Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Trường Giang làm việc với Ban soạn thảo dự án Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Kiểm toán nhà nước

(sav.gov.vn) - Chiều 24/11/2022, tại trụ sở Kiểm toán nhà nước (KTNN) - 116 Nguyễn Chánh, Hà Nội, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Trường Giang đã có buổi làm việc với Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Đặng Thế Vinh và các thành viên trong Ban soạn thảo, Tổ biên tập dự án Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực KTNN. Dự buổi làm việc có các chuyên viên của Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội.

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Đặng Thế Vinh cho biết: Nhiệm vụ xây dựng Pháp lệnh “Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực KTNN” là yêu cầu cần thiết, nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật về KTNN, triển khai thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN; tạo cơ sở pháp lý cho việc xử phạt hành vi vi phạm pháp luật đối với đơn vị được kiểm toán và tổ chức, cá nhân có liên quan trong lĩnh vực KTNN; nâng cao hiệu lực hoạt động kiểm toán của KTNN và tính nghiêm minh của pháp luật. Quá trình xây dựng dự thảo, KTNN đã phối hợp chặt chẽ với các Ủy ban của Quốc hội, Bộ, ngành liên quan thực hiện nhiệm vụ theo trình tự quy định. Đến nay, dự thảo đã qua 02 lần tổ chức hội thảo, gửi xin ý kiến Chính phủ, các hồ sơ tài liệu cơ bản đảm bảo theo Luật ban hành văn bản pháp luật.

Để dự án đạt chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước đề nghị Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội - đơn vị trực tiếp thẩm tra dự thảo, tiếp tục trao đổi, đóng góp ý kiến đối với những nội dung còn vướng mắc, chưa thống nhất, trọng tâm là 03 nội dung: Xác định hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực KTNN; Tính tương ứng, mức độ phù hợp về mức phạt tiền với tính chất, hành vi các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực KTNN; Đề xuất thủ tục xử phạt phù hợp đối với KTNN là lĩnh vực có tính đặc thù, hoạt động mang tính chuyên môn.
         
KTNN sẽ cung cấp đầy đủ hồ sơ, tài liệu và làm việc cụ thể với Uỷ ban Pháp luật để hoàn thiện dự thảo trước khi trình Uỷ ban thường vụ Quốc hội với tinh thần Pháp lệnh sau khi ban hành đảm bảo tính khả thi.
 

 Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp Luật Nguyễn Trường Giang cho biết, để đảm bảo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật kiến nghị KTNN cần bổ sung báo cáo đánh giá thực trạng vi phạm trong lĩnh vực KTNN thời gian qua, trong đó đề cập tổng thể những hành vi vi phạm trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước và tập trung làm rõ các hành vi cản trở hoạt động kiểm toán của KTNN.
         
Theo Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật, dự thảo Pháp lệnh chỉ nên gói gọn các quy định xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động kiểm toán nhà nước. Pháp lệnh cần quy định rõ đối tượng xử phạt; phạm vi hành vi; biện pháp khắc phục; thẩm quyền lập biên bản… vì đây là lĩnh vực hoàn toàn mới.
            
Đối với đối tượng có hành vi cản trở hoạt động kiểm toán nhà nước là cán bộ, công chức Nhà nước, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật nêu quan điểm không xử phạt hành chính mà kiến nghị xử lý kỷ luật theo Luật Cán bộ công chức. Đối với đối tượng có hành vi cản trở hoạt động kiểm toán nhà nước là doanh nghiệp thì xác định cụ thể hành vi để kiến nghị xử phạt hành chính.
         
Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Trường Giang đánh giá cao tinh thần nghiêm túc, trách nhiệm của Ban soạn thảo, Tổ biên tập dự án Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực KTNN, đồng thời khẳng định Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội sẽ phối hợp chặt chẽ với KTNN trong quá trình hoàn thiện dự thảo, dự kiến cuối năm trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp quốc hội gần nhất./.
 
Dự thảo Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực KTNN được xây dựng trên quan điểm: Thể chế hóa đầy đủ và toàn diện các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng về KTNN; Xây dựng và phát triển KTNN thành công cụ trọng yếu và hữu hiệu của Đảng và Nhà nước trong kiểm tra, kiểm soát việc quản lý và sử dụng tài chính công, tài sản công; Tạo cơ sở pháp lý cho KTNN có quyền trong việc đề xuất xử lý hoặc xử lý các hành vi vi phạm Luật KTNN, có như vậy việc thực thi Luật KTNN mới nghiêm minh; Tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế và khuyến cáo của Tổ chức các Cơ quan Kiểm toán tối cao (INTOSAI) về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực KTNN, phù hợp với thực tiễn của Việt Nam.

Về bố cục, dự thảo Pháp lệnh dự kiến gồm 5Chương, 17 Điều: Những quy định chung; Hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu; Thẩm quyền lập biên bản, thẩm quyền xử phạt và áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả; Thủ tục xử phạt, thi hành quyết định xử phạt và cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt; Điều khoản thi hành.

Theo đó, những nội dung chính của Pháp lệnh gồm: Quy định các hành vi vi phạm hành chính; đối tượng bị xử phạt; hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả cụ thể trong lĩnh vực KTNN; nguyên tắc xử phạt; thẩm quyền và thủ tục lập biên bản, quy định chi tiết thẩm quyền xử phạt, áp dụng biện pháp khắc phục, cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực KTNN…
 
 
Hà Linh