Năm 2021, Kiểm toán nhà nước kiến nghị xử lý tài chính trên 67.000 tỷ đồng; kiến nghị hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung 130 văn bản pháp luật không còn phù hợp

(sav.gov.vn) - Sáng 05/01/2021, tại Trụ sở Kiểm toán nhà nước (KTNN) - 116 Nguyễn Chánh, Hà Nội, KTNN tổ chức Hội nghị Triển khai nhiệm vụ và công tác Đảng năm 2022 dưới sự chủ trì của Ủy viên BCH T.Ư Đảng, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Bí thư Đảng ủy, Tổng Kiểm toán nhà nước Trần Sỹ Thanh. Ủy viên BCH T.Ư Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải tới dự và chỉ đạo Hội nghị.

Dự Hội nghị có các đồng chí: Trần Văn Rón - Ủy viên BCH T.Ư Đảng, Phó Chủ nhiệm thường trực Ủy ban Kiểm tra T.Ư; Nguyễn Thái Học - Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương; Nguyễn Quang Trường - Phó Bí thư Đảng ủy khối cơ quan Trung ương; Nguyễn Hải Bình, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Phạm Đình Toản - Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội; Nguyễn Trường Giang - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội; Nguyễn Thị Phú Hà - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội; Nguyễn Mạnh Cường - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội; Nguyễn Tuấn Anh - Phó Trưởng Ban công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Đặng Công Huẩn - Phó Tổng Thanh tra Chính phủ; Tạ Anh Tuấn - Thứ trưởng Bộ Tài chính; Trần Quốc Phương - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư; cùng các đại biểu đại diện lãnh đạo cấp Vụ, cấp Phòng của các Bộ, ban, ngành.

Về phía KTNN có các đồng chí Phó Tổng Kiểm toán nhà nước: Nguyễn Tuấn Anh, Vũ Văn Họa, Doãn Anh Thơ, Hà Thị Mỹ Dung. Đến dự Hội nghị còn có các đồng chí Nguyên Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Đoàn Xuân Tiên, Nguyễn Quang Thành; các lãnh đạo đơn vị trực thuộc và đại diện các tập thể, cá nhân đạt các danh hiệu thi đua năm 2020, năm 2021 của KTNN.
 
Trình bày báo cáo tổng kết năm 2021 và phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2022, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Vũ Văn Họa nhấn mạnh, mặc dù đại dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến hết sức phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi hoạt động kinh tế - xã hội, trong đó có hoạt động kiểm toán song toàn Ngành KTNN đã nỗ lực, tập trung triển khai đồng bộ nhiều giải pháp hữu hiệu, sát thực, tích cực đổi mới, tinh thần làm việc quyết liệt, trách nhiệm, khắc phục mọi khó khăn nên đã hoàn thành toàn diện Kế hoạch công tác năm 2021 với nhiều kết quả nổi bật
 
Trong năm 2021, bám sát định hướng của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), KTNN đã tập trung kiểm toán các chủ đề lớn gắn với quản lý, điều hành ngân sách Nhà nước (NSNN), các lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng, lãng phí và các vấn đề dư luận xã hội quan tâm; đẩy mạnh kiểm toán chuyên đề, kiểm toán hoạt động và kiểm toán môi trường... KTNN cũng đã tập trung nâng cao chất lượng lập kế hoạch kiểm toán (KHKT)thông qua ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin (CNTT) trong khảo sát, thu thập, phân tích thông tin để đánh giá rủi ro, xác định trọng yếu kiểm toán sát hợp với từng đơn vị đầu mối kiểm toán, đồng thời chú trọng kiểm toán tổng hợp nhằm đánh giá sâu và toàn diện công tác quản lý, điều hành của từng cấp, từng đơn vị, cũng như tập trung đánh giá tính hiệu lực của cơ chế chính sách để kiến nghị, khắc phục, do đó chất lượng kiểm toán đã được nâng lên, có nhiều kiến nghị về sửa đổi cơ chế, chính sách, đồng thời rút ngắn được thời gian kiểm toán tại đơn vị. Trong năm 2021, Ban Cán sự đảng, Tổng Kiểm toán nhà nước đã sớm chỉ đạo các đơn vị trong toàn Ngành điều chỉnh KHKT để đảm bảo thực hiện KHKT năm 2021 phù hợp với diễn biến dịch Covid-19, giảm thiểu ảnh hưởng của hoạt động kiểm toán đến hoạt động phòng, chống dịch.
 
