Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn thăm và làm việc tại Tòa Thẩm kế Thổ Nhĩ Kỳ

(sav.gov.VN) - Ngày 12/12/2022, tại Thủ đô Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ, Đoàn đại biểu Kiểm toán nhà nước (KTNN) Việt Nam do Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn dẫn đầu đã đến thăm và làm việc tại Tòa Thẩm kế Thổ Nhĩ Kỳ.

Tham gia Đoàn công tác của KTNN Việt Nam có: Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Đỗ Văn Tạo, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế Nguyễn Bá Dũng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế Vũ Thanh Hải, Phó vụ trưởng Vụ Tổng hợp Hoàng Linh, Phó Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành VII Phan Trường Giang.

Chủ tịch Tòa Thẩm kế Thổ Nhĩ Kỳ Metin Yener nhiệt liệt chào mừng Đoàn Lãnh đạo cấp cao của KTNN Việt Nam sang thăm và làm việc tại Thổ Nhĩ Kỳ, đồng thời khẳng định Tòa Thẩm kế Thổ Nhĩ Kỳ hết sức coi trọng chuyến thăm của Đoàn.

Tổng Kiểm toán nhà nước Việt Nam Ngô Văn Tuấn chân thành cảm ơn sự tiếp đón nồng hậu, thân tình của Chủ tịch và các đồng nghiệp Tòa Thẩm kế Thổ Nhĩ Kỳ đã dành cho Đoàn; khẳng định đây là hoạt động trao đổi song phương cấp cao chính thức đầu tiên giữa hai nước, là chuyến thăm hết sức có ý nghĩa, mở ra những triển vọng mới cho hợp tác giữa KTNN Việt Nam và Toà Thẩm kế Thổ Nhĩ Kỳ trong thời gian tới và tại các diễn đàn khu vực và quốc tế.

Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn đã giới thiệu với Lãnh đạo Toà Thẩm kế Thổ Nhĩ Kỳ về lịch sử thành lập, địa vị pháp lý, Chiến lược phát triển KTNN Việt Nam đến năm 2030, các hoạt động kiểm toán và hoạt động hợp tác quốc tế nổi bật của KTNN Việt Nam. “KTNN Việt Nam được thành lập từ năm 1994, là Cơ quan KTNN còn non trẻ so với các Cơ quan Kiểm toán tối cao khác trên thế giới và Tòa Thẩm kế Thổ Nhĩ Kỳ. Địa vị pháp lý của KTNN Việt Nam được hiến định vào năm 2013 với tư cách là một cơ quan do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật. Trải qua 28 năm hoạt động, KTNN Việt Nam ngày càng khẳng định vị thế và vai trò là công cụ hữu hiệu của Nhà nước và Quốc hội trong công tác giám sát việc sử dụng và quản lý tài chính công, tài sản công” - Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn cho biết.

Về hoạt động kiểm toán của KTNN Việt Nam trong thời gian qua, theo Tổng Kiểm toán nhà nước, KTNN Việt Nam thực hiện 03 loại hình kiểm toán chính gồm kiểm toán tài chính, kiểm toán tuân thủ và kiểm toán hoạt động theo chuẩn mực KTNN tiệm cận với thông lệ và chuẩn mực kiểm toán quốc tế. Một trong những trọng tâm hoạt động của KTNN Việt Nam là thực hiện kiểm toán hoạt động và tuân thủ, thu hút được nhiều sự quan tâm của Nhà nước và nhân dân.

Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn khẳng định, trước yêu cầu ngày càng cao về công tác giám sát tài sản công và tài chính công của Nhà nước và người dân Việt Nam, KTNN Việt Nam ngày càng phải nỗ lực nhiều hơn để đáp ứng được kỳ vọng to lớn này. KTNN Việt Nam đã xây dựng Chiến lược phát triển KTNN với 3 trụ cột phát triển và 7 nội dung chính, tập trung vào khuôn khổ pháp lý, hệ thống tổ chức bộ máy, nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng kiểm toán, hội nhập, hợp tác quốc tế và công nghệ thông tin, công nghệ cao…

