinh thần của người dân

Trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện về nhóm vấn đề thứ tư thuộc lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch vào ngày 06/6/2019, đã có 34 đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi chất vấn và 09 đại biểu Quốc hội tranh luận. Các đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi chất vấn tập trung vào vấn đề sau: Chi ngân sách đầu tư cho văn hóa; Việc quản lý, sử dụng nguồn thu từ tiền công đức; Giải pháp đột phá nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam; Giải pháp phát huy văn hóa ứng xử của người Việt để thu hút khách du lịch; Giải pháp ngăn chặn tình trạng đi du lịch nước ngoài rồi bỏ trốn; Việc xử lý các tour du lịch 0 đồng; Vấn đề thương mại hóa các công trình tâm linh; Việc xử lý các hành vi lệch chuẩn trong lĩnh vực văn hóa và giải pháp khắc phục tình trạng lợi dụng tín ngưỡng để hoạt động mê tín, dị đoan; Trách nhiệm của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong việc quản lý các giáo phái lạ; Công tác tổ chức cho đồng bào trong nước và du khách nước ngoài vào viếng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh; Giải pháp tăng cường thị phần phim Việt Nam, bảo tồn, phát huy nghệ thuật truyền thống, văn hóa các dân tộc thiểu số; Tiêu chí xét tặng danh hiệu nghệ sỹ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú… Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã tham gia trả lời chất vấn và giải trình làm rõ thêm những vấn đề liên quan.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá: Bộ trưởng nghiêm túc nhận trách nhiệm về những tồn tại, hạn chế và cũng đề xuất những giải pháp để giải quyết. Sự phát triển của kinh tế với những mặt trái đã tác động không nhỏ đến đời sống văn hóa, tinh thần và gây ra không ít những vấn đề bức xúc trong Nhân dân và dư luận. Vì vậy, trong thời gian tới, đề nghị Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các Bộ, ngành, địa phương nghiên cứu tiếp thu đầy đủ ý kiến của đại biểu Quốc hội, triển khai hiệu quả các giải pháp trước mắt và lâu dài liên quan đến nhiệm vụ, lĩnh vực đã được chất vấn, tập trung vào một số vấn đề: Rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật, tạo hành lang pháp lý để quản lý văn hóa, thể thao và du lịch; Nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách đối với lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn nhằm đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, trong đó đặc biệt quan tâm đến một số lĩnh vực nghệ thuật đặc thù, nghệ thuật truyền thống; hỗ trợ cho hoạt động sản xuất, phát hành phim, ảnh về truyền thống lịch sử, dân tộc; chú trọng bảo tồn các tác phẩm nghệ thuật, các loại hình nghệ thuật văn hóa truyền thống, các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể; Tăng cường công tác quản lý, xử lý nghiêm các sai phạm trong việc tổ chức các chương trình biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang, cuộc thi người đẹp, người mẫu trái quy định và không phù hợp với thuần phong mỹ tục, văn hóa của người Việt Nam. Có các biện pháp tuyên truyền, lên án, chấn chỉnh các biểu hiện của lối sống “lệch chuẩn”, ứng xử thiếu văn hóa, nhất là thông qua các hoạt động văn hóa, biểu diễn nghệ thuật và điện ảnh; Tiếp tục phát huy giá trị tốt đẹp, truyền thống của các tôn giáo, tín ngưỡng, bảo đảm quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng của công dân theo quy định của Hiến pháp và pháp luật; có các giải pháp, biện pháp đồng bộ trong việc phòng, chống mê tín dị đoan, lợi dụng hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo để thu lợi bất chính; chấn chỉnh các hành vi lợi dụng tâm linh để tiến hành các hoạt động không có trong giáo lý, giáo luật; phối hợp với các Bộ, ngành liên quan sớm nghiên cứu trình Chính phủ ban hành văn bản hướng dẫn pháp luật về quản lý hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo, quản lý và sử dụng nguồn thu đúng mục đích; Làm tốt công tác quy hoạch bảo tồn, nhất là các khu di tích Quốc gia đặc biệt, có giá trị lịch sử, văn hóa để bổ trí nguồn lực cho duy tu bảo trì, ưu tiên các công  trình đang xuống cấp; Triển khai đồng bộ các giải pháp để thực hiện chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 với mục tiêu du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có tính chuyên nghiệp; nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành du lịch để tương xứng với tiềm năng tài nguyên, thiên nhiên; tiếp tục triển khai kế hoạch quản lý, chấn chỉnh hoạt động lữ hành, hướng dẫn du lịch.
 
Trong phiên chất vấn ngày 6/6/2019, Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh thay mặt Chính phủ phát biểu làm rõ thêm một số vấn đề liên quan và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. Các đại biểu tập trung chất vấn về những nội dung sau: Chủ trương, định hướng lớn của Chính phủ về ngoại giao văn hóa; Các giải pháp đột phá để phát triển du lịch Việt Nam; Giải pháp đối với tình trạng chuẩn mực đạo đức bị vi phạm; Ứng xử của Việt Nam trước cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung; Vấn đề biển Đông; Vấn đề thủy điện trên sông Mê Công; Giải pháp bảo hộ ngư dân đánh bắt xa bờ trong vùng biển hợp pháp của Việt Nam; Cơ hội và thách thức khi Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại; Nguyên nhân, giải pháp đối với tình trạng hàng hóa không rõ nguồn gốc gắn nhãn mác Việt Nam; Nguyên nhân, giải pháp đối với tình trạng chậm giải ngân nguồn vốn ODA; Chính sách của Chính phủ trong việc sử dụng năng lượng tái tạo, điện gió, điện mặt trời; Chính sách di dời, tái định cư đối với đồng bào dân tộc, miền núi …Trong quá trình chất vấn, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cùng tham gia trả lời chất vấn về một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm.
 
Kết quả phiên chất vấn tại kỳ họp này cho thấy, các nội dung chất vấn đúng và trúng những vấn đề mà Nhân dân, cử tri cả nước và các vị đại biểu Quốc hội quan tâm, bao quát các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội; thể hiện vai trò, trách nhiệm, quyền giám sát của Quốc hội, đồng thời thể hiện sự đồng hành, chia sẻ với những khó khăn trong công tác quản lý, điều hành và góp phần gợi ý, bổ sung giải pháp cho các chương trình, kế hoạch của Chính phủ, các Bộ, ngành hướng tới giải quyết hiệu quả các tồn tại, hạn chế, đáp ứng niềm tin và sự mong mỏi của Nhân dân và cử tri cả nước.

Trên cơ sở chất vấn của các vị đại biểu Quốc hội và trả lời của các thành viên Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ nghiêm túc nghiên cứu, chuẩn bị Nghị quyết để trình Quốc hội xem xét, thông qua vào cuối Kỳ họp, làm cơ sở pháp lý cho việc giám sát việc thực hiện, đồng thời, giúp Chính phủ, các Bộ, các ngành thực hiện tốt hơn nữa chức năng, nhiệm vụ của mình, nhất là những cam kết của thành viên Chính phủ trước Quốc hội./.
 
Ngọc Bích