Quản tài viên - một nghề mới đối với kiểm toán viên

18/09/2014
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Theo Luật Phá sản có hiệu lực từ ngày 01/01/2015, quản tài viên là cá nhân hành nghề quản lý, thanh lý tài sản của DN, hợp tác xã mất khả năng thanh toán trong quá trình giải quyết phá sản. Kiểm toán viên (KTV) là một trong những đối tượng được cấp chứng chỉ hành nghề quản tài viên. Phóng viên Báo Kiểm toán đã phỏng vấn ông Bùi Văn Mai -Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (VACPA) về nghề quản tài viên - một nghề mới đối với KTV.

Thưa ông, Luật Phá sản có hiệu lực từ ngày 01/01/2015 quy định đối tượng được cấp chứng chỉ hành nghề quản tài viên là luật sư, KTV… Theo ông, điều này mở ra cơ hội như thế nào đối với các KTV và công ty kiểm toán?

- Quản tài viên - nghề làm công việc quản lý, thanh lý tài sản của DN đang làm thủ tục phá sản, là nghề đã phát triển ở các nước trên thế giới, nhưng ở nước ta thì Luật Phá sản 2014 là văn bản đầu tiên luật hóa nghề này.

Quản tài viên mở ra cơ hội mới giúp KTV và DN kiểm toán mở rộng thị trường dịch vụ. Hiện tại có thể chưa nhiều, nhưng 5-7 năm nữa, chắc chắn sẽ gia tăng cho các DN kiểm toán khoảng 20 doanh thu. Ngoài ra nghề mới đòi hỏi KTV phải tích lũy thêm kiến thức và kinh nghiệm sẽ giúp nâng cao hơn năng lực đội ngũ KTV Việt Nam.

Theo tôi sẽ không có sự chuyển dịch nghề nghiệp sang quản tài viên, hoặc nếu có sẽ không đáng kể. Việc này phụ thuộc vào tình hình thực tế của nền kinh tế có nhiều DN phá sản hay không và tùy thuộc vào tính hữu hiệu của Luật Phá sản mà nhu cầu về quản tài viên nhiều hay ít. Tuy nhiên dù thế nào thì tình trạng phá sản DN cũng không là “vô hạn” như nghề kiểm toán. Do đó sẽ rất ít người hành nghề quản tài viên chuyên trách (tức là chỉ làm nghề quản tài viên). Tốt nhất là vừa làm nghề kiểm toán, vừa làm quản tài viên hoặc vừa làm luật sư vừa làm quản tài viên. Như vậy sẽ có công việc thường xuyên và hỗ trợ lẫn nhau. Và thực tế không phải bất kỳ KTV nào đều có thể hành nghề quản tài viên mà phải đáp ứng các yêu cầu, quy định và phải có uy tín, được tòa án tin tưởng bổ nhiệm làm quản tài viên cho từng vụ án xử lý tài sản phá sản.

Theo ông, KTV có thế mạnh gì khi tham gia hành nghề quản tài viên?

- Công việc quản lý, thanh lý tài sản cần rất nhiều kiến thức và kinh nghiệm về luật kinh tế, tài chính, kế toán, định giá, thuế… những kiến thức mà KTV đã được đào tạo từ trường đại học, qua kỳ thi quốc gia để lấy chứng chỉ KTV và đặc biệt được tích lũy trong quá trình hành nghề kiểm toán. Luật Phá sản cũng quy định quản tài viên trong quá trình hành nghề cũng phải độc lập, khách quan, tuân thủ đạo đức nghề nghiệp và phải mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp … Những yêu cầu này cũng trùng hợp với yêu cầu đối với KTV nên KTV đặc biệt có thế mạnh khi được bổ nhiệm làm quản tài viên.

Đối với vấn đề còn chưa rõ ràng trong Luật Phá sản như quản tài viên hành nghề với tư cách cá nhân nhưng các KTV ở Việt Nam phải hành nghề theo công ty kiểm toán; quản tài viên chịu trách nhiệm vô hạn trong dịch vụ cung cấp nhưng KTV thường hành nghề trong công ty kiểm toán trách nhiệm hữu hạn; quản tài viên phải mua bảo hiểm nghề nghiệp nhưng ở Việt Nam, bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp chỉ mới được mua dưới danh nghĩa công ty kiểm toán v.v… Ông có thể cho biết VACPA đã có hướng  xử lý như thế nào?

- Do có sự khác biệt giữa Luật Phá sản với Luật Kiểm toán độc lập nên sẽ còn một số vấn đề cần được quy định chi tiết trong Nghị định hướng dẫn Luật Phá sản do Bộ Tư pháp dự thảo và trình Chính phủ ban hành. Ví dụ khi được tòa án bổ nhiệm một KTV – người có chứng chỉ hành nghề quản tài viên của một công ty kiểm toán thì công ty kiểm toán có thể cử người đó thực hiện với tư cách là quản tài viên. Quản tài viên được hành nghề cá nhân nên sẽ phù hợp với Luật Phá sản và không trái với Luật Kiểm toán độc lập vì người này không hành nghề với tư cách là kiểm toán viên.

Về bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp, trong trường hợp công ty kiểm toán có các KTV đồng thời là quản tài viên thì khi mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp phải ghi rõ là bao gồm cả bảo hiểm trách nhiệm cho quản tài viên. Mức phí bảo hiểm phải đủ và phù hợp với quy định của Luật Phá sản.

Để hỗ trợ KTV trở thành quản tài viên và cũng là hỗ trợ hội viên của VACPA, VACPA sẽ nỗ lực tham gia xây dựng cơ chế chính sách cụ thể như Nghị định, Thông tư hướng dẫn Luật Phá sản; hỗ trợ Bộ Tư pháp tuyên truyền cho hội viên của VACPA sớm trở thành quản tài viên cũng như tư vấn chuyên môn cho hội viên trong quá trình hành nghề…

Mọi việc làm của VACPA đều không ngoài mục đích góp phần gia tăng giá trị hội viên, góp phần công khai, minh bạch nền tài chính Việt Nam.

Xin cảm ơn ông!

Theo Báo Kiểm toán số 37/2014

Xem thêm »