Tổng hợp kết quả kiểm toán đến 15/12/2021 đối với 154 Báo cáo kiểm toán đã phát hành, KTNN đã kiến nghị xử lý tài chính 67.055 tỷ đồng, trong đó tăng thu NSNN 7.486 tỷ đồng, giảm chi NSNN 10.221 tỷ đồng và kiến nghị khác 43.895 tỷ đồng. Ngoài ra, kiến nghị hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung và ban hành mới 130 văn bản pháp luật không còn phù hợp. KTNN đã chuyển Cơ quan Cảnh sát điều tra để điều tra, làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật 01 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật được phát hiện thông qua hoạt động kiểm toán; cung cấp 265 bộ tài liệu cho các cơ quan của Quốc hội và các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để phục vụ công tác kiểm tra, điều tra, giám sát; kịp thời cung cấp thông tin phục vụ các phiên họp của Chính phủ, Quốc hội và các cơ quan chức năng có liên quan.

Đặc biệt, trong điều kiện dịch Covid-19 có những diễn biến phức tạp, cả nước phải thực hiện cách ly, giãn cách xã hội trong thời gian dài, song KTNN đã có những giải pháp đồng bộ, linh hoạt, kịp thời và quyết liệt trong triển khai nhiệm vụ. Trong đó, Ban Cán sự đảng, Tổng Kiểm toán nhà nước đã sớm chỉ đạo các đơn vị trong toàn Ngành điều chỉnh KHKT để đảm bảo thực hiện KHKT năm 2021 phù hợp với diễn biến dịch Covid-19, giảm thiểu ảnh hưởng của hoạt động kiểm toán đến hoạt động phòng, chống dịch.
 
Bí thư Ban Cán sự Đảng, Bí thư Đảng ủy, Tổng Kiểm toán nhà nước Trần Sỹ Thanh phát biểu
 
Trong năm 2021, Tổng Kiểm toán nhà nước luôn quan tâm chỉ đạo các đơn vị tăng cường theo dõi, xử lý vướng mắc trong thực hiện kiến nghị kiểm toán để kịp thời giải quyết dứt điểm theo quy định. Tổng hợp sơ bộ kết quả đến 15/12/2021, các đơn vị thực hiện 40.166 tỷ đồng đạt 65,2% số kiến nghị. Tỷ lệ thực hiện chưa cao do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên nhiều trường hợp KTNN không triển khai kiểm tra, đôn đốc trực tiếp tại đơn vị theo dự kiến. 
 
Tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV, Tổng Kiểm toán nhà nước  đã trình bày Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016-2021 và tại Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV đã trình bày Báo cáo kết quả kiểm toán quyết toán NSNN năm 2019 trước Quốc hội với nhiều phát hiện kiểm toán nổi bật, được Quốc hội và cử tri cả nước quan tâm, đánh giá cao. Báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán năm 2020 sau khi báo cáo Quốc hội đã được đăng tải kịp thời trên các phương tiện truyền thông của KTNN với kết quả nổi bật: Kiến nghị xử lý tài chính 61.761,4 tỷ đồng; chuyển 05 vụ việc có dấu hiệu tội phạm phát hiện qua kiểm toán sang cơ quan Cảnh sát điều tra để điều tra làm rõ và xử lý theo quy định; kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ, thay thế 205 văn bản không phù hợp với quy định pháp luật hoặc chưa phù hợp với thực tiễn.
 
Năm 2021, công tác ứng dụng CNTT được KTNN tăng cường, tiếp tục triển khai các nội dung theo Chiến lược phát triển và kiến trúc tổng thể CNTT của KTNN giai đoạn 2019-2025 và tầm nhìn đến năm 2030. Đặc biệt, nhằm từng bước chuyển đổi từ phương pháp kiểm toán truyền thống sang phương pháp kiểm toán hiện đại dựa trên dữ liệu số, hướng tới môi trường kiểm toán số bảo mật và tích hợp, Tổng Kiểm toán nhà nước đã thành lập Ban chỉ đạo triển khai thí điểm kiểm toán từ xa đối với Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam để tiến tới ứng dụng CNTT trong thực hiện kiểm toán từ xa áp dụng cho lĩnh vực kiểm toán doanh nghiệp trong thời gian tới.
 
KTNN đã đã xây dựng và ban hành được Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030 làm cơ sở triển khai thực hiện, góp phần tăng cường hơn nữa tính hiệu quả, tính chuyên nghiệp và nâng cao hiệu lực hoạt động của KTNN, phù hợp với xu thế phát triển của các Cơ quan Kiểm toán tối cao trên thế giới.

