Cơ quan Nghiên cứu - Khuyến nông quốc gia (NAERLS) và Viện Nghiên cứu dầu cọ Nigeria (NIOPR) đã lạm chi 350 triệu Nigeria Naira (NGN), tương đương gần 1 triệu USD. Đáng chú ý, đây chỉ là một trong những vi phạm tại các cơ quan này được Văn phòng Kiểm toán quốc gia Nigeria phát hiện và công bố mới đây.
Ngày 31/12/2019, Tổng Kiểm toán Liên bang Nigeria Anthony Ayine đã công bố Báo cáo kiểm toán tổng kết năm tài chính kết thúc vào tháng 12/2017. Trong Báo cáo, NAERLS và NIOPR bị chỉ trích đã không hoàn thành các mục tiêu đề ra trong năm 2017. Báo cáo còn chỉ ra nhiều sai phạm trong năm tài chính được xem xét và đặc biệt nhấn mạnh 2 cơ quan này đã không thể giải trình được mục đích sử dụng của các khoản thanh toán trị giá gần 1 triệu USD.
Nhiều khoản chi thiếu minh bạch tại NAERLS
Ông Anthony Ayine cho biết, trong năm tài chính được xem xét, NAERLS đã lạm chi 94 triệu NGN. Mục đích chi tiêu số tiền này đã không được báo cáo cụ thể, minh bạch.
Báo cáo kiểm toán trích dẫn trường hợp vào tháng 3/2017, NAERLS đã trả 33,4 triệu NGN cho một nhà thầu được cho là có mối quan hệ thân thiết với các lãnh đạo của Cơ quan. Tuy nhiên, NAERLS đã không báo cáo chi tiết nội dung của khoản thanh toán này. Qua kiểm tra thực tế, Văn phòng Kiểm toán kết luận rằng, nhà thầu nhận số tiền trên không cung cấp bất kì sản phẩm, dịch vụ nào cho NAERLS.
Ban Lãnh đạo của NAERLS cũng bị chỉ trích vì đã phê duyệt các khoản tiền ứng cho nhân viên cao hơn nhiều so với quy định. Trong năm 2017, nhân viên Cơ quan đã được ứng tổng số 60,4 triệu NGN tiền mặt với nội dung mua trang thiết bị, tuy nhiên, số vật tư được mua về cho Cơ quan chỉ trị giá 200.000 NGN.
Trong khi đó, quy chế tài chính dành cho các cơ quan nhà nước đã nêu rõ, tất cả các giao dịch mua sắm sản phẩm, dịch vụ có giá trị từ 200.000 NGN trở lên chỉ được thanh toán sau khi ký kết các hợp đồng hợp tác và thực hiện nghiệm thu, thanh lý dịch vụ, có hóa đơn, chứng từ hợp lệ đi kèm.
Việc vi phạm các quy định tài chính của Giám đốc NAERLS còn dẫn đến hậu quả là ngân sách của Cơ quan bị mất 6 triệu NGN do phải khấu trừ tiền thuế.
Giám đốc NAERLS đã không thể đưa ra những bằng chứng thỏa đáng để xác minh các giao dịch tại Cơ quan là hợp pháp. Ông được yêu cầu khẩn trương thu hồi và trả lại cho NSNN số tiền 33,4 triệu NGN, bằng chứng thu hồi tiền phải được chuyển tới Văn phòng Kiểm toán để tiến hành xác thực.
Lãnh đạo NIOPR quản lý tài chính lỏng lẻo
Tại NIOPR, Văn phòng Tổng Kiểm toán xác định Cơ quan này đã lạm chi tới hơn 256 triệu NGN chỉ trong 1 năm. Trong đó, 210,9 triệu NGN (tổng trị giá của 423 giao dịch thanh toán) đã được thực hiện khi không có các chứng từ thanh toán và hóa đơn đi kèm. Các kiểm toán viên cho biết, Viện cũng không thể trình ra các hợp đồng để chứng minh các khoản thanh toán trên là hợp pháp. Rõ ràng, công tác kiểm tra nội bộ của Cơ quan quá lỏng lẻo, tắc trách khiến các giao dịch này dễ dàng được thực hiện dù không tuân thủ đúng các quy trình đã được đề ra.
Các kiểm toán viên phát hiện, 30 triệu NGN khác được báo cáo là doanh thu của NIOPR trong năm 2017 không có chứng từ thanh toán hợp lệ. Điều này tiềm ẩn nguy cơ các cán bộ của NIOPR đã lấy danh nghĩa của Viện tự ý thu một số khoản trái phép.
Viện cũng báo cáo đã chi một số khoản thanh toán cho các khóa đào tạo, nâng cao năng lực, bồi dưỡng kiến thức cho nhân viên, tuy nhiên, lại không trình được thời gian, địa điểm của các khóa học, cũng như danh sách những người tham gia lớp đào tạo.
Nhân viên NIOPR đã được ứng trước tới 15,6 triệu NGN tiền mặt trong năm 2017. Sau đó, việc sử dụng, thanh, quyết toán số tiền trên đã không được báo cáo chi tiết, công khai khiến số tiền trên vẫn chưa được xác định.
Tổng Kiểm toán nhấn mạnh, tình trạng lạm chi ngân sách tại 2 cơ quan trên trong năm 2017 rất đáng bị lên án. Việc 2 cơ quan này không thể giải trình mục đích của các khoản chi tiêu đồng nghĩa với việc ngân sách công đã bị đánh cắp. Từ khi những phát hiện kiểm toán trên được công bố đến nay, các lãnh đạo của 2 cơ quan này vẫn chưa báo cáo về việc đã thực hiện các biện pháp mạnh mẽ, hiệu quả để giải quyết các vấn đề kiểm toán được nêu ra.
(Theo Allafrica và Premiumtimesng)
(Báo Kiểm toán số 3/2020)