Greenland: Nội các bất ổn trước cáo buộc tham nhũng

10/10/2014
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Ngày 26/9, một báo cáo kiểm toán đã được gửi lên Quốc hội Greenland với cáo buộc nữ Thủ tướng Aleqa Hammond, lãnh đạo Đảng Dân chủ Xã hội Siumut, đã dùng 106.363 Krone Đan Mạch (18.042 USD) từ ngân sách quốc gia chi trả những chuyến bay và chi phí khách sạn cho các thành viên trong gia đình bà.

            
Bà Aleqa Hammond

Sau thông tin trên, một Đảng trong liên minh Chính phủ đã rút lui và hai Bộ trưởng trong Đảng của Thủ tướng Aleqa Hammond lên tiếng chứng minh rằng họ không dính líu đến cáo buộc nói trên. Ngày 30/9, bà Aleqa Hammond đã gửi đơn lên Quốc hội xin nghỉ việc tạm thời. 

Ông Lars-Emil Johansen - phát ngôn viên của Quốc hội Greenland cho biết, Chính phủ đã thảo luận yêu cầu của Thủ tướng Hammond sau khi bà hoàn thành bài phát biểu công khai của mình trước Quốc hội.

Ông Hans Jakob Helms - cố vấn chính trị cho Đảng của bà Hammond cho biết, Đảng đối lập Inuit Ataqatigiit đã kêu gọi tổ chức một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm sau vụ việc của bà Hammond, nhưng hội đồng Chính phủ gồm 31 thành viên đã bác bỏ yêu cầu đó.   
 
Ngày 30/9, Ủy ban Lập pháp đồng ý cho bà Hammond tạm dừng các công việc của Thủ tướng; cùng ngày, bà đã tạm thời rời khỏi văn phòng trong khi các kiểm toán viên của Ủy ban Kiểm toán tiếp tục tiến hành điều tra xem liệu bà có lạm dụng ngân sách quốc gia hay không. 

Thủ tướng Aleqa Hammond đã trả lời Ủy ban Kiểm toán rằng những khoản chi đang bị nghi vấn hoàn toàn phù hợp với các quy định khi đó. Các quy định về chi tiêu của Chính phủ chỉ vừa mới được thay đổi. Tuy nhiên, sau khi nhận được nhiều lời nhắc nhở bắt đầu từ tháng 4 năm ngoái, đến tháng 9 năm nay, bà Hammond cũng đã hoàn trả toàn bộ số tiền. 

Các nhà phân tích cho rằng động thái của Thủ tướng A. Hammond hôm 30/9 đã châm ngòi cho làn sóng kêu gọi một cuộc bầu cử mới. Chính phủ Greenland cũng đã kêu gọi tổ chức một cuộc bầu cử vào ngày 28/11 tới.

Sự ra đi của bà Hammond, người được xem như một luồng gió mới trong giới chính trị Greenland, sẽ là một đòn giáng mạnh cho quốc gia này. Đây bị coi là một thảm họa cho nền chính trị của Greenland - một quốc đảo có diện tích hơn 2,1 triệu km2, từng là thuộc địa của Vương quốc Đan Mạch nhưng đã được công nhận quyền tự trị năm 2009, đồng nghĩa với việc quốc gia này có quyền tự kiểm soát các vấn đề tài chính, kinh doanh, hệ thống thuế và quản lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Đảng Siumut của bà Hammond đã giành chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử của Greenland hồi tháng 3/2013 khi thể hiện ấn tượng mong muốn mang lại nền độc lập thực sự cho đất nước Bắc Cực rộng lớn nhưng chỉ có 57.000 dân này; đồng thời cam kết sẽ thay đổi hệ thống bản quyền cho các công ty khai thác mỏ nước ngoài muốn khai thác mỏ đất hiếm và các tài nguyên phong phú khác của Greenland. Từ tháng 4/2013, bà Hammond lên nắm quyền Thủ tướng cho đến nay.

Theo các cuộc thăm dò, bà Hammond có thể quay trở lại làm Thủ tướng, nhưng liên minh cầm quyền cũng sẽ cố gắng đưa một người khác trong Đảng Dân chủ Xã hội Siumut lên thay vị trí của bà để tránh một cuộc tổng tuyển cử. Nếu tổng tuyển cử diễn ra, phe đối lập có thể sẽ giành chiến thắng. Nếu phe đối lập giành chiến thắng trong cuộc bầu cử mới, có khả năng nhà lãnh đạo Đảng Inuit Ataqatigiit, bà Sara Olsvig, sẽ trở thành Thủ tướng. 

Ông Damien Degeorges, một chuyên viên tư vấn các vấn đề của Greenland tại Reykjavik cho biết, ông không cảm thấy ngạc nhiên nếu một cuộc bầu cử mới diễn ra, bởi áp lực dồn lên bà Hammond đã và đang ngày càng mạnh mẽ hơn. Trong giai đoạn kinh tế khó khăn của đất nước và với một chương trình nghị sự quốc tế nặng nề phía trước, Greenland không được phép vắng mặt người lãnh đạo đất nước, dù là tạm thời. Hoặc Thủ tướng Hammond vẫn tiếp tục giữ vị trí cũ, hoặc đất nước phải tiến hành một cuộc bầu cử mới.

Cựu Thủ tướng tiền nhiệm của bà Aleqa Hammond, ông Kuupik Kleist thuộc Đảng Inuit Ataqatigiit cũng đã từ chức sau khi thừa nhận sử dụng 25.034 Krone Đan Mạch (4.246 USD) ngân sách quốc gia chi tiêu cho các mục đích cá nhân, làm ảnh hưởng xấu đến hình ảnh của Chính phủ. Năm 2010, chính bà Hammond đã cáo buộc ông Kleist tham nhũng và có dấu hiệu thông đồng với người nhà sau khi giấy phép thăm dò khoáng sản được cấp cho một công ty tư nhân có mối liên hệ với các thành viên trong gia đình.

Sau vụ bê bối lạm dụng công quỹ của Thủ tướng Hammond, một số Bộ trưởng đã từ chức, trong đó có Bộ trưởng Bộ Công nghiệp và Tài nguyên khoáng sản Jens-Erik Kirkegaard, người giám sát ngành công nghiệp khai thác mỏ mới ra đời của Greenland và Bộ trưởng Bộ Y tế và Cơ sở hạ tầng Steen Lynge.

Cùng ngày, Đảng Tự do Atassut cho biết, họ cũng sẽ rời khỏi liên minh cầm quyền và kêu gọi tổ chức một cuộc bầu cử mới./.

Theo Báo Kiểm toán số 41/2014

Xem thêm »