Kiểm toán nhà nước Chuyên ngành VII học tập tuyên truyền Luật phòng chống tham nhũng năm 2018

(sav.gov.vn) - Chiều 2/12/2019, tại trụ sở Kiểm toán nhà nước (KTNN) – 116 Nguyễn Chánh, Hà Nội, KTNN chuyên ngành VII tổ chức Hội nghị tuyên truyền phổ biến Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN) năm 2018 cho toàn thể lãnh đạo, công chức, Kiểm toán viên trong đơn vị.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành VII Đào Thị Thu Vĩnh nhấn mạnh: Việc tổ chức Hội nghị tuyên truyền phổ biến Luật PCTN 2018 nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn thể công chức, Kiểm toán viên KTNN chuyên ngành VII trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về PCTN, đặc biệt là những nội dung của Luật PCTN liên quan đến trách nhiệm của KTNN, KTVNN trong PCTN; tránh rủi ro pháp lý trong thực thi nhiệm vụ kiểm toán. Qua đó thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng có hiệu quả. Lớp học còn giúp cho công chức, KTV KTNN Chuyên ngành VII nắm vững dấu hiệu pháp lý của các tội phạm tham nhũng được quy định trong Bộ Luật hình sự  để kiến nghị xử lý đối với vụ việc có dấu hiệu tội phạm tham nhũng được phát hiện qua hoạt động kiểm toán; nắm được trình tự, thủ tục chuyển hồ sơ vụ việc có dấu hiệu tội phạm tham nhũng được phát hiện qua hoạt động kiểm toán sang cơ quan điều tra theo quy định của Bộ Luật Tố tụng hình sự năm 2015 và các văn bản liên quan.

Tại Hội nghị, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế Đặng Văn Hải với vai trò là Báo cáo viên đã trình bày những nội dung cơ bản của Luật PCTN năm 2018. Trong đó tập trung trình bày: Những nội dung của Luật PCTN liên quan đến trách nhiệm của KTNN, KTVNN trong phòng, chống tham nhũng; Những tội phạm tham nhũng được quy định trong Bộ Luật Hình sự năm 2015; Trình tự, thủ tục chuyển hồ sơ vụ việc có dấu hiệu tham nhũng được phát hiện qua hoạt động kiểm toán sang cơ quan điều tra theo quy định của Bộ Luật Tố tụng hình sự năm 2015 và các văn bản liên quan.

Luật PCTN năm 2018 được Quốc hội khóa XIV thông qua tại Kỳ họp thứ 06 ngày 20/11/2018, gồm 10 Chương, 96 Điều và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2019. Luật PCTN năm 2018 được xây dựng trên cơ sở quán triệt sâu sắc chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác phòng, chống tham nhũng. Luật PCTN năm 2018 tiếp tục xác định nhiệm vụ trọng tâm là xây dựng một cơ chế phòng ngừa tham nhũng toàn diện và sâu rộng, qua đó góp phần xây dựng một cơ chế quản lý nhà nước, quản lý xã hội công khai, minh bạch để “không thể tham nhũng”; đồng thời tạo cơ sở pháp lý đồng bộ cho việc phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi tham nhũng.

Luật PCTN năm 2018 được xây dựng trên cơ sở đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất của Luật với các đạo Luật khác có liên quan và bảo đảm tính khả thi; có những bước đi phù hợp nhằm nâng cao mức độ các yêu cầu của Công ước Liên Hợp Quốc về chống tham nhũng mà Việt Nam là quốc gia thành viên.

So với quy định của Luật PCTN năm 2005, Luật PCTN năm 2018 có nhiều nội dung mới, trong đó có việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật ra khu vực ngoài Nhà nước. Theo đó, tại Khoản 2 Điều 4 của Luật PCTN năm 2018 quy định doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài Nhà nước có trách nhiệm thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng; kịp thời phát hiện, phản ánh và phối hợp với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để ngăn chặn, xử lý tham nhũng xảy ra trong doanh nghiệp, tổ chức mình theo quy định của pháp luật và điều lệ, quy chế, quy định của doanh nghiệp, tổ chức; kịp thời cung cấp thông tin về hành vi tham nhũng của người có chức vụ, quyền hạn và phối hợp với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để ngăn chặn, xử lý tham nhũng.

Ngoài ra, Luật PCTN năm 2018 đã mở rộng đối tượng có nghĩa vụ kê khai đến tất cả cán bộ, công chức nhằm mục đích chủ yếu là tạo cơ sở để so sánh, đối chiếu khi họ được bổ nhiệm vào chức vụ cao hơn hoặc khi có tài sản, thu nhập biến động trong năm từ 300 triệu đồng trở lên. Bên cạnh đó, so với Luật PCTN năm 2005 thì Luật PCTN năm 2018 đã có điều chỉnh thu hẹp đầu mối cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập./.

Hà Linh