Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán tập huấn phổ biến phương pháp tiếp cận kiểm toán dựa trên đánh giá rủi ro, xác định trọng yếu trong kiểm toán báo cáo tài chính; định hướng sửa đổi hệ thống mẫu biểu, hồ sơ kiểm toán

(sav.gov.vn) - Thực hiện kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng của Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán (CĐ&KSCLKT) năm 2020, sáng 16/01/2020, Vụ đã tổ chức lớp tập huấn phổ biến phương pháp tiếp cận kiểm toán dựa trên đánh giá rủi ro, xác định trọng yếu trong kiểm toán báo cáo tài chính và định hướng sửa đổi hệ thống mẫu biểu, hồ sơ kiểm toán dưới sự chủ trì của Vụ trưởng Ngô Minh Kiểm.

Tham dự lớp tập huấn có 45 công chức của đơn vị; giảng viên trực tiếp giảng dạy là Vụ trưởng Vụ CĐ&KSCLKT Ngô Minh Kiểm và Phó trưởng phòng Lê Thu Hằng.

Phát biểu khai giảng lớp tập huấn, Vụ trưởng Ngô Minh Kiểm nhấn mạnh, Vụ Chế độ và KSCLKT đã hoàn thành 04 văn bản hướng dẫn phương pháp tiếp cận kiểm toán dựa trên trọng yếu, rủi ro đối với kiểm toán 04 lĩnh vực: Báo cáo tài chính (BCTC) doanh nghiệp, BCTC ngân hàng, Báo cáo quyết toán (BCQT) ngân sách Bộ, ngành và BCQT ngân sách địa phương trình Tổng Kiểm toán nhà nước ban hành năm 2019. Lớp tập huấn sẽ trang bị cho đội ngũ các công chức của Vụ kiến thức và kỹ năng cần thiết để áp dụng phương pháp kiểm toán dựa vào trọng yếu, rủi ro. “Đây là nội dung mới, do đó các học viên cần phát huy tinh thần tự giác, nêu cao ý thức chấp hành kỷ luật của đơn vị, nội quy của lớp, nghiêm túc học tập. Trong quá trình học tập cần tập trung cho việc học tập, nghiên cứu thảo luận, đóng góp ý kiến, xem đây là cơ hội để trực tiếp trao đổi kiến thức với các giảng viên là các đồng nghiệp của mình” - Vụ trưởng Ngô Minh Kiểm nói.
 
Tại lớp tập huấn, bà Lê Thu Hằng đã chia sẻ kiến thức về phương pháp tiếp cận kiểm toán dựa trên trọng yếu, rủi ro đối với kiểm toán như: Xác định mức trọng yếu tổng thể báo cáo; xác định mức trọng yếu các khoản mục cần lưu ý;xác định mức trọng yếu thực hiện;xác định ngưỡng sai sót không đáng kể; khung hướng dẫn về định lượng và các nguyên tắc hướng dẫn về định tính đối với việc xác định trọng yếu. Cácbiện pháp xử lý tổng thể và thiết kế thủ tục kiểm toán ở cấp độ báo cáo tài chính và cấp độ cơ sở dẫn liệu, thử nghiệm cơ bản và thử nghiệm kiểm soát, vận dụng trong lấy mẫu kiểm toán, mô hình đảm bảo, đánh giá sai sót phát hiện và ảnh hưởng của các sai sót phát hiện, rà soát kết quả đánh giá rủi ro và sửa đổi trọng yếu trong quá trình kiểm toán,...
 
Vụ trưởng Ngô Minh Kiểm trao đổi về định hướng sửa đổi hệ thống mẫu biểu, hồ sơ kiểm toán. Cụ thể hóa tối đa các hướng dẫn chuẩn mực KTNN vào hệ thống mẫu biểu, hồ sơ kiểm toán vào trong tài liệu hướng dẫn ghi chép mẫu biểu, hồ sơ kiểm toán.

Theo Vụ trưởng, năm 2019, Vụ CĐ&KSCLKT đã dự thảo Hệ thống mẫu biểu hồ sơ kiểm toán trình Tổng Kiểm toán nhà nước lấy ý kiến các đơn vị để sửa đổi Hệ thống mẫu biểu, hồ sơ kiểm toán ban hành theo Quyết định số 06/2016/QĐ-KTNN ngày 02/11/2016 của Tổng Kiểm toán nhà nước theo hướng: Tuân thủ theo Luật KTNN năm 2015 và các văn bản pháp luật liên quan (có tính đến Luật KTNN đang sửa đổi); Tuân thủ Hệ thống Chuẩn mực KTNN ban hành kèm theo Quyết định số 02/2016/QĐ-KTNN ngày 15/7/2016 của KTNN: Cụ thể hóa tối đa hướng dẫn CMKTNN trong mẫu biểu KHKT tổng quát, KHKT chi tiết, BCKT; các mục trong báo cáo thể hiện rõ các dạng công việc của 3 loại hình theo CMKTNN (Kiểm toán tài chính là “xác nhận”; Kiểm toán tuân thủ là “đánh giá và xác nhận” và Kiểm toán hoạt động là “đánh giá”; Phù hợp với Quy trình kiểm toán của KTNN và các quy trình kiểm toán theo các lĩnh vực của KTNN; Phù hợp với chế độ, tài chính, kế toán mới ban hành cho từng lĩnh vực; Phù hợp với các Hướng dẫn phương pháp tiếp cận kiểm toán dựa trên đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu trong kiểm toán các lĩnh vực; Phù hợp với thông lệ tốt của quốc tế và thực tiễn hoạt động kiểm toán của KTNN; Giảm thủ tục hành chính, bảo đảm hiệu lực hoạt động của KTNN, kết nối giữa các mẫu biểu; Bổ sung các mẫu biểu còn thiếu và gộp các hướng dẫn mẫu biểu tại các văn bản sửa đổi vào Bộ mẫu biểu hoàn chỉnh (CV 1112/KTNN-CĐ ngày 23/8/2017; Công văn 1254/KTNN-CĐ ngày 05/9/2018; Công văn 275 về hướng dẫn đối chiếu thuế); Xây dựng phù hợp với công tác tổ chức kiểm toán hiện hành: Lồng ghép 3 loại hình kiểm toán và chuyên đề (nếu có); có phần quy định cứng (kết cấu các mục lớn, phần kiến nghị, biểu kiến nghị, thuyết minh kiến nghị;...) thống nhất giữa các lĩnh vực trong từng loại mẫu biểu; có quy định mềm (các nội dung, chi tiêu linh hoạt khi chế độ thay đổi và thực tế) để đảm bảo tính ổn định, lâu dài của mẫu biểu hồ sơ kiểm toán.
 
Kết thúc lớp học, Vụ trưởng Ngô Minh Kiểm đánh giá cao tinh thần trách nhiệm và ý thức học tập của các học viên và tin tưởng rằng những thông tin, kiến thức và kinh nghiệm về áp dụng phương pháp tiếp cận kiểm toán dựa trên trọng yếu, rủi rođược chia sẻ tại lớp học sẽ là nguồn tài liệu tham khảo hữu ích cho hoạt động chuyên môn, giúp nâng cao chất lượng kiểm toán và kiểm soát chất lượng của các công chức trong đơn vị./.
 
Lưu Bích