Tổng quan kinh tế Việt Nam năm 2005 và những mục tiêu, giải pháp đặt ra cho năm 2006

09/03/2009
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Năm 2005, nền kinh tế Việt Nam tiếp tục có bước phát triển theo chiều hướng tích cực, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt mức cao nhất trong 5 năm qua (8,4). Cơ cấu kinh tế có bước chuyển dịch theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Tỷ trọng giá trị các ngành sản xuất, dịch vụ trong GDP chuyển dịch theo hướng tích cực. Tỷ trọng giá trị ngành nông nghiệp trong GDP giảm từ 23,2 năm 2001 xuống còn 20,7 năm 2005; tỷ trọng giá trị ngành công nghiệp và xây dựng tăng từ 38,1 năm 2001 lên 40,8 năm 2005. Hoạt động xuất khẩu tăng trưởng khá, năm 2005 kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 20.Thu ngân sách vượt dự toán đề ra. Tỷ lệ huy động vào ngân sách nhà nước tăng lên hàng năm. Vốn đầu tư toàn xã hội năm 2005 dự kiến đạt hơn 320 ngàn tỷ đồng, tăng 16,4 so với thực hiện năm 2004 và bằng 38,2 GDP.

I- Năm 2005, nền kinh tế Việt Nam tiếp tục có bước phát triển theo chiều hướng tích cực, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt mức cao nhất trong 5 năm qua (8,4) (1).

Cơ cấu kinh tế có bước chuyển dịch theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Tỷ trọng giá trị các ngành sản xuất, dịch vụ trong GDP chuyển dịch theo hướng tích cực. Tỷ trọng giá trị ngành nông nghiệp trong GDP giảm từ 23,2 năm 2001 xuống còn 20,7 năm 2005; tỷ trọng giá trị ngành công nghiệp và xây dựng tăng từ 38,1 năm 2001 lên 40,8 năm 2005. Hoạt động xuất khẩu tăng trưởng khá, năm 2005 kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 20.Thu ngân sách vượt dự toán đề ra. Tỷ lệ huy động vào ngân sách nhà nước tăng lên hàng năm. Vốn đầu tư toàn xã hội năm 2005 dự kiến đạt hơn 320 ngàn tỷ đồng, tăng 16,4 so với thực hiện năm 2004 và bằng 38,2 GDP. Từ kết quả đầu tư của những năm trước đó, so với năm 2004, năng lực chủ yếu của một số ngành tăng đáng kể (công suất nguồn điện tăng 6,4 tỷ kwh, than sạch 9,2 triệu tấn, thép cán 4,4 triệu tấn, xi măng 3,7 triệu tấn, động cơ diezen 5000 cái...). Cơ cấu thành phần kinh tế cũng có sự dịch chuyển, các thành phần kinh tế đã được phát huy. Kinh tế nhà nước tiếp tục được đổi mới, sắp xếp lại theo tinh thần Nghị quyết TƯ3; kinh tế tập thể phát triển với nhiều hình thức đa dạng, theo tinh thần Nghị quyết TƯ5; kinh tế cá thể, tư nhân phát triển khá, góp phần quan trọng vào các thành tựu kinh tế xã hội.

Những thành tựu đạt được như trên trong hoàn cảnh hết sức khó khăn, thách thức, càng làm nổi bật những nỗ lực to lớn của nhân dân và các doanh nghiệp, những cố gắng, tích cực của Chính phủ và các cấp, các ngành trong chỉ đạo thực hiện các Nghị quyết của Đảng và Quốc hội, nhất là xử lý các tình huống đột xuất như: biến động của giá cả, tình hình dịch bệnh; lường trước những hậu quả tác động của thiên tai, bão, lũ, lụt..., Chính phủ, các cấp, các ngành, các địa phương đã chủ động, có phương án phòng ngừa và tổ chức di dời dân đến nơi tránh bão, lũ, nên hạn chế được thiệt hại về người và tài sản...

