Kiểm toán nhà nước khu vực XI - Mười năm xây dựng và trưởng thành

Kiểm toán nhà nước (KTNN) khu vực XI được thành lập theo Quyết định số 755/QĐ-KTNN ngày 15/6/2011 của Tổng Kiểm toán nhà nước, trụ sở đặt tại thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa; có chức năng giúp Tổng Kiểm toán nhà nước đánh giá, xác nhận, kết luận và kiến nghị đối với việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công và các hoạt động có liên quan đến việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công của 4 tỉnh: Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa và Thái Bình.

Trải qua 10 năm xây dựng và phát triển, KTNN khu vực XI đã có sự trưởng thành về mọi mặt, thực hiện ngày càng tốt hơn chức năng, nhiệm vụ được giao, đóng góp tích cực vào quá trình phát triển và nâng cao vai trò của KTNN trong tiến trình phát triển đất nước.

Hoàn thiện bộ máy và phát triển nguồn nhân lực

Khi mới thành lập, KTNN khu vực XI chỉ có 08 công chức với 5 phòng chưa được hoàn thiện. Đến nay, đơn vị đã có 06 phòng trực thuộc theo hướng chuyên môn hóa gồm Văn phòng, Phòng Tổng hợp, 03 Phòng kiểm toán ngân sách và Phòng kiểm toán đầu tư dự án với 66 công chức và người lao động. Trong đó có 50/56 công chức giữ ngạch Kiểm toán viên (KTV) tham gia trực tiếp hoạt động kiểm toán (chiếm 89%) gồm 02 KTV cao cấp, 17 KTV chính và 31 KTV. 100% KTV đều có trình độ từ đại học trở lên, 54% là thạc sỹ, 15 người được đào tạo trình độ cao cấp lý luận chính trị. Về chuyên ngành đào tạo, có 14 kỹ sư chuyên ngành kỹ thuật, 42 công chức được đào tạo chuyên ngành kế toán, kiểm toán và tài chính ngân hàng. Bộ máy lãnh đạo chủ chốt gồm 29 đồng chí, trong đó 04 đồng chí lãnh đạo cấp Vụ, 25 đồng chí lãnh đạo cấp Phòng.

Trong suốt 10 năm xây dựng và phát triển, KTNN khu vực XI luôn coi công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, coi đó là khâu “then chốt” thực hiện thắng lợi nhiệm vụ được Tổng Kiểm toán nhà nước giao. Đơn vị thường xuyên tổ chức các lớp học, tập huấn, tổ chức hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ cho các KTV, nhờ đó chất lượng cán bộ, công chức đã được nâng lên một cách rõ rệt, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công tác kiểm toán, nhiều KTV có chuyên môn sâu trong lĩnh vực kiểm toán thu ngân sách, chi thường xuyên và chi đầu tư xây dựng cơ bản, đặc biệt là các lĩnh vực khó như đất đai, tài nguyên khoáng sản. Đây là nhân tố có ý nghĩa quyết định đến chất lượng kiểm toán ngày một cao của KTNN khu vực XI. Ngoài ra hàng năm, KTNN khu vực XI có giảng viên tham gia giảng dạy các lớp đào tạo của KTNN.

Cùng với công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công tác quy hoạch, tạo nguồn lãnh đạo kế cận cho cả 2 giai đoạn (2011 - 2015 và 2016 - 2021) và công tác bổ nhiệm cán bộ luôn được Đảng ủy, lãnh đạo KTNN khu vực XI coi trọng và thực hiện tốt theo quy trình chặt chẽ, tạo được sự đồng thuận cao. Công chức được quy hoạch đều được tạo điều kiện tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện, thử thách để phát huy được năng lực, sở trường của cá nhân, từ đó tìm ra những người có đủ điều kiện để trình Tổng Kiểm toán nhà nước bổ nhiệm các chức vụ lãnh đạo của đơn vị.

