Trải qua nhiều giai đoạn phát triển, đã có những khái niệm khác nhau về kiểm toán nội bộ (KTNB). Mỗi quan niệm phản ánh một giai đoạn, theo đó là một mức độ phát triển tương ứng của lĩnh vực này. Tuy nhiên, đến nay chỉ có hai định nghĩa KTNB chính thức được qui định trong “Các chuẩn mực nghề nghiệp KTNB” và “Tuyên bố về trách nhiệm của kiểm toán viên nội bộ” do Viện Kiểm toán viên nội bộ quốc tế (IIA) ban hành, lần đầu vào năm 1978, và lần sau - gần đây nhất vào năm 1999.
Theo “Các chuẩn mực nghề nghiệp” do IIA ban hành tháng 5/1978 thì: “KTNB là một chức năng xác minh độc lập được thiết lập bên trong một tổ chức để xem xét, đánh giá các hoạt động với tư cách là một sự hỗ trợ đối với tổ chức. Mục tiêu của KTNB nhằm trợ giúp cho các thành viên của tổ chức thực hiện được trách nhiệm của mình một cách hiệu quả. Cuối cùng, KTNB trang bị cho họ cách thức phân tích, đánh giá, các đề xuất, các khuyến nghị và thông tin liên quan tới hoạt động xem xét lại. Mục tiêu KTNB còn đưa ra khung kiểm soát hiệu quả ở mức chi phí hợp lý ”.
Điều khẳng định trước tiên là công việc KTNB do chính tổ chức và nhân viên của mình tiến hành. Đây là sự phân định rõ ràng giữa KTNB với hoạt động kiểm toán do các kiểm toán viên bên ngoài (nhà nước, độc lập) thực hiện. Chính vì thế, nội dung, hình thức, mô hình tổ chức KTNB có những điểm khác biệt với hai loại hình kiểm toán còn lại. Tuân thủ yêu cầu của hoạt động kiểm toán, tính độc lập vẫn được đặt lên hàng đầu đối với KTNB. Kiểm toán viên nội bộ (KTVNB) độc lập khi họ có thể thực hiện công việc của mình một cách tự do và khách quan. Tuy nhiên, do họ là thành viên của tổ chức nên việc thoả mãn điều kiện này tỏ ra khó khăn hơn so với kiểm toán nhà nước và kiểm toán độc lập. Vì thế, sự độc lập ở đây chỉ mang tính tương đối. Mặc dù vậy, trong mọi trường hợp, phạm vi, tiến độ và hiệu quả của công việc KTNB phải không bị hạn chế bởi bất cứ ràng buộc nào. Những yêu cầu này là cơ sở để KTVNB có được những quan điểm khách quan, không thành kiến và hoạt động KTNB mới có thể đạt kết quả mong muốn. KTVNB phải có địa vị tương xứng và độc lập cần thiết. KTVNB tiến hành xem xét, phát hiện mọi sự việc có liên quan đến tổ chức; trên cơ sở các điều tra, nghiên cứu ban đầu, bằng kỹ năng nghề nghiệp của mình họ nhận định, đánh giá về các hoạt động của tổ chức, từ đó đưa ra những ý kiến nhận xét, đánh giá và tư vấn cho các hoạt động tiếp theo. Kết quả KTNB là sự hỗ trợ rất lớn đối với các thành viên của tổ chức như: Hội đồng quản trị, Ban giám đốc, các cổ đông, toàn thể nhân viên... Chính vì vậy, phạm vi quyền hạn của công việc này được xác nhận là rất rộng, nó tác động tới tất cả các hoạt động của tổ chức đó. Cũng bởi thế KTNB được khẳng định là bộ phận được thiết lập trong tổ chức.
Có thể thấy rằng: Để đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế - xã hội, sau gần 40 năm phát triển (1941-1978), KTNB đã có một định nghĩa bao hàm khá toàn diện về nhiệm vụ, chức năng của chuyên ngành. Với chức năng rõ ràng và nổi bật là hỗ trợ tổ chức trong việc đạt tới các mục tiêu, KTNB đã thực sự khẳng định vai trò, vị trí của mình và phản ánh đúng bản chất của KTNB vào thời điểm này.
Tuy nhiên, bối cảnh kinh tế thế giới của những năm sau đó với nhiều vụ phá sản và sụp đổ của hàng loạt tập đoàn kinh doanh lớn đã đặt ra những quan điểm mới về các hoạt động và mục tiêu cụ thể của KTNB:
Thứ nhất, mục tiêu cụ thể đầu tiên của KTNB nhằm trợ giúp các thành viên của tổ chức thực hiện được trách nhiệm của mình một cách hiệu quả. Điều này không hoàn toàn đồng nghĩa với mục tiêu chung là hỗ trợ cho cả tổ chức bởi chưa xét đến sự phối hợp giữa các thành viên, các bộ phận. Do vậy, cần phải có cách tiếp cận ngược lại là: Xuất phát từ mục tiêu cuối cùng nhằm hỗ trợ tổ chức mà điều chỉnh các mục tiêu cụ thể cho phù hợp.
