Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV: Công tác phòng, chống tham nhũng có bước tiến mạnh  

(sav.gov.vn) - Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV, trong 2 ngày 4-5/11/2019, Quốc hội nghe và bàn thảo nhiều nội dung quan trọng, trong đó có Báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) năm 2019, Báo cáo thẩm tra Báo cáo về công tác PCTN năm 2019 cũng như thảo luận ở Hội trường về công tác này. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều hành phiên họp.

Tham nhũng đang từng bước được kiềm chế và có chiều hướng thuyên giảm

Báo cáo trước Quốc hội, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái cho biết, năm 2019, Năm 2019, công tác PCTN đã có thêm những bước tiến mạnh với nhiều chủ trương, giải pháp đột phá, đạt được kết quả tích cực, rõ rệt; tham nhũng đang từng bước được kiềm chế và có chiều hướng thuyên giảm.

Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái nhấn mạnh, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn xác định PCTN là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, phải tổ chức thực hiện nghiêm túc, quyết liệt, gắn với tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính. Đã chú trọng chỉ đạo các cấp, các ngành sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các cơ chế, pháp luật về quản lý kinh tế - xã hội để PCTN, thực hiện các biện pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; xây dựng lộ trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, giảm thiểu các chỉ số về tham nhũng trong giao dịch giữa người dân, doanh nghiệp với cơ quan Nhà nước. Nghiêm túc, khẩn trương thi hành Luật PCTN, Luật tố cáo, Luật thi hành án hình sự..., tăng cường bảo vệ người phát hiện, tố giác, người đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; xử lý, ngăn chặn tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp; phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng trong hoạt động công vụ; định kỳ đánh giá tình hình, kết quả công tác và việc tổ chức thực hiện các biện pháp PCTN.
 
Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái phát biểu

Trong năm qua, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế về PCTN tiếp tục được đẩy mạnh. Trên các lĩnh vực quản lý kinh tế, xã hội, nhiều văn bản pháp luật đã được xây dựng, ban hành, hoàn thiện kịp thời, nhất là các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành các Luật, Pháp lệnh, Nghị quyết đã có  hiệu lực.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo cụ thể, quyết liệt, đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng bộ máy Nhà nước tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đơn giản hoá điều kiện kinh doanh; siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính; xây dựng Chính phủ điện tử, chính quyền thông minh; tăng cường sử dụng văn bản điện tử, chữ ký số trong hoạt động của cơ quan Nhà nước; tổ chức giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông...

Kết quả Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2018 cho thấy: Tỷ lệ người dân, tổ chức hài lòng với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước nói chung trong cả nước đạt 82,99%.

Bên cạnh đó, Chính phủ tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành nhiều quy định mới về chế độ, định mức, tiêu chuẩn trên các lĩnh vực, nhất là các chế độ, định mức, tiêu chuẩn liên quan đến quản lý đất đai, tài nguyên, khoáng sán, quản lý đầu tư, tài chính, tài sản công. Việc kê khai tài sản, thu nhập tiếp tục được thực hiện nghiêm túc. Việc thực hiện quy định về tặng quà, nộp lại quà tặng tiếp tục được Chính phủ quán triệt, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc nhằm ngăn ngừa tình trạng lợi dụng truyền thống tốt đẹp để đưa hối lộ, tham nhũng.

Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái nêu rõ, năm 2019, có 30 người đứng đầu đã bị xử lý kỷ luật do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng, có 03 người đứng đầu bị xử lý hình sự do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan liên quan thực hiện Đề án đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt và các biện pháp tăng cường phòng, chống rửa tiền, chống tội phạm kinh tế.