Từ khi thành lập năm 2011, đơn vị phải thuê trụ sở làm việc, cơ sở vật chất còn thiếu thốn, điều kiện làm việc chưa đáp ứng được yêu cầu. Tháng 01/2017 trụ sở mới với hơn 5.500 m2 sàn làm việc và gần 1.000m2 nhà ở công vụ đã khánh thành và được đưa vào sử dụng. Đến nay, KTNN khu vực XI được trang bị 06 xe ôtô, 100% KTV đã được trang bị máy tính xách tay, Ipad, đã tạo điều kiện cho đơn vị trong thực việc thực hiện tốt các nhiệm vụ được Tổng Kiểm toán nhà nước giao, đặc biệt là việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, các phần mềm phục vụ hoạt động kiểm toán; việc điều hành hoạt động kiểm toán, kiểm soát chất lượng kiểm toán ngày càng chặt chẽ và đi vào nề nếp.

Không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả của hoạt động kiểm toán

KTNN khu vực XI được giao thực hiện nhiệm vụ đánh giá, xác nhận, kết luận và kiến nghị đối với việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công và các hoạt động có liên quan đến việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công của 4 tỉnh: Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa và Thái Bình. Địa bàn và đối tượng kiểm toán khá rộng, với 53 huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh; hơn 1.340 xã, phường, thị trấn. Ngay từ những ngày đầu thành lập, mặc dù với lực lượng nhân sự còn mỏng, nhưng đơn vị đã chủ động xây dựng Kế hoạch và được Tổng Kiểm toán nhà nước giao 02 cuộc kiểm toán, trong đó có cuộc kiểm toán Chương trình 30a và Chính sách 167 tỉnh Thanh Hóa, phần lớn thuộc các huyện miền núi, điều kiện kiểm toán khó khăn. Cùng với lực lượng KTV được bổ sung, số lượng và quy mô các cuộc kiểm toán của đơn vị tăng dần qua từng năm. Từ năm 2015, KTNN khu vực XI kiểm toán thường niên Báo cáo quyết toán ngân sách địa phương của 4 tỉnh được Tổng Kiểm toán nhà nước giao phụ trách. Tính đến tháng 6/2021, KTNN khu vực XI đã chủ trì thực hiện 64 cuộc kiểm toán, trong đó có 27 cuộc kiểm toán ngân sách địa phương, 19 cuộc kiểm toán chuyên đề, 14 cuộc kiểm toán dự án đầu tư, 02 cuộc kiểm toán doanh nghiệp, với hàng trăm lượt đơn vị được kiểm toán. Ngoài việc thực hiện kế hoạch kiểm toán được giao đơn vị còn phối hợp với các KTNN chuyên ngành thực hiện các cuộc kiểm toán chuyên đề theo chỉ đạo của Tổng Kiểm toán nhà nước

Việc nâng cao chất lượng kiểm toán luôn được KTNN khu vực XI xác định là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được giao. Trong những năm qua, đơn vị thường xuyên tổ chức sơ kết, tổng kết hoạt động kiểm toán sau mỗi đợt kiểm toán và cuối năm; phân tích nguyên nhân của tồn tại, hạn chế và những giải pháp khắc phục trong thời gian tới, đồng thời tuyên dương, có hình thức khen thưởng phù hợp cho những cá nhân, Tổ kiểm toán có thành tích tốt trong hoạt động kiểm toán.

Bên cạnh đó, đơn vị đã xây dựng và ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn hoạt động kiểm toán hàng năm nhằm cụ thể hóa các chỉ đạo của Lãnh đạo KTNN, định hướng kiểm toán hàng năm của ngành, quy định, quy trình kiểm toán và phù hợp với thực tiễn hoạt động của đơn vị.

Công tác xây dựng kế hoạch kiểm toán năm, phương án tổ chức hoạt động kiểm toán năm, kế hoạch kiểm toán tổng quát của từng cuộc kiểm toán luôn được lãnh đạo KTNN khu vực XI quan tâm, chú trọng. Căn cứ kế hoạch đã được phê duyệt, các Đoàn kiểm toán tổ chức khảo sát, thu thập đầy đủ thông tin và xác định đúng và đầy đủ mục tiêu, trọng tâm, nội dung kiểm toán, bố trí nhân sự hợp lý để tổ chức thực hiện đạt hiệu quả cao nhất.

