Công nghệ thông tin tạo đột phá trong chất lượng và kiểm soát chất lượng kiểm toán

19/04/2021
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(Accounting Today) – Với xu thế phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin, đặc biệt là cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang và sẽ tạo ra một kỷ nguyên mới, nơi mà Kiểm toán viên và công nghệ gắn bó chặt chẽ với nhau, giúp cho các cuộc kiểm toán được triển khai nhanh hơn, hiệu quả hơn. Quan trọng hơn là tạo ra đột phá trong chất lượng kiểm toán và kiểm soát chất lượng kiểm toán.

Ngày nay, việc áp dụng công nghệ thông tin, công nghệ cao trong hoạt động kiểm toán sẽ giảm bớt hoặc loại bỏ các nghiệp vụ thủ công, giúp Kiểm toán viên linh hoạt hơn trong công việc, các tổ chức kiểm toán có thể tiến hành kiểm toán nhanh hơn và với số lượng ít Kiểm toán viên hơn. Qua đại dịch COVID-19, việc cho phép các Kiểm toán viên làm việc từ xa đã thúc đẩy mạnh mẽ việc áp dụng các công nghệ mới hơn bao giờ hết, ví dụ như việc sử dụng máy bay không người lái hoặc camera thông minh để kiểm tra hàng tồn kho; sử dụng API để thu thập dữ liệu tài chính; tự động kiểm tra các nghiệp vụ và giao dịch bất thường… đang và sẽ tạo ra giá trị rất lớn cho tất cả các tổ chức kiểm toán.

Trước đây, Kiểm toán viên thường mất rất nhiều công sức để thực hiện các  nghiệp vụ thủ công với vô số các nghiệp vụ phức tạp khó phát hiện, kèm theo đó là tổ chức kiểm toán cũng đối mặt với rất nhiều rủi ro về chất lượng kiểm toán. Ngày nay, hiệu quả dễ thấy đóng góp trực tiếp vào việc nâng cao chất lượng kiểm toán và kiểm soát chất lượng kiểm toán từ các dữ liệu đầu vào ngày càng nhiều hơn, nhưng được xử lý thu thập bằng điện toán đám mây và quy trình kiểm toán thông minh đã làm giảm việc nhập dữ liệu thủ công, dư thừa có thể gây ra sai sót không mong muốn. 

Tiềm năng lớn nhất của việc ứng dụng công nghệ thông tin và công nghệ cao ở bốn vấn đề chính:

Tính nhất quán và tiêu chuẩn hoá: Việc chuẩn hoá và nhất quán trong việc lặp lại các thủ tục, quy trình kiểm toán bằng ứng dụng công nghệ thông tin giúp tăng cường hiệu quả chất lượng kiểm toán và kiểm soát chất lượng kiểm toán.

Tập trung đánh giá rủi ro ban đầu: Phương pháp đánh giá rủi ro ban đầu qua việc ứng dụng công nghệ thông tin là rất quan trọng, bởi việc cho phép thu thập dữ liệu sớm hơn và đầy đủ hơn, góp phần đáng kể vào việc đánh giá rủi ro một cách hiệu quả, đặc biệt là khả năng phân tích dữ liệu được mở rộng giúp kiểm toán viên hiểu rõ hơn về đơn vị được kiểm toán.

 Vận dụng khả năng phân tích dữ liệu lớn: Tại hầu hết các tổ chức kiểm toán lớn đều đánh giá cao việc phân tích dữ liệu. Việc phân tích xử lý dữ liệu khách hàng giúp Kiểm toán viên ghi nhận chính xác các ước tính kế toán, có thể lấy mẫu rất nhanh, đồng thời có thể làm việc với 100% dữ liệu, qua đó hạn chế tối đã rủi ro và nâng cao chất lượng kiểm toán.

Sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI): AI đang được ứng dụng trong mọi lĩnh vực đời sống  xã hội, nghề kế toán cũng không là ngoại lệ, do đó tương lai, Kiểm toán viên sẽ không chỉ sử dụng một công nghệ mà cần đủ năng lực kiểm toán công nghệ của đối tượng được kiểm toán mà bước ngoặt các tổ chức kiểm toán phải thay đổi đó là sử dụng AI trong tổ chức của mình.

Có thể nói, công nghệ thông tin sẽ mang lại cho kiểm toán viên cơ hội lớn hơn bao giờ hết để phát hiện gian lận ở tất cả các cấp và nâng tầm giá trị cho cuộc kiểm toán. Công nghệ thông tin cũng thúc đẩy các tổ chức kiểm toán phải ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, công nghệ cao vào việc kiểm soát chất lượng kiểm toán phù hợp hơn, quá trình tác động qua lại đó sẽ giúp cho chất lượng kiểm toán ngày càng được cải thiện.

(Vụ HTQT dịch)

Xem thêm »