Về hợp tác quốc tế, ngay từ những ngày đầu thành lập, KTNN Việt Nam đã xác định định hướng hội nhập quốc tế sâu rộng là giải pháp rút ngắn con đường phát triển chuyên môn tiệm cận với quốc tế, KTNN Việt Nam sớm trở thành thành viên của các tổ Tổ chức Quốc tế các Cơ quan Kiểm toán tối cao (INTOSAI), Tổ chức các Cơ quan Kiểm toán tối cao châu Á (ASOSAI), là thành viên đồng sáng lập Tổ chức các Cơ quan Kiểm toán tối cao Đông Nam Á (ASEANSAI). Hiện nay, KTNN Việt Nam duy trì quan hệ tốt đẹp và có Thỏa thuận hợp tác với 20 Cơ quan Kiểm toán tối cao và các tổ chức kế toán, kiểm toán quốc tế trên thế giới. KTNN Việt Nam vừa hoàn thành vai trò Chủ tịch ASOSAI nhiệm kỳ 2018-2021, hiện đang là thành viên Ban điều hành ASOSAI nhiệm kỳ 2021-2024. Đặc biệt, KTNN Việt Nam là một trong 04 thành viên sáng lập ASEANSAI và là Chủ tịch Ủy ban Kế hoạch chiến lược của ASEANSAI trong nhiều nhiệm kỳ.

Về kết quả hợp tác giữa KTNN Việt Nam và Tòa Thẩm kế Thổ Nhĩ Kỳ, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn cho rằng, với bề dày kinh nghiệm và vai trò là thành viên Ban điều hành và Ủy ban kiểm toán của ASOSAI qua nhiều nhiệm kỳ, Tòa Thẩm kế Thổ Nhĩ Kỳ luôn ủng hộ và hỗ trợ KTNN Việt Nam trong các hoạt động đa phương; ủng hộ KTNN Việt Nam trở thành thành viên Ban điều hành ASOSAI giai đoạn 2015-2018; tham dự và ủng hộ thành công Đại hội ASOSAI lần thứ 14 năm 2018 tổ chức tại Việt Nam; ủng hộ nhất trí với các quyết định của KTNN Việt Nam - Chủ tịch ASOSAI thông qua tại Đại hội ASOSAI 15 năm 2021...
 

Tổng kiểm toán nhà nước VN và Chủ tịch Tòa Thẩm kế Thổ Nhĩ Kỳ tiếp xúc song phương
Từ trái sang: Tổng kiểm toán nhà nước VN, Chủ tịch Tòa Thẩm kế Thổ Nhĩ Kỳ ; Đại sứ Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ; Phó Chủ tịch Tòa Thẩm kế Thổ Nhĩ Kỳ 

Chủ tịch Tòa Thẩm kế Thổ Nhĩ Kỳ Metin Yener đã thông tin với Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn khái quát về chức năng, nhiệm vụ của Tòa Thẩm kế Thổ Nhĩ Kỳ. Theo đó, cơ quan này được thành lập kể từ năm 1862 với tên gọi ban đầu là “Divan-ı Muhasebat” và được đổi tên thành Toà Thẩm kế Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 1967, có chức năng kiểm toán công. Địa vị pháp lý của cơ quan này đã sớm được hiến định trong Hiến pháp Ottoman đầu tiên năm 1876. Trong thời kỳ Cộng hoà, địa vị pháp lý của Tòa thẩm kế Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục được hiến định lại trong Hiến pháp vào các năm: 1924, 1961, 1982 và có hiệu lực cho đến ngày nay.

Hiện nay, Tòa Thẩm kế có 08 đơn vị chuyên môn kiểm toán, thực hiện ba loại hình kiểm toán gồm kiểm toán tài chính, kiểm toán tuân thủ và kiểm toán hoạt động, trong đó tập trung vào kiểm toán tài chính và tuân thủ. Đối với kiểm toán tài chính, các Kiểm toán viên sẽ tiến hành đánh giá và đưa ra ý kiến về tính chính xác của các báo cáo và báo cáo tài chính của cơ quan hành chính công; đánh giá xem liệu các quyết định, giao dịch tài chính và hoạt động của các cơ quan đó có tuân thủ pháp luật và các quy định pháp lý khác. Ngoài ra, Tòa Thẩm kế Thổ Nhĩ Kỳ cũng đánh giá hệ thống kiểm soát nội bộ và hệ thống quản lý tài chính của các đơn vị được kiểm toán. Khi thực hiện kiểm toán tuân thủ, Tòa Thẩm kế Thổ Nhĩ Kỳ kiểm tra các khoản thu chi, tài sản và các tài khoản, giao dịch khác của đơn vị được kiểm toán có tuân thủ quy định của pháp luật.

