Mô hình kiểm soát chất lượng hoạt động kiểm toán độc lập của Trung quốc và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam

05/03/2012
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

TS. Hà Thị Ngọc Hà

Phó Vụ trưởng Vụ Chế độ kế toán và kiểm toán, Bộ TC

Trung Quốc là quốc gia đang phát triển và có nhiều điểm tương đồng về kinh tế-chính trị với Việt Nam. Việc xây dựng chuẩn mực kiểm toán (CMKiT) của Trung Quốc cũng nhằm mục đích phù hợp với thông lệ của quốc tế tương tự như Việt Nam. Đến nay, Trung Quốc đã ban hành các CM về kiểm soát chất lượng (KSCL) và tổ chức KSCL kiểm toán rất chặt chẽ. Kinh nghiệm của Trung Quốc là bài học tốt đối với Việt Nam.

(1) Quá trình hình thành, phát triển hoạt động kiểm toán độc lập Trung Quốc và khuôn khổ pháp luật về KSCL hoạt động kiểm toán độc lập

Sau cách mạng thành công, với sự ra đời của nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung và hệ thống kế toán thống nhất từ những năm 50, hoạt động nghề nghiệp kế toán, kiểm toán gần như bị biến mất. Đến năm 1970 khi cải tổ nền kinh tế, nhu cầu về hoạt động kế toán, kiểm toán lại xuất hiện. Vào giữa những năm 1980, Nhà nước chủ trương tăng vốn vào DNNN thông qua việc phát hành cổ phiếu cho các nhà đầu tư cá nhân trong nước. Chủ trương này đã tạo ra nhu cầu thông tin tài chính cần được kiểm toán độc lập, trên cơ sở đó, các DNKT độc lập đã ra đời. Để đáp ứng yêu cầu quản lý hoạt động nghề nghiệp kế toán, kiểm toán, Bộ tài chính đã thành lập Hội Kế toán viên công chứng Trung Quốc (CICPA) vào năm 1989. Đến năm 1990 và năm 1991, thị trường chứng khoán (TTCK) Thượng Hải và Thẩm Quyến được thành lập nên các nhà đầu tư yêu cầu tăng cường hơn nữa chất lượng kiểm toán độc lập các thông tin tài chính liên quan đến các công ty niêm yết. Năm 1992, luồng đầu tư trực tiếp của nước ngoài ồ ạt đổ vào Trung Quốc, trong đó có các DNKT. Các DNKT nước ngoài chỉ được phép thành lập DNKT liên doanh với các DNKT trong nước để thực hiện dịch vụ kiểm toán.

Để tạo lập khuôn khổ pháp luật về kiểm toán độc lập, năm 1993, Luật Kế toán viên công chứng được ban hành để điều chỉnh hoạt động của CICPA. Năm 1997, CICPA ban hành CM chung về KSCL. Năm 2004, CICPA đã ban hành 3 văn bản liên quan đến KSCL kiểm toán, gồm: (i) Thông báo các nguyên tắc KSCL của Ủy ban chuyên môn; (ii) Chế độ kiểm tra CL hoạt động các DNKT; (iii) Hướng dẫn thực hiện Chế độ kiểm tra CL hoạt động các DNKT.

Vào năm 2006, CICPA ban hành thêm 2 CMKiT liên quan đến CLKT là: CMKiT số 5101- KSCL đối với công việc chuyên môn và KSCL dịch vụ kiểm toán các số liệu tài chính và CMKiT số 1121 - CM về kiểm toán, soát xét, các dịch vụ đảm bảo khác và KSCL.

Năm 2008 và năm 2009 là giai đoạn mà Trung Quốc quyết tâm thay đổi cơ bản CL hoạt động kiểm toán độc lập thông qua việc ban hành CMKiT, soát xét, các dịch vụ đảm bảo khác và KSCL; và đặc biệt là ban hành Quyết định số 35 ngày 31/5/2009 V/v: Công tác kiểm tra CL hoạt động các DNKT, và Quyết định số 66 ngày 24/11/2009 V/v: Biện pháp quản lý cán bộ kiểm tra CL của CICPA.

