Tổng Kiểm toán nhà nước Việt Nam Ngô Văn Tuấn dự và phát biểu tại Hội nghị về Quản lý nợ lần thứ 13 của UNCTAD

Như tin đã đưa, ngày 6/12/2022, tại Geneva, Thụy Sĩ, Đoàn đại biểu Kiểm toán nhà nước Việt Nam (KTNN) do Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn dẫn đầu đã tham dự Hội nghị về Quản lý nợ lần thứ 13 của UNCTAD.

Tham dự Hội nghị có bà Rebeca Grynspan - Tổng Thư ký UNCTAD; ông Richard Kozul-Wright - Giám đốc Bộ phận Chiến lược phát triển và Toàn cầu hóa của UNCTAD cùng hơn 350 nhà quản lý nợ quốc gia cấp cao từ hơn 100 nước trên thế giới; đại diện các tổ chức liên chính phủ; các cơ quan, tổ chức của Liên hợp quốc; các tổ chức phi chính phủ; trường đại học; các tổ chức khu vực tư nhân…

Hội nghị về Quản lý nợ của UNCTAD là một diễn đàn được tổ chức định kỳ hai năm một lần để chia sẻ kinh nghiệm và trao đổi quan điểm giữa các chính phủ, tổ chức quốc tế, giới học giả và xã hội dân sự về những diễn biến hiện nay trong tình hình nợ ở các nước đang phát triển và các vấn đề quản lý nợ trong bối cảnh kinh tế vĩ mô rộng lớn hiện nay. Hội nghị tập hợp các nhà quản lý nợ quốc gia cấp cao từ khắp nơi trên thế giới để thảo luận về một số chủ đề quan tâm nhất trong lĩnh vực này hiện nay.

Hội nghị năm nay diễn ra vào thời điểm quan trọng xảy ra nhiều cuộc khủng hoảng toàn cầu ảnh hưởng đến nền kinh tế thế giới, từ những tác động liên tục của đại dịch Covid-19 đến cuộc khủng hoảng về chi phí sinh hoạt và bao gồm cả vấn đề biến đổi khí hậu.

Hội nghị sẽ tìm hiểu tác động của những cuộc khủng hoảng này đối với tính bền vững của nợ ở các nước đang phát triển, nhằm đánh giá lại cách thức để thực hiện mục tiêu phát triển bền vững và vai trò của công nghệ mới trong việc huy động các nguồn tài chính.

Những vấn đề này sẽ được giải quyết thông qua góc nhìn về các giải pháp kinh tế vĩ mô có thể áp dụng cho từng quốc gia và cộng đồng quốc tế, cũng như thông qua các chính sách và thông lệ tốt trong quản lý nợ.

Phát biểu tại hội nghị, Tổng Kiểm toán nhà nước Việt Nam Ngô Văn Tuấn cho rằng: Nợ công là nguồn lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội ở các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, để tránh xảy ra khủng hoảng nợ, biện pháp phòng ngừa quan trọng nhất là quản lý và sử dụng vốn vay một cách hiệu quả, tạo điều kiện cho các quốc gia trả được nợ gốc và nợ lãi đúng hạn.
 
Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: CTV

Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu phải đối mặt với nhiều bất ổn, đầy rẫy những thách thức khó lường, các diễn đàn quốc tế như diễn đàn UNCTAD 13 sẽ tạo nền tảng phù hợp để các quốc gia tìm ra những giải pháp hiệu quả nhất nhằm từng bước vượt qua các cuộc khủng hoảng đang diễn ra. Đoàn kết, chung tay với nhau, chúng ta sẽ có thể xây dựng nên một cộng đồng quốc tế bền vững và thịnh vượng.

