KTNN chia sẻ kinh nghiệm phòng, chống tham nhũng, gian lận tại các dự án sử dụng vốn vay WB

(kiemtoannn.gov.vn) – Ngày 21/1/2015, tại Hà Nội, Ngân hàng Thế giới (WB) đã tổ chức Hội nghị bàn tròn về "Các giải pháp phòng chống gian lận và tham nhũng trong các dự án do WB tài trợ". Đại diện Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đã tham gia Hội nghị và chia sẻ kinh nghiệm về một số vấn đề tham nhũng, gian lận tại các dự án đầu tư xây dựng sử dụng nguồn vốn vay của WB do KTNN phát hiện.


Tham luận tại Hội nghị, ông Lưu Trường Kháng - Phó Kiểm toán Trưởng KTNN Chuyên ngành V đánh giá, trong thời gian qua,  nguồn vốn WB đã góp phần nâng cao năng lực sản xuất và khả năng cạnh tranh của một số ngành kinh tế, tạo điều kiện và môi trường thuận lợi để thúc đẩy thương mại, đầu tư, phát triển khu vực kinh tế tư nhân; tăng tính bền vững của quá trình phát triển; tăng cường hội nhập kinh tế quốc tế…cho nền kinh tế Việt Nam. Bên cạnh những kết quả tích cực, quá trình quản lý, sử dụng nguồn vốn WB ở Việt Nam, vẫn còn nhiều bất cập và hạn chế về năng lực sử dụng viện trợ quốc gia, tiến độ thực hiện và giải ngân còn chậm so với kế hoạch, thủ tục trong nước vẫn còn phức tạp, khác biệt với quy định của nhà tài trợ. 

Ông Lưu Trường Kháng cho biết, qua kiểm toán một số dự án đầu tư xây dựng sử dụng nguồn vốn WB, KTNN nhận thấy các sai sót, gian lận xuất hiện ở một hoặc nhiều khâu của quá trình triển khai dự án, từ khâu chủ trương, lập dự án; khảo sát, thiết kế, lập dự toán; đền bù, giải phóng mặt bằng xây dựng; lựa chọn nhà thầu đến khâu triển khai xây dựng. 

Trong khâu xây dựng chủ trương đầu tư, lập dự án, một số dự án chưa xác định rõ sự cần thiết đầu tư, quy mô đầu tư, diện tích chiếm đất, điều kiện cung cấp nguyên, nhiên vật liệu đầu vào; chưa đánh giá tác động môi trường. Tổng mức đầu tư của một số dự án chưa được lập, thẩm định, phê duyệt  đầy đủ theo quy định dẫn đến phải thay đổi nhiều lần trong quá trình thực hiện. Công tác bố trí vốn đầu tư chưa đúng quy định; bố trí kế hoạch vốn còn dàn trải; một số dự án chưa thể hiện rõ khả năng thu xếp vốn và khả năng cấp vốn theo tiến độ…dẫn đến không phát huy được việc đầu tư vốn, kéo dài thời gian thi công, chậm đưa công trình vào khai thác sử dụng gây lãng phí, thất thoát lớn về mặt kinh tế cũng như ảnh hưởng xã hội. 

Trong khâu khảo sát, thiết kế, lập dự toán, các tài liệu, số liệu sử dụng trong phân tích hiệu quả đầu tư của một số dự án chưa đủ độ tin cậy, thiếu chính xác dẫn đến phân tích đánh giá hiệu quả đầu tư chưa phù hợp ảnh hưởng tới mục tiêu đầu tư của dự án. Công tác khảo sát chưa thực hiện đúng quy trình khảo sát, nguồn cung cấp vật liệu chưa phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương; giải pháp thiết kế chưa lựa chọn được phương án tối ưu, chưa phù hợp với điều kiện địa hình, địa chất, thủy văn đã làm tăng chi phí đầu tư xây dựng công trình. Hồ sơ thiết kế không nêu rõ yêu cầu kỹ thuật của vật tư, thiết kế sử dụng cho công trình dẫn đến dự toán áp dụng đơn giá chủng loại vật tư, thiết bị có yêu cầu kỹ thuật cao làm tăng bất hợp lý giá trị dự toán, giá gói thầu. Một số sai sót khác trong quá trình lập dự toán đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc thực hiện dự án như: sai số học, tổng hợp sai, sai đơn vị tính, tính sai khối lượng, áp dụng, vận dụng sai định mức, đơn giá, áp dụng sai định mức, tỷ lệ…

Công tác đền bù, giải phóng mặt bằng xây dựng tại một số dự án không đúng đối tượng, không bình đẳng; chi trả tiền đền bù không theo định mức, khung giá Nhà nước và địa phương ban hành; khai khống diện tích, khối lượng tài sản được đền bù... đều làm tăng chi phí đầu tư xây dựng công trình. Một số dự án lập và phê duyệt phương án bồi thường, GPMB, tái định cư chưa kịp thời, dự án đã triển khai nhiều tháng nhưng phương án bồi thường vẫn chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

