Kỳ I: Nghiên cứu, ứng dụng thành công nhiều đề tài, dự án có giá trị
Năm 2012, trên cơ sở nguồn kinh phí NSNN cấp, nguồn kinh phí viện trợ, nguồn thu sự nghiệp… Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao.Trong hoạt động nghiên cứu khoa học đã đạt nhiều thành quả quan trọng, đồng thời Bộ đã làm tốt công tác của một cơ quan tham mưu cho Đảng, Chính phủ về công tác phát triển KH&CN. Đây là những kết quả được ghi nhận trong Báo cáo kiểm toán ngân sách, tiền và tài sản Nhà nước của Bộ KH&CN năm 2012 và công tác quản lý, sử dụng Quỹ Phát triển KH&CN quốc gia giai đoạn 2011- 2012.
Triển khai nghiên cứu thành công nhiều đề tài, dự án
Theo kết quả kiểm toán, năm 2012, kinh phí chi sự nghiệp khoa học đã sử dụng và đề nghị quyết toán của Bộ KH&CN là 819 tỷ đồng (trong đó, NSNN cấp 771 tỷ đồng, từ nguồn phí, lệ phí 28,2 tỷ đồng, nguồn viện trợ 14,1 tỷ đồng, nguồn khác 5,6 tỷ đồng). Với nguồn kinh phí này, trong năm Bộ đã triển khai 407 đề tài trọng điểm cấp Nhà nước (KC, KX), gần 500 đề tài nghiên cứu cơ bản, 177 dự án thuộc Chương trình nông thôn miền núi, 16 Nghị định thư, 68 đề tài, dự án độc lập cấp Nhà nước và một số nhiệm vụ khác. Bên cạnh đó, Bộ KH&CN cũng đã triển khai 109 đề tài cấp Bộ, 72 đề tài cấp cơ sở với số kinh phí đề nghị quyết toán trên 34 tỷ đồng. Kết quả kiểm toán cho thấy, nhìn chung việc sử dụng kinh phí sự nghiệp khoa học đảm bảo đúng nội dung dự toán được duyệt, quy trình xét chọn, tuyển chọn, phê duyệt, nghiệm thu đảm bảo theo quy định.
Theo đánh giá của KTNN, năm 2012 hoạt động nghiên cứu khoa học của Bộ KH&CN đã đạt được những thành quả đáng ghi nhận. Theo đó, Bộ đã hoàn tất các thủ tục để triển khai các dự án nghiên cứu sản xuất đối với 6 nhóm sản phẩm chính thức và 3 nhóm sản phẩm dự bị đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (các nhóm chính thức gồm: Lúa gạo chất lượng cao, năng suất cao; thiết bị cơ khí siêu trường, siêu trọng; sản phẩm an ninh mạng; động cơ cho phương tiện giao thông vận tải; vắc- xin cho người, vật nuôi; sản phẩm quốc phòng - an ninh. Các nhóm dự bị gồm: Nấm ăn và nấm dược liệu; cá da trơn; vi mạch điện tử).
Đặc biệt, trong năm 2012, ngành KH&CN cũng đã thực hiện nghiên cứu và ứng dụng thành công nhiều đề tài, dự án có giá trị thiết thực. Cụ thể, đây là năm đầu tiên các nhà khoa học đã nghiên cứu và sản xuất thành công vắc - xin phòng bệnh cho cá giò, vắc - xin cúm A - H5N1 cho gia cầm. Việc nghiên cứu thành công các loại vắc - xin này không chỉ góp phần tiết kiệm hàng chục triệu USD nhập khẩu vắc - xin mỗi năm mà còn giúp cho Việt Nam có khả năng chủ động được nguồn vắc - xin cung cấp cho nhu cầu trong nước và dần tiến tới thay thế hoàn toàn vắc - xin nhập khẩu.
