Vừa qua, Cơ quan Tổng Kiểm soát và Kiểm toán Ấn Độ (CAG) đã lên tiếng chỉ trích những sai phạm trong công tác thi công và vận hành Tổ máy 1 và 2 của Nhà máy Điện hạt nhân Kudankulam nước này. Trước đó, CAG đã tiến hành một cuộc kiểm toán hoạt động nhằm đánh giá công tác quản lý tài chính và hiệu quả thực hiện Dự án của Tổng công ty Điện hạt nhân Ấn Độ (NPCIL).
Nhà máy Điện hạt nhân lớn nhất Ấn Độ Kudankulam tại bang miền Nam Tamil Nadu là nơi đặt 2 lò phản ứng hạt nhân hiện đại VVER-1000 để cung cấp điện cho hơn 20 triệu ngôi nhà ở các khu vực phía Nam Ấn Độ. Dự án Nhà máy Điện hạt nhân này được đưa ra lần đầu tiên vào năm 1988 và đến nay đã có 2 lò phản ứng được lắp đặt, bất chấp các cuộc biểu tình phản đối của người dân địa phương do lo ngại nguy cơ rò rỉ phóng xạ.
Dự án được ký kết theo thỏa thuận giữa Công ty Năng lượng Atomstroyexport - một chi nhánh của Tập đoàn Rosatom Liên bang Nga và NPCIL nhằm góp phần đáng kể đáp ứng nhu cầu điện năng cho sự phát triển nhanh chóng của nền công nghiệp Ấn Độ, vốn đang rơi vào tình trạng thiếu điện trầm trọng. Tổ máy 1 của Nhà máy bắt đầu hoạt động thương mại vào tháng 12/2014, còn Tổ máy 2 đã chính thức đạt 100% công suất, hoạt động vào tháng 01 vừa qua. Việc vận hành thử Tổ máy 2 đã bị trì hoãn bốn lần. Trong đó, lần trì hoãn cuối cùng được NPCIL đưa ra hồi đầu tháng 7/2015.
Qua kiểm toán CAG đã chỉ rõ những thiếu sót trong Dự án xây dựng Tổ máy Kudankulam 1 và 2, đó là: không minh bạch trong các khoản vay; lỗ hổng trong quá trình định giá; trao thêm những quyền lợi không hợp lệ cho đối tác hợp tác ở nước ngoài; không đánh giá được nguồn nhân lực cần thiết; thiếu sót trong công tác giám sát; hoạt động thương mại khi chưa được cho phép.
Những thiếu sót này đã dẫn đến sự “leo thang” đáng kể về chi phí dự án và chậm trễ trong việc vận hành các tổ máy.
Chi phí ước tính ban đầu của hai tổ máy này là 131,7 triệu Rupee (2,1 tỷ USD) vào năm 2001, tăng dần lên 224,6 triệu Rupee (3,53 tỷ USD) vào năm 2014. Thời gian trì hoãn hoạt động thương mại của Tổ máy Kudankulam 1 và 2 lần lượt là 86 và 101 tháng. Bản báo cáo cho biết, sự trì hoãn này là do việc hoàn thành các hoạt động muộn, trong đó có nhiều hoạt động do Công ty Năng lượng Atomstroyexport thực hiện. Tuy nhiên, NPCIL không tiến hành sửa đổi kế hoạch hoàn trả tín dụng của Nga, dẫn đến việc phải hoàn trả trước khi tạo doanh thu, gây thêm gánh nặng lãi vay cho NPCIL, đồng thời NPCIL sử dụng các khoản vay nước ngoài với lãi suất cao hơn.
Để giúp NPCIL tránh lặp lại những sai sót, thực hiện các dự án trong tương lai một cách hiệu quả, CAG đã đưa ra một số kiến nghị. Theo đó, khi tiến hành điều chỉnh lại thời gian đưa vào vận hành, NPCIL cần điều chỉnh phù hợp thời hạn hoàn trả tín dụng cho Nga; các khoản vay ngân hàng cần được sử dụng một cách minh bạch và tuân thủ theo các quy tắc quy định hiện có. NPCIL cần phải xây dựng cơ chế giám sát phản hồi có hiệu quả để theo dõi các vấn đề như: yêu cầu bồi thường bảo hiểm kéo dài. Các hợp đồng thực hiện những yêu cầu công việc cần được NPCIL ký kết với nhà thầu trước khi trao hợp đồng. NPCIL phải chuẩn bị biểu giá cho các công trình như xây dựng nhà máy bơm, đường hầm, nhà máy clo hoá... để dự toán tốt hơn cho việc giao kết hợp đồng. Đối với các hợp đồng cung cấp thiết bị bởi nước thứ ba, NPCIL cần cân nhắc tham gia vào việc đánh giá chung hồ sơ dự thầu nhằm đảm bảo tính hợp lý về giá của các hợp đồng.
Được biết, thêm hai lò phản ứng VVER-1000 là Kudankulam 3 và 4 sẽ tiếp tục được xây dựng tại khu vực này trong giai đoạn 2 của Dự án. Nga và Ấn Độ cũng đã ký một thỏa thuận khung cho phép triển khai giai đoạn 3 của Dự án, bao gồm việc xây dựng các tổ máy Kudankulam 5 và 6 nằm trong nỗ lực xây dựng 12 nhà máy điện hạt nhân tại Ấn Độ của Nga trong hai thập kỷ. Tại cuộc họp hồi tháng 9/2017, Bộ trưởng Liên minh điện và than Ấn Độ Piyush Goyal cho biết: Nội các đã phê duyệt việc xây dựng 10 lò phản ứng điện hạt nhân mới để tạo ra khoảng 7.000 MW điện. Ấn Độ hiện đã sản xuất được khoảng 6.780 MW điện hạt nhân. Các lò phản ứng điện hạt nhân đang được xây dựng dự kiến sẽ tạo ra thêm khoảng 6.700 MW và sẽ được hoàn thành trong giai đoạn 2021-2022.
(Nguồn: Hindustan Times và New Indian Express)
(Báo Kiểm toán số 5/2018)