Quốc hội xem xét việc giám sát tối cao 2 chuyên đề trong năm 2022

(sav.gov.vn) -  Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội (QH) khóa XV,  sáng 21/7/2021, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, QH tiến hành thảo luận tại về dự kiến Chương trình giám sát của QH năm 2022.

Trình bày tờ trình về dự kiến Chương trình giám sát của QH năm 2022, Tổng Thư ký QH, Chủ nhiệm Văn phòng QH Bùi Văn Cường cho biết,  trên cơ sở đề xuất của các cơ quan, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã tiến hành lựa chọn các chuyên đề giám sát theo quy trình chặt chẽ. Theo đó, lựa chọn 04 Chuyên đề trình QH xem xét, quyết định chọn 2 Chuyên đề để giám sát Tối cao, 2 Chuyên đề còn lại sẽ giao cho QBTVQH tổ chức giám sát.
 
Các chuyên đề gồm: Chuyên đề 1 - Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 - 2021; Chuyên đề 2 - Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch được ban hành; Chuyên đề 3 - Việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 1/7/2016 đến ngày 1/7/2021; Chuyên đề 4 - Việc thực hiện các nghị quyết của UBTVQH về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019 - 2021.
 
Thảo luận về nội dung này, một số ý kiến cho rằng, dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, sẽ gây khó khăn cho công tác giám sát thời gian tới, vì vậy cần có kịch bản về giãn cách, đi lại, phòng, chống dịch, bố trí nhân sự tham gia các Đoàn giám sát theo “danh sách mở”; những vấn đề đưa ra để giám sát chuyên đề năm 2022 và những năm tới cần phản ánh thêm diễn biến rất lớn của đại dịch đối với tình hình đất nước.

Về tài liệu giám sát, đại biểu đánh giá, thời gian qua, báo cáo của các đơn vị gửi về phục vụ công tác giám sát chưa đảm bảo chất lượng. Vì vậy, các tài liệu giám sát cần được cung cấp sớm, có sự thẩm định, tư vấn của các cơ quan chuyên môn, chuyên gia để các đại biểu nghiên cứu, thẩm định, nâng cao hiệu quả giám sát. Một số đại biểu QH cũng đề nghị cần nâng cao chất lượng “hậu giám sát” thông qua việc giao cho cơ quan, đơn vị cụ thể thực hiện việc theo dõi, báo cáo QH ngay khi lập chương trình giám sát; QH cũng nên sớm xây dựng cơ chế, quy trình cho đại biểu, tổ đại biểu thực hiện quyền giám sát tại cơ sở…
 
Thảo luận về các chuyên đề cụ thể, một số ý kiến đề xuất QH thực hiện  giám sát tối cao với Chuyên đề 1 và Chuyên đề 3. Bên cạnh đó, các ý kiến cũng cho rằng, Chuyên đề 1 và Chuyên đề 3 đều có phạm vi lớn, cần nhiều thời gian, nguồn lực giám sát, do đó, các chuyên đề nên gọn hơn về phạm vi, đối tượng giám sát để việc giám sát được hiệu quả, thiết thực; đồng thời cần thuyết minh rõ về vấn đề giám sát để đủ cơ sở cho đại biểu xem xét, quyết định.
 
Một số đại biểu đề nghị UBTVQH cần chủ trì xây dựng Đề án đổi mới hoạt động giám sát của QH và thực hiện ngay ở năm đầu nhiệm kỳ, trong đó cần định hướng, xác định nội dung tổng quan cho cả nhiệm kỳ khóa XV. Các cơ quan theo chức năng, nhiệm vụ, tiếp tục nghiên cứu, đề xuất những nội dung đổi mới cụ thể, thiết thực, khả thi, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát.
 
Tổng Thư ký QH, Chủ nhiệm Văn phòng QH cũng trình bày những đánh giá chung về việc thực hiện Chương trình giám sát năm 2020 và đầu năm 2021.
 
Tờ trình nêu rõ, thời gian qua, QH đã chủ động điều chỉnh, cải tiến, đổi mới cách thức tiến hành công tác giám sát cho phù hợp với thực tiễn, qua đó đã đạt được những kết quả nhất định, được cử tri và nhân dân ghi nhận, đánh giá cao. Việc xem xét báo cáo được thực hiện nghiêm túc, thảo luận kỹ lưỡng, tiếp tục là phương thức giám sát hiệu quả việc tổ chức và thực hiện Hiến pháp, luật, nghị quyết của QH trong thực tiễn. Chất vấn và trả lời chất vấn tiếp tục có nhiều đổi mới…
 
Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động giám sát Tối cao của QH vẫn còn có những hạn chế như: Thời gian dành cho hoạt động chất vấn, đặc biệt là hoạt động "hậu giám sát" còn hạn chế; chưa tiến hành đánh giá đối với việc tổ chức hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn bằng văn bản, một số yêu cầu trong nghị quyết chất vấn còn chưa có định lượng cụ thể; hoạt động giám sát chuyên đề có lúc bị ảnh hưởng do báo cáo của một số cơ quan chịu sự giám sát gửi đến Đoàn giám sát còn chậm so với yêu cầu hoặc không bảo đảm về mặt pháp lý hoặc có nội dung chưa thể hiện được vấn đề cần xem xét, đánh giá...Nguyên nhân được đánh giá là do một số nội dung giám sát có phạm vi rộng, khối lượng công việc lớn, tính chuyên môn sâu, nhiều việc phát sinh, yêu cầu gấp trong khi thời gian cho hoạt động giám sát, nguồn lực để thực hiện giám sát còn hạn chế; còn thiếu quy định cụ thể về cơ chế hỗ trợ đại biểu QH tự tiến hành giám sát…
 
Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch QH Trần Quang Phương cho biết, đã có 10 đại biểu đăng ký thảo luận. Các ý kiến cơ bản thống nhất, đánh giá cao dự kiến Chương trình giám sát của QH năm 2022. Phó Chủ tịch QH đề nghị các cơ quan soạn thảo tiếp tục tiếp thu ý kiến của các đại biểu để hoàn thiện dự thảo Nghị quyết trước khi trình QH thông qua./.
 
Ngọc Bích