Tổng Kiểm toán nhà nước Việt Nam Ngô Văn Tuấn nhấn mạnh, từ cuối năm 2019, thế giới đã phải đối mặt với nhiều diễn biến thay đổi nhanh chóng, phức tạp và khó lường. Bất ổn chính trị, thiên tai, đặc biệt là đại dịch Covid-19 vẫn đang diễn ra đã cản trở sự phát triển kinh tế-xã hội ở hầu hết các quốc gia. Trong bối cảnh suy thoái kinh tế lan rộng, chính sách tài khóa thắt chặt và áp lực lạm phát, nguồn thu ngân sách của các chính phủ đã bị ảnh hưởng tiêu cực, khiến nhiều quốc gia phải chịu gánh nặng kép khi vừa phải tăng chi tiêu phục hồi và phát triển kinh tế, vừa phải đáp ứng những nhu cầu tài chính nhằm thực hiện nghĩa vụ thanh toán các khoản nợ dài hạn. “Trong bối cảnh đó, Việt Nam vẫn tiếp tục kiểm soát hiệu quả các khoản nợ công, tất cả các chỉ tiêu chính đều duy trì dưới ngưỡng cảnh báo an toàn do Quốc hội đưa ra: Tỷ lệ nợ công trên GDP của Việt Nam ở mức 43-44%, tỷ lệ nợ Chính phủ trên GDP trong khoảng 40-41%, tỷ lệ nợ nước ngoài trên GDP từ 40-41%, nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ so với thu ngân sách từ 18-19%. Vào tháng 11/2022, Tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế Fitch Ratings đã đánh giá nợ chính phủ của Việt Nam nằm trong tầm kiểm soát. Trên thực tế, trong khi các quốc gia có cùng mức xếp hạng tín nhiệm đã chứng kiến gánh nặng nợ của họ tăng lên kể từ năm 2019, đạt mức cao kỷ lục 60%GDP vào năm 2020 và được dự đoán sẽ ổn định ở mức xấp xỉ 55%GDP vào năm 2024, nợ công của Việt Nam vẫn ổn định ở mức 40% trong cùng thời kỳ” – Tổng Kiểm toán nhà nước Việt Nam cho biết.
Đoàn đại biểu Kiểm toán nhà nước Việt Nam tại UNCTAD-13. Ảnh: CTV

Tại Hội nghị, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn đã chia sẻ 7 giải pháp ứng phó với khủng hoảng nợ công tại Việt Nam đó là: 

Thứ nhất, tiếp tục cải thiện khuôn khổ pháp lý, thường xuyên sửa đổi các quy định về nợ công, ngân sách, đầu tư công cho phù hợp với các thông lệ quốc tế.

Thứ hai, kết hợp các chính sách tài khóa và tiền tệ linh hoạt, hài hòa, bám sát kế hoạch tài chính quốc gia cũng như các kế hoạch vay, trả nợ 5 năm và hàng năm của Chính phủ. Đồng thời, huy động các nguồn lực ngoài ngân sách trong và ngoài nước để thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Thứ ba, huy động vốn trái phiếu Chính phủ nhằm đáp ứng nhu cầu vốn ngân sách với tỷ lệ lãi suất phù hợp, đồng thời đảm bảo sức hấp dẫn của thị trường. Phát hành đa dạng các loại trái phiếu chính phủ, đặc biệt là trái phiếu chính phủ kỳ hạn ngắn dưới 5 năm để đáp ứng nhu cầu vay, hài hòa dòng tiền trả nợ, giảm chi phí nợ so với trái phiếu kỳ hạn dài.

Thứ tư, cơ cấu lại danh mục nợ trong nước của Chính phủ, tranh thủ các nguồn vốn khác như nguồn bổ sung ngân sách, nguồn chi chưa sử dụng, vốn vay từ NSNN để xây dựng các kế hoạch huy động vốn phù hợp, tiết kiệm chi phí nợ cho ngân sách trung ương, tăng cường mối liên kết giữa kho bạc, cơ quan quản lý nợ công và ngân sách nhà nước.

Thứ năm, điều chỉnh các chính sách để dành một phần nguồn thu bổ sung cho việc trả nợ gốc, từ đó giảm gánh nặng nợ và áp lực trả nợ trực tiếp của Chính phủ trong trung và dài hạn.

Thứ sáu, tháo gỡ các rào cản chính sách để giải ngân đầu tư công, đồng thời phân bổ thêm vốn cho các dự án hạ tầng trọng điểm, có tiềm năng lan tỏa và khả năng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cao;

Thứ bảy, phát huy vai trò của Cơ quan Kiểm toán tối cao trong việc phát hiện và ngăn ngừa rủi ro khủng hoảng nợ công.

Tổng Kiểm toán nhà nước Việt Nam Ngô Văn Tuấn nhấn mạnh, việc duy trì kiểm soát các chỉ tiêu an toàn nợ công là cần thiết nhưng cần đặt trong mối quan hệ với hiệu quả sử dụng vốn vay. Vì vậy, việc sử dụng các biện pháp giám sát ngân sách để đảm bảo các khoản vay được sử dụng đúng mục đích, hiệu quả là chìa khóa để ngăn chặn khủng hoảng nợ công.

Hội nghị về Quản lý nợ lần thứ 13 của UNCTAD sẽ kết thúc vào ngày hôm nay 07/12/2022./.

Lê Hòa - Thanh Xuyên