Nhìn chung, trong năm 2019, công tác PCTN tiếp tục được tăng cường, đẩy mạnh với cách làm bài bản, quyết liệt, đồng bộ, đi vào chiều sâu và hiệu quả hơn, được đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân hoan nghênh, đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, giám sát, đôn đốc, kiểm tra về PCTN tiếp tục được chú trọng, đẩy mạnh. Chính sách, pháp luật về PCTN tiếp tục được tăng cường, cụ thể hóa và triển khai thực hiện nghiêm túc. Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCTN được tổ chức bài bản, chặt chẽ hơn. Công tác phòng ngừa tham nhũng tiếp tục được mở rộng và có sự điều chỉnh để khắc phục hạn chế, yếu kém, nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện. Các hoạt động phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp được chú trọng và triển khai rộng rãi. Công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án được đẩy mạnh, xử lý nghiêm minh, kịp thời các tổ chức, cá nhân sai phạm, siết chặt kỷ luật, kỷ cương. Đáng chú ý trong nhiều vụ án được mở rộng điều tra, làm rõ yếu tố vụ lợi, chiếm đoạt để khởi tố thêm tội tham nhũng. Việc thu hồi tài sản ngay trong quá trình điều tra các vụ án tham nhũng năm 2019 đạt kết quả tích cực và có sự tiến bộ rõ nét. Các cơ quan của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp nhịp nhàng, đồng bộ hơn trong PCTN.

Dự báo trong thời gian tới, công tác PCTN sẽ tiếp tục đạt được kết quả toàn diện, tích cực, đậm nét; tham nhũng bước đầu được ngăn chặn và đẩy lùi, góp phần giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố niềm tin của nhân dân đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước.
 
Cần tổng kết, đánh giá, nhận diện để dự báo đúng tình hình tham nhũng

Trình bày Báo cáo thẩm tra Báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2019, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho biết, trong năm 2019, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, công tác phòng, chống tham nhũng đã được đẩy mạnh và đạt được nhiều kết quả tích cực; qua đó tiếp tục khẳng định quyết tâm chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước ta.
 
Toàn cảnh phiên làm việc
Về thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho hay, Ủy ban Tư pháp nhận thấy, năm 2019, nhiều biện pháp phòng ngừa tham nhũng đã được Chính phủ triển khai tích cực, đồng bộ và có hiệu quả trên các mặt như: sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế để xây dựng bộ máy Nhà nước thực sự tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; tăng cường việc thanh tra, kiểm tra, chấn chỉnh công tác cán bộ; cải thiện năng lực cạnh tranh, cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm điều kiện kinh doanh; công khai, minh bạch tổ chức và hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị …

Tuy nhiên, việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng trong một số ngành, lĩnh vực, địa phương vẫn còn hạn chế. Bên cạnh những hạn chế đã được nêu trong Báo cáo của Chính phủ, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp cũng nhấn mạnh: Việc rà soát, sắp xếp, kiện toàn, tổ chức lại bộ máy cơ quan chuyên môn, đơn vị sự nghiệp công lập, tinh giản biên chế ở một số Bộ, ngành, địa phương thực hiện còn chậm, thiếu đồng bộ, trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ. Tình trạng bổ nhiệm cán bộ thiếu điều kiện, tiêu chuẩn vẫn diễn ra, có trường hợp được bổ nhiệm gây bức xúc trong dư luận. Đề nghị Chính phủ báo cáo cụ thể cho Quốc hội kết quả công tác thanh tra, kiểm tra, rà soát việc bổ nhiệm cán bộ, công chức, viên chức, nhất là bổ nhiệm lãnh đạo giữ chức vụ, quản lý trên cả nước.

Việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu để xảy ra tham nhũng mặc dù được tăng cường nhưng vẫn chưa triệt để và chưa tương xứng với các vụ án tham nhũng được phát hiện, xử lý. Vẫn chưa tách bạch rõ việc xử lý trách nhiệm của người đứng đầu để xảy ra tham nhũng với xử lý trách nhiệm của người đứng đầu có hành vi tham nhũng để tăng cường các giải pháp thực hiện… Do đó, hiệu quả của biện pháp này trong công tác phòng chống tham nhũng chưa cao.

Về kết quả thanh tra, kiểm toán nhà nước, giải quyết khiếu nại, tố cáo góp phần vào công tác phát hiện và xử lý tham nhũng, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, năm 2019, công tác thanh tra, kiểm toán và giải quyết khiếu nại, tố cáo tiếp tục được tăng cường, tập trung vào các lĩnh vực có nguy cơ dư luận về tham nhũng, tiêu cực và đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Nhất là việc Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán nhà nước đã tiến hành thanh tra, kiểm toán và công khai kết quả thanh tra, kiểm toán tại một số dự án, công trình quan trọng… đã nhận được sự đồng tình, đánh giá cao của dư luận. Tuy nhiên, việc kiến nghị xử lý vi phạm qua công tác thanh tra, kiểm toán, giải quyết khiếu nại, tố cáo nhiều năm qua vẫn chủ yếu kiến nghị xử lý hành chính, kỷ luật mà ít kiến nghị xử lý hình sự và theo phản ánh của dư luận là chưa tương xứng với tình hình tham nhũng, có biểu hiện hành chính hóa quan hệ hình sự.

