Hội thảo lấy ý kiến về dự án Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Kiểm toán nhà nước

(sav.gov.vn) – Sáng 18/11/2022, tại Hà Nội, Kiểm toán nhà nước (KTNN) tổ chức Hội thảo lấy ý kiến về dự án Pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực KTNN”. Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn chủ trì Hội thảo.

Tham dự Hội thảo có đại diện Văn phòng Quốc hội; các Ủy ban của Quốc hội: Tài chính - Ngân sách, Pháp luật, Tư pháp; đại diện các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương: Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Thanh tra Chính phủ, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao; đại diện các địa phương: Thành phố Hải Phòng, tỉnh Bắc Giang, tỉnh Vĩnh Phúc; Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam.

Về phía KTNN, có Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Đặng Thế Vinh; các thành viên Ban soạn thảo, Tổ biên tập Dự án Pháp lệnh; Lãnh đạo các đơn vị trực thuộc KTNN.

Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn phát biểu khai mạc hội thảo


Phát biểu khai mạc Hội thảo, Tổng Kiểm toán nhà nước cho biết: Trải qua gần 30 năm hoạt động, hành lang pháp lý cho tổ chức và hoạt động của KTNN ngày càng hoàn thiện, đồng bộ từ Hiến pháp, Luật KTNN, đến hệ thống chuẩn mực, quy trình, hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ của Kiểm toán nhà nước. Quy mô, chất lượng và hiệu quả của hoạt động kiểm toán nhà nước ngày càng tăng lên.

Tuy nhiên, trên thực tế các hành vi vi phạm trong lĩnh vực KTNN có xu hướng gia tăng và mang tính đặc thù như: Hành vi từ chối cung cấp thông tin, tài liệu phục vụ cho cuộc kiểm toán theo yêu cầu của KTNN; báo cáo sai lệch, không chính xác, không đầy đủ thông tin liên quan đến cuộc kiểm toán của KTNN; không chấp hành quyết định kiểm toán; không lập và gửi đầy đủ, kịp thời báo cáo tài chính, báo cáo quyết toán dự án đầu tư, kế hoạch thu, chi, báo cáo tình hình chấp hành và quyết toán ngân sách cho KTNN theo yêu cầu; không ký biên bản kiểm toán; không báo cáo hoặc không thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán,... Các hành vi này đã gây cản trở hoạt động kiểm toán, ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu lực, hiệu quả hoạt động của KTNN và tính nghiêm minh của Luật KTNN.

​Ngày 26/11/2019, Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN, trong đó tại khoản 3, Điều 1 của Luật đã bổ sung thẩm quyền “Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực KTNN” cho KTNN theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Để triển khai thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN, nhiệm vụ xây dựng Dự án Pháp lệnh “Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Kiểm toán nhà nước” là yêu cầu cần thiết, nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật về KTNN; tạo cơ sở pháp lý cho việc xử phạt hành vi vi phạm pháp luật đối với đơn vị được kiểm toán và tổ chức, cá nhân có liên quan trong lĩnh vực KTNN; nâng cao hiệu lực hoạt động kiểm toán của KTNN và tính nghiêm minh của pháp luật. 

Quá trình xây dựng dự thảo, KTNN đã phối hợp chặt chẽ với các Ủy ban của Quốc hội, Bộ, ngành liên quan thực hiện các nhiệm vụ theo trình tự quy định. Để Dự án đạt chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, Tổng Kiểm toán nhà nước đề nghị các đại biểu tham dự Hội thảo tập trung thảo luận và cho ý kiến đối với 03 nội dung trọng tâm: Xác định hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực KTNN; Tính tương ứng, mức độ phù hợp về mức phạt tiền với tính chất, hành vi các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực KTNN; Đề xuất thủ tục xử phạt phù hợp đối với KTNN là lĩnh vực có tính đặc thù, hoạt động mang tính chuyên môn 

Vụ trưởng Vụ Pháp chế KTNN Vũ Thanh Hải trình bày những nội dung cơ bản của dự thảo Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực KTNN


