Ngày 08/8, KTNN Philippines (COA) đã công bố Báo cáo kiểm toán thường niên năm 2018 tại Bộ Giáo dục Philippines, trong đó chỉ ra hàng loạt sai phạm liên quan đến việc thực hiện các thỏa thuận xây dựng giáo trình và phân bổ sách giáo khoa với giá trị vi phạm lên tới hơn 360 triệu Peso (khoảng 7 triệu USD).
Tự siết sự tham gia của Bộ trong xuất bản, phân phối sách
Theo COA, Bộ Giáo dục nước này đã chi dùng hơn 250 triệu Peso cho các thỏa thuận để sản xuất, xây dựng giáo trình. Song các giáo trình được xây dựng “không tương ứng với chỉ dẫn về chương trình học”. Với cách thức xây dựng đó, người học sẽ phải tiếp cận quá nhiều với các nguồn tài liệu bổ sung như: sách tại các cơ sở dạy thêm tư thục và internet.
Các kiểm toán viên đã chỉ ra rằng, những thỏa thuận xây dựng giáo trình này đã sai phạm ngay từ khi đặt bút ký. Theo Luật Cộng hòa số 8047 và Luật Phát triển ngành xuất bản sách của Philippines, các nhà xuất bản tư nhân sẽ tham gia sản xuất, phát triển giáo trình. Trong Báo cáo, COA đã trích dẫn Mục 11 của Luật số 8047 quy định sự tham gia của các nhà xuất bản tư nhân trong xây dựng giáo trình tại các trường công lập: “Các nhà xuất bản sẽ tiến hành xây dựng và đệ trình lên Bộ Giáo dục các bản thảo hoặc sách dự kiến được sử dụng trong các trường công lập để Bộ thử nghiệm, đánh giá, lựa chọn và thông qua”.
Tuy nhiên, thay vì cho phép các nhà xuất bản tư nhân thực hiện sản xuất và cung cấp sách giáo khoa theo yêu cầu của các trường công lập trên cả nước, Bộ Giáo dục Philippines lại lôi kéo sự tham gia của các nhà biên soạn sách được thẩm duyệt bởi Cơ quan Phát triển chương trình học (BCD). “Rõ ràng, điều này là mâu thuẫn với Mục 11, Luật số 8047 của Philippines, trong đó hạn chế sự tham gia của Bộ trong quá trình xuất bản và phân phối sách giáo khoa” - COA cho biết.
Để tồn kho sách giáo khoa trị giá hàng trăm triệu Peso
Ngoài ra, các kiểm toán viên cũng chỉ trích Bộ Giáo dục để tồn kho, không phân phối đến các trường một số lượng lớn sách giáo khoa với giá trị hơn 113 triệu Peso. COA ghi nhận sai phạm này là “đáng báo động”, đồng thời cho biết 3,4 triệu đầu sách giáo khoa dự kiến được phân phát tại các trường công lập trên toàn quốc đã không được đưa vào sử dụng. Số lượng sách tồn này được tính từ năm 2014, chủ yếu để cung cấp cho các trường mới thành lập hoặc thay thế sách cũ. Dựa trên số liệu kiểm tra của COA, chỉ có 15,8% sách dự trữ được lấy ra sử dụng và cung cấp cho các trường học tại các khu vực chịu ảnh hưởng của lũ quét.
COA cho rằng, đây là một trong những hạn chế cố hữu tại Bộ Giáo dục Philippines do các kiểm toán viên trước đó đã liên tục khuyến nghị và kêu gọi Bộ giải quyết triệt để vấn đề tồn kho gây hư hỏng các đầu sách.
Ngoài các vấn đề trên, COA cũng “vẫy cờ” một số văn phòng khu vực của Bộ Giáo dục bao gồm Sở Giáo dục các bang: Cagayan Valley, Western Visayas, Northern Mindanao, Caraga do lãng phí trong việc tổ chức nhiều hoạt động đào tạo và các cuộc họp, hội thảo, hội nghị được cho là không cần thiết.
Phản hồi trước những phát hiện kiểm toán, lãnh đạo Bộ cho biết: “Chúng tôi cam kết sẽ tiến hành rà soát lại các chỉ dẫn của Chính phủ về việc ký thỏa thuận đấu thầu mua sắm các học liệu và sẽ đánh giá các biện pháp kiểm soát tài liệu lưu kho”. Lãnh đạo Bộ cam kết sẽ giải quyết các vấn đề được COA chỉ ra và tiếp tục cải thiện các quy trình, hệ thống quản lý của Bộ để tránh xảy ra các sai phạm tương tự tại Cơ quan này.
Ngay sau khi COA công bố kết quả kiểm toán, Hạ viện Philippines cho biết sẽ vào cuộc để điều tra làm rõ các sai phạm. Trước đó, Chủ tịch Ủy ban Hạ viện về Giáo dục cơ bản Sherwin Gatchalian và Liên minh các nhà giáo (ACT) đã lên tiếng kêu gọi cuộc điều tra này. Chủ tịch ACT Joselyn Martinez cho rằng, cần giải quyết hiệu quả vấn đề dai dẳng này tại Bộ Giáo dục và nhận định: “Những sai phạm này đã nhiều lần thu hút sự quan tâm của dư luận song chưa bao giờ được giải quyết triệt để. Giờ là lúc cần phải có một ai đó đứng ra chịu trách nhiệm giải trình”.
(Theo Brooklyneagle và tổng hợp)
(Báo Kiểm toán số 33/2019)