Luật Kiểm toán Nhà nước đánh dấu một bước phát triển mới của Kiểm toán Nhà nước (KTNN) trong điều kiện phát triển và hội nhập ngày càng sâu rộng của nền kinh tế nước ta với thế giới. Luật được xây dựng trên cơ sở tổng kết thực tiễn 10 năm hoạt động của KTNN, phù hợp hệ thống pháp luật hiện hành của Việt Nam, quán triệt và thể chế hoá đường lối, chủ trương của Đảng về phát triển KTNN, tham khảo có chọn lọc tuyên bố LIMA về kiểm tra tài tài chính của tổ chức quốc tế các cơ quan kiểm toán tối cao (INTOSAI), thông lệ quốc tế và kinh nghiệm của các nước trên thế giới. Luật ra đời thể hiện quyết tâm của Đảng, Quốc hội, Chính phủ trong việc lập lại kỷ cương quản lý tài chính ngân sách phù hợp với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí nguồn lực công.
(GS.TS Vương Đình Huệ - Phó tổng Kiểm toán Nhà nước , Trưởng ban chỉ đạo triển khai thi hành Luật Kiểm toán Nhà nước trả lời phỏng vấn của Tạp chí Kiểm toán")
Nhân dịp Luật Kiểm toán Nhà nước có hiệu lực thi hành, xin ông đánh giá về tầm quan trọng và ý nghĩa của đạo luật này?
Luật Kiểm toán Nhà nước đánh dấu một bước phát triển mới của Kiểm toán Nhà nước (KTNN) trong điều kiện phát triển và hội nhập ngày càng sâu rộng của nền kinh tế nước ta với thế giới. Luật được xây dựng trên cơ sở tổng kết thực tiễn 10 năm hoạt động của KTNN, phù hợp hệ thống pháp luật hiện hành của Việt Nam, quán triệt và thể chế hoá đường lối, chủ trương của Đảng về phát triển KTNN, tham khảo có chọn lọc tuyên bố LIMA về kiểm tra tài tài chính của tổ chức quốc tế các cơ quan kiểm toán tối cao (INTOSAI), thông lệ quốc tế và kinh nghiệm của các nước trên thế giới. Luật ra đời thể hiện quyết tâm của Đảng, Quốc hội, Chính phủ trong việc lập lại kỷ cương quản lý tài chính ngân sách phù hợp với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí nguồn lực công. Luật KTNN đã khẳng định địa vị pháp lý tương xứng của KTNN: "KTNN là cơ quan chuyên môn về kiểm tra tài chính nhà nước do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật". Đây là quy định có ý nghĩa quan trọng nhằm xác định chức năng nhiệm vụ cũng như các quy định liên quan đến tổ chức và hoạt động của KTNN, phục vụ việc kiểm tra, giám sát của Nhà nước trong quản lý, sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước; góp phần thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng, thất thoát, lãng phí, phát hiện và ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật; nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước.
Với vai trò Trưởng ban chỉ đạo triển khai thi hành Luật, xin ông cho biết quan điểm chỉ đạo của Lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước về việc triển khai thi hành Luật, những nội dung cơ bản trong kế hoạch triển khai và kết quả đạt được?
Luật KTNN ra đời có vị trí quan trọng trong hệ thống pháp luật về kinh tế - tài chính của Nhà nước, là công cụ pháp lý để kiểm tra, kiểm soát các nguồn lực tài chính công, đồng thời tạo cơ sở pháp lý cho việc nâng cao vị trí, vai trò, hiệu lực pháp lý và chất lượng hoạt động của KTNN như một công cụ mạnh của Nhà nước. Do vậy việc triển khai thi hành Luật KTNN có ý nghĩa to lớn và mang tính quyết định.
Để triển khai thi hành Luật KTNN, ngay sau khi Luật được thông qua, Tổng KTNN đã ban hành quyết định thành lập Ban chỉ đạo triển khai thi hành Luật KTNN do một đồng chí Phó Tổng KTNN làm Trưởng ban. Ban chỉ đạo đã xây dựng và triển khai kế hoạch phân công cụ thể các thành viên trong Ban trực tiếp phụ trách các tiểu ban để triển khai thi hành Luật. Nội dung quan trọng nhất là việc tổ chức nghiên cứu, soạn thảo, trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) các Nghị quyết hướng dẫn thi hành Luật và các văn bản thuộc thẩm quyền của Tổng KTNN hướng dẫn chi tiết một số điều, khoản theo quy định của Luật KTNN.