Cùng với những kết quả nổi bật trong hoạt động kiểm toán, trên các lĩnh vực công tác như thực hiện xây dựng và phổ biến pháp luật, tổ chức cán bộ và đào tạo, hợp tác quốc tế, nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ thông tin... cũng đạt nhiều kết quả khả quan.
 
Về phương hướng nhiệm vụ năm 2022, KTNN xác định: “Bám sát các nghị quyết, chủ trương của Đảng và Nhà nước, triển khai đồng bộ các giải pháp để hoàn thành nhiệm vụ công tác năm 2022, thực hiện có hiệu quả, chất lượng Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030 (giai đoạn 2021-2030); tích cực đổi mới hoạt động kiểm toán dựa trên ứng dụng mạnh mẽ CNTT và công nghệ cao, đẩy mạnh cải cách hành chính; nâng cao hiệu lực của các kết luận và kiến nghị kiểm toán; tăng cường hợp tác và hội nhập quốc tế, nâng cao vai trò và vị thế của KTNN Việt Nam trong khu vực và trên thế giới; siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong thực thi công vụ để nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động của KTNN và phát huy vai trò KTNN là công cụ hữu hiệu của Đảng, Nhà nước trong kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công và phòng, chống tham nhũngvới chủ đề của năm là “Chất lượng kiểm toán và đạo đức công vụ”.
 
KTNN xác định các nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2022, cụ thể: Triển khai có hiệu quả, chất lượng các hoạt động theo Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030 (giai đoạn 2021-2030); Tổ chức thực hiện các cuộc kiểm toán thuộc KHKT năm 2022 đảm bảo tiến độ, hiệu quả và chất lượng trên tinh thần đổi mới toàn diện, tăng cường ứng dụng CNTT, công nghệ cao vào hoạt động kiểm toán; Tiếp tục đề cao đạo đức nghề nghiệp, văn hóa ứng xử, trách nhiệm và lòng tự trọng nghề nghiệp cho đội ngũ cán bộ, Kiểm toán viên nhà nước; Chấp hành, tuân thủ tuyệt đối bộ Quy tắc đạo đức nghề nghiệp; Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật để cụ thể hóa Hiến pháp, Luật KTNN và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật KTNN cho phù hợp nhằm bảo đảm cơ sở pháp lý đầy đủ, đồng bộ, hiệu quả cho hoạt động của KTNN; Đẩy mạnh công tác luân phiên, luân chuyển, đào tạo cán bộ, công chức của KTNN theo quy định của Trung ương gắn với thực tiễn hoạt động của Ngành và Nghị quyết số 36-NQ/BCS ngày 06/7/2016 của Ban Cán sự đảng KTNN; Tiếp tục củng cố và phát huy vai trò quan trọng của KTNN Việt Nam trong ASOSAI và INTOSAI, tăng cường năng lực hội nhập qua việc hoàn thành tốt vai trò thành viên Ban Điều hành ASOSAI, đăng cai thành công Cuộc họp Ban Điều hành ASOSAI 59 năm 2023, khẳng định vai trò dẫn dắt của KTNN trong ASEANSAI...; Đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với việc ứng dụng CNTT vào hoạt động công vụ...
 
Hội nghị đã nghe tham luận của đại diện một số đơn vị thành viên của KTNN nhằm đóng góp để hoàn thiện báo cáo tổng kết, đề xuất các giải pháp để nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hoạt động kiểm toán. Các tham luận tập trung vào các nội dung: Một số giải pháp tổ chức thực hiện kế hoạch kiểm toán 2022; Nâng cao chất lượng công tác kiểm soát chất lượng kiểm toán; Kết quả triển khai thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN; Thích ứng với tình hình đại dịch Covid-19 để hoàn thành nhiệm vụ hội nhập và hợp tác quốc tế; Kinh nghiệm, các giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động kiểm toán trong một số lĩnh vực: Kiểm toán môi trường, kiểm toán các dự án đầu tư, kiểm toán việc điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng, kiểm toán liên quan đến hoàn, miễn, giảm, gia hạn thuế...