Hoạt động KSCL tại Trung Quốc có hai cấp độ:

- KSCL bên trong: Theo quy định của Chuẩn mực chung về KSCL của Trung Quốc, các DNKT phải xây dựng chính sách và thủ tục KSCL ở hai cấp độ: (i) Chính sách và thủ tục KSCL chung cho toàn công ty; (ii) Thủ tục KSCL cho từng cuộc kiểm toán. Việc KSCL từ bên trong chủ yếu do DNKT đảm nhận.

- KSCL từ bên ngoài. Việc thực hiện KSCL hoạt động kiểm toán độc lập từ bên ngoài do nhiều cơ quan, tổ chức khác nhau thực hiện.

(2) Cơ quan, tổ chức thực hiện kiểm tra

Việc KSCL hoạt động kiểm toán độc lập do cơ quan Nhà nước là Bộ Tài chính, UBCKNN và Hội nghề nghiệp thực hiện. Ở mỗi cấp lại chia ra thành hai cấp trung ương (TW) và địa phương khác nhau thực hiện.

a) Bộ Tài chính Trung Quốc là cơ quan quản lý Nhà nước về kế toán, kiểm toán có chức năng:

- Soạn thảo trình cấp có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành các quy định pháp luật về kế toán, kiểm toán;

- Ban hành, hướng dẫn và giám sát việc thực hiện các văn bản pháp luật về kế toán, kiểm toán đối với các cơ quan Nhà nước, các đơn vị thuộc khu vực công, các doanh nghiệp thuộc tất cả các ngành, lĩnh vực khác;

- Ban hành và hướng dẫn thực hiện hệ thống CMKT và chế độ kế toán doanh nghiệp;

- Quy định và hướng dẫn hoạt động kiểm toán độc lập; Hướng dẫn và giám sát hoạt động nghề nghiệp của KTV và DNKT;

- Xem xét và chấp thuận việc đăng ký kinh doanh dịch vụ kiểm toán của DNKT khi thành lập (sau đó chuyển cho Cục Công thương để Cục này cấp giấy phép đăng ký kinh doanh cho DNKT);

- Xem xét và chấp thuận việc thành lập chi nhánh và văn phòng đại diện ở Trung Quốc của các DNKT nước ngoài.

Để thực hiện chức năng này Bộ Tài chính có hai cơ quan giúp việc là Vụ Chế độ Kế toán (Accounting Regulatory Department - ARD) và Cục Thanh tra giám sát (Supervission Department).

b) Uỷ ban chứng khoán Nhà nước:

Theo quy định của Luật Chứng khoán Trung Quốc năm 1992, UBCK là cơ quan ngang Bộ, trực thuộc Hội đồng Nhà nước chịu trách nhiệm giám sát việc công bố thông tin của các tổ chức niêm yết và xem xét, chấp thuận DNKT đủ điều kiện kiểm toán tổ chức niêm yết và giám sát việc kiểm toán các tổ chức niêm yết.

Toàn bộ nguồn thu, chi của UBCK đều thuộc NSNN. Kinh phí hoạt động của UBCK do NSNN cấp, riêng nguồn thu phí để thực hiện kiểm tra, giám sát các tổ chức phát hành chứng khoán và DNKT đóng góp.

UBCK cùng với Bộ Tài chính là cơ quan cấp và thu hồi giấy phép hành nghề cho các DNKT cung cấp dịch vụ kiểm toán BCTC cho các công ty đại chúng và niêm yết.  UBCK có một cơ quan giúp việc là Vụ Chế độ Kế toán (Vụ Chế độ Kế toán này khác với Vụ Chế độ Kế toán của Bộ Tài chính). Cơ quan này thực hiện việc nghiên cứu, xây dựng và ban hành các CM và các quy định về kế toán riêng liên quan đến các hoạt động của TTCK và giao dịch tương lai. Ngoài ra, cơ quan này có trách nhiệm thanh tra, kiểm tra và giám sát các DNKT.

Các DNKT khi được khách hàng lựa chọn để kiểm toán, phải thông báo với UBCK cấp địa phương. DNKT phải lập kế hoạch kiểm toán gửi cho Ủy ban kiểm toán của khách hàng và gửi cho UBCK cấp địa phương để có kế hoạch giám sát việc kiểm toán.

