Nghiệm thu đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở “Xây dựng thủ tục kiểm toán xử lý nợ xấu tại ngân hàng thương mại”

(sav.gov.vn) - Ngày 11/6/2021, tại Trường Đào tạo và bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán, Hội đồng khoa học của KTNN đã tổ chức nghiệm thu đề tài cấp cơ sở năm 2020 “Xây dựng thủ tục kiểm toán xử lý nợ xấu tại Ngân hàng thương mại” do Ths. Nguyễn Khắc Hình và Ths. Đỗ Mạnh Cường đồng chủ nhiệm. Giám đốc Trường Đào tạo và bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán Lê Minh Nam là chủ tịch Hội đồng nghiệm thu.

Báo cáo tại buổi nghiệm thu, Ban chủ nhiệm đề tài cho biết: Hoạt động xử lý nợ tại các NHTM hiện nay là vấn đề thời sự được Quốc hội, Chính phủ, Ngân hàng nhà nước (NHNN), nhà đầu tư (các cổ đông và người gửi tiền) đến các NHTM rất quan tâm. Hoạt động xử lý nợ xấu của NHTM là khâu quan trọng của hoạt động tín dụng của các NHTM. NHNN quản lý các NHTM về chất lượng tín dụng thông qua đánh giá tỷ lệ nợ xấu (nợ từ nhóm 3 trở lên) và thường giao chỉ tiêu về nợ xấu cho các NHTM. Do vậy các NHTM thường dùng các biện pháp để giảm tỷ lệ nợ xấu của mình xuống mức thấp nhất có thể.

Hàng năm, KTNN đều thực hiện kiểm toán lĩnh vực tài chính ngân hàng, trong đó có thực hiện kiểm toán công tác xử lý nợ xấu, song nội dung kiểm toán mới chỉ tập trung kiểm toán việc tuân thủ tuy các quy định và trình tự xử lý nợ xấu mà chưa đánh giá tính khả thi và hiệu quả của phương án xử lý nợ xấu và nguyên nhân dẫn đến nợ xấu để có các kiến nghị phù hợp nên chất lượng các cuộc kiểm toán này còn chưa đáp ứng yêu cầu. Vì vậy, việc lựa chọn Đề tài “Xây dựng thủ tục kiểm toán xử lý nợ xấu tại NHTM” có ý nghĩa thiết thực, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả kiểm toán.

Theo đánh giá của Hội đồng nghiệm thu, nhóm nghiên cứu đã tiếp cận phân tích nội dung đề tài một cách khoa học và có hệ thống. Đề tài đã nghiên cứu kỹ về nợ xấu, các quy định xử lý nợ xấu, thực trạng công tác kiểm toán về xử lý nợ xấu của KTNN chuyên ngành VII trong những năm vừa qua để từ đó đề xuất định hướng, nguyên tắc xây dựng thủ tục kiểm toán nợ xấu tại các NHTM và đã đưa ra được các thủ tục cần thiết khi kiểm toán tổng hợp và kiểm toán chi tiết về xử lý nợ xấu của NHTM.
 


Với việc sử dụng các phương pháp nghiên cứu truyền thống như tổng hợp, phân tích, đối chiếu, so sánh, thống kê và khái quát hóa... đề tài đã giải quyết một số vấn đề cơ bản sau:

Thứ nhất, đã hệ thống hóa làm rõ những vấn đề cơ bản về nợ xấu và xử lý nợ xấu tại các ngân hàng thương mại như khái niệm, phân loại nợ và đặc điểm của nợ xấu; các quy định về xử lý nợ xấu của Chính phủ, của NHNN….
        
Thứ hai, đã tổng hợp, phân tích và đánh giá thực trạng công tác kiểm toán xử lý nợ xấu; phân tích những mặt đã làm được, chưa làm được và nguyên nhân.
         
Thứ ba, trên cơ sở phân tích thực trạng, đề tài đã đưa ra định hướng, nguyên tắc xây dựng và công tác tổ chức thực hiện thủ tục kiểm toán nợ xấu tại các ngân hàng thương mại; xây dựng các thủ tục kiểm toán tổng hợp xử lý nợ xấu, kiểm toán chi tiết từng hồ sơ xử lý rủi ro cụ thể.

Hội đồng nghiệm thu đánh giá: Đề tài tuy đã có những đóng góp nhất định trong việc xây dựng thủ tục kiểm toán xử lý nợ xấu tại các ngân hành thương mại, tuy nhiên để đáp ứng yêu cầu, đề nghị Ban chủ nhiệm Đề tài cần xem xét để hoàn thiện một số nội dung.

Tại Chương 1, đề tài cần đưa ra được những vấn đề lý luận chung về thủ tục kiểm toán, kiểm toán nợ xấu, như: Khái niệm thủ tục kiểm toán; vai trò, ý nghĩa của thủ tục kiểm toán; các nhân tố ảnh hưởng đến thủ tục kiểm toán xử ký nợ xấu.

Đề tài cần đi sâu phân tích làm rõ kết quả kiểm toán xử lý nợ xấu tại các NHTM của KTNN chuyên ngành VII trong những năm qua, làm rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan, trên cơ sở đó làm cơ sở xây dựng thủ tục kiểm toán xử lý nợ xấu tại NHTM tại Chương 2 của đề tài.

Để đảm bảo tính logic với Chương 2, Ban chủ nhiệm cần xem xét phân tích làm rõ thực trạng kiểm toán theo hướng sau: Thực trạng kiểm toán tổng hợp tại Hội sở chính; Thực trạng kiểm toán tổng hợp tại chi nhánh; Thực trạng kiểm toán kiểm toán chi tiết từng hồ sơ xử lý rủi ro cụ thể (đánh giá theo 09 nhóm biện pháp xử lý nợ xấu).

Tại Chương 2, xem xét lược bỏ các nội dung 2.1.2. Công tác tổ chức thực hiện kiểm toán xử lý nợ xấu tại các NHTM và mục 2.1.3. Các dạng kiến nghị thường được đưa ra, do các nội dung này không gắn với nội dung nghiên cứu của Đề tài.

Ngoài ra, Ban chủ nhiệm đề tài cần xem xét bổ sung các giải pháp tổ chức thực hiện; đồng thời rà soát lỗi chính tả, bổ sung đầy đủ danh mục từ viết tắt như CIC,...  

Kết luận buổi nghiệm thu, Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu Lê Minh Nam đánh giá cao sự nỗ lực, cố gắng của Ban chủ nhiệm đề tài trong quá trình tổ chức nghiên cứu. Mặc dù vậy, Ban chủ nhiệm đề tài cần xem xét để bổ sung những vấn đề góp ý của các thành viên trong Hội đồng nghiệm thu để đề tài được hoàn thiện, đáp ứng tốt hơn yêu cầu.

Đề tài được Hội đồng nghiệm thu thông qua và xếp loại khá./.

Hà Linh