Trong lĩnh vực công nghiệp, xây dựng và giao thông vận tải, năm 2012, Việt Nam là nước đầu tiên trong ASEAN chế tạo thành công máy biến áp điện lực 3 pha 500KV-3x150MVA với chất lượng tương đương châu Âu, giúp giảm 20 chi phí so với sản phẩm cùng loại nhập khẩu từ Pháp. Việc chế tạo thành công máy biến áp này là bước đột phá quan trọng giúp cho ngành điện trong nước tự chủ được về công nghệ, thiết kế, chế tạo, lắp đặt… đồng thời có cơ hội hướng đến thị trường xuất khẩu. Cùng với đó, bằng việc ứng dụng kết quả dự án KH&CN cấp Nhà nước “Nghiên cứu, thiết kế chi tiết và công nghệ chế tạo, lắp ráp, hạ thủy giàn khoan tự nâng 90 mét nước trong điều kiện Việt Nam” (với kinh phí 53,1 tỷ đồng), lần đầu tiên Việt Nam đã thiết kế, chế tạo, hạ thủy và đưa vào sử dụng thành công giàn khoan tự nâng 90 mét nước, với giá thành giảm từ 10 đến 15 lần so với nhập ngoại. Sản phẩm đã “ghi tên” Việt Nam trở thành một trong số ít nước có thể chế tạo thành công sản phẩm đòi hỏi công nghệ cao này. Đặc biệt, sự thành công của sản phẩm giàn khoan tự nâng 90m nước đã giúp sản phẩm này lọt vào Top 10 sự kiện KHCN nổi bật nhất năm 2011.
Hoàn thiện thể chế cho phát triển KH&CN
Cùng với việc thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, với vai trò là cơ quan quản lý Nhà nước về KH&CN, Bộ KH&CN đã tham mưu cho Đảng, Chính phủ ban hành nhiều văn bản quan trọng nhằm hoàn thiện cơ chế, chính sách về phát triển KH&CN trong tình hình mới. Cụ thể, Bộ đã tham mưu cho Ban chấp hành Trung ương Đảng ban hành Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 01/11/2012 về phát triển KH&CN phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hội nhập quốc tế. Theo đó, trên cơ sở đánh giá những kết quả đạt được, phân tích nguyên nhân, chỉ ra những hạn chế, yếu kém trong hoạt động phát triển KH&CN, Nghị quyết đã xác định định hướng phát triển KH&CN đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Nghị quyết đã khẳng định quan điểm: Phát triển và ứng dụng KH&CN là quốc sách hàng đầu, là một trong những động lực quan trọng nhất để phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc; là một nội dung cần được ưu tiên tập trung đầu tư trước một bước trong hoạt động của các ngành, các cấp.
Trên cơ sở đó, Nghị quyết đã xác định các mục tiêu tổng quát, mục tiêu cụ thể đồng thời đưa ra các nhiệm vụ và giải pháp về phát triển KH&CN, trong đó, tập trung vào các giải pháp như: Đổi mới tư duy, tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước đối với sự nghiệp phát triển KH&CN; Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, đồng bộ cơ chế quản lý, tổ chức, hoạt động KH&CN; Triển khai các định hướng nhiệm vụ KH&CN chủ yếu; Phát huy và tăng cường tiềm lực khoa học và công nghệ quốc gia; Phát triển thị trường KH&CN…
Cũng trong năm 2012, Bộ KH&CN đã tham mưu cho Chính phủ ban hành 2 Nghị định, 7 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về KH&CN; xây dựng và ban hành 31 Thông tư của Bộ KH&CN, 2 Thông tư liên tịch để hướng dẫn điều hành hoạt động KH&CN theo chức năng, nhiệm vụ của Bộ. Đặc biệt, Bộ KH&CN đã xây dựng Dự thảo Luật KH&CN và đã được Quốc hội thông qua, có hiệu lực thi hành từ 01/01/2014. Tại thời điểm kiểm toán, Bộ cũng đang tiếp tục rà soát, bổ sung, hoàn thiện thể chế và đổi mới mạnh mẽ, đồng bộ cơ chế, chính sách phát triển KH&CN.
(Kỳ sau đăng tiếp)
Theo Báo Kiểm toán số 3/2015