Xây dựng đội ngũ nguồn nhân lực của Kiểm toán nhà nước đủ đức, đủ tài và tinh thông nghiệp vụ

(sav.gov.vn) - Chiều 4/1/2022, tại Hà Nội, Vụ Tổ chức cán bộ - Kiểm toán nhà nước (KTNN) gặp mặt nhân kỷ niệm 20 năm thành lập. Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự Đảng, Tổng Kiểm toán nhà nước Trần Sỹ Thanh dự và phát biểu tại buổi gặp mặt.

Cùng dự có các đồng chí Phó Tổng Kiểm toán nhà nước: Vũ Văn Họa, Đặng Thế Vinh, Nguyễn Tuấn Anh, Doãn Anh Thơ, Hà Thị Mỹ Dung; các đồng chí nguyên là Lãnh đạo KTNN: Hoàng Hồng Lạc, Đoàn Xuân Tiên; thủ trưởng các đơn vị trực thuộc KTNN.

Dự buổi gặp mặt có các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo, công chức Vụ TCCB qua các thời kỳ cùng đông đảo công chức, người lao động đơn vị.

Thay mặt các thế hệ cán bộ Vụ Tổ chức cán bộ (TCCB), báo cáo về 20 năm trưởng thành và phát triển, Ủy viên Ban cán sự (BCS), Vụ trưởng Vụ TCCB Đỗ Văn Tạo cho biết: Trong hơn 27 năm qua, KTNN đã không ngừng phát triển, với địa vị pháp lý từ cơ quan được Luật định, KTNN trở thành cơ quan được Hiến định, khẳng định vị thế, vai trò, trách nhiệm của KTNN trong kiểm toán hoạt động quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công. Gắn liền với sự phát triển của KTNN là công tác tổ chức cán bộ. Với chức năng,nhiệm vụ được giao, Vụ TCCB đã tham mưu BCS Đảng, Đảng ủy, Lãnh đạo KTNN tổ chức triển khai nhiều nhiệm vụ quan trọng và đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận trên các mặt công tác: Xây dựng và phát triển về hệ thống tổ chức bộ máy; công tác phát triển nguồn nhân lực và công tác đào tạo, bồi dưỡng của KTNN.

Hệ thống tổ chức bộ máy của KTNN đã được phát triển khá toàn diện cả về quy mô, cơ cấu và chất lượng, từng bước tiến tới đồng bộ. Công tác quy hoạch cán bộ đã gắn với công tác đào tạo, bồi dưỡng đã tạo sự chủ động trong công tác cán bộ; công tác tuyển dụng đã từng bước được đổi mới; công tác luân chuyển, điều động cán bộ được thực hiện thường xuyên, góp phần từng bước điều chỉnh cơ cấu đội ngũ công chức trong toàn ngành thực hiện tốt nhiệm vụ.

Bên cạnh đó, công tác bổ nhiệm, bổ nhiệm lại bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng, phát huy tốt năng lực, sở trường trên vị trí công tác mới, cơ bản đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ; chính sách cán bộ, công chức cũng được quan tâm tạo động lực giúp công chức, viên chức có đủ năng lực tổ chức thực hiện hoàn thành chức trách nhiệm vụ của mình.

Ngoài ra, đơn vị cũng có nhiều đóng góp cho công tác đào tạo, bồi dưỡng của KTNN, góp phần cùng KTNN xây dựng đội ngũ công chức, Kiểm toán viên nhà nước thành thạo về chuyên môn, nghiệp vụ, tận tụy với công vụ, có trình độ quản lý tốt, đáp ứng yêu cầu của việc kiện toàn và nâng cao hiệu quả của bộ máy quản lý Nhà nước. Việc đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp công chức, viên chức, Kiểm toán viên trở thành nhiệm vụ và được thực hiện thường xuyên, không ngừng đổi mới cả về nội dung và hình thức, đào tạo theo hướng gắn với thực tiễn và sẵn sàng thích nghi với môi trường công nghệ kiểm toán hiện đại theo thông lệ và chuẩn mực quốc tế. “Để xây dựng và phát triển KTNN có năng lực, uy tín và hội nhập quốc tế; phát triển đội ngũ cán bộ, công chức ở quy mô phù hợp, tinh thông nghiệp vụ, có đạo đức cách mạng theo phương châm “nghệ tinh, tâm sáng” đáp ứng yêu cầu của thời kỳ đổi mới, BCS Đảng, Lãnh đạo KTNN đã và luôn coi trọng tất cả các khâu trong công tác cán bộ đảm bảo chất lượng, hiệu quả, trong đó tập trung vào công tác tuyển dụng, phát triển đội ngũ; công tác đánh giá; bố trí, sử dụng, điều động luân chuyển và quy hoạch cán bộ” - Vụ trưởng Đỗ Văn Tạo đánh giá.

Đặc biệt, thực hiện Luật Kiểm toán nhà nước, Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2020 và Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030, Vụ TCCB đã tham mưu hoàn thiện hệ thống văn bản quản lý về công tác tổ chức cán bộ phù hợp theo từng giai đoạn, đảm bảo chất lượng, tiến độ, phù hợp với các quy định của Đảng, Nhà nước về công tác tổ chức cán bộ; góp phần từng bước hoàn thiện hệ thống các văn bản của ngành, đảm bảo các hoạt động của KTNN nói chung và công tác tổ chức cán bộ nói riêng ngày càng chuẩn hoá và đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong hoạt động kiểm toán.
 
