Giải pháp tiếp cận kiểm toán báo cáo tài chính đơn vị hành chính sự nghiệp trong điều kiện áp dụng chuẩn mực kế toán công do Kiểm toán nhà nước thực hiện.

(sav.gov.vn) – Chiều ngày 25/5/2023, tại trụ sở Kiểm toán nhà nước (KTNN) – 111 Trần Duy Hưng, Hà Nội, Hội đồng khoa học KTNN tổ chức họp nghiệm thu Đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở “Tiếp cận kiểm toán Báo cáo tài chính các đơn vị hành chính sự nghiệp trong điều kiện áp dụng chuẩn mực kế toán công do Kiểm toán nhà nươc thực hiện” do Ths. Nguyễn Thị Trung và Ths. Hoàng Anh Văn đồng chủ nhiệm. Giám đốc Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán, Ths. Trần Kim Lộc làm Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu.

Báo cáo tại buổi nghiệm thu, Ban Đề tài cho biết, ngày 21/7/2019, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ký Quyết định số 1299/QĐ-BTC về phê duyệt Đề án công bố hệ thống chuẩn mực kế toán công (CMKTC) Việt Nam. Đối tượng áp dụng, chịu sự điều chỉnh của CMKTC đều là đơn vị được kiểm toán hoặc là đối tượng kiểm toán theo Luật KTNN: Là tất cả các đơn vị trong lĩnh vực công, trừ các doanh nghiệp, tổ chức không sử dụng kinh phí NSNN mà Nhà nước không phải chịu trách nhiệm về tài sản, công nợ khi đơn vị đó thanh lý, phá sản, giải thể; các Trường Đại học, Học viện và các tổ chức nghề nghiệp trong việc phối hợp nghiên cứu, đào tạo và hỗ trợ triển khai áp dụng CMKTC của Việt Nam; Bộ Tài chính và các đơn vị liên quan trong việc nghiên cứu, xây dựng, ban hành, đào tạo và hướng dẫn tổ chức thực hiện hệ thống CMKTC của Việt Nam. Đây đều là đối tượng kiểm toán theo Luật KTNN.

Vì vậy, khi CMKTC ra đời, tác động toàn diện đến các đối tượng kiểm toán, KTNN cần phải thay đổi cách thức tiếp cận để tổ chức đánh giá, xác nhận, kết luận và kiến nghị đối với việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công… Đồng thời, các Kiểm toán viên nhà nước (KTVNN) phải có hiểu biết đầy đủ, đúng đắn về hệ thống văn bản pháp luật liên quan đến CMKTC, từ đó có cách tiếp cận kiểm toán phù hợp để nâng cao chất lượng hoạt động kiểm toán.

Từ những lý do trên, Ban Đề tài đã nghiên cứu tổng quan về Hệ thống CMKTC và việc áp dụng CMKTC tại đơn vị hành chính sự nghiệp. Từ đó, đề xuất những giải pháp tiếp cận kiểm toán báo cáo tài chính đơn vị hành chính sự nghiệp trong điều kiện áp dụng CMKTC do KTNN thực hiện.

Ngoài phần mở đầu và kết luận, đề tài được kết cấu thành 2 chương: Chương 1 - Tổng quan về Hệ thống CMKTC và thực trạng công tác kiểm toán báo cáo tài chính đơn vị hành chính sự nghiệp do KTNN thực hiện; Chương 2 - Giải pháp tiếp cận kiểm toán báo cáo tài chính đơn vị hành chính sự nghiệp trong điều kiện áp dụng CMKTC do KTNN thực hiện.
 
Quang cảnh buổi nghiệm thu

Nhận xét về đề tài, Hội đồng nghiệm thu cho rằng, việc lựa chọn đề tài nghiên cứu là cần thiết và phù hợp trong bối cảnh Hệ thống CMKTC ra đời đã làm thay đổi cơ bản chính sách kế toán của các đơn vị. Vì vậy, phương pháp tiếp cận kiểm toán của KTNN cũng cần có sự thay đổi, điều chỉnh cho phù hợp để thực hiện tốt chức năng đánh giá, xác nhận, kết luận và kiến nghị đối với việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công…

Đề tài đã đánh giá tác động của việc áp dụng Hệ thống CMKTC đối với hoạt động kiểm toán, đề xuất phương pháp tiếp cận kiểm toán báo cáo tài chính đơn vị hành chính sự nghiệp và đưa ra các nhóm giải pháp có tính khả thi nhằm nâng cao hiệu quả kiểm toán.

Tuy nhiên, để đề có giá trị cao hơn, Hội đồng nghiệm thu đề nghị Ban Đề tài bổ sung đánh giá việc áp dụng Hệ thống CMKTC trong thực tế và làm rõ sự khác biệt giữa CMKTC đã ban hành với các chế độ kế toán theo từng lĩnh vực; bổ sung những khác biệt về thông tin kế toán được trình bày trong báo cáo tài chính làm cơ sở đề xuất giải pháp tiếp cận kiểm toán; lược bỏ các hướng dẫn đã có trong quy trình hiện nay, tập trung vào hướng dẫn các điểm khác biệt đã được nghiên cứu từ kết quả tại chương I.

Kết luận buổi nghiệm thu, Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu, Ths.Trần Kim Lộc đánh giá cao sự nỗ lực, cố gắng của Ban Chủ nhiệm Đề tài trong quá trình tổ chức nghiên cứu và khẳng định đề đề tài có giá trị lý luận và ứng dụng thực tiễn, cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu đặt ra.

Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu yêu cầu Ban Chủ nhiệm đề tài tiếp thu có chọn lọc ý kiến của các thành viên trong hội đồng để tiếp tục rà soát, hoàn thiện đề tài trong vòng 30 ngày kể từ ngày nghiệm thu.

Đề tài đã được Hội đồng thống nhất và xếp loại “Đạt”./.

Thanh Trang