Ban lãnh đạo đơn vị thường xuyên quán triệt đến từng KTV Quy chế tổ chức và hoạt động Đoàn KTNN, Quy tắc ứng xử của KTV nhà nước, các Chỉ thị của Tổng Kiểm toán nhà nước về tăng cường quản lý hoạt động kiểm toán.

Công tác kiểm soát chất lượng kiểm toán luôn được quan tâm từ các cấp Kiểm toán trưởng, Trưởng đoàn kiểm toán, Tổ trưởng Tổ kiểm toán đến Tổ kiểm soát chất lượng kiểm toán, Hội đồng thẩm định; được thực hiện thường xuyên, sát sao, đảm bảo sự phân cấp gắn với trách nhiệm và nhiệm vụ cụ thể của từng cấp quản lý, vừa đảm bảo quản lý chặt chẽ đội ngũ KTV, vừa tạo sự tin tưởng và điều kiện thuận lợi cho KTV phát huy sự chủ động, tự tin, sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ. Bên cạnh việc tổ chức công tác kiểm soát chất lượng kiểm toán trong nội bộ theo trách nhiệm của từng cấp kiểm soát một cách chặt chẽ, thường xuyên và xuyên suốt các giai đoạn của quy trình kiểm toán. Trong những năm qua, KTNN khu vực XI và các Đoàn kiểm toán cũng đã phối hợp tốt với Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán, Thanh tra KTNN và các đơn vị có liên quan thực hiện tốt công tác kiểm soát chất lượng kiểm toán theo quy định của KTNN.

Ngoài công tác quản lý của cấp chính quyền, Đảng ủy và Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy KTNN khu vực XI đã tăng cường kiểm tra, giám sát tổ chức, sinh hoạt đảng tại các Đoàn kiểm toán nhằm nắm bắt kịp thời diễn biến tư tưởng, tâm tư, nguyện vọng, thói quen sinh hoạt, lối sống của công chức, KTV. Qua đó, nhắc nhở, chấn chỉnh kịp thời các biểu hiện vi phạm chuẩn mực đạo đức KTV. Trong 10 năm, đã không xảy ra sự vụ ảnh hưởng đến uy tín của ngành và đơn vị.

Lãnh đạo đơn vị thường xuyên tăng cường mối quan hệ phối hợp với HĐND, UBND các địa phương trên địa bàn phụ trách từ khâu khảo sát, xây dựng KHKT, tổ chức thực hiện kiểm toán, công khai kết quả kiểm toán đến kiểm tra thực hiện kiến nghị kiểm toán; nhất là trong việc thực hiện kiểm toán một số nội dung theo đề nghị của các địa phương. Việc phối hợp trong giai đoạn thực hiện kiểm toán được tổ chức chặt chẽ, xuyên suốt đã giúp cho đơn vị, đoàn kiểm toán quản lý tốt về nhân sự và phối hợp chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ kiểm toán.

Nhờ có sự sát sao và quyết liệt trong công tác quản lý, chỉ đạo hoạt động của các Đoàn kiểm toán, trong những năm qua hoạt động kiểm toán có nhiều chuyển biến tiến bộ, chất lượng kiểm toán được nâng cao, số liệu kiến nghị về xử lý tài chính không ngừng tăng lên, với nhiều phát hiện kiểm toán tốt, phát hiện kiểm toán mới, có giá trị đặc biệt là các phát hiện kiểm toán những năm gần đây về lĩnh vực đất đai, tài nguyên khoáng sản được Lãnh đạo KTNN và địa phương ghi nhận. 