Các Nghị quyết trình UBTVQH ban hành gồm các nội dung: Cơ cấu tổ chức của KTNN; Quy trình xây dựng và ban hành hệ thống Chuẩn mực KTNN; quy định về kiểm toán đối với một số hoạt động thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh; nhiệm vụ, quyền hạn và tiêu chuẩn cụ thể của từng ngạch kiểm toán viên nhà nước; Chế độ tiền lương, phụ cấp, trang phục đối với cán bộ, công chức KTNN và chế độ ưu tiên đối với kiểm toán viên nhà nước. Theo quy định của Luật, Tổng KTNN quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các đơn vị thuộc và trực thuộc; chế độ thi, cấp chứng chỉ, thẻ kiểm toán viên; Quy chế làm việc của KTNN, Quy chế tổ chức và hoạt động của đoàn kiểm toán; quy định cụ thể về quy trình kiểm toán, hồ sơ kiểm toán... Ngoài ra dự thảo Quyết định về danh mục bí mật nhà nước của KTNN cũng đang được soạn thảo trình Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công an để có thể thực hiện được ngay việc công khai kết quả kiểm toán theo quy định tại Điều 58, 59 của Luật KTNN.
Công tác tuyên truyền Luật cũng được xác định có vai trò hết sức quan trọng. Để công tác tuyên truyền, phổ biến Luật KTNN được tốt, ngoài việc xây dựng Kế hoạch tuyên truyền, phổ biến sâu, rộng Luật KTNN tới các cơ quan, đơn vị, tổ chức thuộc đối tượng kiểm toán và trong toàn xã hội, cần phải biên soạn, xuất bản các tài liệu tuyên truyền, phổ biến Luật, như Đề cương tuyên truyền Luật KTNN; tài liệu "Hỏi và đáp về Luật kiểm toán nhà nước" và cuốn "Những nội dung cơ bản về Luật kiểm toán nhà nước"... được cung cấp cho mọi cán bộ công chức KTNN và các cơ quan, tổ chức đơn vị ở Trung ương, chính quyền địa phương tới cấp xã trở lên. Việc tuyên truyền Luật KTNN trên các phương tiện thông tin báo chí cũng đã có kế hoạch triển khai rất chi tiết với những kết quả bước đầu rất đáng ghi nhận.
Về tiến độ thực hiện, đến tháng 9/2005 UBTVQH đã ban hành 02 Nghị quyết quy định về cơ cấu tổ chức của KTNN và quy trình xây dựng và ban hành hệ thống chuẩn mực của Kiểm toán Nhà nước, dự thảo Nghị quyết khác và các dự thảo Quyết định trình UBTVQH, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công an cũng đã được hoàn thành về cơ bản. Đối với các văn bản do Tổng KTNN ban hành mục tiêu của Ban chỉ đạo là cơ bản hoàn thành, trình ký trong quý 1/2006.
* Những khó khăn và thuận lợi trong công tác chuẩn bị triển khai thi hành Luật là gì, thưa ông?
Luật KTNN là luật chuyên ngành, tuy là luật chi tiết nhưng khối lượng của văn bản hướng dẫn như đã nói ở trên là rất lớn, lại phải hoàn thành trong một thời gian rất khẩn trương, trong khi số lượng, năng lực cán bộ tổ chức triển khai hạn chế, chưa có nhiều kinh nghiệm. Tuy nhiên chúng ta cũng có thuận lợi lớn là được UBTVQH, Tổng KTNN quan tâm, chỉ đạo kịp thời, được các bộ ngành có liên quan, các Uỷ ban, cán bộ của Quốc hội phối hợp chặt chẽ. Ngoài ra Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam cũng trợ giúp một dự án với tổng kinh phí hơn 10 tỷ đồng cho việc tổ chức triển khai Luật KTNN.
Đó là những thuận lợi cơ bản trong công tác triển khai thi hành Luật đạt kết quả tốt ngay từ khi có hiệu lực.
* Giai đoạn xây dựng, thông qua Luật cũng như triển khai thi hành Luật cũng là giai đoạn KTNN chuẩn bị triển khai kế hoạch công tác năm 2006 và kế hoạch phát triển KTNN giai đoạn 2006-2010, xin ông cho biết các nội dung này đã thể hiện tinh thần và lời văn của Luật KTNN như thế nào?
