Ủy ban Thường vụ Quốc hội chất vấn các thành viên Chính phủ

(sav.gov.vn) - Sáng ngày 15/8/2019, tại Hà Nội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy ban Thường vụ Quốc họp (UBTVQH) tiếp tục họp phiên thứ 36, chất vấn 14 Bộ trưởng về việc thực hiện các Nghị quyết giám sát chuyên đề và kết luận chất vấn của UBTVQH từ đầu nhiệm kỳ đến hết năm 2018.  

Tham gia chất vấn có: Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ; các Bộ trưởng: Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Thông tin – Truyền thông, Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Xây dựng, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Lao động, Thường binh và Xã hội, Ủy ban Dân tộc; các Bộ trưởng tham gia giải trình gồm Bộ trưởng: Bộ Tài chính, Bộ Công thương, Bộ Giao thông – Vận tải, Văn phòng Chính phủ. Tổng Kiểm toán nhà nước Hồ Đức Phớc tham dự phiên chất vấn.
 
Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ, thực hiện quy đinh của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, UBTVQH tiến hành xem xét việc thực hiện các Nghị quyết giám sát chuyên đề và 4 kết luận chất vấn của UBTVQH từ đầu nhiệm kỳ đến hết năm 2018. Chủ tịch Quốc hội cho biết, Chính phủ đã chuẩn bị 10 báo cáo trong đó nêu chi tiết, cụ thể đối với từng nội dung trong Nghị quyết, kết luận. Trên cơ sở các báo cáo Chính phủ, các cơ quan của Quốc hội đã tiến hành thẩm tra và có đánh giá cụ thể về các nội dung mà Chính phủ thực hiện.
 
 Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc
 
Sau phát biểu khai mạc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ đã trình bày Báo cáo tóm tắt tổng hợp việc thực hiện các Nghị quyết, kết luận của UBTVQH về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến hết năm 2018.
 
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày
 Báo cáo tóm tắt tổng hợp việc thực hiện các Nghị quyết, kết luận của UBTVQH
 
Tại phiên chất vấn, Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đã báo cáo tới các đại biểu Quốc hội tóm tắt nội dung thẩm tra của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội về việc thực hiện các Nghị quyết của UBTVQH về giám sát chuyên đề: Nghị quyết số 297/NQ-UBTVQH14 về nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển khoa học, công nghệ nhằm thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa giai đoạn 2015-2020, trong đó chú trọng đẩy mạnh công nghiệp hỗ trợ và cơ khí chế tạo; Nghị quyết 437/NQ-UBTVQH14 về một số nhiệm vụ và giải pháp tiếp tục hoàn thiện và đẩy mạnh việc thực hiện chính sách pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT); Nghị quyết số 459/NQ-UBTVQH14 về tiếp tục nâng cao hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với cá nhân, tổ chức khai thác, nuôi trồng, chế biến hải sản trong phát triển kinh tế biển gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh; Nghị quyết số 582/NQ-UBTVQH14 về một số nhiệm vụ và giải pháp tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện chính sách pháp luật về quản lý và sử dụng vốn vay nước ngoài.
 
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cũng đã báo cáo tóm tắt thẩm tra việc thực hiện các kết luận của UBTVQH về chất vấn đối với lĩnh vực: Lao động, thương binh và xã hội; Thông tin và truyền thông; Xây dựng; Khoa học và công nghệ; Lĩnh vực thuộc trách nhiệm của Bộ Tư pháp; Lĩnh vực dân tộc; Lĩnh vực thuộc trách nhiệm của Bộ Công an.
 
Đấu tranh triệt phá các tổ chức cho vay nặng lãi, tín dụng đen

Về vấn đề đấu tranh triệt phá các tổ chức cho vay nặng lãi, tín dụng đen là vấn đề bức xúc của xã hội được nhiều đại biểu quan tâm, chất vấn Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm.

Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, 6 tháng đầu năm 2019, trên toàn quốc, lực lượng công an đã khởi tố hơn 436 vụ và 766 bị can liên quan đến tín dụng đen, bảo kê, đòi nợ thuê. Trong đó, khởi tố 214 vụ, hơn 900 bị can liên quan đến tín dụng đen về tội cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự, áp dụng nhiều biện pháp nghiệp vụ, làm tan rã nhiều băng nhóm tội phạm tín dụng đen trên toàn quốc, thống kê làm tan rã 1.400 các đường dây, tổ chức cho vay nặng lãi.

Theo Bộ trưởng Bộ Công an, thời gian qua Bộ Công an đã tham mưu cho Chính phủ ban hành Chỉ thị số 12 giải quyết vấn đề vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen”, phân công trách nhiệm cụ thể cho các cấp, các ngành để thực hiện; đặc biệt là phối hợp của ngành ngân hàng, có thủ tục để người dân dễ dàng tiếp cận vốn vay, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân, góp phần quan trọng xóa bỏ tín dụng đen; Phối hợp với các cơ quan liên quan để tháo gỡ vướng mắc pháp luật, tránh tình trạng lợi dụng khe hở của pháp luật, làm cơ sở xử lý phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm tín dụng đen hiệu quả hơn…. Do trấn áp mạnh, tội phạm liên quan đến tín dụng đen đã được kiềm chế, giảm tính phức tạp so với trước đây, nhiều chỗ tạm dừng hoạt động và hoạt động một cách có cầm chừng và nhân dân đã cảnh giác với hoạt động này. Tuy nhiên, Bộ trưởng Tô Lâm nhận định: Tình hình tín dụng đen, bảo kê, đòi nợ thuê vẫn còn diễn biến phức tạp, có nơi có lúc gây lo lắng cho nhân dân; hoạt động cho vay qua internet, tín dụng đen biến tướng qua không gian mạng, rất khó kiểm soát; đặc biệt là vấn đề tiền ảo và tiền thật thông qua internet để giao dịch tiền tệ.

Đảm bảo tiến độ triển khai các dự án đường cao tốc quan trọng; đẩy nhanh triển khai thu phí không dừng

Tại phiên chất vấn các đại biểu dành nhiều câu hỏi đến Bộ trưởng Bộ Giao thông – Vận tải Nguyễn Văn Thể về giải pháp đảm bảo tiến độ triển khai các dự án đường cao tốc quan trọng như: Đường cao tốc Bắc – Nam; đường cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận, Mỹ Thuận – Cần Thơ; đường tránh tuyến TP Long Xuyên; mở rộng Quốc lộ 1A đoạn qua Phú Yên.
 
Theo Bộ trưởng Bộ Giao thông – Vận tải, Chính phủ đã xác định 03 nguyên tắc thực hiện dự án đường cao tốc Bắc – Nam: Trình tự, thủ tục thực hiện đúng quy định pháp luật, bảo đảm tiến độ, chất lượng; tiến hành đấu thầu công khai, minh bạch, đúng quy định pháp luật; chú ý yếu tố an ninh, quốc phòng trong quá trình triển khai Dự án.
 