Mục tiêu thứ hai của KTNB là đưa ra khung kiểm soát hiệu quả ở mức chi phí hợp lý. Xét về hiệu quả kinh tế của các hoạt động riêng biệt thì điều này là hoàn toàn hợp lý, song đứng trên quan điểm toàn diện thì mục tiêu này lại tỏ ra chưa đầy đủ và bao quát. Trên thực tế, những vụ phá sản rất nhanh của các tập đoàn mà trước đó không lâu chưa có những biểu hiện về kinh doanh kém hiệu quả đã đặt ra một thách thức mới đối với các đơn vị: ứng phó với các rủi ro. Nền kinh tế càng phát triển, khoa học công nghệ càng hiện đại... thì môi trường kinh doanh càng phức tạp với rủi ro nhiều hơn, tinh vi hơn. Điều này có nghĩa là đơn vị phải ưu tiên chú trọng đến việc quản lý rủi ro trước khi xem xét tới tính hiệu quả thuần túy của hệ thống kiểm soát, bởi lẽ rủi ro lớn nếu xảy ra sẽ xoá sổ một tổ chức sớm hơn sự thất bại do một số hoạt động chưa hiệu quả mang lại.
Thứ ba, phong cách quản lý càng hiện đại đòi hỏi “đường biên” giữa các công cụ quản lý càng phải rõ ràng. Vì vậy, hoạt động KTNB cũng cần được cụ thể hoá hơn, với trật tự ưu tiên các hoạt động kiểm toán được xác định rõ hơn.
Tình hình này buộc các chuyên gia KTNB, mà đứng đầu là IIA phải tìm tòi, nghiên cứu, đúc rút cả về lý thuyết và thực tiễn để đưa ra cách tiếp cận mới về KTNB. Tháng 6/1999, IIA đã đưa ra định nghĩa mới về KTNB: “KTNB là hoạt động đảm bảo và tư vấn độc lập, khách quan được thiết lập nhằm tăng thêm giá trị và cải tiến hoạt động của một tổ chức. KTNB hỗ trợ tổ chức đạt được những mục tiêu thông qua sự tiếp cận một cách có nguyên tắc, có hệ thống nhằm đánh giá và cải tiến hiệu quả của qui trình quản lý rủi ro, kiểm soát và quản trị doanh nghiệp”.
Các thuật ngữ chủ chốt trong định nghĩa mới này được hiểu như sau:
- Sự đảm bảo: Là việc kiểm tra khách quan các bằng chứng nhằm mục đích đưa ra một sự đánh giá độc lập về quản lý rủi ro, môi trường kiểm soát, qui trình quản trị trong các tổ chức. Dịch vụ bảo đảm thông thường được báo cáo cho cả Hội đồng quản trị và Ban Giám đốc đơn vị.
- Hoạt động tư vấn: Nhằm đưa ra các khuyến nghị và các dịch vụ kiểm toán. Phạm vi và nội dung công việc được thống nhất trước với đối tượng được kiểm toán nhằm mục đích làm tăng thêm giá trị và hiệu quả hoạt động của tổ chức. Đặc điểm của các dịch vụ tư vấn là kiểm toán viên chỉ báo cáo trực tiếp cho Ban Giám đốc đơn vị.
- Tăng thêm giá trị: Đề cập đến cách thức tìm hiểu và đánh giá rủi ro thông qua việc thu thập, đánh giá các bằng chứng. Các KTVNB có thể có được cái nhìn thấu đáo trong mọi hoạt động của tổ chức và các cơ hội cho việc cải tiến nhằm mang lại lợi ích cho tổ chức. Giá trị được tăng thêm thông qua việc phát triển các sản phẩm, dịch vụ và việc sử dụng tối ưu các nguồn lực. Các thông tin cải tiến này tồn tại dưới hình thức tư vấn thông qua lời khuyên, báo cáo kiểm toán hoặc qua những dịch vụ khác. Kết quả cuối cùng đối với mỗi hoạt động cá biệt được trao đổi một cách rõ ràng và hợp lý cho các nhà quản lý và những người điều hành chịu trách nhiệm về hoạt động đó.
- Hỗ trợ tổ chức: Đề cập đến trọng tâm của KTNB là tập trung vào các mục tiêu chính của tổ chức và cách thức mà nhờ đó những mục tiêu này có thể đạt được ngay từ những cấp thấp nhất. Cùng với việc phân tích bối cảnh đưa đến định nghĩa KTNB năm 1999 trên đây, chúng tôi nhận thấy: Mặc dù định nghĩa KTNB năm 1978 đã tỏ ra bao quát các chức năng của KTNB, tuy nhiên định nghĩa thay thế năm 1999 lại phản ánh những thay đổi đang xuất hiện trong phạm vi và trọng tâm của hoạt động KTNB vào những năm gần đây. Điều này được thể hiện qua việc so sánh những nội dung chính yếu ở hai định nghĩa (xem bảng). Có thể tổng kết những lý do cơ bản cho việc ban hành định nghĩa mới của IIA như sau:
· Công việc KTNB được đánh giá bởi chất lượng của dịch vụ thay vì ai làm việc đó;
· Để có thể tiếp tục tồn tại, nghề KTNB phải được nhìn nhận là đem lại lợi ích cho tổ chức;
· KTVNB phải áp dụng nguyên tắc “Chuỗi giá trị”, nghĩa là gia tăng giá trị - hay còn gọi là nâng cao hiệu quả - ở toàn bộ các khâu, các bộ phận và toàn tổ chức chứ không phải là những giá trị đơn lẻ;
TS. Lê Thu Hằng
Kiểm toán Nhà nước