Kiểm toán nhà nước sơ kết công tác 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm 2019

(sav.gov.vn) - Chiều 8/7/2019, tại trụ sở Kiểm toán nhà nước (KTNN) - 116 Nguyễn Chánh - Hà Nội, Tổng Kiểm toán nhà nước Hồ Đức Phớc đã chủ trì Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2019 của KTNN.

Tham dự Hội nghị có các Phó Tổng Kiểm toán nhà nước: Nguyễn Quang Thành, Đoàn Xuân Tiên, Vũ Văn Họa, Đặng Thế Vinh, Nguyễn Tuấn Anh và lãnh đạo các đơn vị trực thuộc KTNN.

Theo Báo cáo tại Hội nghị, với tinh thần đổi mới, quyết liệt, trách nhiệm, toàn Ngành đã nỗ lực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, hoàn thành tốt kế hoạch công tác 6 tháng đầu năm 2019 đảm bảo tiến độ, chất lượng và hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực.

KTNN đã hoàn thành Báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán năm 2018 với kết quả xử lý tài chính là 92.499 tỷ đồng, trong đó tăng thu, giảm chi NSNN (44.466 tỷ đồng) tăng 18,39% so với năm 2017 (37.556 tỷ đồng). Qua kiểm toán, KTNN kiến nghị sửa đổi, thay thế 160 văn bản pháp luật không phù hợp với quy định pháp luật hoặc chưa phù hợp với thực tiễn nhằm bịt lỗ hổng về cơ chế, tránh thất thoát, lãng phí. Tổng Kiểm toán nhà nước đã trình bày Báo cáo kết quả kiểm toán quyết toán NSNN năm 2017 trước Quốc hội với nhiều phát hiện kiểm toán quan trọng, được Quốc hội và cử tri cả nước quan tâm, đánh giá cao. KTNN đã tổ chức họp báo công bố kết quả kiểm toán năm 2018 về niên độ ngân sách năm 2017.

Ngay từ đầu năm 2019, kế hoạch kiểm toán năm 2019 của toàn Ngành được xây dựng chủ động, minh bạch, chi tiết đã giảm thiểu sự chồng chéo giữa hoạt động kiểm toán và thanh tra. Tổng Kiểm toán nhà nước tiếp tục ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành, đôn đốc quyết liệt, kịp thời trong hoạt động kiểm toán, qua đó năng lực, chất lượng, hiệu lực và hiệu quả hoạt động kiểm toán tiếp tục được nâng lên trên cơ sở đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường ứng dụng CNTT, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động công vụ, đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng thông qua hoạt động kiểm toán...

Tổng hợp kết quả kiểm toán đến 30/6/2019, KTNN kiến nghị xử lý tài chính 37.513,4 tỷ đồng (tăng 65% so với cùng kỳ năm 2018), chuyển 02 vụ việc sang cơ quan điều tra, cung cấp 31 BCKT cho các cơ quan Trung ương, Ban Nội chính, Chính phủ, Quốc hội; kịp thời cung cấp thông tin phục vụ các phiên họp của Chính phủ, Quốc hội, các Đoàn giám sát của UBTVQH và các cơ quan chức năng có liên quan.

Bên cạnh đó, KTNN đã tổ chức thành công 03 Hội thảo về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN năm 2015. Tổng Kiểm toán nhà nước đã trình bày tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN năm 2015 tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV và tiếp thu ý kiến của Quốc hội, tiếp tục hoàn thiện để thông qua tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV. Cùng với đó, KTNN đã triển khai xây dựng Chiến lược phát triển KTNN giai đoạn 2020-2030, tầm nhìn đến năm 2035; Ban hành Chiến lược phát triển và kiến trúc tổng thể CNTT của KTNN giai đoạn 2019-2025 và tầm nhìn đến năm 2030; Hoàn thành Đề án số lượng biên chế tối thiểu số lượng lãnh đạo cấp Phó tối đa, ban hành phương án tinh giản biên chế hàng năm cho giai đoạn 2019-2021 của KTNN; Tổ chức nhiều hoạt động thiết thực kỷ niệm 25 năm thành lập KTNN, đặc biệt là việc xây dựng kỷ yếu “KTNN 25 năm xây dựng và phát triển”, sản xuất phim “KTNN vì sự phát triển bền vững”; Thể hiện rõ nét vai trò dẫn dắt, tiên phong trên cương vị là Chủ tịch ASOSAI nhiệm kỳ 2018-2021 của KTNN Việt Nam.

Thảo luận tại Hội nghị, các đại biểu bày tỏ sự nhất trí cao với Báo cáo sơ kết công tác 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm trong 6 tháng cuối năm 2019 của KTNN.

Các đại biểu cho rằng những kết quả đạt được trong 6 tháng đầu năm 2019 là rất khả quan, song cũng thẳng thắn đánh giá, nhìn nhận một số mặt công tác còn hạn chế như: Việc xây dựng KHKT năm 2019 của một số đơn vị chưa được quan tâm đúng mức; Quá trình khảo sát, thu thập thông tin về các đầu mối, đơn vị, dự án chưa đầy đủ, chính xác, dẫn đến phải điều chỉnh trong quá trình thực hiện; Một số đơn vị chưa đánh giá, phân tích khả năng về nhân lực, thời gian để cân đối với KHKT dẫn đến còn tình trạng bố trí nhân sự đi kiểm toán trùng lặp với kế hoạch đào tạo và các kế hoạch hoạt động khác của Ngành.

