Chính phủ Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng

(sav.gov.vn) - Chính phủ vừa ban hành Nghị định 88/2019/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng. Nghị định gồm 4 Chương và 59 Điều quy định các hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả, thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính, thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ ngân hàng.

Theo đó, Nghị định này áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng. Cụ thể: Tổ chức tín dụng; đơn vị phụ thuộc của tổ chức tín dụng; chi nhánh ngân hàng nước ngoài; văn phòng đại diện của tổ chức tín dụng nước ngoài, tổ chức nước ngoài khác có hoạt động ngân hàng; doanh nghiệp; đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp; hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; đơn vị trực thuộc của hợp tác xã; liên hiệp hợp tác xã; các tổ chức khác được thành lập, hoạt động tại Việt Nam.

Nghị định nêu rõ, các hình thức xử phạt, mức phạt tiền, thẩm quyền phạt tiền và biện pháp khắc phục hậu quả. Trong đó, mức phạt tiền đối đa đối với hành vi vi phạm trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng đối với tổ chức vi phạm là 2.000.000.000 đồng và đối với cá nhân vi phạm là 1.000.000.000 đồng.

Đồng thời, nêu chi tiết cụ thể các hình thức xử phạt, mức phạt tiền về việc: Vi phạm quy định về quản lý và sử dụng giấy phép; vi phạm quy định về tổ chức, quản trị, điều hành; vi phạm quy định về cổ phần, cổ phiếu, phần vốn góp; vi phạm quy định về huy động vốn và cung cấp dịch vụ; vi phạm quy định về cấp tín dụng, nhận ủy thác, ủy thác và hoạt động liên ngân hàng; vi phạm quy định về hoạt động cung ứng dịch vụ thông tin tín dụng; vi phạm quy định về hoạt động ngoại hối và kinh doanh vàng; vi phạm quy định về thanh toán quản lý tiền tệ và kho quỹ; vi phạm quy định về mua, đầu tư vào tài sản cố định và kinh doanh bất động sản của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; vi phạm quy định về bảo đảm an toàn hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh nước ngoài; vi phạm quy định về bảo hiểm tiền gửi; Vi phạm quy định về phòng chống rửa tiền; phòng, chống tài trợ khủng bố; vi phạm quy định về chế độ thông tin báo cáo; vi phạm quy định về cản trở việc thanh tra, không thực hiện yêu cầu của người có thẩm quyền; vi phạm quy định về mua bán và xử lý nợ và vi phạm quy định về an toàn công nghệ thông tin trong hoạt động ngân hàng.

Trong đó, phạt từ 20.000.000 đến 30.000.000 đồng đối với hành vi không báo cáo kết quả kiểm toán nội bộ, kiểm toán độc lập, báo cáo về hệ thống kiểm soát nội bộ theo quy định của pháp luật. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm không lựa chọn tổ chức kiểm toán độc lập theo quy định; không thông báo cho ngân hàng nhà nước về tổ chức kiểm toán độc lập được lựa chọn trong thời hạn 30 ngày theo quy định.

Phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với các hành vi vi phạm: Kiểm toán nội bộ không thực hiện những nội dung quy định; không thực hiện kiểm toán độc lập theo quy định; không thực hiện kiểm toán độc lập lại trong trường hợp báo cáo kiểm toán có ý kiến ngoại trừ của tổ chức kiểm toán độc lập theo quy định; không thực hiện giám sát của quản lý cấp cao, kiểm soát nội bộ, quản lý rủi ro, đánh giá nội bộ về mức đủ vốn theo quy định của pháp luật.

Phạt từ 100.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng đối với hành vi không thành lập kiểm toán nội bộ chuyên trách thuộc Ban kiểm soát; phạt từ 200.000.000 đồng đến 250.000.000 đồng đối với hành vi không xây dựng hệ thống kiểm soát nội bộ theo quy định.

Bên cạnh đó, phạt cảnh cáo đối với một trong các hành vi vi phạm sau: Mua, bán ngoại tệ giữa cá nhân với nhau mà ngoại tệ mua, bán có giá trị dưới 1.000 USD (hoặc ngoại tệ khác có giá trị tương đương); mua, bán ngoại tệ tại tổ chức không được phép thu đổi ngoại tệ mà ngoại tệ mua, bán có giá trị dưới 1.000 USD (hoặc ngoại tệ khác có giá trị tương đương); thanh toán tiền hàng hóa, dịch vụ bằng ngoại tệ có giá trị dưới 1.000 USD (hoặc ngoại tệ khác có giá trị tương đương) không đúng quy định của pháp luật.

Nghị định quy định phạt tiền từ 20.000.000 - 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây: Không niêm yết tỷ giá mua, bán ngoại tệ tại địa điểm giao dịch theo quy định của pháp luật; niêm yết tỷ giá mua, bán ngoại tệ nhưng hình thức, nội dung niêm yết tỷ giá không rõ ràng, gây nhầm lẫn cho khách hàng.

