Nam Phi: Phần lớn các thành phố nhận kết quả kiểm toán yếu kém  

02/08/2019
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

  Báo cáo kiểm toán các thành phố, đô thị của Nam Phi, đặc biệt là những sai phạm trong năm tài chính 2017-2018 mới được Tổng Kiểm toán Kimi Makwetu công bố đang là tâm điểm của dư luận nước này trong suốt những ngày qua.

Chi bất thường tại các địa phương vẫn ở mức cao

Văn phòng Tổng Kiểm toán đã tiến hành kiểm tra Báo cáo tài chính năm 2017-2018 của 257 hội đồng thành phố và 21 đơn vị trực thuộc thành phố trên cả nước. Kết quả kiểm toán cho thấy, có tới 92% các thành phố phải nhận kết quả kiểm toán yếu kém; 63 địa phương có kết quả kiểm toán xấu hơn các năm trước; 22 thành phố, đô thị có kết quả được cải thiện; chỉ 18 chính quyền tuân thủ các quy định của luật pháp, biên soạn báo cáo tài chính đạt chất lượng và nhận được kết quả kiểm toán “sạch”, một số địa phương thậm chí chưa hoàn thành các báo cáo tài chính theo yêu cầu của Văn phòng Tổng Kiểm toán. 
Trong khi đó, ở năm tài chính liền trước đó, có 33 chính quyền thành phố đã nhận được kết quả kiểm toán “sạch”. Đây là một sự giảm sút đáng báo động đối với tất cả các địa phương trên cả nước.

Theo ông Makwetu, chi tiêu bất thường tại các địa phương vẫn cao, dù con số đã giảm từ mức cao kỷ lục trong năm trước là 29,7 tỷ Rand Nam Phi (ZAR), xuống 25,2 tỷ ZAR. Tuy nhiên, Tổng Kiểm toán cho rằng, con số trên có thể còn cao hơn bởi 46% chính quyền các thành phố vẫn chưa tiết lộ thông tin đầy đủ về các khoản chi tiêu bất thường, thậm chí, một số địa phương còn thông báo rằng, họ không thể thống kê toàn bộ mức chi bất thường trong báo cáo tài chính của mình.

Trong số 25,2 tỷ ZAR nói trên, có tới 17,3 tỷ ZAR (81%) liên quan đến các khoản chi phí bất thường trong năm tài chính 2017-2018 của các thành phố, đô thị. Con số này chiếm tới 5% ngân sách chi tiêu của các chính quyền địa phương.

6,4 tỷ ZAR trong chi phí không thường xuyên là các khoản thanh toán cho nhiều hợp đồng bất thường trong những năm trước. Tổng Kiểm toán cảnh báo, nếu các hợp đồng mờ ám không được điều tra đến nơi đến chốn, các hành vi coi thường pháp luật bị bỏ qua, các khoản thanh toán cho những hợp đồng dài hạn này sẽ tiếp tục là gánh nặng cho ngân sách quốc gia.

Một thực trạng đáng báo động tại Nam Phi được Tổng Kiểm toán Makwetu cho biết là báo cáo kiểm toán những năm sau lại chỉ ra nhiều kết quả tồi tệ hơn những năm trước. Điều này cho thấy, lãnh đạo các chính quyền địa phương đã chậm trễ trong việc triển khai, thậm chí, cố tình phớt lờ mọi khuyến nghị trong các báo cáo mà Văn phòng Tổng Kiểm toán đã công bố những năm trước đây. Cụ thể, trách nhiệm giải trình về công tác quản lý tài chính và hiệu quả hoạt động của chính quyền các địa phương không hề được chú trọng. Tại nhiều thành phố lớn, nhỏ, vô số dự án xây dựng cơ sở hạ tầng chưa được hoàn thành, nhiều dự án bị bỏ hoang, không được giám sát, quản lý... gây lãng phí lớn cho ngân sách công. Có tới 65% báo cáo tài chính của các địa phương trình bày rất sơ sài, để xảy ra nhiều sai sót lớn, các thông tin không đủ tin cậy và không thể sử dụng được. Chỉ 19% các thành phố cung cấp các báo cáo tài chính không có sai sót trọng yếu”.
 
Đánh giá cao những địa phương có kết quả kiểm toán “sạch”

Bên cạnh việc lên án những tiêu cực tại nhiều địa phương, Tổng Kiểm toán cũng ca ngợi một số thành phố trên cả nước đã liên tục đạt được kết quả kiểm toán tích cực trong điều kiện còn nhiều khó khăn, thách thức.

Điển hình là Midvaal (thuộc quận Sedibeng, tỉnh Gauteng) đã đạt được những kết quả kiểm toán tích cực trong suốt 5 năm qua mặc dù địa phương vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như: tranh chấp đất đai, dân chúng biểu tình, một số khu định cư còn bất ổn.

Một số tỉnh của Nam Phi có các thành phố, đô thị nhận được kết quả kiểm toán sạch trong nhiều năm liền, điển hình là Western Cape.

Tổng Kiểm toán cho rằng, chính quyền các thành phố, đô thị này đã rất chú trọng đến vai trò lãnh đạo, luôn cam kết hành động vì một môi trường minh bạch và sử dụng ngân sách công một cách hiệu quả, tiết kiệm nhất. Đặc biệt, chính quyền thường xuyên giám sát các kế hoạch hành động của địa phương để giải quyết kịp thời những vướng mắc, rủi ro, đồng thời, chủ động tìm hiểu, tiếp cận để đối phó kịp thời với các vấn đề khó khăn mới nổi. Đó là một trong những yếu tố then chốt, quyết định, giúp các địa phương này đạt được các kết quả kiểm toán tích cực nhiều năm qua.

(Theo Businesstech.co.za và Iol.co.za)
(Báo Kiểm toán số 31/2019)

Xem thêm »