Báo cáo tại Hội thảo, thay mặt Ban soạn thảo, Vụ trưởng Vụ Pháp chế KTNN Vũ Thanh Hải cho biết: Dự thảo Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực KTNN được xây dựng trên quan điểm: Thể chế hóa đầy đủ và toàn diện các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng về KTNN; Xây dựng và phát triển KTNN thành công cụ trọng yếu và hữu hiệu của Đảng và Nhà nước trong kiểm tra, kiểm soát việc quản lý và sử dụng tài chính công, tài sản công. Đồng thời, tạo cơ sở pháp lý cho KTNN có quyền trong việc đề xuất xử lý hoặc xử lý các hành vi vi phạm Luật KTNN, có như vậy việc thực thi Luật KTNN mới nghiêm minh; Tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế và khuyến cáo của Tổ chức các Cơ quan Kiểm toán tối cao (INTOSAI) về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực KTNN, phù hợp với thực tiễn của Việt Nam.

Về bố cục, dự thảo Pháp lệnh dự kiến gồm 5Chương, 17 Điều: Những quy định chung; Hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu; Thẩm quyền lập biên bản, thẩm quyền xử phạt và áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả; Thủ tục xử phạt, thi hành quyết định xử phạt và cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt; Điều khoản thi hành.

Theo đó, những nội dung chính của Pháp lệnh gồm: Quy định các hành vi vi phạm hành chính; đối tượng bị xử phạt; hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả cụ thể trong lĩnh vực KTNN; nguyên tắc xử phạt; thẩm quyền và thủ tục lập biên bản, quy định chi tiết thẩm quyền xử phạt, áp dụng biện pháp khắc phục, cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt VPHC trong lĩnh vực KTNN…
 

Đại diện Bộ Tư pháp phát biểu tại hội thảo
Đại diện Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội phát biểu tại hội thảo


Tại Hội thảo, đã có 14 ý kiến phát biểu trao đổi,thảo luận, tập trung vào nội dung cần tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện tờ trình, hồ sơ, thủ tục liên quan, làm rõ hành vi bị xử phạt hành chính; hình thức xử phạt hành chính, quy trình, mức phạt, thẩm quyền, các biện pháp cưỡng chế thi hành… trong dự thảo Pháp lệnh.
 

Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành III Lê Đình Thăng phát biểu tại hội thảo
Kiểm toán trưởng KTNN khu vực XIII Trần Minh Khương phát biểu tại hội thảo


Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Đặng Thế Vinh trân trọng cảm ơn và đánh giá cao các ý kiến đóng góp của các đại biểu tham dự Hội thảo. Các ý kiến cho thấy các đại biểu trong và ngoài Ngành tâm huyết, thẳng thắn, trách nhiệm trong quá trình nghiên cứu, tham gia xây dựng các nội dung cụ thể của dự thảo Pháp lệnh. Ngoài các ý kiến mang tính chất hàn lâm nghiên cứu, chuyên gia, chuyên sâu cũng có các ý kiến của các đại biểu hoạt động thực tiễn nêu lên những băn khoăn, vướng mắc trong quá trình thực thi, thực hiện khi Pháp lệnh được thông qua.
 

Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Đặng Thế Vinh phát biểu kết luận hội thảo


Phó Tổng Kiểm toán nhà nước đề nghị Tổ biên tập tiếp thu đầy đủ ý kiến của các đại biểu, tổng hợp, biên tập kỷ yếu Hội thảo và báo cáo kết quả hội thảo với Lãnh đạo KTNN, Ban chỉ đạo xây dựng Pháp lệnh; tiếp tục hoàn thiện dự thảo Pháp lệnh cùng các hồ sơ, tài liệu liên quan. Phó Tổng Kiểm toán mong thời gian tới Ban chỉ đạo xây dựng Pháp lệnh, Ban soạn thảo và Tổ biên tập tiếp tục nhận được sự phối hợp, cộng tác của các chuyên gia, các Bộ, ngành, địa phương để cùng KTNN xây dựng Pháp lệnh khả thi, đi vào thực tế./.

Hà Linh