DNKT phải báo cáo UBCK hàng năm danh sách khách hàng niêm yết, các dịch vụ đã cung cấp trong năm cho khách hàng niêm yết, tình hình thực hiện hợp đồng, danh mục phí đã thu của khách hàng,…

Các Văn phòng UBCK cấp địa phương chịu trách nhiệm thanh tra, kiểm tra CLKT (kiểm tra xem các DNKT có tuân thủ quy trình kiểm toán, thu thập bằng chứng kiểm toán và hình thành ý kiến của KTV) theo quy định tại Hướng dẫn hành nghề kiểm toán tại Trung Quốc (Practice Guidelines on China’s Certified Public Accountant).

Vụ Chế độ Kế toán (của UBCK) thực hiện kiểm tra định kỳ các DNKT. Chu kỳ kiểm tra là ba năm một lần và kiểm tra các nội dung: CL từ bên trong (nội bộ) của bản thân DNKT và hiệu quả của hệ thống quản trị nội bộ; Tính phù hợp và hiệu quả của hệ thống KSCL; Công việc kiểm toán có được thực hiện theo CMKiT hay không.

Ngoài kiểm tra thường xuyên, còn có kiểm tra đột xuất đối với các vấn đề bất thường phát sinh. Các Văn phòng UBCK cấp địa phương thực hiện kiểm tra CL hàng năm trên nguyên tắc không trùng lắp và đảm bảo tất cả các DNKT phải được kiểm tra. Hàng năm, UBCK đều tổ chức họp các DNKT thực hiện kiểm toán  các tổ chức niêm yết để trao đổi các vấn đề quan trọng về kiểm toán cần tập trung của từng năm.

Khi phát hiện các DNKT có vi phạm, nếu phát hiện qua kiểm tra định kỳ của UBCK cấp địa phương hoặc phát hiện qua các báo cáo hàng năm, hoặc qua báo chí, hoạt động kinh doanh, qua tố giác sẽ bị xử phạt hành chính như phạt tiền, cảnh cáo hoặc triệu tập đương sự đến giải trình tại Ủy ban Xử phạt Hành chính.

Nếu phát hiện tình tiết có liên quan đến hình sự, chuyển hồ sơ sang Ban Thanh tra UBCK để tiến hành điều tra. Nếu phát hiện vi phạm cấu thành tội phạm thì chuyển hồ sơ sang cơ quan tố tụng.

c) Hội kế toán viên công chứng Trung Quốc (CICPA):

CICPA là tổ chức nghề nghiệp lớn ở Trung Quốc. Hội viên của Hội phải là người đã có chứng chỉ kế toán viên công chứng (tương đương như chứng chỉ KTV) và hội viên tổ chức là các công ty kế toán, kiểm toán. Các công ty kế toán, kiểm toán và người hành nghề kế toán, kiểm toán bắt buộc phải là hội viên của CICPA. Hiện nay, CICPA có gần 160.000 hội viên cá nhân, trong đó có 88.000 người là hội viên hành nghề và hơn 70.000 hội viên không hành nghề và khoảng 7.500 hội viên là các công ty kế toán, kiểm toán.

Mục tiêu của CICPA là: (i) tăng cường sự phát triển của nghề nghiệp kế toán, kiểm toán; (ii) hỗ trợ việc nâng cao CL nghề nghiệp; (iii) KSCL hoạt động kiểm toán và đạo đức nghề nghiệp của KTV và DNKT; (iv) phối hợp các mối quan hệ trong và ngoài nghề nghiệp (v) bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các kế toán viên công chứng và (vi) phục vụ nền kinh tế thị trường XHCN.

Nhiệm vụ chính của CICPA là: (i) Quản lý việc đăng ký hành nghề của KTV và DNKT; (ii) Quản lý hành nghề của KTV và DNKT trong toàn quốc; (iii) Xây dựng và hướng dẫn thực hiện các CM nghề nghiệp; (iv) Tổ chức thi lấy chứng chỉ KTV trong cả nước; (v) Tổ chức cập nhật kiến thức, nâng cao năng lực cho các hội viên; (vi) Là đại diện cho người hành nghề kế toán, kiểm toán tham gia các tổ chức quốc tế.

