Tổng Kiểm toán Nam Phi Tsakani Maluleke mới đây đã công bố một báo cáo sau khi tiến hành đánh giá kết quả hoạt động thường niên của Tổng công ty Bưu điện Nam Phi (SAPO). Tổng Kiểm toán bày tỏ mối quan ngại đặc biệt trước tình hình tài chính khó khăn, bế tắc của SAPO.
Ngập trong nợ nần
Tổng Kiểm toán Maluleke cho biết, hiện chưa thể thu thập đủ thông tin và bằng chứng kiểm toán cần thiết do các hồ sơ, sổ sách tài chính kế toán của SAPO rất sơ sài và thiếu sót. Bước đầu, cuộc kiểm toán ghi nhận SAPO đã gánh chịu khoản lỗ 1,774 tỷ Rand Nam Phi (ZAR), tương đương 120 triệu USD, trong năm tài chính 2019-2020; những khoản nợ Tổng công ty phải trả đã vượt quá số tài sản hiện có là 1,5 tỷ ZAR.
Theo Báo cáo, SAPO thực sự rơi vào tình trạng tài chính lộn xộn nghiêm trọng chưa từng thấy. Tổng Kiểm toán nêu dẫn chứng tại thời điểm tồi tệ nhất, các hoạt động dịch vụ của Tổng công ty đã gây ra khoản lỗ ròng lên đến 429 triệu ZAR chỉ trong 3 tháng. Báo cáo cho thấy, SAPO đã phát sinh nhiều khoản chi không thường xuyên lên đến hơn 200 triệu ZAR, bên cạnh đó, tình trạng chi tiêu lãng phí và sử dụng ngân sách không hiệu quả cũng gây ra các khoản thất thoát hơn 26 triệu ZAR.
Ngày 31/3, Hội đồng quản trị SAPO đã tổ chức cuộc họp thường niên. Các thành viên dù không công bố chi tiết cụ thể về kết quả hoạt động thường niên của Tổng công ty song đã thừa nhận rằng doanh thu của SAPO trong năm tài chính 2019-2020 đạt được rất thấp so với các mục tiêu đã đề ra.
Hệ quả là, Tổng công ty phải trả mặt bằng thuê tại một số địa điểm và phải đóng cửa khoảng 55 chi nhánh do nợ đọng kéo dài. Ngoài ra, quỹ hưu trí của người lao động và các quỹ y tế, được khấu trừ từ tiền lương của người lao động, đã không được SAPO thanh toán cho các tổ chức liên quan do thiếu kinh phí.
Đại diện SAPO cho biết, Cục Viễn thông và Công nghệ kỹ thuật số đang xây dựng một kế hoạch và thành lập một nhóm chuyên gia giúp SAPO thực hiện kế hoạch đổi mới hầu hết toàn bộ hoạt động. Bên cạnh đó, SAPO cũng đã thực hiện một số biện pháp nhằm tiết kiệm các khoản chi phí như: cắt giảm nhân viên, khuyến khích và tạo điều kiện để nhân viên tự nguyện xin thôi việc, hạn chế các khoản chi tiêu không thật sự cần thiết... Chỉ riêng trong năm tài chính 2019-2020, Tổng công ty đã cắt giảm 1.871 lao động.
Cần hỗ trợ để vượt qua khủng hoảng
Một trong những quyết định lớn nhất của SAPO trong năm tài chính vừa qua là việc tách Ngân hàng Bưu điện Nam Phi Postbank ra hoạt động độc lập khỏi Tổng công ty. Tuy nhiên, Ban Lãnh đạo SAPO lại cho rằng, sự kiện này có ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình tài chính của SAPO.
Bên cạnh đó, Giám đốc Điều hành SAPO Nomkhita Mona thừa nhận: “Kết quả kinh doanh yếu kém và tình hình tài chính tồi tệ như trên là hệ quả của nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, trong đó có nguyên nhân do Tổng công ty đang vận hành một mô hình kinh doanh đã quá lỗi thời. Tình hình hoạt động ngày càng trở nên yếu kém, sa sút trầm trọng hơn từ khi đại dịch Covid-19 xuất hiện”.
Đại diện SAPO cho biết: “Từ đầu năm đến nay, doanh thu của Tổng công ty tăng rất chậm, khó có thể phục hồi và không đủ khả năng để thanh toán tất cả các chi phí hoạt động. Doanh thu sụt giảm nghiêm trọng khiến Tổng công ty rơi vào cảnh thâm hụt tiền mặt nặng nề, khó có thể thanh toán cho các đối tác, các nhà cung cấp dịch vụ, thậm chí không thể trả lương cho nhân viên”, đồng thời thừa nhận những phát hiện của Tổng Kiểm toán.
Đại diện Tổng công ty cũng mong đợi Chính phủ sẽ hỗ trợ về tài chính giúp SAPO có thể giải quyết các vấn đề tồn đọng mà Tổng công ty đang phải vật lộn để đối mặt. “Về lâu dài, chúng tôi tự tin có thể xây dựng một dịch vụ bưu chính đẳng cấp thế giới, có thể phục hồi tình hình tài chính để tự chủ mọi hoạt động mà không phụ thuộc quá nhiều vào ngân sách quốc gia” - Giám đốc Điều hành SAPO lạc quan cho biết.
(Theo mybroadband.co.za và tổng hợp)
(Báo Kiểm toán số 16/2021)