Đối với kiểm toán hoạt động, các Kiểm toán viên sẽ thực hiện đánh giá liệu các nguồn lực công có được sử dụng một cách hiệu quả, hiệu lực và tiết kiệm. Ngoài ra, các Kiểm toán viên cũng đánh giá xem liệu các hoạt động của các cơ quan hành chính Nhà nước có thực hiện theo đúng mục tiêu và chỉ tiêu đã đặt ra.

Đối với kiểm toán tài chính, Tòa Thẩm kế Thổ Nhĩ Kỳ thực hiện kiểm toán đối với 600 đơn vị công trong một năm, trong đó thực hiện kiểm toán 100% cơ quan Trung ương và 90% cơ quan thuộc chính quyền địa phương. Các cuộc kiểm toán đã đưa ra 9.000 phát hiện kiểm toán hàng năm, trong đó có 7.000 phát hiện kiểm toán tại các đơn vị thuộc chính quyền địa phương. Ngoài ra, hàng năm Tòa Thẩm kế Thổ Nhĩ Kỳ còn thực hiện 3-4 cuộc kiểm toán chuyên đề và công nghệ thông tin.

Tòa Thẩm kế Thổ Nhĩ Kỳ là một trong những thành viên tích cực của ASOSAI và đảm nhiệm vị trí thành viên Ban điều hành, Ủy ban kiểm toán của ASOSAI qua nhiều nhiệm kỳ: 2021-2024, 2015-20218, 2009-2012, 2006-2009 và là thành viên Ủy ban kiểm toán ASOSAI các nhiệm kỳ: 2018-2021, 2012-2015, 2003-2006, 2000-2003. Hiện nay, KTNN Thổ Nhĩ Kỳ là thành viên Ban điều hành ASOSAI nhiệm kỳ 2021-2024 và thành viên Ban điều hành EUROSAI nhiệm kỳ 2021-2024... Tòa Thẩm kế Thổ Nhĩ Kỳ có thế mạnh về các lĩnh vực: Kiểm toán tài chính, kiểm toán hoạt động; kiểm toán công nghệ thông tin; chuẩn mực Báo cáo tài chính quốc tế; kiểm
toán mua sắm công…
 
Tổng Kiểm toán nhà nước Việt Nam Ngô Văn Tuấn tặng quà lưu niệm cho Chủ tịch Tòa Thẩm kế Thổ Nhĩ Kỳ 

Tại buổi làm việc, Tổng Kiểm toán nhà nước Việt Nam Ngô Văn Tuấn và Chủ tịch Tòa Thẩm kế Thổ Nhĩ Kỳ Metin Yener đã thống nhất cao sẽ đưa mối quan hệ hợp tác song phương lên tầm cao mới; đồng thời khẳng định tăng cường mối quan hệ hợp tác vốn dĩ đã tốt đẹp nay còn tốt đẹp hơn.

Theo đó, hai Bên nhất trí sẽ thúc đẩy trao đổi các chuyến thăm cấp cao để đánh giá quá trình hợp tác, định hướng các hoạt động hợp tác trong tương lai; trao đổi các Đoàn chuyên gia cấp kỹ thuật nhằm chia sẻ kinh nghiệm chuyên sâu về kiểm toán công; tổ chức các hội nghị, hội thảo chung về các lĩnh vực quan tâm chung như kiểm toán môi trường, kiểm toán công nghệ thông tin, kiểm toán đấu thầu; Tòa Thẩm kế Thổ Nhĩ Kỳ cử chuyên gia sang KTNN Việt Nam để đào tạo cho Kiểm toán viên KTNN Việt Nam và mời công chức, Kiểm toán viên KTNN Việt Nam sang Thổ Nhĩ Kỳ tham gia các hội thảo, hội nghị về các vấn đề chuyên môn.

Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn và Chủ tịch Tòa Thẩm kế Thổ Nhĩ Kỳ Metin Yener thống nhất cùng mở ra định hướng hợp tác trung hạn, dài hạn, tiến tới ký kết Thỏa thuận hợp tác song phương trong thời gian tới./.

Bé Ngọc