Để đảm bảo tiến độ thi công dự án đường cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận, Mỹ Thuận – Cần Thơ và cầu Mỹ Thuận 2 trong thời gian tới Chính phủ đã thực hiện nhiều nỗ lực: Quyết định bổ sung 2.186 tỷ đồng hỗ trợ cho nhà đầu tư và cho nhà đầu tư điều chỉnh lại dự án và đã được Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang phê duyệt; Giao Thống đốc Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng và vốn liên doanh để hỗ trợ khoảng 6.000 tỷ đồng cho dự án Trung Lương - Mỹ Thuận. Riêng cầu Mỹ Thuận 2 được Quốc hội bố trí vốn và Bộ Giao thông – Vận tải hoàn thành hồ sơ thiết kế kĩ thuật và dự toán. Theo kế hoạch quý I/2020, sẽ khởi công dự án, tháng 12/2019 sẽ khởi công xây dựng đường nối dẫn vào cầu. Đối với đoạn Mỹ Thuận- Cần Thơ, vừa qua Thủ tướng Chính phủ quyết định bổ sung 932 tỷ đồng cho dự án để giải phóng mặt bằng, đến khi có quyết định chính thức của Thủ tướng Chính phủ thì Bộ Giao thông – Vận tải sẽ mở thầu dự án. Đối với dự án đường tránh tuyến thành phố Long Xuyên, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, đáng lẽ dự án đã được triển khai cách đây nhiều năm, nhưng có nhiều thủ tục chưa hoàn chỉnh. Vừa qua, Bộ đã bàn giao mốc giải phóng mặt bằng cho thành phố Long Xuyên và tỉnh An Giang, hiện chính quyền địa phương đang tiến hành công tác kiểm đếm, làm các thủ tục chuẩn bị chi tiền, cố gắng đến 2022 sẽ xong đường tránh này.
 
Về tiến độ triển khai thu phí không dừng, Bộ trưởng Bộ Giao thông – Vận tải cho biết, vấn đề quan ngại nhất đó là việc chậm triển khai thu phí không dừng của Tổng Công ty Đường cao tốc Việt Nam - công ty 100% vốn Nhà nước, trực thuộc Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước, vì hiện Công ty này có 226 làn thu phí tự động không dừng. Bộ đã có văn bản đến Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước để báo cáo tình hình, nếu không cải thiện và chậm, trách nhiệm hoàn toàn thuộc nhà đầu tư. “Đến ngày 31/12/2019 nếu nhà đầu tư không hoàn thành và đưa 226 làn thu phí tự động vào sử dụng, Bộ sẽ tạm dừng thu phí toàn bộ các trạm thu phí không có thu phí tự động không dừng” – Bộ trưởng Bộ Giao thông – Vận tải khẳng định.
 
Đặt mục tiêu xây dựng mạng xã hội trong nước

Trả lời chất vấn về nội dung xây dựng mạng xã hội uy tín của Việt Nam, Bộ trưởng Thông tin Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, Bộ đang đặt mục tiêu xây dựng mạng xã hội trong nước, phát triển số lượng người dùng tương đương với mạng xã hội nước ngoài. Hiện nay còn khá nhiều cơ hội để các công ty công nghệ phát triển mạng xã hội Việt Nam, ví dụ mạng xã hội theo cách tiếp cận mới, chia sẻ lợi ích cho người tham gia. Ngoài ra, trong nền tảng mạng xã hội do đơn vị trong nước cung cấp có bộ lọc để "dọn rác" (thông tin xấu độc, sai sự thật...). Ngoài ra, Bộ Thông tin – Truyền thông đã đầu tư xây dựng và đưa vào vận hành Trung tâm giám sát không gian mạng quốc gia, có khả năng giám sát liên tục khoảng 100 triệu thông tin tiếng Việt được tạo ra và công khai mỗi ngày trên mạng; kịp thời phát hiện các xu hướng thông tin nóng, đánh giá tỷ lệ thông tin tiêu cực, tích cực vi phạm pháp luật để có biện pháp xử lý.

Bên cạnh đó, việc đấu tranh với mạng xã hội nước ngoài khi họ chưa có văn phòng đại diện tại Việt Nam, chưa đóng thuế, chưa thực thi luật pháp của Việt Nam cũng đạt kết quả khá tích cực. Trước đây Facebook thực hiện yêu cầu phía Việt Nam chỉ 30%, nay đã 70% đến 75%; YouTube trước thực hiện 60% yêu cầu, nay đã 80% đến 85%...