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Ủy viên BCH T.Ư Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đánh giá cao nỗ lực và tinh thần trách nhiệm của tập thể lãnh đạo, công chức, viên chức và người lao động của KTNN. “Kết quả công tác của KTNN đã góp phần siết chặt kỷ cương, kỷ luật trong quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, phòng chống tham nhũng; cung cấp nhiều thông tin giúp Quốc hội thực hiện 3 chức năng: Lập pháp, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng trong lĩnh vực tài chính – ngân sách.”- Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
 
Về thực hiện nhiệm vụ năm 2022, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị KTNN quan tâm tới một số nội dung: Tiếp tục bám sát chủ trương của Đảng, Nhà nước, nghị quyết của Quốc hội, chiến lược phát triển đến năm 2030 của KTNN để hoàn thành nhiệm vụ được giao; Tiếp tục đổi mới phương thức kiểm toán để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động kiểm toán, nhất là thực hiện kiểm toán từ xa, tiệm cận với thông lệ kiểm toán quốc tế và thích ứng an toàn, linh hoạt trong điều kiện dịch Covid-19 vẫn còn phức tạp; Đẩy mạnh phối hợp công tác với các Bộ, ngành, địa phương trong hoạt động kiểm toán. Kịp thời cung cấp các thông tin, phát hiện kiểm toán phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Quốc hội, UBTVQH…; Tiếp tục xây dựng đội ngũ công chức, Kiểm toán viên tinh thông nghiệp vụ, có đạo đức nghề nghiệp trong sáng, bản lĩnh chính trị vững vàng…

Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý, năm 2022, KTNN cần tiếp tục tìm ra những giải pháp để nâng cao hiệu quả của việc ứng dụng CNTT trong hoạt động kiểm toán; tăng tỷ lệ thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán…
 
Thay mặt Đảng ủy, tập thể Lãnh đạo KTNN, Tổng Kiểm toán nhà nước Trần Sỹ Thanh cảm ơn sự có mặt của các vị khách quý, đại diện các Bộ, ban, ngành; cho rằng, sự có mặt này thể hiện niềm tin, sự đánh giá cao, cũng như sự đòi hỏi, yêu cầu ngày càng cao đối với trách nhiệm của KTNN trong thời gian tới.
 
Tổng Kiểm toán nhà nước cũng đặc biệt cảm ơn sự ghi nhận, động viên của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đối với các kết quả hoạt động của KTNN trong năm 2021, dù KTNN gặp nhiều khó khăn, thách thức do dịch Covid-19 gây ra. Đối với các chỉ đạo của Phó Chủ tịch Quốc hội đối với nhiệm vụ năm 2022 của KTNN, Tổng Kiểm toán nhà nước cam kết sẽ cùng tập thể Lãnh đạo, cán bộ, công chức KTNN nghiêm túc tiếp thu, nghiên cứu, phân tích để đưa ra những giải pháp cụ thể để triển khai thực hiện, đặc biệt đối với nội dung: Tiếp tục nâng cao tỷ lệ thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán; Phục vụ hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội và UBTVQH; Phối hợp với Thanh tra Chính phủ nhanh chóng triển khai, sớm hoàn thành kiểm toán việc huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 và các chính sách hỗ trợ để báo cáo Quốc hội.
 
 Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải trao tặng Huân chương lao động hạng Nhì cho tập thể KTNN

Tại Hội nghị, các tập thể, cá nhân xuất sắc trong năm 2021 được trao tặng các danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng: Huân chương Lao động hạng Nhì cho tập thể KTNN; Huân chương Độc lập hạng Ba cho Nguyên Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Đoàn Xuân Tiên; Huân chương Lao động hạng Nhì cho Nguyên Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Nguyễn Quang Thành, Nguyên Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành II Mai Vinh, Nguyên Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành Ia Đào Văn Dũng và Chánh Văn phòng KTNN Lưu Trường Kháng; Huân chương Lao động hạng Ba cho tập thể Vụ Tổng hợp, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Vũ Văn Họa, Đặng Thế Vinh và Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ chế độ và Kiểm soát chất lượng Ngô Minh Kiểm, Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành IV Hoàng Phú Thọ; Cờ thi đua của Chính phủ cho tập thể Vụ Tổ chức cán bộ và KTNN khu vực II; Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho 3 tập thể cấp Vụ, 4 tập thể cấp Phòng và 02 cá nhân; Cúp “Cuộc kiểm toán chất lượng vàng năm 2021” cho 11 cuộc kiểm toán; Bằng khen đột xuất của Tổng Kiểm toán nhà nước cho 11 Đoàn kiểm toán có thành tích xuất sắc trong quản lý và tổ chức thực hiện kiểm toán đạt kết quả cao năm 2021 trong điều kiện của đại dịch Covid -19.
 
Tặng Huân chương lao động hạng Nhì và hạng Ba cho các tập thể và cá nhân xuất sắc của KTNN
 
Ngọc Bích