Quốc hội thảo luận về dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi): Dự thảo Luật đã khắc phục những hạn chế, bất cập của quy định hiện hành

(sav.gov.vn) - Trong chương trình làm việc sáng ngày 22/10/2019 của Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi).

Không quy định về đầu tư và quyền, nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực chứng khoán

Tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế (UBKT) Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi). Chủ nhiệm UBKT) Vũ Hồng Thanh cho biết, trên cơ sở ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7 và ý kiến các Đoàn ĐBQH về dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi), Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã chỉ đạo nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật.

Về chào bán cổ phiếu thấp hơn mệnh giá, để bảo đảm đồng bộ, UBTVQH đề nghị Chính phủ rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định có liên quan tại Luật Doanh nghiệp (sửa đổi).

Về điều kiện chào bán chứng khoán ra công chúng, UBTVQH cho rằng, việc nâng điều kiện về vốn điều lệ là nhằm nâng cao chất lượng, sự ổn định của công ty đại chúng và phù hợp với thông lệ quốc tế, quy mô thị trường chứng khoán. Quy định điều kiện về mức vốn điều lệ để được chào bán chứng khoán ra công chúng là 30 tỷ đồng cũng tương thích với điều kiện niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội hiện nay.

Liên quan đến việc chào bán trái phiếu riêng lẻ của tổ chức phát hành không phải là công ty đại chúng, UBTVQH tiếp thu theo hướng phân định rõ phạm vi Luật Chứng khoán điều chỉnh đối với phát hành chứng khoán của công ty đại chúng và Luật Doanh nghiệp điều chỉnh phát hành chứng khoán của doanh nghiệp không phải công ty đại chúng để bảo đảm tính nhất quán trong việc đưa ra các điều kiện phát hành, quản trị doanh nghiệp cũng như quá trình xem xét chấp thuận, giám sát, thanh tra, kiểm tra của cơ quan có thẩm quyền đối với đối tượng công ty đại chúng và doanh nghiệp không phải công ty đại chúng, đồng thời bảo đảm có đủ thời gian đánh giá tác động theo đúng quy định của pháp luật.

Đối với việc chào bán chứng khoán riêng lẻ của doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, UBTVQH cho rằng, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo với mức vốn thấp, rủi ro cao; cho phép chào bán chứng khoán ra công chúng trên thị trường chứng khoán sẽ ảnh hưởng đến tính an toàn của thị trường và không bảo đảm tính bình đẳng đối với các thành viên thị trường khác. Mặt khác, hiện nay, Luật Doanh nghiệp đã có quy định cụ thể đối với chào bán cổ phần riêng lẻ đối với công ty không phải là công ty đại chúng. Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa và Nghị định 38/2018/NĐ-CP đã có những cơ chế hỗ trợ vốn và đầu tư cho các doanh nghiệp này thông qua Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo. Vì vậy, đề nghị không quy định về chào bán chứng khoán riêng lẻ của doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo tại dự thảo Luật.

Về vị trí, nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, UBTVQH thấy rằng việc quy định Ủy ban Chứng khoán Nhà nước trực thuộc Bộ Tài chính như hiện nay là phù hợp, giữ ổn định về bộ máy, tổ chức, không tăng thêm đầu mối. Đồng thời, mô hình hiện nay đã và đang phát huy tác dụng tốt, giúp cho Bộ Tài chính quản lý thống nhất các vấn đề liên quan đến tài chính của đất nước; các chính sách phụ trợ cho sự phát triển của thị trường chứng khoán được ban hành trong chỉnh thể đồng bộ, linh hoạt.
 

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi)​

Để bảo đảm tính thống nhất, giảm bớt đầu mối quản trị, điều hành và minh bạch, rõ ràng trong áp dụng quy định của pháp luật, dự thảo Luật Chứng khoán (sửa đổi) được tiếp thu, chỉnh lý theo hướng chỉ có 01 Sở giao dịch chứng khoán duy nhất, là đầu mối quản trị điều hành, quản trị rủi ro và trực tiếp tổ chức giao dịch chứng khoán; sửa đổi tên gọi Sở giao dịch chứng khoán thành Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam tại các điều, khoản liên quan. Đây là doanh nghiệp rất đặc thù nên cần được quy định cụ thể trong Luật về thẩm quyền thành lập, quyền hạn và nghĩa vụ cơ bản. Mặt khác, những biến động về thị trường tại Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam có thể ảnh hưởng đến an ninh, an toàn tiền tệ của quốc gia. Do vậy, để bảo đảm Nhà nước giữ vai trò chỉ đạo, chi phối đề nghị chỉnh lý khoản 1 Điều 42 của dự thảo Luật, theo đó Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam là doanh nghiệp được thành lập và hoạt động theo quy định của Luật này và Luật Doanh nghiệp, do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.