05 dự án đường sắt đô thị đội vốn lớn, chậm tiến độ

Trả lời chất vấn về  nguyên nhân và trách nhiệm của Bộ Tài chính, Kế hoạch & Đầu tư trong việc huy động, giải ngân vốn vay ODA cho 5 dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP HCM bị chậm tiến độ, đội vốn lớn, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho rằng, trách nhiệm trước hết của chủ đầu tư, sau đó mới là các bộ ngành có liên quan trong quá trình xem xét, phê duyệt, triển khai dự án. Một trong những nguyên nhân giải ngân chậm là giao dự toán chậm, giao kế hoạch chậm, quá trình điều chỉnh dự án, hay những vấn đề nội tại như giải phóng mặt bằng, bố trí vốn đối ứng.... làm ảnh hưởng đến tiến độ dự án. Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, hiện nhiều đầu mối cùng "quản" các dự án đầu tư công. Theo Luật Quản lý nợ công sửa đổi, mới có hiệu lực thì Bộ Tài chính cũng chỉ là đơn vị được giao đầu mối đàm phán, ký các hiệp định. Trong khi trách nhiệm chính trong phân bổ, chủ trương đầu tư... do Bộ Kế hoạch & Đầu tư đảm nhiệm. 

Theo Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, nguyên nhân các dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội, TP HCM chậm tiến độ do năng lực tư vấn, quản lý chưa theo kịp với dự án đường sắt đô thị đầu tiên Việt Nam thực hiện, vì vậy cần phải điều chỉnh vốn ở các dự án kéo theo nhiều hệ lụy như tìm nguồn vốn bổ sung, xác định thẩm quyền giải quyết thuộc cơ quan nào…

Bố trí nguồn lực thực hiện các chính sách dân tộc

Liên quan đến cân đối nguồn lực thực hiện chính sách dân tộc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến cho biết, thực hiện thông báo kết luận của UBTVQH số 2198 về ưu tiên bố trí đủ nguồn lực vốn cho thực hiện các chính sách dân tộc, Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, ngành, trong đó có Ủy ban Dân tộc rà soát và đã có rất nhiều cố gắng trong bố trí vốn. Riêng đối với các chính sách mà do Ủy ban Dân tộc quản lý, năm 2019 đã bố trí 5.508,554 tỷ đồng để thực hiện các nhiệm vụ chính.

Về kết quả thực hiện đề án hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội các dân tộc thiểu số rất ít người giai đoạn 2016-2025 theo Quyết định 2086 của Thủ tướng Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến  đánh giá là đạt kết quả bước đầu nhưng chưa đạt mục tiêu và chỉ tiêu đề ra trong quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Hiện Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang thu xếp và trong thời gian sớm nhất sẽ thông báo vốn này. Như vậy trong thời gian tới năm 2019 và 2020 sẽ phân bổ và ưu tiên cho Quyết định 2086 đối với nhóm dân tộc thiểu số rất ít người.

Về quan điểm chỉ đạo thực hiện của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến nêu rõ, Chính phủ coi thực hiện hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội các dân tộc thiểu số rất ít người là một điểm nhấn mà cần phải hết sức lưu ý trong chỉ đạo giảm nghèo ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Ban hành văn bản hướng dẫn còn chậm

Trả lời chất vấn về công tác chậm ban hành văn bản quy phạm pháp luật và tính khả thi của văn bản ban hành, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, trong 2 năm qua, Chính phủ trình Quốc hội, UBTVQH xem xét, ban hành 26 dự án Luật, Pháp lệnh, Nghị quyết khác nhau, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh. Trong đó, có những dự án ban hành kịp thời, có sự thống nhất cao, mang lại tác dụng nhanh chóng. Về ban hành văn bản hướng dẫn thi hành Luật, Bộ trưởng cho biết, qua rà soát 26 dự án Luật, Pháp lệnh, Nghị quyết được Quốc hội thông qua có khoảng 10 văn bản có tiến độ xây dựng chậm. Cá biệt có văn bản trình rất chậm khiến UBTVQH, Quốc hội phải thay đổi chương trình hay đưa ra khỏi chương trình. 
 
