Canada: Nhiều thiếu sót trong Chương trình giảm nhẹ tác động thiên tai

07/02/2020
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Báo cáo kiểm toán do KTNN Canada (OAG) công bố hồi cuối tháng 01/2020 đã chỉ trích sự thiếu hiệu quả trong việc thực hiện các dự án thuộc Chương trình giảm nhẹ tác động thiên tai của Chính phủ Liên bang.  

Theo Báo cáo, trong giai đoạn từ năm 2008-2018, Canada có khoảng hơn 100 trong số 170 thảm họa lớn là lũ lụt, gây thiệt hại hàng tỷ USD. Trước tình hình biến đổi khí hậu toàn cầu như hiện nay, chi phí để khắc phục thiệt hại do lũ lụt gây ra có xu hướng ngày càng gia tăng.

Chương trình giảm nhẹ tác động thiên tai của Chính phủ Liên bang được khởi động từ năm 2015, theo đó, hỗ trợ tài chính cho khoảng 360 dự án tại 117 đô thị, chủ yếu dành để cải thiện kết cấu hạ tầng và lập bản đồ quy hoạch vùng lũ nhằm giảm nhẹ những ảnh hưởng của tình trạng nước biển dâng. Chính phủ Liên bang đã phân bổ 184 triệu USD cho Chương trình này, trong đó mới có 95 triệu USD được chi dùng cho các dự án, số còn lại 89 triệu USD vẫn chưa được giải ngân.

Báo cáo của OAG nhận định, những hạn chế trong thủ tục hành chính như quy trình rườm rà, phức tạp, sự luân chuyển nhân sự liên tục là rào cản dẫn đến việc chậm giải ngân, từ đó dẫn đến những trì hoãn trong thực hiện các dự án của Chương trình. Bên cạnh đó, Báo cáo cũng cho biết, tính hiệu quả của Chương trình trong việc giải quyết các rủi ro, mối nguy hại do thiên tai gây ra tại các tỉnh thành và vùng lãnh thổ bị tác động ở Canada không được như kỳ vọng. 

Phản hồi trước những thông tin của bản Báo cáo, các cán bộ quản lý của Chương trình cho biết sẽ tiếp thu những khuyến nghị của OAG một cách tích cực và cam kết sẽ thực hiện những thay đổi trong thời gian sớm nhất có thể.

OAG cho rằng, một phần thách thức với Chính phủ Canada là thiếu bản đồ lũ lụt đồng bộ, đầy đủ, các bản đồ dự báo những khu vực có nguy cơ cao trong trường hợp có lũ lụt, công tác lập bản đồ thường lỗi thời hoặc không phản ánh được mối đe dọa của hệ thống cống rãnh bị ngập.

Năm năm trước, Canada là một trong số những quốc gia G7 không chi trả bảo hiểm lũ lụt và người dân phải chịu nhiều khoản chi phí lớn sau những trận mưa to ở nhiều vùng trên toàn quốc. Cho đến năm 2015, Hội đồng Bảo hiểm Canada thuộc Chính phủ Liên bang đã chính thức cho ra mắt và triển khai sản phẩm bảo hiểm lũ lụt sau khi xảy ra trận lụt nghiêm trọng ở Toronto và Alberta.

Theo ông Craig Stewart - Phó Chủ tịch phụ trách các vấn đề liên bang của Hội đồng Bảo hiểm Canada, sở dĩ bảo hiểm lũ lụt ra đời muộn là do Canada không có các bản đồ rủi ro ngập lụt cho toàn quốc và ngành bảo hiểm cần có khả năng định lượng rủi ro để họ có thể thẩm định cũng như tính phí bảo hiểm.

Chương trình giảm nhẹ tác động thiên tai của Chính phủ Canada được xây dựng cũng nhằm một phần để thực hiện các cuộc đánh giá cần thiết và lập bản đồ quy hoạch rủi ro, từ đó, ngành bảo hiểm có thể sử dụng các bản đồ quy hoạch được cập nhật nhất. 

Theo ông Craig Stewart, hiện nay, ước tính chỉ có từ 10 - 15% người dân Canada có loại bảo hiểm lũ lụt này và mức độ mua bảo hiểm mới này còn thấp là do phần lớn người Canada chỉ trao đổi với chuyên viên môi giới bảo hiểm của họ khi tới thời gian gia hạn hợp đồng nên không có hiểu biết về loại bảo hiểm mới. Ngoài ra, nhiều người dân Canada vẫn nghĩ rằng hỏa hoạn là rủi ro lớn nhất đối với nhà cửa của họ, trong khi thực tế thiệt hại do ngập lụt phổ biến hơn.

Trận lụt gần đây nhất xảy ra vào giữa năm 2019 đã khiến hơn 1.000 ngôi nhà trên khắp tỉnh Quebec bị nhấn chìm trong nước lũ. Chính phủ Canada đã phải huy động hơn 600 binh sĩ để cùng các tình nguyện viên hỗ trợ ứng phó với tình huống khẩn cấp, giúp hơn 1.500 người dân ở các khu vực bị ảnh hưởng sơ tán kịp thời.

Giữa tháng 01/2020, khu vực Toronto Greater rộng lớn của Canada cũng được cảnh báo đối mặt với lũ lụt nghiêm trọng đổ bộ vào, có thể gây ra các hiện tượng thời tiết cực kỳ nguy hiểm. Cảnh sát Toronto đã thông báo đóng cửa một số tuyến đường, hơn 1.000 chuyến bay đã phải hủy do bão to và gió lớn. OAG cho rằng, Chính phủ Liên bang đã không chuẩn bị kỹ lưỡng để đối phó và thích ứng, đồng thời khuyến nghị Chính phủ cần nhanh chóng đưa ra các giải pháp chống lại các tác động do hậu quả của lũ lụt.

(Theo Global News và National Roots)
(Báo Kiểm toán số 6/2020)

Xem thêm »