Với 64 cuộc kiểm toán trong 10 năm, KTNN khu vực XI đã kiến nghị xử lý tài chính 11.006.6 tỷ đồng, trong đó: Tăng thu, giảm chi NSNN 6.541 tỷ đồng; xử lý tài chính khác 4.465 tỷ đồng.

Cùng với những phát hiện và kiến nghị về xử lý số liệu tài chính về tăng thu, tiết kiệm chi cho NSNN, thông qua công tác kiểm toán đã giúp các đơn vị được kiểm toán hoàn thiện công tác quản lý tài chính, ngân sách, đưa công tác quản lý tài chính, ngân sách đi vào nền nếp, tăng cường tính minh bạch và trách nhiệm giải trình trong quản lý tài chính, ngân sách; giúp HĐND các cấp có thông tin tin cậy để giám sát công tác quản lý tài chính công, tài sản công ở địa phương; kiến nghị các cơ quan quản lý bổ sung, sửa đổi cơ chế, chính sách phù hợp với điều kiện thực tiễn.

Các tổ chức Đảng, đoàn thể ngày càng vững mạnh

Các tổ chức Đảng, Công đoàn, Đoàn Thanh niên, Chi hội Cựu chiến binh của KTNN khu vực XI được thành lập và lớn mạnh cùng với sự phát triển của tổ chức bộ máy, hoạt động thường xuyên và nề nếp, đã góp phần quan trọng trong việc hoàn thành nhiệm vụ chung của KTNN khu vực XI trong 10 năm qua.

Năm 2011, Chi bộ KTNN khu vực XI được thành lập với 08 đảng viên. Tháng 10/2012, được nâng cấp lên thành Đảng bộ cơ sở trực thuộc Đảng bộ KTNN với 5 chi bộ và 33 đảng viên. Tháng 3/2020, Đảng bộ KTNN khu vực XI đã tổ chức thành công đại hội Đảng bộ lần thứ II và bầu ra Ban chấp hành gồm 11 đồng chí, Đảng bộ có 6 chi bộ trực thuộc với 55 đảng viên (03 đảng viên dự bị), chiếm tỷ lệ 83% trên tổng số công chức, người lao động.

Hoạt động của Đảng bộ và các Chi bộ được duy trì nền nếp, gắn công tác xây dựng Đảng, chính trị tư tưởng với lãnh đạo, chỉ đạo chuyên môn và các tổ chức đoàn thể. Trong thời gian các Đoàn kiểm toán thực hiện nhiệm vụ kiểm toán, Đảng ủy đã thành lập các chi bộ sinh hoạt đảng tạm thời theo các Đoàn kiểm toán để chỉ đạo công tác sinh hoạt đảng thường kỳ tại các Đoàn kiểm toán. Ngoài việc quan tâm làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng, Đảng ủy thường xuyên quan tâm củng cố, kiện toàn các chi bộ và đưa ra nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ.

Bên cạnh đó, công tác phát triển đảng viên được thực hiện thường xuyên, tăng cả về số lượng và chất lượng với việc kết nạp được 24 đảng viên mới. Công tác kiểm tra, giám sát các tổ chức đảng và đảng viên được tăng cường cả về số lượng và nội dung, tập trung vào kiểm tra, giám sát hoạt động của các Đoàn kiểm toán và các đảng viên trong thời gian kiểm toán. Hàng năm, Đảng ủy và Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy đã kiểm tra, giám sát từ 80 - 90% chi bộ trực thuộc và các chi bộ đảng sinh hoạt tạm thời theo các Đoàn kiểm toán.