(3) Đối tượng kiểm tra, quy trình, nội dung KSCL của Hội kế toán viên công chứng Trung Quốc (CICPA)

a) Đối tượng kiểm tra:

Tất cả các DNKT không phân biệt có kiểm toán cho tổ chức niêm yết hay không đều phải được tiến hành kiểm tra CL bởi CICPA ít nhất là 5 năm một lần. Khi chọn lựa DNKT được kiểm tra, ngoài phương pháp lựa chọn ngẫu nhiên, CICPA thường chú ý các vấn đề sau:

- Khi đơn vị được kiểm toán thay đổi DNKT, DNKT thay thế có khả năng có rủi ro kiểm toán lớn;

- Có tranh chấp khá lớn giữa các cổ đông, thành viên góp vốn của DNKT, hay việc kiểm toán có khả năng ảnh hưởng đến CL của BCTC;

- Sử dụng các thủ đoạn cạnh tranh không lành mạnh để thu hút khách hàng;

- Có sự tố giác về hành vi vu khống của DNKT này đối với DNKT khác làm tổn hại đến lợi ích của các DNKT;

- DNKT thực hiện kiểm toán cho các DNKT, tổ chức tài chính và DNNN;

- DNKT mới thành lập hoặc lần đầu kiểm toán tổ chức niêm yết;

- Các đối tượng mà CICPA cho rằng cần phải tiến hành kiểm tra.

b) Đăng ký kiểm tra CL:

Việc KSCL hoạt động kiểm toán chia thành hai nhóm:

- Đối với các DNKT thực hiện kiểm toán các tổ chức niêm yết: Do CICPA trung ương quản lý. Ít nhất cứ mỗi 5 năm một lần, các DNKT thực hiện kiểm toán các tổ chức niêm yết sẽ được CICPA trung ương tiến hành kiểm tra.

- Các DNKT khác: Do CICPA địa phương giám sát. Trong vòng ba năm phải kiểm tra ít nhất một lần.

Để thực hiện công việc giám sát DNKT, CICPA thành lập Phòng giám sát. Khi thực hiện kiểm tra sẽ thành lập đoàn và huy động người giỏi từ các DNKT để thực hiện kiểm tra. CICPA chi trả phí cho DNKT cử người người tham gia đoàn kiểm tra.

Kết quả kiểm tra phát hiện vi phạm nếu tình tiết nhẹ thì phê bình, vừa thì cảnh cáo, nặng thì công khai công bố trên báo chí hoặc trang tin điện tử (website) của CICPA. Đồng thời DNKT yêu cầu cho thôi việc KTV có sai phạm.

CICPA có Hội đồng thưởng phạt và Hội đồng xử lý khiếu nại để xử lý các công việc liên quan đến giám sát, kiểm tra, xử lý vi phạm của DNKT và KTV.

c) Nội dung kiểm tra:

CICPA tiến hành kiểm tra các nội dung chính như: Việc tuân thủ CMKiT của DNKT và KTV; Việc tuân thủ CM đạo đức nghề nghiệp của DNKT và KTV; Tình hình thực hiện KSCL bên trong của DNKT; và các nội dung khác mà CICPA cho rằng cần phải kiểm tra.

Hàng năm, CICPA Trung ương và cấp địa phương đều triển khai kiểm tra CLKT. Hàng năm, CICPA cấp địa phương báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch kiểm tra CL trong năm cho CICPA Trung ương. Trước khi tiến hành kiểm tra thực tế, nhóm kiểm tra phải thông báo cho DNKT trước 10 ngày. DNKT và KTV phải tiến hành tự kiểm tra trước.

Việc kiểm tra CL phải được tiến hành tại DNKT, nếu cần thiết nhóm kiểm tra có thể yêu cầu công ty được kiểm tra chuyển các tài liệu liên quan đến nơi làm việc của nhóm kiểm tra. Nhóm kiểm tra có thể tiến hành kiểm tra thông qua phương thức xem các báo cáo của DNKT, phỏng vấn nhân viên liên quan, kiểm tra tài liệu liên quan triển khai công tác kiểm tra.

