NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG XÂY DỰNG BÁO CÁO KIỂM TOÁN: Kinh nghiệm nâng cao chất lượng báo cáo kiểm toán ngân sách Bộ, ngành

30/06/2022
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

CHẤT LƯỢNG BÁO CÁO KIỂM TOÁN (BCKT) PHỤ THUỘC VÀO NHIỀU YẾU TỐ, TỪ VIỆC BAN HÀNH HƯỚNG DẪN, BỐ TRÍ NHÂN SỰ, TẬP HUẤN CHUYÊN SÂU ĐẾN KHÂU KIỂM SOÁT, THẨM ĐỊNH CHẶT CHẼ…

Đoàn kiểm toán bố trí nhân sự có kinh nghiệm, chuyên môn sâu thực hiện từ khâu khảo sát, lập kế hoạch kiểm toán. Ảnh tư liệu

Hằng năm, Kiểm toán nhà nước (KTNN) chuyên ngành II thường được giao thực hiện 15 cuộc kiểm toán, trong đó có khoảng 7 - 8 cuộc kiểm toán ngân sách Bộ, ngành. Hầu hết BCKT được phát hành đúng thời gian, đảm bảo chất lượng, hiệu quả. Qua thực tiễn kiểm toán, đơn vị đã rút ra một số kinh nghiệm nhằm nâng cao chất lượng BCKT.

Bài học trước hết, bên cạnh sự quan tâm thường xuyên của lãnh đạo KTNN, sự phối hợp hiệu quả của các đơn vị chức năng, yếu tố quan trọng chính là sự chỉ đạo xuyên suốt, thống nhất của lãnh đạo đơn vị, sự chú trọng triển khai các giải pháp và nhiệm vụ trọng tâm của các đoàn kiểm toán (ĐKT).

Việc ban hành văn bản hướng dẫn chi tiết trình tự lập, thẩm định, xét duyệt, phát hành kế hoạch kiểm toán (KHKT), BCKT và lưu trữ hồ sơ kiểm toán của đơn vị, trong đó quy định cụ thể về nguyên tắc, trách nhiệm của lãnh đạo Vụ, lãnh đạo ĐKT, tổ trưởng tổ kiểm toán, Phòng Tổng hợp, các phòng kiểm toán, Hội đồng thẩm định cấp Vụ và tổ thẩm định, tổ kiểm soát chất lượng kiểm toán… sẽ là căn cứ thực hiện thống nhất trong toàn đơn vị.

Ngay từ đầu năm, KTNN chuyên ngành II đã tổ chức cập nhật, phổ biến các văn bản, quy định, hướng dẫn trong và ngoài Ngành nhằm phục vụ công tác kiểm toán nói chung, công tác lập, kiểm soát chất lượng kiểm toán và phát hành BCKT nói riêng.

Trước mỗi đợt kiểm toán, đơn vị đều tổ chức tập huấn chuyên sâu các chủ đề, lĩnh vực, nhiệm vụ kiểm toán thực hiện trong năm cho công chức, kiểm toán viên. Đối với những lĩnh vực mới, mang tính đặc thù, đòi hỏi có sự hiểu biết, chuyên môn sâu… đơn vị mời chuyên gia tập huấn cho cán bộ, công chức để nâng cao chất lượng kiểm toán.

ĐKT cần bố trí nhân sự có kinh nghiệm, chuyên môn sâu thực hiện từ khâu khảo sát, lập KHKT, tham gia tổ tổng hợp khi thực hiện kiểm toán, cho đến lập dự thảo BCKT.

Trưởng ĐKT giám sát chặt chẽ quá trình kiểm toán và định hướng các vấn đề cần tập trung; chỉ đạo các tổ kiểm toán xử lý kịp thời, chính xác các vấn đề phát sinh; đảm bảo nhất quán trong đánh giá, nhận xét, kiến nghị cũng như phối hợp chặt chẽ giữa các tổ trong ĐKT. Các trưởng đoàn cũng thường xuyên nghiên cứu, cập nhật văn bản, đặc biệt là các chính sách mới và có chỉ đạo, định hướng để ĐKT thực hiện nhiệm vụ đạt kết quả cao.

Khi kết thúc kiểm toán tại đơn vị, các số liệu, ý kiến đánh giá, nhận xét của các tổ kiểm toán đã được hệ thống một cách đầy đủ, làm cơ sở cho việc lập dự thảo BCKT. Điều này giúp rút ngắn thời gian lập dự thảo BCKT, tăng thời gian soát xét, thẩm định của các tổ và Hội đồng thẩm định cấp Vụ, góp phần nâng cao chất lượng BCKT.

Biên bản kiểm toán của các tổ kiểm toán được kiểm tra chéo, dự thảo BCKT luôn được xem xét chặt chẽ, đạt được sự thống nhất cao trong nội bộ đoàn, được soát xét kỹ lưỡng trước khi trình Hội đồng thẩm định cấp Vụ xem xét, trình các vụ chức năng thẩm định. 

Hội đồng thẩm định cấp Vụ được thành lập từ những thành viên có kinh nghiệm phù hợp với lĩnh vực được phản ánh, tổng hợp trong BCKT.

Vai trò của tổ kiểm soát, tổ thẩm định, Hội đồng thẩm định cần được nâng cao, trong đó, tổ kiểm soát thực hiện xuyên suốt từ lập KHKT đến phát hành BCKT, tham gia Hội đồng thẩm định cấp Vụ, nghiên cứu các vấn đề cần lưu ý, các văn bản mới, các vấn đề nổi cộm hoặc chưa có sự nhất quán trong các văn bản quản lý… phát sinh khi kiểm toán trưởng, trưởng ĐKT yêu cầu để hỗ trợ ĐKT thực hiện nhiệm vụ kiểm toán, lập, kiểm soát chất lượng và phát hành BCKT.

Việc thẩm định, kiểm soát chất lượng kiểm toán đối với dự thảo BCKT được các bộ phận thực hiện với tinh thần trách nhiệm cao, xem xét kỹ từng vấn đề, đảm bảo tính pháp lý, bằng chứng kiểm toán và sự phù hợp giữa kết quả và kiến nghị kiểm toán.

Công tác quản lý, điều hành các ĐKT không chỉ tạo ra sự thống nhất trong ý chí và hành động mà còn phát huy khả năng tiềm ẩn của mỗi cá nhân vào quá trình kiểm toán, nâng cao tính kỷ luật đối với đoàn, tổ, thành viên ĐKT và trách nhiệm của tổ tổng hợp, tổ kiểm soát, thành viên Hội đồng thẩm định, các tổ trưởng tổ kiểm toán, các kiểm toán viên trong việc lập, kiểm soát, phát hành BCKT./.

Theo Báo kiểm toán số 26/2022

Xem thêm »