Mức phạt trên cũng áp dụng với một trong các hành vi: Mua, bán ngoại tệ giữa cá nhân với nhau mà ngoại tệ mua, bán có giá trị từ 10.000 USD đến dưới 100.000 USD (hoặc ngoại tệ khác có giá trị tương đương); mua, bán ngoại tệ tại tổ chức không được phép thu đổi ngoại tệ mà ngoại tệ mua, bán có giá trị từ 10.000 USD đến dưới 100.000 USD (hoặc ngoại tệ khác có giá trị tương đương); thanh toán tiền hàng hóa, dịch vụ bằng ngoại tệ có giá trị từ 10.000 USD đến dưới 100.000 USD (hoặc ngoại tệ khác có giá trị tương đương) không đúng quy định của pháp luật.

Phạt tiền từ 10.000.000 - 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây: Mua, bán ngoại tệ giữa cá nhân với nhau mà ngoại tệ mua, bán có giá trị từ 1.000 USD đến dưới 10.000 USD (hoặc ngoại tệ khác có giá trị tương đương); mua, bán ngoại tệ giữa cá nhân với nhau mà ngoại tệ mua, bán có giá trị dưới 1.000 USD (hoặc ngoại tệ khác có giá trị tương đương) trong trường hợp tái phạm hoặc vi phạm nhiều lần; thanh toán tiền hàng hóa, dịch vụ bằng ngoại tệ có giá trị dưới 1.000 USD (hoặc ngoại tệ khác có giá trị tương đương) không đúng quy định của pháp luật trong trường hợp tái phạm hoặc vi phạm nhiều lần; thanh toán tiền hàng hóa, dịch vụ bằng ngoại tệ có giá trị từ 1.000 USD đến dưới 10.000 USD (hoặc ngoại tệ khác có giá trị tương đương) không đúng quy định của pháp luật.

Nghị định nêu rõ, phạt đến 250.000.000 đồng hành vi xuất, nhập khẩu ngoại tệ tiền mặt không đúng quy định.

Phạt tiền từ 200.000.000 - 250.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm: Kinh doanh, cung ứng sản phẩm phái sinh tỷ giá, ngoại hối không đúng quy định của pháp luật; xuất khẩu, nhập khẩu ngoại tệ tiền mặt, đồng Việt Nam tiền mặt không đúng quy định của pháp luật; hoạt động ngoại hối khi không được cấp có thẩm quyền cấp giấy phép hoặc giấy phép hoạt động ngoại hối đã hết thời hạn hoặc bị tước hoặc không đúng nội dung đã quy định trong giấy phép, trừ trường hợp quy định.

Cùng với đó, phạt tiền từ 150.000.000 - 200.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm: Thực hiện giao dịch ngoại tệ giữa tổ chức tín dụng với nhau, giữa tổ chức tín dụng với khách hàng không đúng quy định của Ngân hàng Nhà nước, trừ trường hợp quy định; không tuân thủ trạng thái ngoại tệ theo quy định của pháp luật; vi phạm một trong các hành vi: Cấp tín dụng hoặc trả nợ trong nước bằng ngoại tệ không đúng quy định của pháp luật, trừ trường hợp quy định; không bán ngoại tệ thu được cho tổ chức tín dụng theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp quy định thì sẽ bị phạt tiền từ 100.000.000 - 150.000.000 đồng.

Nghị định yêu cầu phạt tiền từ 80.000.000 - 100.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm: Mua, bán ngoại tệ giữa cá nhân với nhau mà ngoại tệ mua, bán có giá trị từ 100.000 USD trở lên (hoặc ngoại tệ khác có giá trị tương đương); mua, bán ngoại tệ tại tổ chức không được phép thu đổi ngoại tệ mà ngoại tệ mua, bán có giá trị từ 100.000 USD trở lên (hoặc ngoại tệ khác có giá trị tương đương); thanh toán tiền hàng hóa, dịch vụ bằng ngoại tệ có giá trị từ 100.000 USD trở lên (hoặc ngoại tệ khác có giá trị tương đương) không đúng quy định của pháp luật.

Phạt tiền từ 30.000.000 - 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm: Ký hợp đồng đại lý đổi ngoại tệ với tổ chức không đủ điều kiện làm đại lý đổi ngoại tệ; không hướng dẫn, kiểm tra đại lý đổi ngoại tệ theo quy định của pháp luật; không thực hiện đúng trách nhiệm của đại lý đổi ngoại tệ theo quy định của pháp luật; làm đại lý đổi ngoại tệ đồng thời cho hai tổ chức tín dụng trở lên không đúng quy định của pháp luật; chuyển, mang ngoại tệ, đồng Việt Nam ra nước ngoài, vào Việt Nam không đúng quy định của pháp luật, trừ các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan...

Nghị định có hiệu lực từ ngày 31/12/2019. Thủ tướng Chính phủ giao Thống đốc ngân hàng nhà nước, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, Thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.

Thanh Trang