Nhóm kiểm tra có thể tiến hành kiểm tra trực tiếp hồ sơ kiểm toán theo phương thức chọn mẫu, báo cáo, hồ sơ làm việc và thẩm vấn nhân viên liên quan của DNKT để kiểm tra sự tuân thủ CMKiT và tình hình KSCL bên trong của DNKT. Thông thường nhóm kiểm tra sẽ chọn mẫu các báo cáo kiểm toán được phát hành của năm đó, nhưng khi cần thiết có thể mở rộng đến các niên độ tài chính trước. Ngoài ra, nhóm kiểm tra phải thảo luận với DNKT và KTV các vấn đề phát hiện được trong quá trình kiểm tra.

Sau khi hoàn thành công tác kiểm tra, nhóm kiểm tra phải lập báo cáo kiểm tra nộp CICPA. Nội dung báo cáo kiểm tra CL bao gồm: Tình hình triển khai công tác kiểm tra; Các vấn đề phát hiện được; Ý kiến đề xuất sửa đổi; Các mâu thuẫn với DNKT; và Kiến nghị liên quan đến thủ tục chính sách về kế toán, kiểm toán.

d) Quy trình và thời gian kiểm tra: Việc kiểm tra CL được CICPA thực hiện theo quy trình và thời gian cụ thể như sau:

(i) Giai đoạn chuẩn bị kiểm tra (tới đầu tháng 6 hàng năm): Vào tháng 5 hàng năm, CICPA Trung ương công khai kế hoạch kiểm tra trong đó nêu rõ các công ty được kiểm tra và yêu cầu kiểm tra. Đầu tháng 6, CICPA tổ chức lớp tập huấn cho các kiểm tra viên.

(ii) Giai đoạn thực hiện kiểm tra (giữa tháng 6 đến giữa tháng 7): Dựa trên danh sách do CICPA Trung ương chỉ định, các kiểm tra viên tiến hành kiểm tra các DNKT và các chi nhánh. CICPA cấp địa phương tiến hành kiểm tra các chi nhánh phải tiến hành cùng thời gian với CICPA Trung ương. Sau khi kiểm tra thực tế kết thúc, nhóm kiểm tra nộp báo cáo kiểm tra và kết quả xử lý cho CICPA Trung ương.

(iii) Giai đoạn xem xét bằng chứng và xử lý (đầu tháng 8 tới cuối tháng 10): Trong tháng 10, căn cứ kết quả kiểm tra các DNKT, kết hợp với kết quả kiểm tra của chi nhánh của CICPA cấp địa phương, CICPA Trung ương tiến hành xem xét báo cáo của các kiểm tra viên kèm theo bằng chứng thu thập qua kiểm tra, căn cứ quy định hiện hành để đưa ra các biện pháp xử lý hay chuyển sang các cơ quan chức năng tiến hành xử lý các hành vi vi phạm.

Công việc kiểm tra và xử lý các DNKT của CICPA cấp địa phương phải hoàn thành trước cuối tháng 10 hàng năm.

e) Tiêu chuẩn kiểm tra viên

Công tác kiểm tra chất lượng phải do một nhóm kiểm tra thực hiện, nhóm kiểm tra phải có ít nhất hai kiểm tra viên. Kiểm tra viên phải là KTV có đạo đức nghề nghiệp tốt, trình độ chuyên môn cao, nhiều kinh nghiệm thực tế và phải là hội viên của CICPA. CICPA thường tuyển dụng người xuất sắc, thời hạn thuê làm kiểm tra viên thường là ba năm. Nếu kiểm tra viên (nhân viên kiêm chức kiểm tra) là người làm việc ở DNKT  thì phải do DNKT đề cử, CICPA cấp địa phương kiểm tra, sau đó phải được thẩm tra bởi CICPA Trung ương. Khi hết thời hạn thuê và nếu đạt kỳ thi sẽ được CICPA tiếp tục thuê làm kiểm tra viên. Căn cứ vào yêu cầu công việc, mỗi năm CICPA tuyển chọn các nhân viên tham gia công tác kiểm tra. CICPA chi trả thù lao rất cao cho kiểm tra viên, biểu dương, khen thưởng đối với các kiểm tra viên có cống hiến đặc biệt.