Về kết quả phát hiện, xử lý tội phạm tham nhũng, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho hay, dưới sự chỉ đạo kịp thời, kiên quyết, sát sao của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, nhiều vụ việc, vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp được phát hiện, khởi tố, xử lý nghiêm minh theo hướng làm rõ đến đâu, xử lý đến đó.

Đáng lưu ý, nếu như trước đây, các vụ án kinh tế lớn mà dư luận nghi ngờ có dấu hiệu tham nhũng nhưng do không chứng minh được yếu tố tham nhũng, chiếm đoạt thì nay nhiều vụ án đã chứng minh được yếu tố này để xử lý nghiêm minh. Nhiều vụ án nghiêm trọng, phức tạp được đưa ra xét xử kịp thời, với hình phạt nghiêm khắc. Các cơ quan tư pháp đã tích cực thực hiện kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản nhằm bảo đảm thu hồi tối đa tài sản bị thất thoát do tham nhũng…

Tuy nhiên, việc phát hiện tham nhũng thông qua công tác tự kiểm tra nội bộ, kiểm tra của cấp trên đối với cấp dưới là khâu yếu, nhưng vẫn chưa được khắc phục; việc giải quyết tin báo, tố giác tội phạm về tham nhũng chưa đạt chỉ tiêu Quốc hội giao. Số vụ án tham nhũng được phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử chưa phản ánh đúng thực trạng tình hình. Một số vụ án tham nhũng, sai phạm kinh tế lớn ở địa phương không phải do cơ quan điều tra ở địa phương phát hiện mà chủ yếu do cơ quan điều tra cấp Trung ương khám phá, điều tra. Đáng lưu ý, số trường hợp phát hiện yếu tố tham nhũng, vụ lợi trong các vụ án kinh tế còn ít, chưa phản ánh đúng bản chất, động cơ, mục đích của người phạm tội.

Trước tình hình trên, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội kiến nghị Chính phủ khẩn trương tổ chức triển khai thực hiện Luật Phòng chống tham nhũng mới được Quốc hội thông qua, nhất là các quy định về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn.

Từ hạn chế của công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế trong thời gian qua, đề nghị Chính phủ tổng kết, đánh giá, rà soát và đưa ra danh mục những quy định pháp luật còn thiếu, sơ hở, dễ bị lợi dụng để tham nhũng, qua đó tự mình hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.

Đề nghị Tổng Thanh tra Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công an, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao tổng kết, rà soát lại chức năng, nhiệm vụ và đánh giá hiệu quả hoạt động của Cục Phòng, chống tham nhũng, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, Vụ Thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án tham nhũng, chức vụ để tìm ra những nguyên nhân của hạn chế, vướng mắc trong hoạt động để điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ, bảo đảm các đơn vị này thực sự là cơ quan chuyên trách về chống tham nhũng theo quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng.

Đặc biệt, Ủy ban Tư pháp cũng đề ra một số giải pháp phòng, chống các loại hình tham nhũng. Theo đó, đối với “tham nhũng vặt”, Chính phủ cần nhận diện rõ tình trạng “tham nhũng vặt” (nhũng nhiễu, tiêu cực, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp) tập trung ở những ngành, lĩnh vực nào để đưa ra giải pháp phòng, chống phù hợp.

Qua các vụ việc sai phạm, vụ án kinh tế, tham nhũng lớn xảy ra trong thời gian qua, đề nghị Chính phủ giao Tổng Thanh tra Chính phủ tổng kết, đánh giá, chỉ rõ nguyên nhân, rút ra những bài học về quản lý kinh tế - xã hội, quản lý cán bộ, phòng chống tham nhũng để đề ra giải pháp khắc phục, phòng ngừa trong thời gian tới.

Ngay sau khi nghe trình bày báo cáo, Quốc hội tiến hành thảo luận toàn thể tại hội trường về nội dung này./.
 
Như Ý