Chính phủ đôn đốc 8 Bộ, ngành, cơ quan Trung ương giải ngân vốn đầu tư công

(sav.gov.vn)) Ngày 19/5/2022, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, Tổ trưởng Tổ công tác số 2 của Thủ tướng Chính phủ đã họp với 8 Bộ, ngành, cơ quan Trung ương về kiểm tra, đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công năm 2022.  

Theo Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tổng kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Nhà nước năm 2022 Thủ tướng Chính phủ giao cho 8 Bộ, ngành, cơ quan Trung ương gồm: Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thanh tra Chính phủ, Văn phòng Trung ương Đảng, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, Thông tấn xã Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài truyền hình Việt Nam, thuộc Tổ công tác số 2 là 3477 tỷ đồng Đến nay, các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương đã phân bổ, giao chi tiết cho từng nhiệm vụ, dự án gần 3218 tỷ đồng, đạt 92,54%, còn lại số chưa phân bổ là 259, 279 tỷ đồng.
 
Về tình hình giải ngân, tổng số vốn ngân sách Nhà nước của 8 Bộ, ngành, cơ quan Trung ương thuộc Tổ công tác số 2 đã giải ngân tính đến ngày 30/4/2022 là 119,539 tỷ đồng, đạt 3,44% kế hoạch năm 2022, thấp hơn mức bình quân chung của cả nước (16,35%).
 
Ước giải ngân 5 tháng đầu năm 2022 của 8 Bộ, ngành, cơ quan Trung ương tính đến 31/5/2022 khoảng 337,329 tỷ đồng, đạt 9,70% kế hoạch năm 2022 được Thủ tướng Chính phủ giao, vẫn thấp hơn nhiều mức bình quân chung của cả nước (20,27%).
 
Đánh giá về nguyên nhân chưa phân bổ, giao hết kế hoạch đầu tư công, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết là do số vốn này dự kiến cho các nhiệm vụ, dự án khởi công mới nhưng do chưa có quyết định đầu tư, quyết định phê duyệt dự toán nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư, nhiệm vụ quy hoạch nên chưa đủ điều kiện giao kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2022 theo quy định của Luật Đầu tư công.
 
Về nguyên nhân chậm giải ngân, theo báo cáo chủ yếu là do tình hình giá nguyên vật liệu tăng cao; vướng mắc trong bồi thường, giải phóng mặt bằng… Đối với các dự án khởi công mới, đa số các công trình đang trong giai đoạn đấu thầu và thương thảo hợp đồng. Một số dự án được bố trí vốn nhiều để đền bù, giải phóng mặt bằng nhưng đến nay tiến độ thực hiện còn rất chậm, chủ yếu mới thực hiện thủ tục kê biên, kiểm đếm và lập phương án đền bù, thẩm định giá chậm… nên giải ngân rất thấp. Đồng thời, quá trình triển khai các dự án cũng phải mất nhiều thời gian cho việc thực hiện các thủ tục lập, thẩm định và phê duyệt thiết kế dự toán công trình, khi đó mới đủ điều kiện tổ chức đấu thầu thi công. Do đó tiến độ giải ngân vốn của những dự án khởi công mới chỉ được đẩy mạnh vào những tháng cuối năm…
 
Bên cạnh những nguyên nhân khách quan do tính đặc thù của các Bộ, ngành Trung ương và thực hiện đầu tư công theo quy định của pháp luật nên cần thời gian… nguyên nhân chủ quan là do công tác tổ chức thực hiện các dự án còn nhiều hạn chế. Chất lượng công tác chuẩn bị một số dự án còn thấp nên vướng mắc khi triển khai; công tác thẩm định tư vấn còn chậm; các đơn vị thuộc Tổ công tác số 2 còn gặp khó khăn thiếu cán bộ chuyên môn về xây dựng. Mặt khác, nhiệm vụ về đầu tư xây dựng và kế hoạch đầu tư hằng năm của các đơn vị không lớn, bộ máy giúp việc cho Thủ trưởng đơn vị có dự án đầu tư là kiêm nhiệm; một số Ban quản lý dự án, chủ đầu tư, nhà thầu yếu kém về năng lực cũng là nguyên nhân ảnh hưởng tới tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.
 
Tại cuộc họp, các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương kiến nghị cấp có thẩm quyền sớm có hướng dẫn về việc áp dụng quy định tại Nghị định số 15/2022/NĐ-CP để tính toán thuế giá trị gia tăng trong xác định và quản lý chi phí đầu tư xây dựng. Đồng thời, đẩy mạnh phân cấp cho các cơ quan chuyên môn về xây dựng các địa phương trong lĩnh vực thẩm định thiết kế bản vẽ thi công – dự toán và kiểm tra công tác nghiệm thu trong quá trình thi công; sửa đổi quy định về thẩm quyền công tác nghiệm thu đối với các dự án do cơ quan trung ương quyết định đầu tư hoặc phân cấp, ủy quyền quyết định dầu tư theo hướng phân cấp cho các Sở Xây dựng địa phương thực hiện.
 
