Ban hành Chuẩn mực kiểm toán theo thông lệ quốc tế: Góp phần nâng cao tính chuyên nghiệp trong hành nghề của kiểm toán viên

04/10/2013
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Chuẩn mực kiểm toán 1000 về kiểm toán Báo cáo quyết toán vốn đầu tư hoàn thành, làm cơ sở pháp lý rất hiệu quả cho hoạt động kiểm toán Báo cáo quyết toán các công trình xây dựng, đã và sẽ góp phần nâng cao tính chuyên nghiệp đối với kiểm toán viên và tính minh bạch đối với Báo cáo quyết toán vốn đầu tư trong xây dựng cơ bản. Chuẩn mực 1000 sắp ban hành sẽ được mở rộng hơn phạm vi kiểm toán, kể cả kiểm toán Báo cáo quyết toán các dự án không là dự án xây dựng cơ bản. CMKiT 1000 trong thực tế đã giúp ích rất nhiều cho khâu xét duyệt quyết toán của các doanh nghiệp, các tổ chức thậm chí các cấp quản lý ngân sách.

Các CMKiT ban hành đợt 2 đề cập đến chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp của Kiểm toán viên


Thực hiện Kế hoạch soạn thảo Chuẩn mực kiểm toán (CMKiT) Việt Nam đợt 2 đã được Bộ Tài chính phê duyệt, Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (VACPA) đang chủ trì soạn thảo 10 chuẩn mực để trình Bộ Tài chính ban hành vào cuối năm 2014. Đây là công cụ quan trọng góp phần nâng cao chất lượng hoạt động tài chính, kinh tế của đất nước trong bối cảnh hội nhập nhanh với nền kinh tế thế giới.

Đánh giá về sự cần thiết của việc Bộ Tài chính phê duyệt soạn thảo 10 CMKiT đợt 2 đối với điều kiện hiện nay của Việt Nam, ông Bùi Văn Mai - Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký VACPA, Trưởng Ban soạn thảo CMKiT Việt Nam cho biết, hệ thống CMKiT là cơ sở để đào tạo, thực hành kiểm toán và kiểm tra, kiểm soát chất lượng dịch vụ cũng như nâng cao chất lượng báo cáo tài chính (BCTC). Theo đó, cuối năm 2012, theo đề nghị của VACPA, Bộ Tài chính mới ban hành được 37/50 CMKiT liên quan trực tiếp đến kỹ thuật kiểm toán BCTC. 13 CMKiT còn chưa ban hành chủ yếu là các chuẩn mực liên quan đến kỹ thuật soát xét BCTC và thông tin tài chính liên quan. Sau khi xem xét cụ thể, VACPA thấy rằng, có 5 chuẩn mực phù hợp với các chuẩn mực đã ban hành trước đây và 5 chuẩn mực mới phù hợp với điều kiện của Việt Nam và cũng có 3 chuẩn mực chưa phù hợp. Như vậy trong đợt 2 này sẽ ban hành tiếp 10 chuẩn mực. Sau khi ban hành chuẩn mực đợt 2 sẽ tạo ra hệ thống 47 CMKiT Việt Nam phù hợp với 50 CMKiT quốc tế, sẽ góp phần đồng bộ hóa đầy đủ văn bản hướng dẫn Luật Kiểm toán độc lập năm 2011.
 
Cũng theo ông Mai, trong 10 chuẩn mực đang soạn thảo, có nhiều điểm mới so với 37 chuẩn mực đã ban hành trước đó. Thứ nhất là có Chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp về kế toán, kiểm toán. Sau khi Luật Kiểm toán độc lập được công bố đã có 02 Nghị định, 06 Thông tư hướng dẫn, trong đó có những quy định liên quan đến đạo đức nghề nghiệp khác với chuẩn mực đạo đức hiện hành. Do đó, chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp về kế toán, kiểm toán sẽ được ban hành trong đợt 2 cho phù hợp với các quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, có 1 chuẩn chuẩn mực rất đặc biệt là Chuẩn mực 1000 về kiểm toán báo cáo quyết toán dự án hoàn thành, trong hệ thống CMKiT quốc tế không có chuẩn mực này, nhưng xuất phát từ thực tiễn của Việt Nam, chuẩn mực 1000 đã được ban hành năm 2005, nay thấy không còn phù hợp nên sẽ được ban hành lại. 08 chuẩn mực còn lại đều là các chuẩn mực soát xét cụ thể, như soát xét BCTC bán niên, soát xét Báo cáo thường niên, soát xét Bản cáo bạch hoặc hoặc kiểm tra thông tin tài chính… Đây là những dịch vụ đi kèm với dịch vụ kiểm toán BCTC, qua đó góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng các dịch vụ soát xét và dịch vụ đảm bảo.
 
Ông Bùi Văn Mai cho biết thêm, sau khi ban hành và áp dụng đồng bộ 47 CMKiT này, kết hợp với các biện pháp kiểm tra, xử lý sai phạm thì chất lượng dịch vụ kiểm toán sẽ có bước cải thiện đáng kể, góp phần nâng cao tính minh bạch về thông tin doanh nghiệp và nâng cao chất lượng dịch vụ kiểm toán. Tuy nhiên, ông Mai cũng cho rằng, khi hệ thống văn bản pháp luật đầy dủ, đồng bộ sẽ tạo cơ sở pháp lý thuận tiện hơn trong việc đào tạo, giảng dạy, cung cấp dịch vụ và kiểm tra, kiểm soát chất lượng, xử lý sai phạm. Nhưng điều đó không có nghĩa là hệ thống văn bản pháp luật đầy đủ tự nó sẽ nâng cao chất lượng kiểm toán mà quan trọng nhất là phải làm tốt công tác phổ biến, tập huấn, triển khai áp dụng và đặc biệt là thực hiện  kiểm tra, kiểm soát chất lượng và xử lý sai phạm thì chất lượng dịch vụ mới được nâng cao.

Theo Báo Kiểm toán số 40/2013

Xem thêm »