Với việc chăm lo và quan tâm triển khai đồng bộ các giải pháp về xây dựng Đảng, chất lượng tổ chức đảng và đảng viên ngày càng được nâng lên. Đảng ủy luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và tạo điều kiện để các tổ chức đoàn thể phát huy vai trò, trách nhiệm theo Điều lệ của các tổ chức đoàn thể. Trong 10 năm qua, Công đoàn, Ban nữ công, Chi hội Cựu chiến binh và Đoàn thanh niên đã tích cực phát huy vai trò nòng cốt trong công tác tổ chức, vận động quần chúng tham gia cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; làm tốt công tác vận động quần chúng tham gia tích cực vào các hoạt động của đơn vị; làm nòng cốt trong việc kiểm tra, giám sát việc thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở; giám sát công tác quản lý, chi tiêu tài chính của đơn vị; thường xuyên quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ, công chức, người lao động trong đơn vị... Hàng năm các tổ chức đoàn thể luôn duy trì tổ chức nhiều chương trình thiện nguyện, hoạt động đóng góp có ý nghĩa đã tạo nên nét đẹp truyền thống của KTNN khu vực XI đối với các địa phương được giao phụ trách, quản lý. Các hoạt động có thể kể đến như: Trao nhà tình nghĩa; tặng xe lăn cho các cháu bại não; hiến máu nhân đạo thường niên; ủng hộ áo ấm, sách vở cho học sinh vùng cao; thăm hỏi và trao quà cho các bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn tại các Bệnh viện trên địa bàn đơn vị kiểm toán; ủng hộ đồ dùng thiết yếu cho các giáo viên và xây dựng sân chơi cho Trường tiểu học Sa Ná và Sa Ná tại huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa; thắp hương tri ân các anh hùng liệt sỹ tại Nghĩa trang Hàm Rồng, nghĩa trang quốc tế Việt Lào…

Bài học kinh nghiệm cho bước phát triển mới

Trải qua 10 năm xây dựng và phát triển, là một trong những đơn vị thành lập sau trong Ngành, KTNN khu vực XI luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của Đảng ủy, Ban cán sự và Lãnh đạo KTNN, đặc biệt với lực lượng KTV điều động, luân chuyển trong ngành về đã và đang làm nòng cốt, bên cạnh đó sự trưởng thành của các công chức, KTV tuyển dụng tại chỗ đã giúp đơn vị vượt qua vô vàn khó khăn và thách thức ngày đầu mới thành lập. Những kết quả đã đạt được là khá toàn diện và căn bản, tạo đà phát triển cho những năm tiếp theo. Kết quả hoạt động của KTNN khu vực XI đã tạo uy tín với các địa phương và đơn vị được kiểm toán, đóng góp tích cực vào thành tựu chung của Ngành. Tuy những kết quả đạt được là rất đáng ghi nhận, song KTNN khu vực XI còn một số hạn chế: đó là, việc tổng hợp, phân tích thông tin để đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu trong công tác lập kế hoạch kiểm toán còn hạn chế; việc thực hiện kiểm toán một số chuyên đề, nội dung kiểm toán mới chất lượng còn hạn chế. Mặc dù quy mô và tần suất kiểm toán tuy đã tăng dần nhưng vẫn còn khoảng cách so với yêu cầu, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kiểm toán chưa nhiều, nhất là việc khai thác dữ liệu hệ thống Tabmis, TMS cũng như phân tích thông tin tại các cơ quan quản lý tổng hợp trong xây dựng kế hoạch, chọn lựa đầu mối và nội dung kiểm toán còn hạn chế, việc cập nhật cơ sở dữ liệu đầu mối kiểm toán còn chưa thường xuyên. Cùng với đó là đội ngũ KTV chưa đồng đều về nghiệp vụ, khả năng phân tích, tổng hợp, nhất là nhãn quan xem xét các vấn đề vĩ mô còn hạn chế; còn có một bộ phận KTV chưa thực hiện tốt việc tự đào tạo, rèn luyện để nâng cao kỹ năng nghề nghiệp, tác phong lề lối, văn hóa ứng xử...

