Ủy ban thường vụ Quốc hội giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng các Quỹ tài chính Nhà nước ngoài ngân sách

(sav.gov.vn) - Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 36, chiều ngày 13/8, tại Nhà Quốc hội, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng các quỹ tài chính Nhà nước ngoài ngân sách Nhà nước giai đoạn 2013-2018”.

Tham dự phiên họp có Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, đại diện lãnh đạo các Bộ: Công thương, Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Khoa học và Công nghệ…; đại diện lãnh đạo Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán nhà nước và các thành viên Đoàn giám sát.
 
Việc thành lập các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách giai đoạn 2013-2018 đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước
 
Trình bày tóm tắt báo cáo kết quả giám sát, Trưởng Đoàn giám sát, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, giai đoạn 2013-2018, trong quá trình cải cách nền kinh tế đã thường xuyên phát sinh các nhiệm vụ có cấp bách, có tính chuyên biệt cần thiết phải có nguồn lực tài chính để thực hiện một số nhiệm vụ quan trọng trong quản lý kinh tế - xã hội, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước. Về cơ bản, hệ thống pháp luật về quỹ tài chính ngoài ngân sách Nhà nước đã tạo được cơ sở pháp lý cơ bản cho việc thành lập và hoạt động của từng quỹ.
 
Việc thành lập và hoạt động của các quỹ đã cơ bản đáp ứng được các yêu cầu đề ra, góp phần thúc đẩy xã hội hóa, huy động thêm nguồn lực tài chính trong và ngoài nước để thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của cả nước nói chung và từng địa phương nói riêng, giảm bớt gánh nặng cho ngân sách Nhà nước.
 
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải trình bày tóm tắt báo cáo kết quả giám sát

 
Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải cũng chỉ ra trong quá trình thực hiện, hệ thống pháp luật và công tác quản lý, sử dụng các quỹ tài chính ngoài ngân sách cũng bộc lộ một số hạn chế, bất cập. Hệ thống pháp luật về quản lý, sử dụng các quỹ tài chính Nhà nước ngoài ngân sách khá phức tạp, tản mạn, thiếu rõ ràng và chưa có một văn bản pháp luật để thống nhất quản lý các Quỹ. Việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của các quỹ tài chính ngoài ngân sách còn trùng lặp, hiệu quả hoạt động chưa cao.
 
Từ các tồn tại được đánh giá như trên, Đoàn giám sát cho rằng, có trách nhiệm của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội khi xem xét, ban ban hành các Luật chuyên ngành đã quy định cho phép thành lập nhiều quỹ tài chính Nhà nước ngoài ngân sách (19 Luật) nhưng chưa đánh giá được hết những tác động trên nhiều mặt, đồng thời công tác giám sát việc quản lý, sử dụng các quỹ chưa được quan tâm; cùng với trách nhiệm của Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương trong vai trò quản lý Nhà nước và tổ chức thực hiện. Bên cạnh đó, báo cáo kết quả giám sát cũng nêu rõ định hướng hoàn thiện cơ chế quản lý các quỹ và đề xuất việc hoàn thiện hệ thống pháp luật có liên quan và tái cơ cấu các quỹ.
 
Phát biểu làm rõ một số vấn đề, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết thêm, theo thống kê, hiện có 48 quỹ với 28 quỹ ở Trung ương và 20 quỹ ở địa phương, phần lớn được thành lập trước khi Luật Ngân sách Nhà nước năm 2015 có hiệu lực thi hành (2017). Việc thành lập các quỹ cơ bản đúng quy định pháp luật, phần lớn hình thành từ các luật, một số từ văn bản dưới luật, như Quyết định của Thủ tướng hoặc thấp hơn. Các quỹ đã góp phần tích cực trong việc huy động, phân bổ nguồn lực xã hội để thực hiện các hoạt động thuộc chức năng của Nhà nước. Nhìn chung việc tồn tại các quỹ tài chính Nhà nước bên cạnh ngân sách Nhà nước là khách quan, cần thiết, phù hợp thông lệ quốc tế, góp phần giảm bớt gánh nặng cho ngân sách, xử lý bất cập trong điều hành ngân sách, góp phần đa dạng các hoạt động tài chính Nhà nước. Tuy nhiên, còn những hạn chế như báo cáo giám sát đã nêu.
 
Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, về cơ bản Chính phủ thống nhất với mục tiêu, định hướng và nguyên tắc là phải lấy Luật Ngân sách Nhà nước 2015 làm căn cứ rà soát, sắp xếp mà Đoàn giám sát đề xuất. Đồng tình với việc có Nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, đưa ra nguyên tắc để Chính phủ có lộ trình rà soát, xử lý.
 
Đề xuất ban hành Pháp lệnh về quản lý các quỹ
 
Tại phiên họp, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về báo cáo kết quả giám sát, phân tích cơ sở pháp lý, những kết quả, hạn chế trong hoạt động của các quỹ, chỉ ra trách nhiệm quản lý Nhà nước, thảo luận về nội dung nghị quyết giám sát, đề xuất những giải pháp giải quyết. Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, đây là dịp tổng kết, đánh giá lại hệ thống chính sách, pháp luật hiện nay về quản lý, sử dụng các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách từ đó có giải pháp để đi vào nề nếp.
 
Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga đặt câu hỏi: Hiện nay có bao nhiêu quỹ, tại sao cứ ban hành một Luật thì lại lập một quỹ trong khi hành lang pháp lý còn chung chung, chưa rõ ràng, chặt chẽ. Nhiều quy định việc thành lập quỹ nói là độc lập với ngân sách Nhà nước nhưng thực tế nguồn thu có từ ngân sách Nhà nước, nguồn tài trợ và nguồn đóng góp. “Như vậy, có đóng góp của ngân sách Nhà nước thì có độc lập không?”.