Quang cảnh buổi gặp mặt

Về những yêu cầu đặt ra đối với công tác tổ chức cán bộ trong thời gian tới, Vụ TCCB xác định 7 nhóm nhiệm vụ, trong đó cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản về công tác cán bộ đảm bảo nâng cao hiệu lực, hiệu quả của tổ chức bộ máy và chất lượng nguồn nhân lực của KTNN; xây dựng tổ chức bộ máy đảm bảo đồng bộ, thông suốt, hiệu lực, hiệu quả; xây dựng đội ngũ nguồn nhân lực đủ đức, đủ tài và tinh thông nghiệp vụ, có bản lĩnh, có đạo đức trong sáng, công tâm, kỷ cương, kỷ luật chặt chẽ, đoàn kết, thống nhất cao trong thực hiện nhiệm vụ và thích ứng, bắt kịp nhanh với những xu thế mới, hiện đại trong môi trường luôn thay đổi...
 
Tại buổi gặp mặt, thay mặt các đồng chí nguyên Lãnh đạo KTNN, nguyên Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Hoàng Hồng Lạc gửi lời chúc mừng tới tập thể Vụ TCCB. Theo nguyên Phó Tổng Kiểm toán nhà nước, từ những ngày đầu thành lập với quy mô cấp Phòng, sau 20 năm, Vụ TCCB đã thực sự trưởng thành, có nhiều đóng góp cho sự nghiệp phát triển chung của KTNN. Các thế hệ cán bộ, công chức, người lao động Vụ TCCB đã luôn đoàn kết, đồng lòng, trách nhiệm để thực hiện xuất sắc nhiệm vụ được Tổng Kiểm toán nhà nước giao.
 
Tổng Kiểm toán nhà nước Trần Sỹ Thanh phát biểu tại buổi gặp mặt

Phát biểu tại buổi gặp mặt, thay mặt Ban cán sự Đảng, Đảng ủy, Lãnh đạo KTNN, Tổng Kiểm toán nhà nước Trần Sỹ Thanh gửi lời chúc mừng tới tập thể đơn vị nhân dịp kỷ niệm 20 năm thành lập và phát triển. Tổng Kiểm toán nhà nước ghi nhận những kết quả tập thể đơn vị đạt được trong 20 năm qua là rất đáng tự hào, góp phần giúp KTNN từng bước hoàn thiện và phát triển cả về vị thế, tổ chức bộ máy và đội ngũ công chức, viên chức, Kiểm toán viên... “Chưa bao giờ Chính phủ, Quốc hội và nhân dân đặt nhiều niềm tin, kỳ vọng vào KTNN như bây giờ, đặc biệt là vai trò, trách nhiệm của KTNN trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Vụ TCCB cần bám sát Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030, chủ động, linh hoạt trong công tác tham mưu cho BCS Đảng, Tổng Kiểm toán nhà nước trong lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thiện và phát triển mô hình hoạt động của KTNN hiệu quả, chuyên nghiệp, phù hợp với bối cảnh mới; sử dụng và phát huy tối đa nguồn nhân lực sẵn có; tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực từ khâu tuyển chọn, đến khâu đào tạo, bồi dưỡng...”, Tổng Kiểm toán nhà nước nhấn mạnh.

Tổng Kiểm toán nhà nước Trần Sỹ Thanh tin tưởng với truyền thống đoàn kết, trách nhiệm cao, tập thể cán bộ, công chức Vụ TCCB sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ, để công tác cán bộ luôn, mãi và sẽ là công việc then chốt của then chốt. Qua đó góp phần nâng tầm vị thế, sứ mệnh, vai trò của KTNN, thực hiện được trọng trách được Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó.
 
Tổng Kiểm toán nhà nước Trần Sỹ Thanh trao Bằng khen của KTNN cho Vụ TCCB

Phát biểu đáp từ, Vụ trưởng Vụ TCCB Đỗ Văn Tạo khẳng định, với quyết tâm chính trị và sự cố gắng, nỗ lực, đoàn kết nhất trí của toàn thể công chức, người lao động Vụ TCCB, sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của tập thể Ban cán sự đảng, lãnh đạo KTNN và sự phối kết hợp chặt chẽ của các đơn vị trong và ngoài Ngành, Vụ TCCB sẽ tiếp tục phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Nhân dịp này, Vụ TCCB đã vinh dự được nhận Cờ Thi đua của Chính phủ dành cho Vụ TCCB - đơn vị xuất sắc trong phong trào thi đua năm 2020 và Bằng khen của Tổng Kiểm toán nhà nước vì đã có nhiều thành tích trong 20 năm xây dựng và phát triển (2002-2020), góp phần vào sự phát triển của KTNN.
 
Các đại biểu dự buổi gặp mặt chụp ảnh lưu niệm

 
  • Những ngày đầu mới thành lập vào những năm 1994 - 1995, KTNN chỉ có 5 đơn vị trực thuộc gồm: Văn phòng KTNN và 04 KTNN chuyên ngành. Đến nay, KTNN đã có 32 đơn vị trực thuộc gồm: 08 đơn vị tham mưu, 08 KTNN chuyên ngành, 13 KTNN khu vực và 03 đơn vị sự nghiệp.
  • Từ hơn 60 công chức, Kiểm toán viên những ngày đầu KTNN mới thành lập, hiện nay, KTNN đã có hơn 2.000 công chức, viên chức, Kiểm toán viên, trong đó: Ngạch Kiểm toán viên cao cấp chiếm 1,3%, ngạch Kiểm toán viên chính chiếm 28,7%, ngạch Kiểm toán viên chiếm 56,9% và ngạch khác chiếm 13%; chuyên ngành kế toán, kiểm toán, tài chính, ngân hàng chiếm 58,8%, chuyên ngành xây dựng, giao thông, kiến trúc, thủy lợi chiếm 22,8% và chuyên ngành khác chiếm 18,4%. 100% Kiểm toán viên nhà nước có trình độ đại học trở lên được đào tạo bài bản trong nước và quốc tế.

Phương Vân