Từ thực tiễn 10 năm hoạt động, đơn vị rút ra những bài học đem lại thành công, tạo nên sự phát triển cho KTNN khu vực XI như hôm nay, cũng như kinh nghiệm tổ chức và hoạt động trong giai đoạn tới:

Thứ nhất, mọi hoạt động của đơn vị phải bám sát định hướng, chiến lược phát triển của Ngành, kế hoạch, chỉ thị, chương trình hành động của Ban cán sự Đảng, Đảng ủy, Lãnh đạo KTNN và cụ thể hóa thành những chương trình, kế hoạch công tác cho từng nhiệm vụ cụ thể về chuyên môn kiểm toán; phát triển tổ chức bộ máy, xây dựng nguồn nhân lực, cơ sở vật chất, tạo cơ sở để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Tranh thủ tối đa sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban cán sự đảng, của Lãnh đạo KTNN trong các mặt hoạt động và sự phối hợp của các đơn vị tham mưu, các đơn vị trong ngành trong tổ chức và hoạt động của đơn vị.

Thứ hai, KTNN là cơ quan chuyên môn, hoạt động kiểm toán luôn đòi hỏi tính chuyên nghiệp cao, do vậy yếu tố con người luôn giữ vai trò đặc biệt quan trọng quyết định chất lượng kiểm toán và sự phát triển của KTNN. Vì vậy, phải thường xuyên chăm lo xây dựng đào tạo, rèn luyện đội ngũ công chức, KTV không chỉ tinh thông nghiệp vụ mà còn vững vàng về tư tưởng, đạo đức nghề nghiệp và trách nhiệm công vụ.

Thứ ba, không ngừng nâng chao chất lượng công tác khảo sát, thu thập thông tin lập kế hoạch kiểm toán, nhất là việc ứng dụng công nghệ thông tin vào việc khai thác dữ liệu kiểm toán nhằm tìm ra những hướng kiểm toán mới, những phát hiện kiểm toán khó, lĩnh vực nhạy cảm. Tăng cường trách
nhiệm của các phòng trong việc theo dõi, thu thập thông tin, xây dựng cơ sở dữ liệu kiểm toán.

Thứ tư, nâng cao chất lượng và vai trò của công tác kiểm soát chất lượng kiểm toán, sử dụng hợp lý nhân lực không tham gia kiểm toán làm công tác kiểm soát, xử lý các công việc trước, trong và sau khi kết thúc kiểm toán, nhất là trong công tác tham mưu, tổng hợp, kiểm tra, soát xét chất lượng kiểm toán mà nòng cốt là Phòng Tổng hợp. Phối hợp chặt chẽ với các đơn vị trong ngành, nhất là các đơn vị tham mưu, kịp thời trao đổi thông tin để xử lý những vướng mắc phát sinh, đẩy nhanh tiến độ xử lý công việc;

Thứ năm, thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ trong mọi hoạt động của đơn vị; thực hiện công khai, minh bạch trong việc phân công nhiệm vụ trong các đoàn kiểm toán cũng như giữa các phòng chuyên môn của cơ quan; công khai minh bạch trong công tác cán bộ như quy hoạch, bổ nhiệm và luân chuyển cán bộ giữa các phòng, Tổ, Đoàn kiểm toán gắn với công tác đào tạo, rèn luyện thử thách cán bộ. Thực hiện tốt công tác phê và tự phê, thực hiện đúng nội quy, quy chế của cơ quan. Lãnh đạo cơ quan luôn sát sao, gần gũi với cấp dưới tạo môi trường làm việc thân thiện, kịp thời nắm bắt những vướng mắc nảy sinh, xác định rõ nguyên nhân để tìm ra biện pháp khắc phục kịp thời.

Thứ sáu, phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc thực hiện Quy chế phối hợp giữa KTNN và các địa phương để nắm bắt được thông tin làm cơ sở cho công tác chỉ đạo hoạt động kiểm toán, thực hiện kiến nghị kiểm toán và kiểm soát đạo đức nghề nghiệp KTV. Tăng cường công tác phối hợp với đơn vị được kiểm toán, xem đây là nhân tố quan trọng để nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hoạt động kiểm toán.