Do vậy, bà Lê Thị Nga cũng kiến nghị cần làm rõ hoạt động của các quỹ hiện nay ra sao, đã xảy ra bao nhiêu sai phạm, nguyên nhân là gì? Việc để xảy ra các sai phạm có trách nhiệm của cơ quan thành lập quỹ, có trách nhiệm của Quốc hội trong việc xây dựng hành lang pháp lý đủ tầm để kiểm soát hoạt động của các quỹ này. “Tôi đề xuất ban hành Pháp lệnh về quản lý các quỹ sao cho hiệu quả. Trong đó, chỉ rõ từng cơ quan nào được thành lập quỹ, cơ quan nào quản lý, độc lập với ngân sách thế nào, xử lý sai phạm ra sao nếu có” - bà Lê Thị Nga đề nghị.
 
Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga đề xuất ban hành Pháp lệnh về quản lý các quỹ

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá cao Báo cáo của Đoàn giám sát đối với các QTCNNS này. Qua đó, cho thấy bức tranh tổng thể về hoạt động của các quỹ hiện nay.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ, qua giám sát cho thấy cơ sở pháp lý thành lập các quỹ rất khác nhau. Có quỹ do Luật thành lập, có quỹ do Nghị định của Chính phủ nhưng cũng có quỹ được thành lập theo Quyết định của Thủ tướng, thông báo ý kiến của Thủ tướng, Thông tư của các Bộ hay quyết định, quy chế của Hội, Liên hiệp hội. Chủ tịch Quốc hội cho rằng điều này cần phải được chấn chỉnh, phải có cơ sở pháp lý thống nhất ai là người có thẩm quyền thành lập. Hiện có đến hơn 100 văn bản cho phép thành lập và quy định chức năng, nhiệm vụ, mô hình hoạt động của các quỹ, dẫn đến cơ cấu tổ chức, cơ chế quản lý, mô hình hoạt động dẫn đến nguồn hình thành, cơ chế tài chính, chế độ kế toán cũng rất khác nhau.
 
Theo Chủ tịch Quốc hội, hệ thống pháp luật về hình thành, quản lý, sử dụng các quỹ phức tạp, chưa thống nhất, thiếu minh bạch, rõ ràng, không phù hợp với yêu cầu quản lý thực tiễn. Luật Ngân sách Nhà nước năm 2015 đã có quy định nhưng rất chung chung, chưa có cơ quan nào thống nhất quản lý các quỹ và có quá nhiều quỹ làm phân tán nguồn lực nhà nước.
 
Trên cơ sở đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết giám sát, trong đó, Nghị quyết có đánh giá thực trạng các quỹ, hiệu quả mang lại, những hạn chế tồn tại và đưa ra định hướng cần phải rà soát, đánh giá kỹ lại các quỹ; đề nghị Chính phủ xây dựng kế hoạch, lộ trình sắp xếp, sáp nhập, giải thể các quỹ theo nguyên tắc quỹ hoạt động không rõ mục đích, không hiệu quả, kết dư lớn cần xem xét lại, quỹ nào hoạt động hiệu quả đúng mục đích thì tiếp tục tạo điều kiện phát triển.
 
Đối với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội cho rằng cần có đề nghị về việc xem xét có nên ban hành luật hay pháp lệnh để có cơ sơ pháp lý cho các quỹ ai được quyền thành lập, thành lập như thế nào, vai trò của ngân sách Nhà nước đối với các quỹ này. Chủ tịch Quốc hội lưu ý, trước mắt trong luật chuyên ngành không nên quy định về các quỹ, không hình thành thêm tổ chức và biên chế.
 
Giao Chính phủ rà soát để sắp xếp, tổ chức lại các quỹ tài chính Nhà nước ngoài ngân sách
 
Kết luận nội dung giám sát, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao cố gắng của Đoàn giám sát, cơ bản thống nhất với nhận định đánh giá trong báo cáo kết quả giám sát và cho rằng việc lựa chọn chủ đề giám sát là trúng, đúng, cần thiết để có thể tổng kết, đánh giá tổng thể toàn diện, cụ thể việc ban hành chính sách pháp luật về các quỹ và tình hình các quỹ thời gian qua.
 
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng tình với một số kiến nghị của Đoàn giám sát, thống nhất việc ban hành Nghị quyết giám sát để tăng cường quản lý các qũy cũng như đề xuất hướng hoàn thiện hệ thống pháp luật quản lý các quỹ. Nội dung Nghị quyết giao Chính phủ trên cơ sở Báo cáo kết quả giám sát, ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội rà soát, đánh giá tác động, hiệu quả của từng quỹ và trình Quốc hội rà soát sắp xếp, tổ chức lại các quỹ thuộc thẩm quyền của Quốc hội; cương quyết loại bỏ quỹ không hoạt động hoặc hoạt động kém hiệu quả, không cần thiết; không thành lập mới các quỹ. Giao Chính phủ nghiên cứu xây dựng Luật (nếu cần thiết) để thống nhất quản lý các quỹ, phân công bộ máy quản lý Nhà nước và tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát các quỹ, xử lý nghiêm sai phạm về quản lý công, tài sản công, xây dựng cơ chế bảo đảm quản lý quỹ hiệu quả, chặt chẽ và tiến tới giảm dần sự hỗ trợ của ngân sách Nhà nước.
 
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị trên cơ sở ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đoàn giám sát phối hợp với các cơ quan hữu quan xây dựng và hoàn thiện Nghị quyết giám sát để gửi đến Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8./.
 
Hà Linh