(i) KTV tham gia kiểm tra phải có các tiêu chuẩn:

- Đảm nhận chức vụ từ trưởng phòng trở lên trong DNKT;

- Thời gian công tác tại DNKT phải từ 5 năm trở lên (thời gian làm kiểm toán các công ty niêm yết từ 5 năm trở lên hoặc thời gian soát xét KSCL kiểm toán công ty niêm yết từ 3 năm trở lên đối với kiểm tra viên thực hiện kiểm tra các DNKT cung cấp dịch vụ kiểm toán cho các tổ chức niêm yết);

- Nắm vững lý luận và thực tiễn kế toán, kiểm toán, chứng khoán (đối với kiểm tra viên thực hiện kiểm tra các DNKT thực hiện kiểm toán các công ty niêm yết, đại chúng);

- Trong 3 năm gần nhất không bị xử phạt hành chính hoặc kỷ luật;

- Không có mối quan hệ với DNKT  bị kiểm tra.

(ii) Các kiểm tra viên phải bảo mật thông tin về DNKT là đơn vị được kiểm toán; Tự giác, liêm minh, không được nhận bất kỳ lợi ích vật chất hay ưu đãi nào từ DNKT và trong thời gian kiểm tra, kiểm tra viên tiến hành kiểm tra dưới danh nghĩa là nhân viên của CICPA và chịu sự giám sát chỉ đạo trực tiếp của CICPA chứ không phải dưới danh nghĩa DNKT nơi họ đang làm việc.

(iii) Nếu kiểm tra viên có các vi phạm sau thì CICPA có thể hủy tư cách: Không tham gia công tác kiểm tra mà không có lý do; Liên tục hai lần không tham gia công tác kiểm tra; Bị phát hiện không đảm nhận công tác trong thời gian kiểm tra; Vi phạm kỷ luật kiểm tra; và bị kỷ luật và xử phạt hành chính trong ngành.

f) Công bố kết quả kiểm tra và xử lý vi phạm:

Trên cơ sở thẩm tra các báo cáo kiểm tra, CICPA đưa ra các kiến nghị, sửa đổi đối với các sai phạm của DNKT và KTV; nếu các tồn tại là nghiêm trọng thì sẽ tái kiểm tra vào năm sau. Các sai phạm cần phải kỷ luật thì căn cứ vào tình tiết nặng, nhẹ mà CICPA sẽ áp dụng các phương thức kỷ luật gồm: Nhắc nhở (không bằng văn bản); Phê bình bằng văn bản; Cưỡng chế đào tạo; Ra thời hạn bắt buộc chỉnh sửa các sai phạm; Buộc làm kiểm điểm; Buộc bồi thường, xin lỗi, loại bỏ ảnh hưởng do các vấn đề sai phạm gây ra; Thông báo phê bình trong nội bộ ngành; Công khai khiển trách ra công chúng; Loại bỏ tư cách thành viên CICPA.

Trường hợp KTV hay DNKT từ chối, cản trở công tác kiểm tra hoặc không tuân theo yêu cầu sau kiểm tra, CICPA sẽ thông báo phê bình trong nội bộ ngành. Trường hợp đặc biệt nghiêm trọng thì có thể loại bỏ tư cách thành viên CICPA.

Hàng năm, sau khi kết thúc công tác kiểm tra CL, CICPA cấp địa phương lập báo cáo tổng hợp kết quả kiểm tra CL, gửi nộp cho CICPA Trung ương. Nội dung báo cáo tổng kết kiểm tra CL bao gồm: Tình hình tổ chức triển khai công tác kiểm tra; Các vấn đề quan trọng phát hiện trong quá trình kiểm tra; Tình hình xử lý kết quả kiểm tra; Ý kiến, kiến nghị của đơn vị được kiểm tra.

g) Kinh phí thực hiện kiểm tra

Kinh phí hoạt động của CICPA chủ yếu là  nguồn thu hội phí (chiếm 84% tổng số thu) do các hội viên đóng góp hàng năm theo quy định. Phí hội viên được quy định trong điều lệ CICPA theo quy định của Nhà nước về thu phí đối với các hiệp hội. Mức phí cụ thể này do Đại hội của CICPA quyết định./.

Theo Tạp chí Kiểm toán số 2/2012
                                                               

Xem thêm »