Liên quan đến tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài và tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, UBTVQH thấy rằng, dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi) trình Quốc hội Kỳ họp thứ 8 có quy định về điều kiện, tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài và dự kiến quy định ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài. Việc quy định như tại Điều 50 dự thảo Luật Chứng khoán (sửa đổi) bảo đảm được tính thống nhất với quy định hiện hành và dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi), bảo đảm tính linh hoạt bằng việc giao Chính phủ hướng dẫn.

Chủ nhiệm UBKT Vũ Hồng Thanh cho biết, qua rà soát, các quy định của dự thảo Luật không chồng lấn với phạm vi điều chỉnh của các Luật khác và không gây ra các xung đột pháp luật. Riêng Luật Các tổ chức tín dụng có quy định những điều kiện nhằm hạn chế hoạt động đầu tư chứng khoán của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài để ngăn ngừa rủi ro và bảo đảm an ninh tiền tệ. Do vậy, để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, Điều 3 được chỉnh sửa theo hướng giảm bớt các hoạt động bắt buộc phải tuân thủ Luật Chứng khoán, cụ thể đã bỏ quy định về đầu tư và quyền, nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực chứng khoán so với dự thảo đã trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 7.

Bên cạnh đó, Để tạo thuận lợi cho hoạt động của các chủ thể kinh doanh, Điều 69 của dự thảo Luật cũng đã sửa đổi quy định về cấp giấy phép thành lập và hoạt động đối với công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán tương tự quy định về cấp giấy phép cho tổ chức tín dụng tại Luật Các tổ chức tín dụng.

Dự thảo Luật đã khắc phục những hạn chế, bất cập của quy định hiện hành

Tại Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV, Quốc hội đã thảo luận tại tổ và hội trường về dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi). Trên cơ sở ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Cơ quan chủ trì thẩm tra, Cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật. Tuy nhiên vẫn còn một số nội dung của dự thảo Luật còn nhiều ý kiến khác nhau như về chào bán cổ phiếu thấp hơn mệnh giá; điều kiện chào bán chứng khoán ra công chúng; chào bán trái phiếu riêng lẻ của tổ chức phát hành không phải là công ty đại chúng; chào bán chứng khoán riêng lẻ của doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo; vị trí, nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước; mô hình và tổ chức của Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam; tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài và tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài; tổ chức hoạt động và chức năng đăng ký giao dịch bảo đảm của Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam…

Thảo luận tại hội trường, các nội dung này tiếp tục được nhiều đại biểu quan tâm cho ý kiến. Các đại biểu cũng đánh giá cao dự thảo luật trình Quốc hội lần này đã tiếp thu tương đối đầy đủ ý kiến đại biểu Quốc hội, trên cơ sở quá trình kế thừa, đáp ứng yêu cầu thể chế đường lối của Đảng về xây dựng nền kinh tế thị trường, cải cách thể chế tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, thuân lợi, minh bạch, tiệm cận thông lệ quốc tế, phù hợp với thực tiễn phát triển của thị trường chứng khoán Việt Nam; đồng thời khắc phục những hạn chế, bất cập của quy định hiện hành.

Liên quan đến mô hình tổ chức của Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam, đại biểu Đặng Thuần Phong (Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre) nhấn mạnh đây là nội dung rất quan trọng và cho rằng, nếu Dự thảo chỉ quy định một sở giao dịch chứng khoán duy nhất với tên là Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam là cứng nhắc, không lường hết được các trường hợp phát sinh mới. Hiện nay, Sở giao dịch chứng khoán đang tổ chức thị trường cổ phiếu, trái phiếu và thị trường phái sinh, sau này có thể có thể sàn giao dịch chứng khoán phái sinh hàng hóa thì khi đó tên của sở giao dịch sẽ là gì? Do đó, đề nghị cân nhắc kỹ quy định. Cùng với đó, về tổ chức, sắp xếp lại các Sở giao dịch chứng khoán để bảo đảm hoạt động có hiệu quả là yêu cầu hết sức cần thiết, đại biểu cho rằng thẩm quyền này nên giao cho Thủ tướng Chính phủ, tạo sự chủ động trong điều hành, tổ chức triển khai thực hiện.
 