Tuy vậy, bên cạnh những kết quả đạt được thì nền kinh tế Việt Nam còn rất nhiều khó khăn và thách thức. Điều này không chỉ tác động trong các năm 2004 và 2005 mà tiếp tục ảnh hưởng tới năm 2006: tăng trưởng GDP tuy đạt mức cao nhất trong vòng 5 năm lại đây nhưng tính chung bình quân 5 năm (2001-2005) chưa đạt kế hoạch đề ra, chất lượng và sự bền vững của sự phát triển chưa có chuyển biến rõ nét; tình hình thiên tai, bão, lũ, lụt chưa lường hết; dịch cúm gia cầm (H5N1) và đại dịch cúm ở người được chú trọng đề phòng nhưng còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm trên diện rộng nếu không có sự phòng ngừa kiên quyết; môi trường đầu tư, sản xuất, kinh doanh tuy được cải thiện nhưng còn nhiều bất cập; ngành dịch vụ phát triển chưa tương xứng với tiềm năng; hệ thống thị trường chưa phát triển đồng bộ; hệ thống tài chính- tiền tệ phát triển chậm và vẫn còn chứa đựng những yếu tố thiếu lành mạnh là những hạn chế lớn khi hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới; chỉ số giá tiêu dùng tăng cao so cùng với việc thiết lập mặt bằng giá mới tiếp tục tác động đến các ngành sản xuất và đời sống nhân dân; tiến trình tổ chức, sắp xếp doanh nghiệp nhà nước, cổ phần hoá các doanh nghiệp còn chậm; sức cạnh tranh của nhiều sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ còn thấp; công tác xã hội hoá các lĩnh vực xã hội còn lúng túng; cải cách hành chính mới chỉ tập trung vào khâu thủ tục hành chính...

Bên cạnh đó, tác động nhiều mặt của tình hình kinh tế, chính trị ngoài nước, như: kinh tế các nước trong khu vực tiếp tục tăng trưởng khá, tạo sức ép về thị trờng, cạnh tranh ngày càng gay gắt; nguy cơ mất ổn định về an ninh chính trị và kinh tế; về phòng, chống dịch bệnh lây lan; ngày càng nhiều các rào cản về kỹ thuật tác động xấu đến hoạt động xuất khẩu và kìm hãm sức sản xuất trong nước; sự biến động tăng lên của giá cả trên thị trường thế giới gắn với việc thiết lập mặt bằng giá mới đã và đang tác động không nhỏ đến nền kinh tế v.v... Những nhân tố này cần được xem xét một cách toàn diện trong năm kế hoạch năm 2006.

II- Tại Kỳ họp thứ 8 vừa qua, Quốc hội Khoá XI đã thông qua Nghị quyết về nhiệm vụ năm 2006 với mục tiêu tổng quát là năm 2006, năm đầu của thời kỳ kế hoạch 5 năm (2006-2010) là phải tạo sự phát triển kinh tế nhanh, bền vững. Tạo chuyển biến mạnh mẽ về chất lư­ợng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Kết hợp chặt chẽ giữa tăng trởng kinh tế với phát triển văn hóa, xã hội và bảo vệ, cải thiện môi trường; coi trọng phát triển con người, mở rộng dân chủ. Chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế , với các chỉ tiêu chủ yếu về kinh tế- xã hội như: Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng 8 và đặt nhiệm vụ phấn đấu đạt mức tăng trưởng cao hơn; giá trị tăng thêm của ngành nông, lâm, ngư nghiệp tăng 3,8; ngành công nghiệp và xây dựng tăng 10,2; ngành dịch vụ tăng 8; tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 16,4; tổng nguồn vốn đầu tư phát triển toàn xã hội chiếm 38,6 GDP; tốc độ tăng giá tiêu dùng thấp hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế; tạo việc làm cho khoảng 1,6 triệu lao động, trong đó, xuất khẩu lao động và chuyên gia 7,5 vạn người; giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 20 (theo chuẩn mới)…

Để đạt được những mục tiêu, chỉ tiêu kinh tế trên, ngoài những nhóm nhiệm vụ và giải pháp đã đã nêu trong các báo cáo của Chính phủ trình tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội Khoá XI về ổn định kinh tế vĩ mô; nâng cao hiệu quả đầu tư; hội nhập kinh tế quốc tế và nâng cao sức cạnh tranh... theo chúng tôi, cần xác định các nhiệm vụ quan trọng sau đây:

Thứ nhất, sớm xây dựng và ban hành các cơ chế, chính sách, giải pháp để khuyến khích, phát huy tối đa tiềm năng của kinh tế dân doanh, đầu tư nước ngoài; tạo lập môi trường hợp tác, cạnh tranh lành mạnh, nhất là khi các Luật đầu tư­, Luật doanh nghiệp, Luật đấu thầu và các luật kinh tế khác vừa được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 8 có hiệu lực thi hành.