Để khắc phục những hạn chế này, Bộ trưởng cho biết, sẽ thực hiện nghiêm quy định liên quan tại Luật Ban hành văn bản pháp luật, cũng như chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Bộ trưởng cũng nêu rõ, trách nhiệm xây dựng thể chế, văn bản của các Bộ, ngành trách nhiệm chính thuộc về người đứng đầu. Ngoài ra, các cơ quan cần cân nhắc khi đề xuất dự án Luật đưa vào chương trình, vì có xu hướng ôm đồm, chưa dự liệu hết vấn đề phát sinh; phải có kế hoạch, bám sát tiến độ thực hiện chương trình xây dựng luật, pháp lệnh đã đưa ra…
Thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ phát biểu làm rõ thêm một số vấn đề liên quan thuộc trách nhiệm của Chính phủ và trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.
 
Tiếp tục tổ chức thực hiện hiệu quả những nội dung yêu cầu tại các Nghị quyết và kết luận của UBTVQH
 
Phát biểu kết luận phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, với tinh thần trách nhiệm cao, đã có 35 đại biểu đặt câu hỏi, 3 đại biểu tranh luận và 14 Bộ trưởng và Chánh án Tòa án nhân dân tối cao trực tiếp trả lời chất vấn những vấn đề thuộc trách nhiệm của mình.
 
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, đây là lần đầu tiên UBTVQH tiến hành giám sát lại  các vấn đề đã được giám sát, chất vấn tại các phiên họp của UBTVQH. “Việc chất vấn và trả lời chất vấn tại phiên họp này cho thấy tính liên tục, toàn diện trong hoạt động giám sát của Quốc hội; thể hiện tinh thần trách nhiệm của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội trong việc theo dõi, giám sát đến cùng những nội dung đã được giám sát” – Chủ tịch Quốc hội nói.
 
Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, qua các báo cáo của Chính phủ, báo cáo thẩm tra của Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và nội dung chất vấn, có thể thấy rằng bức tranh tổng thể trong việc triển khai các yêu cầu của UBTVQH trong các Nghị quyết giám sát, kết luận chất vấn của UBTVQH có nhiều điểm sáng, nhưng cũng phải thẳng thắn thấy rằng còn có nhiều nội dung, nhiều chỉ tiêu, yêu cầu chưa đạt, chưa giải quyết dứt điểm hoặc vẫn còn có những khó khăn, vướng mắc cần tiếp tục có giải pháp căn cơ để triển khai, khắc phục. Đề nghị Chính phủ, các Bộ, ngành liên quan, tiếp tục tổ chức thực hiện hiệu quả những nội dung yêu cầu tại các nghị quyết và kết luận của UBTVQH.
 
Nhấn mạnh về các vấn đề cần tập trung trong thời gian tới, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu:
 
Một là, hoàn thiện thể chế pháp luật, triển khai các đề án cụ thể; hoàn thiện chính sách pháp luật đối với người có công, đối với đồng bào dân tộc thiểu số; ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn ở một số lĩnh vực xây dựng; hoàn thiện các chính sách về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, hỗ trợ cho ngư dân và các hoạt động kinh tế biển; các chính sách tháo gỡ nút thắt cho kết nối giao thông, chính sách phát triển bền vững, đồng bằng Sông Cửu Long; các chính sách cho phát triển khoa học công nghệ.
 
Hai là, tăng cường phối, kết hợp giữa các cơ quan, ban ngành trong việc triển khai các chương trình, đề án, chú trọng liên kết ngành trong việc triển khai các nhiệm vụ kinh tế - xã hội.
 
Ba là, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ; kiên quyết có các giải pháp để triển khai đúng hạn các yêu cầu của Quốc hội, UBTVQH.
 
Bốn là, cần có các giải pháp phù hợp trong việc bố trí vốn, tăng cường nguồn lực để triển khai các chính sách đã được ban hành…/.
 
Thanh Hà