Mới đây, Cơ quan Tiêu chuẩn thực phẩm của Anh (FSA) đã công bố một Báo cáo kiểm toán làm dấy lên hồi chuông báo động khi phát hiện ra rằng, gần 2/3 số nhà máy chế biến thịt tại Anh, xứ Wales và Bắc Ailen đã vi phạm nghiêm trọng các nguyên tắc về vệ sinh an toàn thực phẩm. Trong vòng 3 năm trở lại đây (2014 - 2017), trung bình cứ 1 tuần lại có 16 vi phạm lớn về vệ sinh an toàn thực phẩm bị phát hiện tại các cơ sở chế biến thịt, đe dọa nghiêm trọng sức khỏe của cộng đồng.
Gần 2/3 nhà máy vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm
Theo kết quả cuộc kiểm toán, gần 2/3 các nhà máy chế biến thịt được kiểm toán (540/890 nhà máy) ở Anh, xứ Wales và Bắc Ailen đều không tuân thủ các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm. Một số nhà máy thậm chí còn tái phạm nhiều lần, điển hình là Công ty TNHH Russell Hume - nhà máy chế biến, cung cấp thịt - đang vướng phải nhiều vụ bê bối về vệ sinh an toàn thực phẩm ở Anh, với 25 vụ vi phạm đã bị phát hiện.
Các nhà máy chế biến thịt thuộc Công ty Russell Hume bị lên án để xảy ra những vi phạm liên quan đến nhiều khâu của quá trình sản xuất, bao gồm: không thực hiện công tác kiểm soát nhiệt độ đạt chuẩn, chưa đảm bảo việc ngăn ngừa tình trạng lây nhiễm bệnh, công tác đảm bảo vệ sinh môi trường yếu kém và việc quản lý các hệ thống an toàn thực phẩm cũng không thực sự được chú trọng.
Báo cáo của FSA nhấn mạnh, nhiều nhà máy không đảm bảo công tác vệ sinh an toàn thực phẩm trong thực phẩm trên các máy móc, thiết bị, dụng cụ chế biến thịt khác khiến nhiều vi khuẩn lây lan nhanh chóng trong quá trình chế biến. Đây là một trong những nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm phổ biến nhất trong những năm qua. Đặc biệt, tình trạng lây chéo rất khó để kiểm soát, ngăn chặn kịp thời.
Trong số những sai sót được phát hiện, có 221 sai phạm là không tuân thủ các quy định về việc duy trì công tác kiểm soát nhiệt độ theo tiêu chuẩn và hơn 300 vi phạm liên quan đến việc không quản lý chặt chẽ nguy cơ lây nhiễm bệnh qua thực phẩm. Ngoài ra, hơn 50 vi phạm lớn khác bị lên án không đảm bảo quá trình quản lý các sản phẩm phụ của động vật và 26 trường hợp không công khai rõ nguồn gốc xuất xứ của thực phẩm. Điều này thực sự đe dọa sức khỏe của toàn cộng đồng.
Những phát hiện trên làm dấy lên hồi chuông cảnh báo về thực trạng mất vệ sinh an toàn thực phẩm tại các nhà máy cũng như đòi hỏi cần cấp bách đưa ra các biện pháp nhằm giải quyết bất cập này.
Tiếp tục kiểm toán đột xuất các nhà máy
Bình luận về thực trạng trên, ông Ron Spellman - Phó Tổng thư ký Hiệp hội Thú y châu Âu, một thanh tra viên ngành thực phẩm với 30 năm kinh nghiệm - cho biết: “Các nhà máy chế biến thịt và các công ty bị chỉ trích trong Báo cáo kiểm toán đã không nhận thức rõ mối nguy hại đối với sức khỏe của cộng đồng khi họ coi nhẹ vấn đề đảm bảo an toàn thực phẩm. Họ dường như muốn đùn đẩy trách nhiệm và chưa thể hiện cam kết mạnh mẽ nhằm sửa chữa những sai phạm”.
Giáo sư Hugh Pennington - một chuyên gia nổi tiếng Anh quốc về vi trùng học, chỉ ra rằng “Tình trạng vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm lan rộng tại các quốc gia trên rõ ràng là một vấn đề nhức nhối của xã hội. Trước đây, nhiều dịch bệnh nghiêm trọng đã xảy ra gây hậu quả khôn lường cũng do vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm bị coi nhẹ, công tác quản lý vấn đề này chưa thực sự hiệu quả”.
Một phát ngôn viên của FSA cho biết, mỗi năm cơ quan này tiến hành hàng nghìn cuộc kiểm toán và kiểm tra đột xuất các nhà máy chế biến thịt nhằm đánh giá xem các tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm có được thực hiện nghiêm chỉnh không. Sai phạm bị phát hiện gây nguy hiểm cho sức khoẻ cộng đồng sẽ bị cưỡng chế, xử lý ngay lập tức bằng các biện pháp mạnh mẽ. Các Kiểm toán viên đưa ra gần 50 tiêu chí khác nhau về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm để đánh giá các nhà máy, công ty, đáng buồn là chỉ 2% các nhà máy chế biến thịt có tỷ lệ vi phạm thấp, khoảng 2 - 3 sai phạm bị phát hiện mỗi nơi. “Chúng tôi sẽ lên kế hoạch kiểm toán đột xuất các nhà máy, công ty thường xuyên hơn nhằm hạn chế tối đa những tiêu cực trên” - phát ngôn viên của FSA nhấn mạnh.
(Theo Theguardian và Thebureauinvestigates)
(Báo Kiểm toán số 10/2018)