Đại biểu Lê Thanh Vân (Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau)

Bày tỏ nhất trí cao với hướng tiếp thu giải trình của UBTVQH, song đại biểu Lê Thanh Vân (Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau) cũng cho rằng quy định về mô hình tổ chức của Sở giao dịch chứng khoán như dự thảo Luật chưa đáp ứng khuôn khổ pháp lý cho Sở giao dịch chứng khoán tổ chức và vận hành với tư cách một doanh nghiệp với mục tiêu đề ra. Cho biết xu hướng của thế giới là tổ chức lại theo hướng sáp nhập các Sở giao dịch. Nhiều nơi còn tổ chức các sở giao dịch liên quốc gia để phù hợp với thể chế kinh tế toàn cầu, đại biểu Lê Thanh Vân cho rằng trong nước cũng cần đón lấy xu hướng này.

Đại biểu Lê Thanh Vân chỉ rõ, hiện dự thảo Luật mới chỉ quy định về quyền và nghĩa vụ của Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam. Trong khi Sở này dự kiến tổ chức theo mô hình công ty mẹ - con, như vậy là mới quy định về “mẹ” mà không quy định về “con”. Quyền và nghĩa của của Sở giao dịch chứng khoán ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của những người tham gia giao dich, là người dân nên cần phải được quy định rõ. Cùng với đó, sự phân chia thị trường chuyên biệt có thể dẫn đến cạnh tranh  không lành mạnh ngay trong chính hệ thống Sở giao dịch chứng khoán cũng như nguy cơ về phân tán nguồn lực thu hút đầu tư thông qua thị trường.

Do đó, đại biểu đề nghị cần rà soát lại quy định ở Điều 42 và Điều 45 của dự thảo Luật theo hướng trao quyền Thủ tướng Chính phủ quy định quyền và nghĩa vụ của Sở giao dịch chứng khoán nói chung, còn phần tầng Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam và các sở ở các điểm thành lập nên quy định cụ thể trong văn bản của Thủ tướng Chính phủ.

Ngoài ra, các đại biểu cũng lưu ý quy định về chào bán trái phiếu riêng lẻ của tổ chức phát hành không phải là công ty đại chúng. Theo Luật Doanh nghiệp hiện hành, công ty không đại chúng được phát hành cổ phiếu, trái phiếu trên cơ sở nghị quyết đại hội cổ đông mà không có sự kiểm soát của cơ quan chức năng. Đây là rủi ro lớn cho thị trường bởi có những công ty không đại chúng rất lớn. Đây cũng là khoảng trống pháp lý. Hiện nay các Sở kế hoạch đầu tư các tỉnh chỉ nhận bản đăng kí vốn, còn doanh nghiệp huy động vốn trên thị trường còn khoảng trống, dẫn đến nhiều vụ việc lừa đảo phát hành cổ phiếu, trái phiếu. Do đó, cần có sự cân nhắc có quy định vào luật hay không, có sự quản lý của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước các chứng khoán của các công ty không đại chúng hay không.
 
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng giải trình các vấn đề đại biểu quan tâm

Tại phiên họp, Bộ Trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh, Ban soạn thảo xin nghiêm túc nghiên cứu tiếp thu những nội dung các đại biểu phát biểu, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến kỹ thuật lập pháp, phù hợp pháp luật liên quan thống nhất trong dự thảo Luật này.

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu rõ, trên cơ sở ý kiến đại biểu Quốc hội, UBTVQH sẽ nghiêm tục tiếp thu và giải trình đầy đủ; đồng thời chỉ đạo UBKT hoàn thiện dự thảo trước khi trình Quốc hội biểu quyết thông qua.

Theo Chương trình, dự kiến các đại biểu Quốc hội sẽ biểu quyết, thông qua Luật Chứng khoán vào ngày 26/11/2019./.

Phương Ngọc