Nghiệm thu đề tài nghiên cứu cấp Bộ “Giải pháp đổi mới công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát để tăng cường hiệu quả công tác quản lý hoạt động kiểm toán của Kiểm toán nhà nước”

(sav.gov.vn) - Sáng 23/9/2021, tại trụ sở Kiểm toán nhà nước (KTNN) – 116 Nguyễn Chánh, Hà Nội, Hội đồng khoa học của KTNN đã tổ chức nghiệm thu đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ “Giải pháp đổi mới công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát để tăng cường hiệu quả công tác quản lý hoạt động kiểm toán của KTNN” (Đề tài) do Chánh Thanh tra KTNN Dương Quang Chính và Phó Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành Ia Nguyễn Thanh Hà đồng chủ nhiệm.

Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Doãn Anh Thơ là Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu.

Trình bày đề tài trước Hội đồng, Ban Chủ nhiệm đề tài cho biết: Để nâng cao chất lượng kiểm toán đáp ứng yêu cầu Hiến định, cần phải tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó giải pháp quan trọng và quyết định thuộc về công tác quản lý giám sát hoạt động kiểm toán của KTNN. Tuy nhiên, việc giải quyết mối quan hệ giữa mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng kiểm toán theo quy định của Hiến pháp và yêu cầu nâng cao trình độ, năng lực, giữ gìn đạo đức, phẩm chất của công chức, Kiểm toán viên nhà nước luôn là một thách thức lớn. Việc quản lý đạo đức nghề nghiệp Kiểm toán viên nhà nước còn nhiều bất cập và hạn chế, chưa theo kịp tình hình thực tế kiểm toán....

Theo Ban Chủ nhiệm, một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng trên là do công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát để tăng cường hiệu quả công tác quản lý giám sát hoạt động kiểm toán của KTNN còn nhiều hạn chế, bất cập, như: Công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát hiện được giao cho nhiều đơn vị thực hiện dẫn đến vừa phân tán, vừa trùng lắp về nội dung, đối tượng và thời gian thực hiện; công tác phòng, chống tham nhũng trong nội bộ cơ quan KTNN do Thanh tra KTNN thực hiện, công tác phòng chống tham nhũng thông qua hoạt động kiểm toán của KTNN do Vụ Tổng hợp thực hiện; các văn bản về thanh tra, kiểm tra, kiểm soát chưa được ban hành đầy đủ và giá trị pháp lý thấp; đội ngũ công chức làm công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát thiếu về số lượng và hạn chế về chất lượng …. Do vậy, việc nghiên cứu đề tài: “Giải pháp đổi mới công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát để tăng cường hiệu quả công tác quản lý hoạt động kiểm toán của KTNN” là rất cần thiết.

Mục tiêu của Đề tài nhằm đổi mới công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát để tăng cường hiệu quả công tác quản lý hoạt động kiểm toán của KTNN. Ngoài phần mở đầu, kết luận và danh mục tài liệu tham khảo, Đề tài được kết cấu thành 3 chương. Chương 1 – Cơ sở lý luận về công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của KTNN; Chương 2 – Thực trạng công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát chất lượng kiểm toán của KTNN; Chương 3 – Quan điểm và giải pháp đổi mới công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát chất lượng kiểm toán của KTNN.

Tại buổi nghiệm thu, các thành viên Hội đồng cho rằng, Đề tài là công trình nghiên cứu khoa học công phu, chất lượng, thể hiện được sự nghiêm túc, trách nhiệm của Ban Chủ nhiệm trong nghiên cứu. Mục tiêu, kết quả nghiên cứu của Đề tài có ý nghĩa quan trọng trong việc đưa ra các giải pháp nhằm hạn chế việc chồng chéo, trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ, khắc phục những điểm còn hạn chế của hoạt động kiểm toán và tổ chức quản lý hoạt động kiểm toán, tăng cường kỷ luật kỷ cương, đẩy mạnh tính độc lập, liêm chính của Kiểm toán viên, từ đó nâng cao hiệu quả của các hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm soát.

Đề tài sau khi hoàn thiện và đáp ứng yêu cầu nghiệm thu sẽ giúp cho việc tiếp cận, áp dụng triển khai cải thiện cả về lý luận và thực tiễn cũng như trong việc áp dụng hoàn thiện các quy định về thể chế, trong tổ chức thực hiện và có thể ứng dụng cho việc đào tạo bồi dưỡng chuyên môn cho đội ngũ cán bộ thực hiện nhiệm vụ liên quan của KTNN.

 

Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu Doãn Anh Thơ đánh giá cao Ban Chủ nhiệm đề tài trong việc tổ chức triển khai nghiên cứu

Bên cạnh đó, thành viên Hội đồng gợi ý một số nội dung, đề nghị Ban Chủ nhiệm nghiên cứu tiếp thu để hoàn thiện Đề tài như: Rà soát lại số liệu tiếp nhận và xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của KTNN để thống nhất giữa tổng số tiếp nhận và số chi tiết theo tiêu chí đơn thuộc thẩm quyền và đơn không thuộc thẩm quyền giải quyết; Xem xét, biên tập rõ phạm vi của công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát chất lượng kiểm toán để có cơ sở cho việc so sánh, đánh giá… Ban đề tài cần nêu rõ hơn những đề xuất cải tiến để ứng dụng CNTT phục vụ cho chính các đơn vị tổ chức thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát chất lượng kiểm toán của KTNN…

Về các giải pháp để tránh chồng chéo, trùng lắp trong việc tổ chức thanh ra, kiểm tra, kiểm toán tại Chương III, Ban Chủ nhiệm cân nhắc bổ sung 2 yêu cầu: Một là việc phân cấp, phân quyền, phân định phạm vi rõ ràng cho từng đơn vị thực hiện thanh tra, kiểm tra, kiểm soát chất lượng kiểm toán gắn với chức năng nhiệm vụ của từng đơn vị. Hai là cần quan tâm đến công tác phối hợp xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện kế hoạch, cả kế hoạch thanh tra, kiểm tra, kiểm soát năm và kế hoạch đột xuất để tránh chồng chéo, trùng lắp và bỏ sót phạm vi kiểm soát.

Phát biểu kết luận, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Doãn Anh Thơ – Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu đánh giá cao Ban Chủ nhiệm trong việc tổ chức triển khai nghiên cứu đề tài. Chủ tịch Hội đồng đề nghị Ban Chủ nhiệm nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến tại buổi họp, đồng thời lưu ý cần đánh giá lại thực trạng công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của KTNN, đồng thời nghiên cứu thêm Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030 để đưa ra các kiến nghị phù hợp… để hoàn thiện Đề tài.

Đề tài được Hội đồng thống nhất xếp loại Xuất sắc./.

M. Thúy