Bắt kịp xu thế đào tạo nhân lực kiểm toán chất lượng cao

28/04/2022
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Ứng dụng thành quả của Cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 trong đào tạo nguồn nhân lực kiểm toán đã và đang trở thành xu thế phổ biến trên thế giới. Bắt kịp xu thế này, KTNN cần xây dựng chương trình đào tạo theo hướng ứng dụng chuyên sâu công nghệ thông tin (CNTT) vào hoạt động kiểm toán, tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và toàn diện hơn.

Công nghệ cao - lựa chọn chiến lược cho các SAI và công ty kiểm toán

Thực tiễn tại các công ty kiểm toán cho thấy, việc ứng dụng thành tựu từ CMCN 4.0 đã giúp nâng cao năng suất làm việc của kiểm toán viên (KTV). Minh chứng là PwC đang tự động hóa quy trình bằng robot cho công tác kiểm toán. Theo đó, khoảng 45% công việc có thể được thực hiện tự động bởi robot, giúp tiết kiệm khoảng 2.000 tỷ USD toàn cầu. KPMG cũng đã sử dụng một công cụ phân tích dự báo (preditive analytics) để phân tích khối lượng khổng lồ dữ liệu kế toán, giúp nhanh chóng khoanh vùng và tập trung phân tích những khu vực số liệu có vấn đề thay vì chọn mẫu như cách làm truyền thống. Công nghệ này giúp tăng chất lượng kiểm toán, giảm nhiều lần thời gian thực hiện. 

Bên cạnh đó, CMCN 4.0 còn tạo ra những thị trường mới và là cơ hội để các công ty, tập đoàn kiểm toán mở rộng thị trường. Nhờ có CMCN 4.0, điều kiện làm việc của KTV được thuận lợi hơn. Thông qua việc sử dụng các trang thiết bị, các chương trình, công nghệ số hiện đại, KTV có thể thu thập thông tin mà trước đây họ khó thu thập được. CMCN 4.0 đã làm thay đổi tư duy, phương thức làm việc của kế toán viên, KTV cũng như công tác đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực này.
CMCN 4.0 đòi hỏi nguồn nhân lực kiểm toán có trình độ cao với việc thành thạo nhiều kỹ năng mới. Lao động trình độ thấp nhiều khả năng sẽ bị đào thải và thay thế bởi máy móc, thiết bị hiện đại nếu không được đào tạo, nâng cao năng lực chuyên môn. Để xây dựng được đội ngũ KTV có khả năng tiếp cận nhanh chóng công nghệ mới, làm chủ công nghệ, biến công nghệ trở thành công cụ đắc lực phục vụ hoạt động kiểm toán, nhiều hình thức đào tạo mới như: E-learning, Mobile-learning, đào tạo từ xa… đã ra đời và từng bước khẳng định được vai trò, ưu thế so với phương thức đào tạo truyền thống.

Báo cáo đánh giá toàn cầu năm 2019 về “Xu thế nguồn nhân lực toàn cầu” của Deloitte cũng cho biết, tác động của CMCN 4.0 và sự xuất hiện của thế hệ Z (những người được sinh ra trong giai đoạn 1995-2022) đã tạo nên các xu hướng mới trong đào tạo nguồn nhân lực. Một trong những xu hướng đó là ứng dụng thành quả của CMCN 4.0 như: Dữ liệu lớn (Big Data), trí tuệ nhân tạo (AI) hay công nghệ đám mây (Cloud Technology) vào hoạt động đào tạo nguồn nhân lực. Thực tế, các công ty kiểm toán độc lập lớn như EY, PwC, Deloitte đang đầu tư hàng tỷ USD vào Big Data và AI để nâng cao chất lượng đào tạo nhân sự. Điều đó cho thấy các công nghệ này đang là xu thế phát triển tất yếu của ngành quản trị nhân sự trong lĩnh vực kiểm toán, tài chính trên thế giới.

Ở khu vực kiểm toán công, năm 2016, Tổ chức quốc tế Các cơ quan Kiểm toán tối cao đã thành lập Nhóm công tác về Dữ liệu lớn với mục tiêu giúp các cơ quan kiểm toán tối cao (SAI) xác định cơ hội, thách thức cũng như chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức trong việc ứng dụng CNTT nói chung và Big Data nói riêng để nâng cao năng lực của SAI. Nhiều công nghệ mới và đặc biệt là Big Data, AI… không chỉ mang lại thay đổi về kỹ thuật mà còn là lựa chọn chiến lược cho sự phát triển của các SAI trong kỷ nguyên số. Các SAI: Anh, Mỹ, Canada, Scotland, Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc... đã ứng dụng Big Data và AI vào hoạt động và coi CNTT như một công cụ hỗ trợ đắc lực cho sự phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.
 
Đổi mới chương trình đào tạo, đầu tư về cơ sở vật chất

Bắt kịp với xu thế trên thế giới, KTNN cần xác định chiến lược phát triển, ứng dụng CNTT trong phát triển nguồn nhân lực chất lượng hơn, toàn diện hơn để có thể đáp ứng các yêu cầu đặt ra từ CMCN 4.0. Việc này càng trở nên quan trọng trong bối cảnh Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN có hiệu lực từ ngày 01/7/2020 cho phép KTNN “được truy cập vào cơ sở dữ liệu quốc gia và dữ liệu điện tử của đơn vị được kiểm toán, của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán để khai thác, thu thập thông tin, tài liệu liên quan trực tiếp đến nội dung, phạm vi kiểm toán”. Đây vừa là cơ hội vừa là thách thức đối với KTNN trong việc thực thi chức trách, nhiệm vụ đã được quy định tại Hiến pháp 2013, đồng thời đòi hỏi KTV ngày càng chuyên nghiệp và nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ cao vào hoạt động kiểm toán.

Để xây dựng được nguồn nhân lực chất lượng cao, am hiểu về công nghệ và thích ứng với môi trường mới, trước hết, KTNN cần nâng cao nhận thức cho KTV về vai trò của việc ứng dụng CNTT trong hoạt động kiểm toán. Đặc biệt, KTNN cần xây dựng chương trình đào tạo theo hướng ứng dụng chuyên sâu CNTT trong hoạt động kiểm toán, tạo điều kiện để KTV thực hành nhiều hơn các bài tập tình huống nhằm tăng kinh nghiệm, kỹ năng xử lý khi tham gia hoạt động kiểm toán. Đồng thời, cần phát triển đào tạo trực tuyến, xây dựng hệ thống học liệu mở, thư viện điện tử, các chương trình đào tạo E-learning, Mobile-learning, phòng kế toán, kiểm toán ảo, đào tạo kế toán công nghệ thực tế ảo… tạo điều kiện cho người học học tập và tăng tính tương tác giữa người học với giảng viên.

Bên cạnh đó, quá trình đào tạo và phát triển nguồn nhân lực kiểm toán trong bối cảnh CMCN 4.0 đặt ra yêu cầu trang bị cơ sở hạ tầng CNTT (băng thông, đường truyền, máy móc, phần mềm...), trang thiết bị để phục vụ việc ứng dụng và đào tạo chuyên sâu về CNTT trong hoạt động kiểm toán. Đồng thời, KTNN cần chú trọng tăng cường quản lý an ninh mạng; nâng cao hệ thống an ninh, bảo mật ở mức cao, đảm bảo việc mở rộng phạm vi hoạt động được ổn định, an toàn, mang lại hiệu quả lâu dài.

Theo Báo Kiểm toán

Xem thêm »