Như trên đã nói, việc triển khai thi hành Luật được Lãnh đạo KTNN có chủ trương sớm và chủ động triển khai ngay sau khi Luật được công bố, chính vì thế tinh thần của Luật đã được thể hiện trong việc triển khai một số mặt hoạt động của KTNN năm vừa qua, đặc biệt là công tác xây dựng kế hoạch, chương trình hoạt động năm 2006 và giai đoạn tiếp theo.
Việc xây dựng kế hoạch kiểm toán 2006 đã được triển khai theo tinh thần phục vụ cho Quốc hội phê chuẩn Quyết toán ngân sách nhà nước, phục vụ HĐND phê chuẩn quyết toán ngân sách địa phương, nội dung kiểm toán không chỉ kiểm toán ngân sách nhà nước mà còn kiểm toán tiền và tài sản nhà nước của đối tượng được kiểm toán. Trong từng cuộc kiểm toán lấy nội dung kiểm toán tài chính, kiểm toán tuân thủ là chính đồng thời kết hợp ở mức độ có thể kiểm toán hoạt động nhằm kiểm tra, đánh giá tính kinh tế, hiệu lực và hiệu quả trong quản lý NSNN, tiền và tài sản Nhà nước.
Về khối lượng nhiệm vụ và đầu mối kiểm toán năm nay sẽ tăng cao so với những năm trước. Đối với lĩnh vực ngân sách nhà nước, ngoài kiểm toán Quyết toán ngân sách ở Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch - Đầu tư, năm 2006 dự kiến sẽ kiểm toán quyết toán ngân sách 32 tỉnh thành phố trực thuộc trung ương. Lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản, tiếp tục kiểm toán hai dự án lớn Chính phủ giao 2005 chuyển sang và sẽ kiểm toán khoảng 14 dự án quan trọng trong các lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, thuỷ lợi, trồng rừng và đầu tư mở rộng một số nhà máy sản xuất lớn trong ngành công nghiệp. Kế hoạch kiểm toán lĩnh vực doanh nghiệp và tổ chức tài chính - ngân hàng, quốc phòng, an ninh và khối cơ quan Đảng cũng gia tăng. Đặc biệt, năm 2006 sẽ lần đầu tiên triển khai kiểm toán chuyên đề, với chuyên đề về quản lý và sử dụng chi ngân sách cho khoa học, công nghệ. Kế hoạch công tác năm 2006 cũng giành thờì gian và nhân lực thích đáng cho nhiệm vụ xem xét, trình ý kiến của KTNN để Quốc hội xem xét, quyết định dự toán NSNN, quyết định phân bổ ngân sách trung ương 2007 theo quy định tại khoản 4, Điều 15 Luật KTNN.
Được biết Đảng uỷ cơ quan KTNN cũng xây dựng Nghị quyết về việc triển khai thi hành Luật, trên cương vị là Bí thư Đảng uỷ, ông có thể cho biết nội dung cơ bản của nghị quyết này?
Ngay từ sau khi Luật được thông qua, Đảng uỷ KTNN đã có chủ trương xây dựng nghị quyết về việc lãnh đạo triển khai thi hành Luật KTNN. Hiện nay dự thảo Nghị quyết đã hoàn tất việc lấy ý kiến của các thành viên Ban chỉ đạo triển khai thi hành Luật và đang gửi lấy ý kiến thống nhất của các ông uỷ viên Ban chấp hành Đảng bộ trước khi ban hành. Về lãnh đạo một số nhiệm vụ chủ yếu triển khai thi hành Luật Kiểm toán Nhà nước, Nghị quyết sẽ đề cập 3 nội dung chính, đó là: Ban chỉ đạo và các bộ phận tham gia triển khai thi hành Luật khẩn trương hoàn thành các văn bản hướng dẫn thi hành luật trình cấp có thẩm quyền xem xét, ban hành; cấp uỷ đảng các cấp phối hợp với lãnh đạo đơn vị tổ chức nghiên cứu, tập huấn về Luật cho cán bộ, đảng viên và công nhân viên chức; Ban tuyên giáo Đảng uỷ KTNN phối hợp với cấp uỷ đảng các đơn vị tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, đảng viên và quần chúng nhằm nâng cao tinh thần trách nhiệm, ý thức tổ chức kỷ luật, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.
Với sự chuẩn bị đầy đủ và kịp thời, Luật kiểm toán nhà nước sẽ nhanh chóng đi vào cuộc sống