Đặc biệt quan tâm cụ thể hoá các quy định của pháp luật tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư trong đăng ký kinh doanh, đầu tư, thẩm định dự án đầu tư, giải quyết mặt bằng kinh doanh và trong việc tiếp cận các ưu đãi của nhà nước. Áp dụng lộ trình nhưng càng sớm càng tốt chuyển chính sách ưu đãi trước đầu tư sang ưu đãi sau đầu tư; khuyến khích và hỗ trợ các dự án đầu tư, các doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả, có tác động tích cực, trực tiếp đến chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng bền vững.

Các cấp, các ngành chức năng cần tổ chức sớm việc rà soát, thống kê và nắm lại doanh nghiệp hiện có, khuyến khích và bảo vệ doanh nghiệp làm ăn có hiệu quả, hoạt động đúng pháp luật; ngăn chặn có hiệu quả và xử lý nghiêm theo pháp luật tình trạng doanh nghiệp ma, mua bán hoá đơn chứng từ bất hợp pháp. Xây dựng và thực hiện quy chế hậu kiểm, thực hiện nghiêm túc pháp luật kế toán, kiểm toán, thống kê nhằm minh bạch hóa tài chính, tài sản, tạo điều kiện thúc đẩy mạnh hơn sắp xếp, tổ chức lại, chuyển đổi, cổ phần hóa và phát triển DNNN. Đổi mới căn bản tổ chức và phương thức quản lý, làm rõ và thực hiện đúng trách nhiệm đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước tại doanh nghiệp theo Luật doanh nghiệp thống nhất. Đề cao và phát huy quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả kinh doanh.

Thứ hai, tập trung đầu tư đổi mới thiết bị, công nghệ mạnh mẽ hơn trong các ngành sản xuất, chú trọng đối với những ngành sản xuất mũi nhọn, những sản phẩm trọng điểm, chủ lực để nâng cao chất lượng và tăng sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa và dịch vụ. Các doanh nghiệp cần chủ động hơn nữa trong việc xây dựng và thực hiện các chương trình, biện pháp cụ thể để cải tiến kỹ thuật, mẫu mã phù hợp với thị hiếu thị trường, giảm chi phí trung gian, tăng hiệu quả của 1 đồng chi phí (2) để hạ giá thành sản phẩm, nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm hàng hoá, dịch vụ của mình để hoạt động có hiệu quả, nhất là khi dỡ bỏ hàng rào bảo hộ.

Thứ ba, đặc biệt chú trọng tới khâu xuất khẩu trong điều kiện ngày càng gia tăng rào cản kỹ thuật đối với các mặt hàng xuất khẩu chủ lực.

Đối với thị trường ngoài nước, tập trung tháo gỡ mọi rào cản, chủ động ngăn chặn phát sinh rào cản mới để đẩy mạnh xuất khẩu những mặt hàng Việt Nam có lợi thế và đang có thị trường. Phát triển thị trường mới đa phương và song phương, cả hàng hoá và dịch vụ, giữ vững và phát triển mạnh hơn thị trường truyền thống, bảo hộ có lựa chọn thị trường trong nước.

Cùng với việc giữ ổn định các thị trường xuất khẩu truyền thống đối với những mặt hàng xuất khẩu chủ lực (nông sản, thủy hải sản, giày dép,...), cần chú trọng phát triển thị trờng mới, những mặt hàng mới có hàm lượng khoa học công nghệ cao như cơ khí chế tạo, tàu biển, công nghiệp phần mềm, sản phẩm gỗ chế biến .... Đồng thời, thực hiện đồng bộ các giải pháp hỗ trợ về thông tin, xúc tiến thương mại để mở rộng các loại thị trường, đẩy mạnh sản xuất hàng xuất khẩu có chất lượng cao để tăng nhanh khối lượng hàng hoá xuất khẩu. Ngoài ra, cần tổ chức quản lý chặt chẽ nhập khẩu đối với từng nhóm hàng để hạn chế nhập siêu.

Thứ tư, ứng phó kịp thời đối với những biến động của giá cả và ổn định các cân đối vĩ mô của nền kinh tế.

Trong điều kiện giá cả trong nước và ngoài nước còn nhiều yếu tố tác động phức tạp, khó lường hết được. Giá cả nhiều mặt hàng thiết yếu trong nước chịu tác động rất nhanh của sự biến động giá cả trên thị trường thế giới. Do vậy, cần dự báo tốt, theo dõi sát sao, có những giải pháp vừa kinh tế, vừa hành chính và các biện pháp tình thế kịp thời để hạn chế sự tăng giá đột biến, dây chuyền, tác động bất lợi đến sản xuất và đời sống nhân dân, bảo đảm sự ổn định và tăng trưởng bền vững của nền kinh tế.

Nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn (năm 2005, kim ngạch xuất khẩu dự kiến đạt 31,8 tỷ USD; đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện khoảng 2,9 tỷ USD trên tổng số vốn đăng ký trên 5 tỷ USD). Do vậy, cần nhìn nhận một cách khách quan, đánh giá đúng mức mức độ giá cả tăng, các nhóm hàng hóa tăng giá mạnh, các lĩnh vực kinh tế, các nhóm dân cư chịu ảnh hưởng lớn, để kịp thời có sự sắp xếp, cơ cấu lại về vốn, cơ cấu đầu tư, cũng như các cân đối vĩ mô theo mặt bằng giá mới.

Thứ năm, năm 2006 cần được xác định là năm phát triển mạnh hơn, đồng bộ hơn các loại thị tr­ường, nhất là thị trường bất động sản, thị trường tài chính; thị trư­ờng công nghệ.

Chú trọng phát triển mạnh hơn, đồng bộ hơn các loại thị trường, nhất là thị trường bất động sản, thị trường tài chính, thị trường công nghệ trên cơ sở hình thành và phát triển mạnh các sản phẩm của các loại thị trường này. Xây dựng khung pháp lý cơ bản để đưa các sản phẩm vào lưu thông cũng như các dịch vụ môi giới trong thị trường. Phát triển đồng bộ các loại thị trường gắn với yêu cầu mới của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế và các điều kiện về kỹ thuật, sở hữu trí tuệ cũng như bảo đảm khai thác tốt nhất, sử dụng có có hiệu quả cao nhất nguồn tài nguyên của đất nước.

Thứ sáu, quyết tâm thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, chống tham nhũng; tạo sự chuyển biến rõ rệt hơn về chất trong cải cách hành chính.

Trong quá trình phát triển kinh tế- xã hội của mỗi quốc gia, tham nhũng, lãng phí là lực cản quá trình phát triển. Cần có biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn và ngăn chặn sớm, tạo sự phát triển kinh tế- xã hội lành mạnh. Muốn vậy, các ngành, các cấp phải coi đây là nhiệm vụ trọng yếu trong thực hiện kế hoạch năm 2006. Với nhận thức lãng phí, thất thoát, tham nhũng là quốc nạn, phải có biện pháp kiên quyết không để xảy ra tình trạng này, thì việc đề cao trách nhiệm cá nhân trong việc quyết định và thực hiện kế hoạch ở mọi cấp, mọi ngành là hết sức cần thiết. Cùng với việc đẩy nhanh công cuộc cải cách hành chính ở tất cả các khâu, từ thể chế, chính sách cho tới cán bộ và bộ máy để hạn chế và chấm dứt tình trạng nhũng nhiễu trong các khâu của quá trình kế hoạch, đầu tư... thì có thể coi đây là việc tạo điều kiện thuận lợi hơn trong thu hút đầu tư nước ngoài, tăng thêm nguồn lực để thực hiện nhiệm vụ kế hoạch năm 2006.

Thứ bảy, tập trung mọi nguồn lực, sức lực nội sinh để phòng ngừa tích cực và dập tắt kịp thời, có hiệu quả dịch cúm gia cầm H5N1, kiên quyết không để xảy ra chết người, bảo đảm ổn định kinh tế- xã hội và khôi phục nhanh đàn gia cầm trong cả nước, nhằm bảo đảm nhịp độ phát triển nông nghiệp theo Nghị quyết của Quốc hội đã đề ra.

Để đáp ứng nhu cầu kinh phí ứng phó dịch bệnh, sẽ sử dụng nguồn dự phòng ngân sách và nguồn vượt thu ngân sách ở các cấp, trường hợp đặc biệt thì sử dụng quỹ dự trữ tài chính và các nguồn tài chính hợp pháp khác, huy động các nguồn lực trong xã hội để xử lý có kết quả dịch cúm gia cầm (H5N1) và đại dịch cúm ở người nếu xảy ra./.

(1): Năm 2001: GDP tăng 6,9; năm 2002: 7,04; năm 2003: 7,3 và năm 2004: 7,8.

(2): Năm 2005, hiệu quả của 1 đồng chi phí trong các ngành nông, lâm nghiệp là 1,72 đồng; công nghiệp- xây dựng là 1,4 ; dịch vụ là 2,87. Năm 2006, dự kiến tương ứng là: 1,76 đồng; 1,38 đồng và 2,85 đồng. Nguồn: Báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8.

GS. TSKH Tào Hữu Phùng Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế và Ngân sách của Quốc hội

Xem thêm »