           
Ông Lưu Trường Kháng - Phó Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành V phát biểu tại Hội nghị

Nói về vấn đề sai sót, gian lận trong khâu lựa chọn nhà thầu, theo ông Kháng, việc không thực hiện đúng trình tự lựa chọn nhà thầu; phân chia gói thầu không hợp lý, sai quy định; chọn hình thức lựa chọn nhà thầu không phù hợp; xét thầu, đánh giá để lựa chọn nhà thầu không chính xác; thông đồng giữa các nhà thầu còn diễn ra phổ biến. Hồ sơ mời thầu còn có nhiều điểm mâu thuẫn, bất hợp lý, một số điểm còn chưa đúng với hướng dẫn của Nhà nước, một số yêu cầu về vật liệu xây dựng trong hồ sơ mời thầu không phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương gây ra khó khăn trong quá trình thực hiện dự án. Bảng cam kết vật tư, thiết bị sử dụng cho công trình tại một số hồ sơ dự thầu, chỉ nêu chung chung về nguồn gốc, xuất xứ dẫn tới việc nhiều gói thầu lập giá dự thầu với đơn giá của các vật tư, thiết bị cao cấp, nhưng khi thực hiện thì nhà thầu chỉ sử dụng những vật tư, thiết bị trung bình, thậm chí sử dụng các loại vật tư mẫu mã cũ, giá rẻ... nhưng vẫn được nghiệm thu, quyết toán.

Trong khâu triển khai xây dựng, các sai sót, gian lận xuất hiện ở khâu thương thảo, ký kết hợp đồng; quản lý chất lượng công trình; nghiệm thu, thanh toán và quyết toán công trình.

Qua phân tích thực trạng trên, ông Lưu Trường Kháng nhận xét, các sai sót, gian lận không chỉ do những nguyên nhân khách quan như: Cơ chế chính sách về quản lý đầu tư còn chồng chéo, thiếu đồng bộ, chưa rõ ràng hay do đặc điểm, tính chất của sản phẩm xây dựng có quy mô lớn, kết cấu phức tạp, chu kỳ sản xuất dài, phụ thuộc trực tiếp vào điều kiện địa chất, thuỷ văn, khí hậu... mà còn có nguyên nhân quan trọng dẫn đến thất sai sót, gian lận là từ con người. Để giải quyết cơ bản tình trạng này, ông Kháng đề xuất thực hiện đồng bộ một số nhóm giải pháp: Nhóm giải pháp liên quan đến con người, cá nhân thực hiện; Nhóm giải pháp liên quan đến xây dựng hành lang pháp lý; Nhóm giải pháp liên quan đến công tác kiểm tra, thẩm định, thanh tra, kiểm toán; Nhóm giải pháp liên quan đến việc phát huy dân chủ và Nhóm giải pháp liên quan đến phát huy vai trò truyền thông.

Nhấn mạnh tới nhóm giải pháp liên quan đến công tác kiểm tra, thẩm định, thanh tra, kiểm toán, ông Kháng đề xuất: Cần tuyển chọn, đào tạo đội ngũ cán bộ làm công tác thẩm định, thanh tra, kiểm toán có trình độ chuyên môn sâu, có tâm huyết, có đạo đức nghề nghiệp để thực hiện chức trách được giao; Nghiên cứu xây dựng đầy đủ, đồng bộ hành lang pháp lý, chế tài xử lý để các tổ chức thanh tra, kiểm toán hoạt động. Hạn chế tối đa hoạt động chồng chéo đồng thời gắn với quy chế tự chịu trách nhiệm đối với từng tổ chức; Tăng cường, tập trung giám sát, kiểm tra, thanh tra, kiểm toán đối với giai đoạn chuẩn bị đầu tư nhằm đảm bảo chủ trương đầu tư, công tác bố trí vốn, thời gian thực hiện dự án phù hợp tránh lãng phí nguồn lực xã hội. Đồng thời kiểm tra, giám sát chặt chẽ sản phẩm đầu ra, đảm bảo phù hợp với phương án, tiêu chí lựa chọn.

Bên cạnh phần chia sẻ của KTNN, Hội nghị cũng đã thảo luận về các vấn đề gian lận và tham nhũng trong các dự án của Ngân hàng thế giới tại Việt Nam và các biện pháp phòng chống; Giới thiệu công cụ hỗ trợ giảm  thiểu rủi ro về tham nhũng và gian lận; Chia sẻ kinh nghiệm thực hiện kế hoạch quản trị minh bạch tại một số sử dụng vốn vay của WB tại Việt Nam./.

Ngọc Bích