4 tháng đầu năm 2022: Cân đối ngân sách Trung ương và ngân sách các cấp địa phương được đảm bảo

(sav.gov.vn) - Bộ Tài chính cho biết, 4 tháng đầu năm 2022, tổng thu ngân sách Nhà nước (NSNN) ước đạt 645,3 nghìn tỷ đồng, bằng 45,7% dự toán, tăng 13,3% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó ngân sách Trung ương ước đạt 46,4% dự toán, ngân sách địa phương ước đạt 45% dự toán, thu nội địa ước đạt 520,3 nghìn tỷ đồng, bằng 44,2% dự toán, tăng 9,1% so cùng kỳ năm 2021.

Riêng tháng 4/2021, tổng thu NSNN ước đạt 160,2 nghìn tỷ đồng, tăng 3,2 nghìn tỷ đồng so với số thu tháng 3/2021, cụ thể: Thu nội địa ước đạt 129,5 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 9 nghìn tỷ đồng so với tháng trước; thu từ dầu thô ước đạt 6,6 nghìn tỷ đồng, giảm khoảng 1,3 nghìn tỷ đồng so với tháng trước; và thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu ước đạt 24,1 nghìn tỷ đồng giảm khoảng 4,4 nghìn tỷ đồng so với tháng trước.

Theo đánh giá của Bộ Tài chính, kết quả thu nội địa đạt khá, phản ánh sát tình hình kinh tế - xã hội 4 tháng đầu năm. Bên cạnh đó, các chính sách của Chính phủ về hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 đã phát huy hiệu quả, một số ngành có đóng góp số thu lớn cho NSNN duy trì mức tăng trưởng khá.

Có 9/12 khoản thu nội địa đảm bảo tiến độ dự toán đạt trên 34% dự toán, trong đó, các khoản thu trực tiếp từ hoạt động sản xuất - kinh doanh chiếm 52% tổng số thu nội địa, gồm: Thu từ khu vực DNNN đạt 41,2% dự toán; thu từ khu vực DN FDI đạt 42,7% dự toán; thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh đạt 49,3% dự toán.

Có 3 khoản thu chưa đảm bảo tiến độ dự toán là thu từ cấp quyền khai thác khoáng sản chỉ đạt 22,5%, thu quỹ đất công ích và hoa lợi công sản khác chỉ đạt 31,9% và thu hồi vốn, thu cổ tức, lợi nhuận, lợi nhuận sau thuế, chênh lệch thu, chi của Ngân hàng Nhà nước đạt 30,4%.

Ước tính cả nước có 54/63 địa phương thực hiện thu nội địa 4 tháng đảm bảo tiến độ dự toán (trên 38%); 37/63 địa phương thu cao hơn so với cùng kỳ, 26 địa phương thu thấp hơn so với cùng kỳ.

Theo Bộ Tài chính, trong bối cảnh xung đột vũ trang giữa Nga và Ukraine vẫn diễn ra căng thẳng, giá nhiên liệu và một số nguyên liệu đầu vào tăng cao sẽ tác động làm tăng chi phí sản xuất kinh doanh, từ đó có thể ảnh hưởng tới thu NSNN trong những tháng tiếp theo. Đồng thời, việc triển khai thực hiện các giải pháp miễn, giảm thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất để hỗ trợ DN và người dân nhằm hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đã ảnh hưởng đến số thu NSNN. Ước tính đến hết 4 tháng năm 2022, tổng số thuế được miễn, giảm để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân theo quy định khoảng 10,16 nghìn tỷ đồng.

Đến hết tháng 4 năm 2022, toàn ngành Thuế đã thực hiện được 11.087 cuộc thanh tra, kiểm tra, đạt 15,1% kế hoạch năm 2022 và bằng 83,15% so với cùng kỳ năm 2021; kiểm tra được 173.169 hồ sơ khai thuế tại cơ quan thuế bằng 123,16% so với cùng kỳ năm 2021. Tổng số tiền kiến nghị xử lý qua thanh tra, kiểm tra hơn 8.168 tỷ đồng bằng 83,62% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, tổng số thuế tăng thu qua thanh tra, kiểm tra là 2.152,06 tỷ đồng; giảm khấu trừ là 431,57 tỷ đồng; giảm lỗ là 5.584,69 tỷ đồng. Tổng số tiền thuế nộp vào NSNN là 1.178,48 tỷ đồng, bằng 54.76% số tăng thu qua thanh tra kiểm tra.

Trong tháng 4, tổng chi cân đối NSNN ước đạt 132,8 nghìn tỷ đồng, luỹ kế chi 4 tháng năm 2022 đạt 470,2 nghìn tỷ đồng, bằng 26,3% dự toán, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó: Chi đầu tư phát triển đạt 18,48% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao; chi trả nợ lãi đạt 32,6% dự toán; chi thường xuyên đạt 30,6% dự toán.

Ngân sách Trung ương đã chi từ dự phòng để bổ sung cho các địa phương 963,5 tỷ đồng kinh phí phòng, chống dịch Covid-19 và hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19, hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh theo quy định. Bên cạnh đó, đã thực hiện xuất cấp 27,19 nghìn tấn gạo dự trữ quốc gia để khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, cứu trợ, cứu đói cho nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán và giáp hạt đầu năm. Riêng về chi đầu tư phát triển, tổng số kế hoạch vốn năm 2022 Thủ tướng Chính phủ đã giao 518,1 nghìn tỷ đồng, bên cạnh đó các địa phương đã giao kế hoạch vốn đầu tư của địa phương (từ các nguồn tăng thu, kết dư ngân sách địa phương) tăng khoảng 42 nghìn tỷ đồng so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Các nhiệm vụ chi ngân sách được thực hiện theo dự toán và tiến độ triển khai nhiệm vụ chuyên môn của các đơn vị sử dụng ngân sách, đáp ứng các nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý nhà nước và thanh toán các khoản nợ đến hạn, đảm bảo kinh phí phòng, chống dịch, các nhiệm vụ chi an sinh xã hội, chăm lo cho các đối tượng hưởng lương, lương hưu và trợ cấp xã hội từ NSNN.

Trên cơ sở này, Bộ Tài chính đánh giá, cân đối ngân sách Trung ương và ngân sách các cấp địa phương được đảm bảo. Trong 4 tháng đầu năm 2022, đã thực hiện phát hành 45,9 nghìn tỷ đồng trái phiếu Chính phủ, với kỳ hạn bình quân 15,64 năm, lãi suất bình quân 2,4%/năm./.

Khánh Vy