Các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo để Ủy ban nhân dân các tỉnh tạo điều kiện bàn giao đất sạch, đẩy mạnh các biện pháp liên quan đến việc đền bù để giải phóng mặt bằng thực hiện dự án thuộc thẩm quyền của địa phương và sớm báo cáo Bộ Tài chính thống nhất để giao đất chính thức cho các dự án đầu tư. Đề nghị Chính phủ có biện pháp tháo gỡ khó khăn đối với việc tăng giá đột biến các vật liệu xây dựng nhằm hỗ trợ giải quyết khó khăn cho các chủ đầu tư và nhà thầu thi công để đẩy nhanh tiến độ thi công công trình….
 
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chỉ đạo buổi làm việc
 
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đánh giá cao tinh thần trách nhiệm và sự cố gắng của các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương trong triển khai giải ngân vốn đầu tư công trong thời gian qua. Tuy nhiên. do tính phức tạp của quy trình giải ngân và đặc thù của một số Bộ, ngành, cơ quan Trung ương nên kết quả giải ngân vốn đầu tư công trong quý I và đầu quý II/2022 thấp hơn so với mức bình quân chung của cả nước. Đến thời điểm 30/4/2022 còn 1 đơn vị chưa giải ngân được, nhưng đến 15/5, tất cả các đơn vị đã giải ngân. Cơ quan có kết quả giải ngân cao nhất là Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao và Bộ Tài chính cũng chỉ mới giải ngân được trên 10% số vốn được giao.
 
Về những nguyên nhân, vướng mắc, Phó Thủ tướng cơ bản đồng tình với những nguyên nhân khách quan ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công nêu trong báo cáo và ý kiến của các Bộ, ngành, đồng thời trao đổi làm rõ thêm về một số nguyên nhân như: Quy định của pháp luật về đầu tư công; thay đổi về cơ chế chính sách, nhất là thay đổi về mức ứng vốn hợp đồng; biến động của giá vật liệu xây dựng và nguyên, nhiên vật liệu, giá dịch vụ vận chuyển; đặc thù hệ thống tổ chức của một số cơ quan tổ chức ngành dọc; vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng…
 
Về cơ chế chính sách, Phó Thủ tướng cho rằng, vướng mắc lớn nhất trong công tác đầu tư công hiện nay là do quy định quá chặt chẽ. Chúng ta muốn kế hoạch hóa nguồn vốn để sử dụng cho hiệu quả, đảm bảo không có nợ đọng. Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức thực hiện thì không thể chặt chẽ được như kế hoạch đề ra, bởi thực tiễn rất sinh động. Việc triển khai giải ngân vốn đầu tư công có liên quan đến nhiều cơ quan, quy trình thủ tục rất chặt chẽ, nên cần nhiều thời gian. Bên cạnh đó, các yếu tố như biến động của thị trường hay công tác giải phóng mặt bằng... cũng có những tác động không nhỏ.
 
Để khắc phục những nguyên nhân nêu trên, Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Tổng số vốn đầu tư công của 8 Bộ, ngành, cơ quan Trung ương không nhiều, chỉ hơn 3400 tỷ đồng. Do đó, từng Bộ, ngành, cơ quan Trung ương phải có kế hoạch giải ngân thật cụ thể đối với từng dự án. Đồng thời, phải tiến hành thành lập các nhóm công tác, tổ công tác hoặc bố trí người trực tiếp kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở, thường xuyên nắm bắt tình hình, chủ động tháo gỡ khó khăn đối với từng dự án đầu tư công.  Trên cơ sở rà soát các dự án, nếu các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương cam kết giải ngân 100% được thì tiếp tục nỗ lực để thực hiện theo đúng mục tiêu đề ra. Còn nếu không thể thực hiện được thì phải sớm đề xuất điều chuyển phù hợp. Các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương phải quan tâm thực hiện các thủ tục thanh toán đối với những hạng mục đã làm xong, có khối lượng, để bảo đảm tiến độ giải ngân.
 
Đối với những vướng mắc về thủ tục đầu tư, Phó Thủ tướng đề nghị các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương phải tập trung đẩy nhanh tiến độ. Vấn đề gì thuộc trách nhiệm của Bộ, ngành, cơ quan Trung ương quyết định đầu tư thì phải chủ động thực hiện. Nếu vướng mắc liên quan đến Bộ, ngành khác hoặc liên quan đến địa phương như công tác thẩm định, giải phóng mặt bằng,… cần tích cực, chủ động phối hợp để giải quyết./.
 
Ngọc Bích