Định hướng phát triển và giải pháp thực hiện cho giai đoạn mới

Nhằm góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ trong chiến lược phát triển của KTNN đến năm 2030, KTNN khu vực XI xác định định hướng và các giải pháp chủ yếu trong thời gian tới như sau:

Thứ nhất, Tiếp tục kiện toàn, hoàn thiện tổ chức bộ máy, xây dựng đội ngũ công chức, KTV đảm bảo đủ về số lượng, hợp lý về cơ cấu, có kiến thức, kỹ năng và có bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức nghề nghiệp trong sáng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; nâng cao chất lượng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức nghề nghiệp, trách nhiệm công vụ, phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí cho đội ngũ công chức, coi đây là nhiệm vụ thường xuyên, căn bản và then chốt, là yếu tố quyết định đến thắng lợi của KTNN khu vực XI nói riêng và của toàn Ngành nói chung. Quán triệt nghiêm túc và thực hiện đầy đủ, có trách nhiệm các nghị quyết của Ban cán sự đảng, Đảng ủy KTNN, quyết định, chỉ thị của Tổng Kiểm toán nhà nước.

Thứ hai, thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả, hiệu lực của hoạt động kiểm toán gắn với cải cách hành chính, nhất là việc lập kế hoạch và triển khai kiểm toán theo phương pháp đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu kiểm toán; tập trung kiểm toán các lĩnh vực được Đảng, Quốc hội, Chính phủ, cũng như như dư luận xã hội quan tâm và mục tiêu, định hướng kiểm toán hàng năm của Ngành.

Thứ ba, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác kiểm toán, trong tất cả 4 giai đoạn của quy trình kiểm toán: Lập kế hoạch kiểm toán; thực hiện kiểm toán; lập báo cáo kiểm toán và kiểm tra, theo dõi thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán; ứng dụng các công nghệ hiện đại vào công tác quản lý, hành chính.

Thứ tư, quan tâm nâng cao chất lượng, tính chuyên nghiệp của đội ngũ công chức, kiểm toán viên; tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức và tập huấn kỹ năng kiểm toán; chú trọng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ công chức trẻ, công chức nữ.

Thứ năm, phối hợp chặt chẽ với cấp ủy và chính quyền địa phương và các đơn vị trong Ngành trong hoạt động kiểm toán, đặc biệt là trong công tác theo dõi, đôn đốc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán. Thường xuyên trao đổi, cung cấp thông tin liên quan đến hoạt động kiểm toán nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, giám sát, điều hành tài chính công, kịp thời xử lý những vướng mắc trong hoạt động kiểm toán.

Thứ sáu, tiếp tục chỉ đạo đổi mới hoạt động của các tổ chức đoàn thể theo hướng gắn với hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ, chức năng nhiệm vụ của mỗi tổ chức; xây dựng tổ chức Đảng, Công đoàn, Đoàn thanh niên, Chi hội Cựu chiến binh vững mạnh, hoạt động hiệu quả, phát huy sức mạnh đoàn kết thống nhất trong thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao; triển khai các hoạt động thi đua thiết thực, phù hợp với đặc điểm hoạt động của đơn vị, nhân rộng điển hình tiên tiến.

Tiếp tục phát huy những thành tựu đã đạt được, KTNN khu vực XI xác định tâm thế mới, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, tiếp tục gặt hái nhiều thành công mới trong chặng đường tiếp theo.
 
Trong 10 năm qua, KTNN khu vực XI đã đạt được nhiều thành tích: 
Tập thể KTNN khu vực XI được Tổng Kiểm toán Nhà nước tặng Cờ thi đua và nhiều năm đạt Tập thể Lao động tiến tiến xuất sắc; 01 cá nhân được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và Huân chương Lao động hạng Nhì; 06 cá nhân và 02 tập thể phòng được tặng Bằng khen của Tổng Kiểm toán Nhà nước; nhiều lượt KTV được tặng Danh hiệu Chiến sỹ thi đua cấp ngành, Chiến sỹ thi đua cấp cơ sở...


 
Kiểm toán trưởng KTNN khu vực XI
Đoàn Chiến Thắng