Bên cạnh đó, chất lượng dự thảo báo cáo kiểm toán chưa cao, một số dự thảo BCKT chưa đánh giá trọng tâm kiểm toán phù hợp với KHKT; Nhiều kết quả kiểm toán cần bổ sung thông tin làm rõ để có kiến nghị phù hợp; Một số Đoàn kiểm toán chuyên đề lồng ghép trong kiểm toán ngân sách địa phương còn mờ nhạt, chưa đáp ứng được yêu cầu; Vấn đề phối hợp, trao đổi thông tin giữa KTNN với các địa phương, đơn vị kiểm toán còn chưa chủ động, kịp thời.

Tại Hội nghị, một số đại biểu cho ý kiến về việc điều chỉnh, bổ sung đầu mối kiểm toán, việc bố trí sắp xếp nhân sự tham gia các cuộc kiểm toán chuyên đề năm 2019; Những khó khăn, vướng mắc trong triển khai kiểm toán chuyên đề.

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Tổng Kiểm toán nhà nước Hồ Đức Phớc yêu cầu toàn Ngành tiếp tục bám sát phương hướng, nhiệm vụ năm 2019, phát huy những mặt tích cực đã đạt được, hoàn thành xuất sắc, toàn diện kế hoạch công tác năm 2019.

Về một số nhiệm vụ trọng tâm trong 6 tháng cuối năm 2019, Tổng Kiểm toán nhà nước chỉ đạo toàn Ngành tập trung hoàn thiện và khẩn trương phát hành các BCKT đã kết thúc theo đúng quy định của Luật KTNN, đảm bảo cơ sở pháp lý và chất lượng các kết luận, kiến nghị kiểm toán. Tổng Kiểm toán nhà nước lưu ý các đơn vị quan tâm đến việc thu thập đầy đủ, chặt chẽ các bằng chứng kiểm toán phù hợp với kết luận, kiến nghị kiểm toán; tăng cường thảo luận, phản biện với đơn vị được kiểm toán để làm rõ cơ sở pháp lý của các kết luận, kiến nghị và số liệu kiểm toán xác nhận; chú trọng cập nhật, đánh giá thông tin đến thời điểm kiểm toán nhằm nâng cao tính thời sự, khả thi của các kết luận, kiến nghị kiểm toán; đổi mới kết cấu BCKT theo hướng ngắn gọn, rõ ràng, mạch lạc, kiến nghị phù hợp với phát hiện kiểm toán.

Các đơn vị chủ trì cuộc kiểm toán tổ chức triển khai kiểm toán trong 06 tháng cuối năm đảm bảo thận trọng, chặt chẽ và an toàn, khi phát sinh các vấn đề trọng yếu, các phát hiện kiểm toán quan trọng cần kịp thời báo cáo Tổng Kiểm toán nhà nước và Lãnh đạo KTNN phụ trách; tăng cường hơn nữa kiểm tra, kiểm soát, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, tránh rủi ro trong hoạt động kiểm toán, nâng cao ý thức kỷ luật, tinh thần trách nhiệm của Kiểm toán viên nhà nước và tính tiên phong, gương mẫu của lãnh đạo các cấp, giữ gìn hình ảnh, uy tín của KTNN.

Tổng Kiểm toán nhà nước nhấn mạnh: Đơn vị được giao chủ trì các chuyên đề kiểm toán trong phạm vi toàn Ngành cần chủ động hơn nữa trong việc phối hợp với các Vụ tham mưu, các KTNN chuyên ngành, khu vực thường xuyên chia sẻ, trao đổi các kết quả kiểm toán nổi bật để nhân rộng, rút kinh nghiệm, đề xuất các giải pháp thực hiện hiệu quả trong thời gian tới.

Tổng Kiểm toán nhà nước yêu cầu các đơn vị cần khẩn trương xây dựng KHKT năm 2020 theo hướng dẫn tại Công văn số 739/KTNN-TH ngày 14/6/2019; Tiếp tục triển khai thực hiện kế hoạch thanh tra, kế hoạch KSCLKT năm 2019 đảm bảo tiến độ và chất lượng; Tổ chức đánh giá kết quả thực hiện phương án thí điểm hoán đổi đơn vị được kiểm toán (ưu điểm, nhược điểm, các tồn tại, bất cập), việc lồng ghép các chuyên đề khi thực hiện kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách và đề xuất phương án thực hiện để đảm bảo nâng cao chất lượng kiểm toán và tính độc lập của KTNN; Thực hiện tốt Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và văn bản quản lý năm 2019, trong đó tập trung giải trình, thuyết minh rõ, mạch lạc các vấn đề sửa đổi, bổ sung trong Luật KTNN năm 2015 để trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV; Tiếp tục bám sát nhiệm vụ, kế hoạch công tác tổ chức cán bộ năm 2019, trong đó tập trung hoàn thiện dự thảo Bảng lương chuyên ngành KTNN báo cáo Bộ Nội vụ; Tiếp tục triển khai kế hoạch đối ngoại năm 2019, đặc biệt là thực hiện tốt vai trò Chủ tịch ASOSAI giai đoạn 2018-2021; Triển khai các nội dung công việc thuộc Đề án Tổng thể CNTT giai đoạn 2015-2020, tăng cường ứng dụng CNTT trong các hoạt động của KTNN; Triển khai kế hoạch khoa học và công nghệ năm 2019 và thực hiện các công việc liên quan đến quản lý đề tài theo quy định. ”Các Tiểu ban và các đơn vị liên quan phải tập trung cao độ cho việc xây dựng Chiến lược phát triển KTNN giai đoạn 2020-2030, tầm nhìn đến năm 2035 đảm bảo tiến độ, chất lượng, kịp thời trình các cơ quan của Quốc hội, UBTVQH theo đúng kế hoạch đề ra” – Tổng Kiểm toán nhà nước kết luận./.

Thanh Hà